Vắng khách quốc tế, khách sạn khu trung tâm treo bảng bán 

Du khách quốc tế đi City Tour Sài Gòn đang đi ngang đường Bùi Thị Xuân quận 1 ngày 13 Tháng Mười Một 2022 – Ảnh: An Vui

Tình cảnh khách sạn rao bán hàng loạt hồi đại dịch nay có vẻ tái diễn ở Sài Gòn.

Khảo sát của Thanh Niên ngày 27 Tháng Hai 2023 cho thấy: Trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến, hàng loạt khách sạn trên những tuyến đường đông đúc du khách ngoại quốc ở quận 1 như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Bùi Thị Xuân, Thái Văn Lung, Đề Thám, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thái Học, Thủ Khoa Huân…. đang rao bán. 

Trên đường phố, nhiều khách sạn treo bảng rao bán, như căn mặt tiền 7 lầu rao bán 130 tỷ đồng ($5.4 triệu) trên đường Đỗ Quang Đẩu, một trong bốn đường chính của khu phố Tây (bao gồm Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão). Trên đường Lê Thị Riêng, quận 1, khách sạn hạng trung 10 lầu rao bán 315 tỷ đồng ($13.2 triệu); một khách sạn 50 phòng góc Lý Tự Trọng – Lê Anh Xuân rao bán 420 tỷ đồng ($17.2 triệu).

Một số khách sạn khác đang thay đổi chức năng thành văn phòng cho thuê, như khách sạn 4 sao Lavender ngay góc Lý Tự Trọng và Trương Định. Từ một chốn lưu trú nổi tiếng, vì cách chợ Bến Thành không xa, đến phố Tây và trung tâm quận 1 rất gần, khách sạn nay ế khách buộc phải gỡ bảng, sửa chữa thành văn phòng cho thuê. Các khách sạn khác trên trục đường Lê Lai, đối diện công viên 23 Tháng Chín và gần nhà ga Metro cũng gỡ bỏ bảng hiệu, đang sửa chữa thành văn phòng…

Thanh Niên còn phỏng vấn vài ông chủ như ông Nguyễn Thành Tân, sở hữu một khách sạn mini có hơn 10 phòng ở phố Tây Bùi Viện (quận 1). Năm 2018 khi ông mua căn nhà một trệt một lầu có 4 phòng ở phố Tây Bùi Viện (quận 1), khách thuê không ngớt, nên năm 2019 ông xây dựng lại thành khách sạn mini. Ai dè đại dịch ập tới, ông phải đóng cửa đến năm 2022. Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế, ông hy vọng sẽ lấy lại vốn nhanh nhưng tình hình du khách không như mong đợi, ông phải rao bán khách sạn nhưng đến nay vẫn chưa ai hỏi mua. 

Khách sạn Lavender 4 sao ở Lý Tự Trọng, góc Trương Định, quận 1, Sài Gòn giờ đang phải thay đổi diện mạo để thành văn phòng cho thuê – Ảnh: Thanh Niên

Than thở với Thanh Niên, ông nói: “Từ cuối năm ngoái đến nay, tình trạng rao bán khách sạn có thể nói là tăng đột biến, với nhiều lý do, nhưng chắc chắn có nguyên nhân du khách quốc tế quá ít”.  

Một ông chủ khác có nhà hàng-khách sạn đang kinh doanh là Nguyễn Thái Nguyên nhận định hiện tại công suất phòng chỉ đạt 40%, cuối tuần vọt lên nhưng không cứu được các ngày trong tuần. 

Ông Trương Đức Hải, kinh doanh du thuyền Saigon Princess và Cantho Princess, nhận xét: Qua Tết nguyên đán kéo dài đến Tháng Năm, thông thường là mùa cao điểm khách quốc tế. Tuy nhiên, năm nay, vào Tháng Hai đã vắng dù du lịch Việt Nam mở cửa đã một năm. Do số khách quốc tế ít, ông Hải chuyển hướng quảng bá cho nhóm khách trong nước và khách lẻ quốc tế, chấp nhận mất 70% số khách quốc tế đi tour. 

Theo khảo sát của Savills (công ty bất động sản của Anh), năm 2022, công suất phòng khách sạn tại Sài Gòn đạt 45%, tăng 20 điểm phần trăm so với 2021, nhưng thấp hơn 23 điểm phần trăm so với năm 2019. Riêng quý 4/2022, công suất phòng chỉ đạt 62%. 

Năm 2022, Việt Nam đón 3.6 triệu khách quốc tế, trong khi mục tiêu là 5 triệu khách, thấp hơn 59% so với năm 2019. Thế mà không hiểu căn cứ vào đâu, ngành du lịch lại đặt mục tiêu năm nay phải đón 8 triệu khách quốc tế?

Cũng trên Thanh Niên ngày 16 Tháng Hai 2023 đã đề cập sau khi thất bại với mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế năm 2022, ngay từ đầu năm 2023, ngành du lịch đã dồn dập thực hiện nhiều chương trình nhằm đạt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, với kỳ vọng du khách Trung Quốc sẽ quay trở lại đông. Thế nhưng, trong danh sách 20 quốc gia mà chính quyền Trung Quốc cho phép tổ chức tour outbound, không có tên Việt Nam. Trong khi đó, chỉ trong dịp Tết nguyên đán 2023, Thái Lan đã đón 1.38 triệu khách Trung Quốc!  

Đồ họa của Thanh Niên so sánh lượng khách quốc tế đến Việt Nam và đến 6 nước Đông Nam Á

Năm 2022, Thái Lan đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế nhưng thực tế đạt 11.8 triệu khách. Năm nay, Thái Lan đặt mục tiêu đón tới 25 triệu khách quốc tế, gấp hơn ba lần mục tiêu của Việt Nam.  

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 nhưng lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong khu vực. Theo trang VisaGuide.World, tỷ lệ phục hồi du lịch của Việt Nam hiện chỉ đạt 18.1%, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều đạt tỷ lệ từ 26 – 31%. 

Bình luận dưới bài viết, bạn đọc cho rằng lý do du khách quốc tế đến Việt Nam ít vì: Thủ tục visa phiền phức;  không đa dạng tour du lịch; giá vé bay đến Việt Nam thường đắt hơn so với các nước trong khu vực; nạn lừa đảo chặt chém/chèo kéo bán hàng rong (không mua sẽ bị chửi, mua thì sợ lừa); nhà vệ sinh công cộng nhiều nơi vừa thiếu vừa rất bẩn; giá tour du lịch cao hơn với các nước trong khu vực. Bạn đọc thuong cao minh buồn bã: “Hôm trước mình có đọc bài báo nói có du khách quốc tế đi Thái Lan đến lần thứ 8 vẫn quay lại, thế mới thấy Thái Lan họ làm du lịch quá tốt. Việt Nam mình đẹp không thua Thái Lan nhưng rõ ràng cách làm du lịch là thua rồi”.

Nói chi xa, ngay cả dân Sài Gòn khi được nghỉ ngơi vài ngày cũng thích sang Bangkok hơn là ra Hà Nội, vì đồ ăn thức uống ngon và rẻ hơn, lại có nhiều chỗ chơi, nhiều thứ để mua sắm và hàng hóa chất lượng hơn, trong khi Hà Nội toàn bán hàng Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: