Về văn bản ‘chữa cháy’ vụ cưỡng hiếp tập thể

Tối ngày 11 Tháng Giêng tại Việt Nam, hàng chục ngàn lượt share trên Facebook về một đoạn video và nội dung tố cáo vụ cưỡng hiếp tập thể tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQP&AN), trường Quân sự Quân khu 7. Nội dung cho biết một nữ sinh viên học quân sự tại trường Quân sự Quân khu 7 đã bị cưỡng hiếp tập thể. Vì quá phẫn uất, nữ sinh viên này đã nhảy lầu tự vẫn.

Đoạn video được chia sẻ với tốc độ chóng mặt quay lại một cảnh vào ban đêm, kèm theo những tiếng gào khóc và la hét rất thảm thiết. Ở giây thứ 7, thứ 8 của đoạn phim là giọng một người đàn ông quát lớn, hung hãn: “Dang rộng chân ra”. Giọng nói (nữ) tường thuật sự việc trong đoạn video đó run rẩy, bày tỏ sự sợ hãi tột đỉnh, nói trong tiếng khóc: “em muốn về nhà quá”.

Ngay trong đêm, Phó Giám đốc Trung tâm GDQP&AN trường Quân sự Quân khu 7, Bùi Văn Dự, đã gửi văn bản tới ban quản lý Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học. Ngay sau đó, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học HUFLIT đã đăng tải văn bản này lên Facebook chính thức của trường và khóa phần bình luận. Nghĩa là không cho người đọc được bình luận. Tại sao?

Tuy nhiên, dưới một bài viết khác của trường, hàng ngàn bình luận phẫn nộ, lên án, yêu cầu nhà trường phải làm rõ sự việc… thậm chí rất nhiều bình luận kêu gọi tẩy chay trường.

Văn bản mà ông Bùi Văn Dự đã ký mở đầu bằng câu khẳng định chắc nịch: “Ngày 11 tháng 1 năm 2023… lan truyền thông tin thất thiệt kèm theo Clip phản ánh không đúng sự thật về hoạt động GDQP & AN cho sinh viên…”. Sau đó, văn bản đưa ra các đoạn ngắn ‘trả lời’ về sự việc.

Thông báo của HUFLIT 6 tiếng sau sự việc đã được dư luận “đón nhận” với sự phẫn nộ dữ dội (Saigon Nhỏ chụp màn hình lúc 12pm ngày 11 Tháng Một 2023)

Nội dung tờ văn bản chính thức của trường Quân sự Quân khu 7 do Phó Giám đốc Trung tâm GDQP&AN Bùi Văn Dự ký tên đóng dấu xuất hiện nhanh chóng, “đúng thời điểm” và để lại rất nhiều câu hỏi.

*“Thông tin thất thiệt” và “không đúng sự thật” được đề cập đến là thông tin nào? Thông tin được ông Bùi Văn Dự cho là thất thiệt, không chính xác hoặc sai sự thật ở chỗ nào? Vì sao văn bản không KHẲNG ĐỊNH video cưỡng hiếp tập thể đó là KHÔNG ĐÚNG SỰ THẬT?

*Theo như văn bản, thì sự việc xảy ra là “tranh cãi nội bộ giữa 2 cá nhân sinh viên nữ. Do không làm chủ cảm xúc, một sinh viên nữ có biểu hiện khóc và la hét.”

Lời giải thích này hoàn toàn trái ngược với nội dung của đoạn clip đang được chia sẽ với tốc độ chóng mặt. Liệu ông Bùi Văn Dự sẽ giải thích gì về câu nói ‘dang rộng chân ra’ ở giây thứ 11 kèm theo tiếng khóc than khiến ai xem qua cũng không khỏi thương xót?

*Hai đoạn gần cuối văn bản: “Hiện nay, mọi hoạt động và chương trình giáo dục quốc phòng diễn ra bình thường; công tác quản lý sinh viên chặt chẽ, nghiêm túc trong môi trường quân sự. Vì vậy, thông tin lan truyền trên một số trang mạng xã hội là thông tin thất thiệt, không đúng sự thật, xuyên tạc với dụng ý xấu.”

Hai câu này viết theo cú pháp ‘nguyên nhân’ dẫn đến ‘hậu quả’. Tuy nhiên, khi đọc kỹ sẽ thấy rõ hai câu không hề liên quan đến nhau. Việc hoạt động của trường diễn ra bình thường không có nghĩa là thông tin tố cáo trường bao che vụ hãm hiếp dẫn đến tự tử là không hề xảy ra. Dư luận có chấp nhận được phản biện thiếu thuyết phục như thế hay không?

*Đoạn cuối của văn bản cho biết: “Nhà trường đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh đối tượng đưa tin sai sự thật và xử lý theo quy định của pháp luật.”

Tại sao ông Bùi Văn Dự không đề nghị cơ quan điều tra thực hư sự việc? Nếu ông Bùi Văn Dự thực sự tin tưởng vào nền pháp quyền công bằng của nhà nước Việt Nam, lẽ ra ông phải khuyến khích người dân cung cấp thông tin để giúp điều tra tìm ra sự thật, không phải là những lời ‘hù dọa méc công an’ như thế?

Là một trong những người đứng đầu một cơ quan trực thuộc nhà nước, ông Bùi Văn Dự có trách nhiệm cung cấp thông tin đúng sự thật đến dư luận vì theo Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, công dân có quyền được biết và quyền được tiếp cận thông tin. Trong thực tế, phản ứng đầu tiên của các cơ sở giáo dục hoặc cơ quan nhà nước ở Hoa Kỳ hoặc các nước dân chủ tiến bộ trước các cáo buộc nghiêm trọng KHÔNG PHẢI là lời hăm dọa, nhưng là lời cam kết sẽ điều tra sự việc một cách rốt ráo và công bằng.

Câu hỏi được đặt ra lúc này, là sau đêm 11 Tháng Giêng, ai sẽ là người NGHE được tiếng gào khóc trong đêm của cô nữ sinh tội nghiệp kia? Cơ quan nào sẽ điều tra tận tường liệu trường Quân sự Quân khu 7 có chuyện nữ sinh bị cưỡng hiếp tập thể đến độ phải tự tử hay không? Chút nhân phẩm còn sót lại của Phó Giám đốc Trung tâm GDQP&AN trường Quân sự Quân khu 7 Bùi Văn Dự, hay là giới sinh viên Việt Nam?

Trong thời đại công nghệ thông tin, nếu vụ việc này lại bị lấp liếm và bao che thì dư luận liệu có bỏ qua?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: