Tin độc quyền Reuters: chính quyền Việt Nam từng dọa “đóng cửa” Facebook

Minh Đăng

Hà Nội đã dọa đóng cửa Facebook trong nước nếu họ không cúi đầu trước áp lực chính phủ Việt Nam trong việc kiểm duyệt nhiều nội dung chính trị trên nền tảng của mình, một quan chức cấp cao của Facebook nói với Reuters. Facebook đã ngoan ngoãn tuân thủ yêu cầu chính quyền vào tháng 4, khi tăng cường kiểm duyệt đáng kể các bài “chống nhà nước” đối với người dùng trong nước nhưng Việt Nam tiếp tục yêu cầu một lần nữa vào tháng 8, “kèm một số mối đe dọa về những gì có thể xảy ra nếu chúng tôi không làm như vậy” – viên chức cấp cao của Facebook (giấu tên) nói. Viên chức này cho biết các mối đe dọa bao gồm việc đóng cửa hoàn toàn Facebook tại Việt Nam, một thị trường lớn của công ty truyền thông xã hội nơi mà nó đạt doanh thu gần 1 tỷ USD.

Dù cải cách kinh tế sâu rộng và cởi mở hơn với thay đổi xã hội, Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông và ít chấp nhận sự phản đối. Nước này đứng thứ 5 từ dưới lên trong bảng xếp hạng toàn cầu về tự do báo chí do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới tổng hợp. Bộ Ngoại giao Việt Nam từng trả lời Reuters rằng Facebook nên tuân thủ luật pháp địa phương và ngừng “phát tán thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam và xâm phạm lợi ích nhà nước”. Một phát ngôn viên của Facebook cho biết họ đã phải đối mặt với áp lực thêm từ Việt Nam trong việc kiểm duyệt nhiều nội dung hơn trong những tháng gần đây.

Facebook, phục vụ khoảng 60 triệu người dùng tại Việt Nam, là nền tảng chính cho cả thương mại điện tử cũng như các biểu hiện phản đối chính trị, đã bị chính quyền giám sát liên tục. Reuters từng đưa tin độc quyền vào tháng 4 rằng các máy chủ địa phương của Facebook tại Việt Nam đã bị “offline” vào đầu năm nay cho đến khi họ tuân thủ các yêu cầu chính quyền. Facebook từ lâu đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ nhóm nhân quyền vì đã quá tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt của nhà nước Việt Nam, nơi đã cố gắng tung ra các mạng xã hội trong nước để cạnh tranh với Facebook nhưng chưa có mạng nào đạt được mức độ phổ biến có ý nghĩa. Quan chức Facebook cho biết công ty chưa thấy người dùng Việt Nam di chuyển sang các nền tảng địa phương.

Quan chức này cho biết Facebook đã phải chịu một “chiến dịch truyền thông tiêu cực kéo dài 14 tháng” trên báo chí Việt Nam do nhà nước kiểm soát trước khi đi đến bế tắc hiện tại. Khi được hỏi về lời đe dọa đóng cửa Facebook của Việt Nam, Tổ chức nhân quyền Amnesty International cho biết thực tế Facebook vẫn chưa bị cấm sau khi bất chấp những lời đe dọa của chính phủ Việt Nam cho thấy công ty đáng lý có thể làm nhiều hơn để chống lại yêu cầu của Hà Nội. “Facebook có trách nhiệm rõ ràng là tôn trọng nhân quyền ở bất cứ nơi nào họ hoạt động trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ,” Ming Yu Hah, Phó giám đốc khu vực phụ trách các chiến dịch của Tổ chức Ân xá, cho biết. Tuy nhiên, “Facebook đang ưu tiên lợi nhuận ở Việt Nam và không tôn trọng nhân quyền”.

Cần nói thêm, ngày 17-11-2020, ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, đã phải ra điều trần và bị chất vấn tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ về hành vi tiếp tay cho chính quyền Việt Nam kiểm soát và đóng tài khoản của người sử dụng có tiếng nói bất đồng với chính phủ. Trả lời thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Marsha Blackburn rằng liệu Facebook có thường xuyên kiểm duyệt tài khoản của người sử dụng theo lệnh của các chính phủ nước ngoài hay không, Mark Zuckerberg nói: “Tôi không chắc liệu có điều gì cụ thể mà ngài đang đề cập đến hay không, nhưng nói chung chúng tôi không kiểm duyệt”, rằng “tôi không rõ tất cả chi tiết của việc đó, nhưng tôi tin rằng chúng tôi có thể đã làm điều đó. Và nói chung, chúng tôi cố gắng tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia khác nhau mà chúng tôi đang hoạt động”. Thượng nghị sĩ Blackburn cáo buộc người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã ưu tiên “lợi nhuận hơn nguyên tắc” khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến theo lệnh của các chính phủ nước ngoài.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: