Thêm một gia đình tỵ nạn từ Thái Lan đến được bến bờ tự do

Gia đình ông Thức tại phi trường Pearson Toronto.

Theo tin từ ông Vũ Phạm Yên, một người theo dõi chuyện vận động định cư cho những người tỵ nạn bị kẹt lại ở Thái Lan, thì sau hơn ba thập niên sống tạm dung ở Thái Lan, gia đình một người tỵ nạn là  ông Trần Ngọc Thức gồm năm thành viên, đã được chính phủ Canada tiếp nhận, đến được miền đất hứa.

Sau khi hoàn tất các thủ tục hành chánh, nhân viên cơ quan Di trú tại phi trường Pearson Toronto đã chuyển giao năm tân thường trú nhân nêu trên cho tổ chức VOICE Canada đảm trách công việc tái định cư lúc 3 giờ chiều, hôm Thứ Sáu 27 Tháng Năm. Ra đón gia đình ông Thức tại phi trường Pearson Toronto có các thành viên tổ chức VOICE Canada.

Hiện nay, số người vượt biên khỏi Việt Nam và chờ xin được tỵ nạn, lên đến gần 2,000 người, trong đó có không ít người dân tộc thiếu số ở Nam phần Tây Nguyên. Tuy nhiên chính sách chuyển giao và tiếp nhận người tỵ nạn mỗi lúc càng khó khăn hơn bao giờ hết. Lúc này bất kỳ ai đến được một nước thứ ba đều là một niềm hạnh phúc khó tả.

Theo ông Vũ Phạm Yên, thì Tháng Sáu 1989, Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã họp với các quốc gia đón nhận người tỵ nạn tại Thụy Sĩ để đưa ra kế hoạch hành động có tên là Comprehensive Plan of Action, viết tắt là CPA, với mục đích là tìm ra giải pháp kết thúc làn sóng người Việt vượt biên tìm tự do. Chương trình CPA đã quyết định thời hạn chấm dứt việc công nhận là người tỵ nạn hay còn gọi là Cut-Off Day. Tại Thái Lan, Cut-Off Day được ấn định là ngày 14 Tháng Ba năm 1989. Những người nào đến sau ngày này sẽ bị thanh lọc.

Ông Thức là người đến muộn. Năm 1990, ông Trần Ngọc Thức vượt biên sang Thái Lan và bị đưa vào trại PhanatNikhom. Tuy nhiên, khi biết tin sẽ bị thanh lọc – tức có thể bị trao trả về Việt Nam, ông Thức đã trốn trại và sống đời lưu vong bất hợp pháp tại Thái Lan cho đến ngày được Bộ Di trú chấp thuận cho định cư tại Canada.

Tính đến nay, trong số 50 người nộp đơn xin định cư tại Canada và nhờ VOICE Canada tìm người bảo trợ, đã có 40 người được nhân viên Di trú Canada tại Thái Lan phỏng vấn. Hầu hết những người được phỏng vấn đã được Bộ Di trú Canada đồng ý cho nhập cảnh. Trong số 40 người này, có 17 người đã đến Canada gồm có: Gia đình anh Bạch Hồng Quyền (5 người), gia đình anh Nguyễn Văn Thuyết (5 người), gia đình ông Dương Hồng Thẩm ( 2 người) và gia đình ông Trần Ngọc Thức (5 người). Những gia đình này được VOICE Canada trợ giúp tái định cư.

Trước đó, còn có hai gia đình: Bà Trần Thị Lụa (7 người – Tháng Một 2022) và bà Nguyễn Thị Phúc (5 người- Tháng Mười Hai 2021), cũng đã từ Nam Dương đến Canada do VOICE Canada bảo trợ theo chương trình bảo trợ tư nhân.

Được biết từ Tháng Năm 2021, tổ chức VOICE đã chấm dứt chương trình Xã hội Dân sự sau mười năm hoạt động, tuy nhiên VOICE Canada vẫn tiếp tục công việc bảo trợ người tỵ nạn và Bộ Di trú hiện đang tiếp tục phỏng vấn các gia đình trong danh sách 50 người xin định cư tại Canada, ông Đỗ Kỳ Anh, Chủ tịch VOICE Canada cho biết.

Cùng đưa gia đình ông Thức đến Canada vào ngày 27 Tháng Năm vừa rồi, còn có cô Grace Bùi, tiến sĩ luật, đại diện Dự án Hỗ trợ người Thượng tại Thái Lan, thiện nguyện viên đã sống ở Thái Lan 7 năm. Cô Grace Bùi, cho biết hiện nay có khoảng 1,600 người tỵ nạn cộng sản, có danh sách tại Thái Lan, gồm năm nhóm: Người Thượng đông nhất là những người bị đàn áp về tôn giáo, bị cướp đất, nhóm thứ hai là người H’Mong, nhóm thứ ba là người Việt tranh đấu cho nhân quyền, những nhà bất đồng chính kiến, tù nhân lương tâm, nhóm thứ tư là Khmer Krom, hiện tập trung ở biên giới Kampuchia và Việt Nam và nhóm cuối cùng là những thuyền nhân tỵ nạn còn lưu lạc ở Thái Lan.

Phần lớn những thuyền nhân tỵ nạn trước đây đã xin định cư tại Canada và được VOICE Canada bảo lãnh theo chương trình bảo trợ tư nhân. 108 thuyền nhân đã được nhập cư vào Canada vào năm 2016, 2017, nên chỉ còn khoảng 10 gia đình thuộc thành phần này.

Bà Grace Bui, người đầu tiên bên trái.

Bà Grace Bùi cho biết “Đời sống của những người tỵ nạn rất khó khăn, đôi khi đi làm còn bị chủ quỵt tiền công. Nếu bị bắt đưa vào trung tâm giam giữ người cư trú bất hợp pháp, họ sẽ bị giam cho đến khi nào có nước thứ ba nhận. Về y tế, họ không có tiền để chữa bệnh vì làm không đủ ăn, không có dư tiền. Có những trường hợp bệnh không được điều trị dẫn đến tử vong”.

“Mỗi hai tháng, nhờ sự tài trợ của các mạnh thường quân ở hải ngoại, chúng tôi mang đến phát cho mỗi gia đình 15 ký gạo, nhưng chỉ đủ cho họ ăn một tuần. Tuy nhiên có điều an ủi là chính phủ Thái cho tất cả các em, dù sống bất hợp pháp cũng được đến trường. Ở Thái, từ lớp 1 đến lớp 12 được miễn phí tiền học” cô Grace Bùi, nói.

Nói với báo Sài Gòn Nhỏ, bà Grace Bùi cho biết rằng có những người đến tỵ nạn tại Thái Lan, nhưng vì quá cực khổ rồi phải lẩn trốn vì không có giấy tờ hợp pháp nên chịu đựng được một thời gian thì họ tìm cách quay trở lại Việt Nam. Nhưng rồi từ đó không nghe thấy của họ sống còn như thế nào.

“Có những người đã chờ, xin đi tỵ nạn đến nước thứ ba, đến nay đã hơn 30 năm”, bà Grace Bùi cho báo Sài Gòn Nhỏ biết.

Bà Grace Bùi xác nhận bà đến Canada để theo dõi tiến trình xin nhập cư của một số hồ sơ người Thượng đã được chuyển sang cho cựu Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải từ năm 2019. Năm 2021, bà Grace Bùi cũng đã trở về Mỹ vận động cho những người tỵ nạn ở Thái Lan với hy vọng Hoa Kỳ sẽ áp dụng chương trình bảo trợ tư nhân như Canada.

Theo tin tức từ Thái, thì hiện có thêm sáu hồ sơ đã được chấp thuận nhập cảnh Canada, đang chờ khám sức khỏe. Trong số sáu người này, có nhà đấu tranh nhân quyền Hồ Bích Khương (5 năm tù), Đoàn Huy Chương – Phong trào Lao động Việt (7 năm tù), Chu Mạnh Sơn- nhóm Thanh niên Công giáo (30 tháng tù), Phan Ngọc Tuấn (5 năm tù).

“Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi tất cả quý vị ân nhân, quý vị mạnh thường quân, các tổ chức chính trị, hội đoàn, nếu nghĩ đến hoàn cảnh bi đát hiện nay của đồng bào tỵ nạn, xin cùng chung tay bảo trợ họ theo chương trình bảo trợ tư nhân. Họ rất cần sự trợ giúp của quý vị. Bất cứ ai cũng có thể thành lập nhóm năm người bảo trợ những đồng bào đang khốn khổ ở Thái Lan”, bà Grace Bùi, nói thêm.

(Theo thông tin cung cấp từ ông Vũ Phạm Yên)

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: