Vé bay về Việt Nam: Sát giao thừa mà giá vẫn còn ngất ngưỡng

Nhiều người Việt xa quê, mong ngóng các chuyến bay về quê nhân dịp Tết Nhâm Dần này bày tỏ rằng họ cảm thấy thất vọng vì giá cả vẫn còn quá cao so với bình thường. Theo dõi các chuyển biến từng ngày, nhiều quy định khó khăn để người Việt hồi hương dần bớt khó khăn, nhưng giá vé bay về Sài Gòn, Hà Nội vẫn là thứ làm mọi người lắc đầu, ngao ngán.

Điều đáng nói, là những lời than phiền về việc mua vé bay về Việt Nam từ Mỹ, Châu Âu… đều lặng lẽ biến mất trên facebook chỉ sau 1,2 ngày. Vẫn chưa hiểu đây là tác động từ đâu nhưng mọi thứ dường như là chuyện rất khép kín. “Giải cứu thì từ 5000 đến 6000 USD, còn mua vé bình thường thì 1800 đến 2000 USD cho một chiều, chơi vậy thì còn gì ‘khúc ruột ngàn dặm’ đây”, một facebooker bình luận trong diễn đàn bàn luận về Việt Nam tết này.

Giá vé cao, và hình thái “chuyến bay giải cứu” như cắt cổ kiều bào, là điều đã được những bài báo trong nước phản ứng hồi cuối năm 2021, và gọi thẳng tên là trục lợi trên mồ hôi nước mắt của người dân xa xứ. Thế nhưng khi được báo chí nước ngoài đặt câu hỏi trong họp báo thường kỳ, bà Hằng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam nói rằng nhà nước nghiêm cấm những chuyến bay trục lợi, và sẽ cho điều tra, tuy nhiên cho đến nay khi mọi thứ đã chìm xuồng, không tờ báo nào được nhắc lại.

Phóng viên của Sài Gòn Nhỏ đã thử gọi cho một địa lý máy bay trong nước để tìm một chuyến về sau mùng 3 Tết, được nơi này chật vật tìm kiếm và báo giá vé một chiều đi từ phi trường LAX về Sài Gòn, giá chưa tính các chi phí phụ khác, là $1,978 “đây là giá vé tương đối rẻ rồi đó anh, và được bay thẳng một mạch về đến Sài Gòn”, người bán vé nói cho biết.

Một trang web rao bán vé mua được tức thì, bao trọn gói các chi phí cho chuyến bay một chiều là $3,300, nhưng khi click vào để tìm chuyến bay, thì được báo là hết vé.

Tình trạng khan hiếm vé dẫn đến chuyện mới đây, là công an Việt Nam đã phá một đường dây bán vé máy bay giả cho kiều bào muốn hồi hương. Thanh niên 28 tuổi này, sống tại Bắc Ninh, đã lừa bán vé máy bay giả qua facebook cho hàng chục người, chiếm đoạt khoảng 1,5 tỷ đồng.

Khổ nhất là kiều bào ở châu Âu và Canada. Vì để kiếm được vé và vừa túi tiền, mỗi người phải chấp nhận bay 4-5 chặng mới vào được Việt Nam. Những trang như từ Na Uy về Việt Nam qua Campuchia, hay tự về qua ngã Campuchia… ngày càng đông thành viên mới hơn, và các câu hỏi nhờ giải đáp giúp cũng dồn dập hơn.

Trong group “Tự về qua ngã Campuchia’, facebooker của nhà báo Đào Tuấn nhận định “TS. Trần Du Lịch từng nói: nếu cứ bay charter kiểu này thì đừng bàn chuyện mở cửa. Bởi, ai cũng biết mức giá charter đắt đỏ ra sao. Đắt là đắt như nào: Là 48-65 triệu cho một vé thương mại núp bóng charter từ Châu Âu, trong khi giá thật chỉ 15-25 triệu. Chúng ta đang đối xử kiểu gì với đồng bào mình vậy? Những người gom góp mồ hôi nước mắt để gửi về quê tới 18,1 tỉ USD kiều hối- một kỷ lục, dù họ cũng tan tác khắp nơi vì dịch?”

Có trường hợp của một Việt kiều ở Đức về Việt Nam vào cuối năm ngoái, đã phải chi cho chuyến đường đi vòng qua 5 sân bay, phí tổn lên đến 110 triệu. Anh D. nói vì không còn đủ kiên nhẫn chờ được gọi tên ở Đại sứ quán Việt Nam, khi đã ghi danh chờ trong 2 tháng.

Chị T, có mẹ già ở Sài Gòn bị mắc Covid trong năm 2021, nay đã qua khỏi. Chị sốt ruột muốn về thăm mẹ nhưng không có cách nào lấy được vé, nên đã chấp nhận bay vòng qua Campuchia và đi xe đò qua cửa khẩu Mộc Bài để vào Việt Nam. Chị kể tiền xe chạy 6 tiếng từ Campuchia vào Sài Gòn, tốn tiền dịch vụ “trà nước” cho nhân viên hải quan của cả hai cửa khẩu là vào khoảng $150 nữa. Cộng chi phí bay và xét nghiệm PCR, tất cả khoảng $1,800. “Giá vẫn rẻ hơn so với giá mua thẳng với hãng máy bay Việt Nam”, chị T kể, “giờ nghe nói giá vé còn dưới $2,000, nhưng hỏi tìm thì chỗ nào cũng hết”.

Theo tuyên bố của Bộ Giao Thông Vận tải Việt Nam, từ tháng 1-2022, các chuyến bay sẽ mở lại bình thường. Nhưng “bình thường” của các hãng như Việt Nam Airlines, Bamboo Airways là từ 2700-2900 USD cho một chiều về Los Angeles hay San Francisco. Sau khi số lượng Việt kiều hồi hương ồ ạt qua đường Campuchia, mọi thứ được nhà nước Việt Nam tính toán lại, và đưa ra giá vé còn trung bình khoảng $1,800 – tức là giá cạnh tranh với những người tính toán đường bay từ Mỹ về Việt Nam qua ngã Campuchia. “Trước đây, những chuyến bay khứ hồi Mỹ-Việt như vậy, giá chỉ khoảng 850-950 USD mà thôi”, chị T nói.

Trong một phóng sự của đài BBC, chị Ngọc Minh hiện ở Thái Lan nhận định:  “Tôi biết mình muốn về thì có thể qua đường xe đi từ Thái sang Campuchia rồi về cửa khẩu Mộc Bài, nhưng tôi cảm thấy không an tâm và rất mong Việt Nam mở cửa hoàn toàn, dỡ bỏ việc cách ly.”

“Vì nếu mục tiêu của nhà nước là ngăn dịch thì việc người dân phải tự tìm cách lắt léo, đi vòng qua một nước nữa càng không đảm bảo an toàn cho dân. Thành ra nhà nước một mặt đang khổ, làm khó dân, một mặt tăng thêm rủi ro dịch tễ. Trên nhóm Hội người Việt ở Thái Lan, một số người còn chia sẻ giá vé từ Bangkok về Đà Nẵng trọn gói là 79 triệu, nghe mà hết hồn.”

Câu hỏi đặt ra là: Nguyên nhân thực chất núp đằng sau của việc nâng giá bay thẳng của các hãng nội địa rất cao là gì?, và có lợi cho ai?

Rất nhiều câu chuyện than phiền của người Việt chạy vạy về quê trong dịp Tết nhưng bị làm khó, sách nhiễu ở hải quan Thái, Singapore, Campuchia… được chia sẻ trong các group bàn đường tìm về Việt Nam. Cũng thật khó nghĩ, không có công dân nước ngoài cực khổ như người Việt, trong đường tìm về quê mẹ như lúc này. Chỉ còn vài ngày nữa là đón giao thừa ở Việt Nam, và đường về sao vẫn còn lắm khó khăn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: