Thông tin thêm về vụ hai viên chức nhà nước đòi công lý

Vụ việc từng được báo chí đăng tải từ năm 1992

Rất “bức xúc” khi đọc bản tin trên báo Thanh Tra bài viết: “Xin nghỉ hưu sớm ra khỏi ngành để đòi công lý” trong đó thuật lại việc ông Trưởng phòng Văn hóa quận Bình Tân và một người nữa là Thiếu tá Công an TPHCM đã xin thôi việc, xin ra khỏi ngành để “truy đến cùng” những khuất tất, ngang ngược của lãnh đạo UBND quận Bình Tân trong việc vô cớ ngăn chặn và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của toàn bộ gia đình họ.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, con trai thứ ba của cụ Nguyễn Văn Nhờ, trước khi xin thôi việc ông Hoàng là Quận ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Bình Tân, người thứ hai là ông Nguyễn Văn Ngọc, con trai út của cụ Nhờ, từng là thiếu tá công an, công tác tại Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TPHCM.

Hồi nào giờ người ta chỉ nghe dân chúng bị oan khuất trong các vụ đất đai có ai nghe cán bộ nhà nước cũng trở thành “cán oan” đâu? Sau khi đọc bản tin lại càng bực mình hơn, cảm thương cho cả gia đình hai cán bộ cũng là anh em có cha ruột đã hy sinh cả cuộc đời cho Đảng nay lại bị chính các đồng chí của mình trở mặt, không nghĩ gì đến tình nghĩa bao năm từng cộng tác với nhau, nhất là khi nghe ông Nguyễn Văn Ngọc than thở: “Điều đáng buồn hơn nữa, trong quá trình tôi làm đơn xin thôi việc, không có một tổ chức hay lãnh đạo nào tiếp xúc để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ. Thậm chí, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch quận ký quyết định xong không trực tiếp trao cho tôi mà cho nhân viên đẩy thẳng lên cổng thông tin của quận”.

Trước nay nghe từ “oan sai” là người dân nghĩ ngay tới những bản án oan khuất, những sai phạm trong tòa án, những xử lý bất minh trong điều tra xét hỏi, nay thấy vụ này có oan ức, sai trái lắm nên ban đầu dư luận tỏ ra ngỡ ngàng nhưng lạ một điều là khá dè dặt, không “bức xúc” như những vụ xảy ra với người dân, hay tại định kiến quá sâu với công an khiến người dân thờ ơ trước một “oan sai” như thế này?

Khoan. Từ từ tìm hiểu sâu hơn thì nảy ra cái “nhọt” đã mưng mủ gần 50 năm, nay hai “đồng chí” từ quan làm cho bục mủ ra cho bàn dân thiên hạ thấy.

Trước tiên “cụ” Nguyễn Văn Nhờ là ai mà có trong tay một số đất khá lớn để chia cho bầy con của cụ trong thời buổi “đất thiếu, gian hùng thừa” này? Theo trang Facebook của nhà báo Trương Châu Hữu Danh, người đang ngồi trong tù vì nhiều bài báo “chạm nọc” với các tai to mặt lớn thì ông Nguyễn Văn Nhờ tên thật là Lâm Minh Dần sinh năm 1939 vào đảng năm 1958 sau năm 1975 đổi tên mới cho hợp với “phong thủy” bần cố nông. Ông Nhờ được phân công phụ trách Công an quận 8 và huyện Bình Chánh. Trong khu vực ông Nhờ quản lý có khu đất của bà Trần Thị Đê là mẹ của bà Lê Thị Hồng Phượng, người sau này đã kiện gia đình ông Nhờ đã cướp đất của gia đình bà trong suốt hơn 40 năm.

Mảnh đất rộng hơn 16.000m2 không bị Chính quyền mới trưng thu, tịch thu, trưng mua vì là đất hoàn toàn hợp pháp. Nhưng do đang nắm quyền tại đây ông Nhờ đã phù phép biến một số lớn diện tích của mảnh đất này thành của riêng chia cho toàn bộ gia đình ông trong đó có hai gia đình của hai “cán bộ” vừa mới từ chức để “tranh đấu” cho quyền lợi của họ.

Nếu không tin Trương Châu Hữu Danh người ta có thể đọc lại bản tin của báo Dân Trí đề ngày 11 tháng 7 năm 2018: “Trước giải phóng, gia đình bà Lê Thị Hồng Phượng sở hữu 16.000 m2 đất tại Bình Trị Đông, Bình Chánh. Do nằm ở vị trí đắc địa nên năm 1974, gia đình bà san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào để chuẩn bị xây dựng dự án Khu thương xá. Đến ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, phần đất này được chính quyền mới tạm giữ nhưng không ra văn bản tịch thu hoặc cải tạo hoặc trưng thu sử dụng. Sau khi đất nước ổn định, từ năm 1978 gia đình bà Phượng liên tục khiếu nại đòi lại phần đất trên nhưng vụ việc này chưa được giải quyết dứt điểm.

Đối với phần đất ông Nguyễn Văn Nhờ (nguyên lãnh đạo huyện Bình Chánh) Trưởng công an Huyện Bình Chánh chiếm dụng bất hợp pháp, Thanh tra TP từng yêu cầu Bí thư huyện Bình Chánh xem xét xử lý. Việc ông Nhờ cản trở đo đạc để xác định diện tích giữa các phần đất của ông Nhờ, hộ dân lấn chiếm và bến xe Miền Tây để cơ quan chức năng có cơ sở trình UBND TP.HCM giải quyết cần được xem xét xử lý.”

Vậy là hai ông cán bộ bị oan… sai. Kêu oan nhưng bản chất là sai lè ra nhưng cứ nằng nặc là oan, oan hơn cả dân oan nữa thì quá đặc biệt. Báo chí cũng không chịu tìm hiểu kỹ hơn để làm những cái tựa giật gân. Từ ngày ông Nên về lãnh đạo có vài việc khiến dân Sài Gòn mát dạ, nhất là vụ này, thẳng tay bẻ gãy cái tình đồng chí ăn mày quá khứ để trả lại niềm tin cho quần chúng. Vụ việc chưa biết hồi kết ra sao nhưng hành động quyết đoán này của Quận Bình Tân đáng làm gương cho các nơi khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: