‘Tự hào quá Việt Nam ơi!!!’

Hiện trường nơi bé Thái Lý Hạo Nam gặp tai nạn. Ảnh: báo Nhân Dân

Những bài báo đúc từ khuôn

Đã gần bốn ngày kể từ lúc Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi, rơi vào cọc bê-tông dài 35m, rộng 25 cm, cắm sâu trong lòng đất vào trưa ngày 31 Tháng Mười Hai, 2022. Tất cả các tờ báo lớn trong nước, dĩ nhiên không thể không đưa tin, chưa kể bản tin được xếp vào loại TIN NÓNG, luôn xuất hiện trên đầu trang báo điện tử.

Điều đáng nói, nội dung của tất cả tờ báo lớn, nhỏ của Ban tuyên giáo CSVN đều giống nhau đến 90%, từ Vnexpress, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Dân Trí, cho đến báo của showbiz như ngoisao.net, Tin tức 24 giờ, Zing…

Rất nhiều từ ngữ xuất hiện rập khuôn trong những bài viết của các tác giả khác nhau, như “nỗ lực cứu bé trai”; “huy động mọi lực lượng”; “hàng chục công binh”; “thiết bị hiện đại”; “cứu hộ làm xuyên đêm”; “bơm oxy, truyền nước”…

Những gì độc giả tìm thấy trong hàng trăm bài báo trong nước đều là một khuôn đúc: đó là diễn tả về diễn tiến kỹ thuật của quá trình cứu hộ. Càng diễn tả, càng “lòi” ra sự yếu kém, bất lực, trì trệ, giả dối của nhiều ban bệ, ngành nghề.

Một nửa ổ bánh mì là bánh mì

Theo dõi mạng xã hội và lời nhắn độc giả gửi vào những bài báo về vụ việc, ai cũng nhận ra sự quan tâm không nhỏ của người dân đối với tình trạng sống còn của cậu bé xấu số kia. Điều quan trọng duy nhất mà bất kỳ người dân nào trên thế giới cũng đều mong muốn được biết khi đọc những bài viết theo dạng cập nhật sự việc, đó là nạn nhân (nếu có) của tai nạn đó ra sao, dù là mong manh hoặc xấu nhất.

Nhưng trong suốt gần ba ngày thông tin về bé Hạo Nam ngập tràn trên báo chí, người đọc chỉ “học” được những bài học về vật lý, kỹ thuật xây dựng, đào đắp. Hoàn toàn không có một chi tiết nào cho biết từ khi cậu bé rớt xuống ống cọc, những người đầu tiên nghe tiếng kêu cứu đã phản ứng thế nào? Lúc đó họ nghe tiếng kêu của Hạo Nam ra sao? Họ đã làm gì để tiếp cận với cậu bé lúc đó, dù đã không thành?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó tư lệnh Quân khu 9 và anh Thái Văn Tấn Tài, cha của bé Nam. Ảnh: Hoàng Nam/Tuổi Trẻ

Theo những gì báo chí ĐƯỢC tường thuật, sau khi bé Hạo Nam gặp tai nạn, các bạn đi cùng hô hoán để người lớn đến ứng cứu, nhưng bất thành. Phải đến 30 phút sau lực lượng cứu hộ mới xuất hiện.

Lời tường thuật duy nhất từ phía nạn nhân là cha của Hạo Nam, ông Thái Văn Tấn Tài ĐƯỢC báo chí đăng lại, cho biết khi ông có mặt ở hiện trường, ông vẫn còn nghe tiếng cậu bé kêu cứu. Khoảng 10 phút sau, thì tất cả rơi vào im lặng cho đến hiện tại.

Rất nhiều tình tiết mơ hồ, nhiều câu hỏi xung quanh sự việc. Ông Tấn Tài chạy đến nơi xảy ra tai nạn với ai? Theo báo Thanh Niên thì: “các em đi cùng với Hạo Nam tri hô để người lớn gần đó cùng gia đình ứng cứu, tuy nhiên không thành nên báo cho lực lượng chức năng địa phương để xử lý.”

Vậy thì ai là người lớn gần đó đã chạy đến? Các công nhân của công trình đang thi công có mặt cùng với ông Tài hay không? Nếu có, họ đã thấy gì? Họ đã cố gắng cứu Hạo Nam ra sao?

Ngôi nhà của Hạo Nam. Ảnh:

Những công nhân của công trình công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi đó là những con người chân lấm tay bùn. Có lẽ bữa cơm trưa của họ cũng chẳng ngon và nóng hơn bữa cơm gia đình bé Hạo Nam. Chắc chắn họ có làm gì đó, với tất cả tấm lòng và nỗ lực của những con người cùng thân phận, và đó là điều không được xuất hiện trên bề mặt sản phẩm của tuyên giáo CSVN.

Bé trai rơi xuống hố móng cọc 35 m: Ba đêm thức trắng cứu nạn, khả năng sống mong manh

Ngạo nghễ hay Ngờ nghệch?

Vnexpress và nhiều tờ báo “lớn” khác trong nước đưa tin rất nhanh sau khi tai nạn xảy ra. “Khoảng 30 phút sau lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án, trong đó dùng máy xúc múc quanh trụ bêtông tạo miệng hố rộng để nhổ cọc. Tuy nhiên, khi đào xuống khoảng 10 m, lực lượng cứu hộ không thể rút được trụ lên. Nhóm cứu hộ bơm oxy và chuyền nước xuống cho nạn nhân.” (Trích Vnexpress)

Thanh Niên đưa tin, “6 giờ chiều ngày 1 Tháng Giêng, máy khoan cọc nhồi được chuyển từ H.Tháp Mười sang để thực hiện phương án khoan đất xung quanh, nhổ cọc mà bé bị rơi vào lên.”

Và lực lượng cứu hộ TIẾP TỤC khoan, khoan, và khoan. Họ khoan cho đến tối ngày hôm đó. Cũng là Vnexpress cho hay: “Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo cho biết sau khi khoan sâu và mở miệng hố đủ rộng, cứu hộ dùng cẩu 50 tấn để nhổ trụ lên. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng vì lực kéo của cẩu phải gấp 10-20 lần lúc đóng trụ do gặp sức ép và ma sát lớn.”

Cho đến sáng ngày 3 Tháng Giêng (giờ địa phương), là ba ngày sau khi xảy ra tai nạn, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp trả lời báo Thanh Niên, cho biết lực lượng cứu hộ “vẫn còn đang nghiên cứu”: “Bên cạnh đó, lực lượng cứu hộ cũng đang nghiên cứu áp dụng phương pháp khoan xoáy nước để hỗ trợ cho việc cứu hộ, cứu nạn được nhanh hơn.”

Ông Đoàn Tấn Bửu. Ảnh: VOV

Đoàn Tấn Bửu là Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, gần như là “phát ngôn viên” chính của toàn bộ sự việc. Ông Bửu trả lời Vnexpress: “Chưa kể cọc bêtông đã đóng ít khi phải kéo lên nên chưa có đơn vị nào kể cả trên thế giới sản xuất thiết bị chuyên dụng rút cọc lên.”

Cũng là báo Thanh Niên, ghi nhận lời ông Bửu vào trưa ngày 3 Tháng Giêng: “Sau đó, tỉnh có báo cáo về Quân khu 9 đề nghị các đơn vị công binh, Phòng cháy chữa cháy và các Bộ, ngành Trung Ương chi viện, hỗ trợ. Lúc đầu biết đây là việc khó nên tỉnh đã báo cáo, kết nối xin ý kiến chuyên gia và sự hỗ trợ các Bộ, ngành Trung Ương và các đơn vị hỗ trợ”.

Giải cứu một đứa bé 10 tuổi gặp tai nạn bên trong một công trình đang thi công, một tỉnh nhỏ của đất nước phải xin ý kiến và hỗ trợ đến Bộ, Trung Ương và các ban ngành khác. Ngạo nghễ hay ngờ nghệch?

Chính ông Bửu đã trả lời truyền thông “khi nhổ lên cần lực tác động 4-5 lần” và “chưa có đơn vị nào kể cả trên thế giới sản xuất thiết bị chuyên dụng rút cọc lên.” Do đó, nếu trụ bê tông thật sự được kéo lên vào sáng ngày 4 Tháng Giêng như lời ông Đoàn Tấn Bửu khẳng định chắc nịch với báo chí, thì Việt Nam là nước có thể cạnh tranh với các công ty xây dựng hàng đầu thế giới (như BAUER Technologies Ltd) trong việc rút trụ bê tông dài 35 m vốn được đóng xuống với lực 50 tấn.

‘Tự hào quá Việt Nam ơi!’

Một cậu bé 10 tuổi nhưng như mẹ của em nói với báo chí, cơ thể của em nặng chỉ khoảng 20kg, nhỏ đến mức có thể ngã lọt vào ống cọc có đường kính 25 cm. Tuổi của em là tuổi ăn tuổi học, tuổi thả ước mơ bay cao với những cánh diều trên cánh đồng. Nhưng buổi trưa của Nam là thời gian em đi nhặt sắt vụn trong một công trình xây dựng không được rào chắn cẩn thận. Ông ngoại của Nam, ông Nguyễn Văn Điệt, 68 tuổi, nói với báo chí là “chính ông cũng không nghĩ là ở gần nhà có ống bê tông nào.” Bao nhiêu người dân ở tỉnh thành đó “không biết” như ông?

Ông ngoại của Hạo Nam. Ảnh: MXH

Một cửa tiệm rất nhỏ ở xứ người, vẫn phải để biển báo “Caution Wet Floor” ở khu vực nào có nước đọng, dù rất ít. Vậy mà một công trình xây dựng cầu lại chỉ che lấp ở mức độ mà những đứa trẻ vẫn có thể lẻn vào. Nam và các bạn lẻn vào không phải để chơi. Bọn trẻ đi lượm sắt vụn.

Nói trắng ra, bọn trẻ đi “mót” sắt để bán kiếm tiền. Bảo vệ đuổi ra. Bọn trẻ tinh ranh, đợi lúc người lớn đi ăn trưa thì lại lẻn vào. Cuộc đời nghèo khổ, thiếu thốn đã dạy cho tụi nhỏ cách “lách” mình để mà sống. Đừng vội trách các em là “ăn cắp đáng tội”. Cơ hội mà bọn chúng muốn bươi, móc trong công trình đó chỉ là một phần vô cùng nhỏ trong nhiều cơ hội mà những người khác có được trong đời.

Đừng vội mãn nguyện, choáng ngợp, tự hào với những chiến thắng được tô vẽ, những thành công của “người gốc Việt”… ở phương trời xa xôi nào đó. “Tự hào quá Việt Nam ơi!!!” không bao giờ có chỗ đứng trong một xã hội 25 cm, sâu hun hút mà Hạo Nam đã rơi tỏm vào đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: