Việc nín thở 30 giây để kiểm tra sức khỏe phổi, bác sĩ nói gì?

Hướng dẫn cách nín thở kiểm tra sức khỏe của phổi của Cafef.vn, kèm lời đe dọa “nếu chỉ nín thở dưới 30 giây, coi chừng ung thư rình rập” – Ảnh chụp màn hình

Sau đại dịch Covid đến nay, trên mạng đang lan truyền những video hướng dẫn cách nín thở ít nhất 30 giây để kiểm tra sức khỏe phổi.

Không khó để tìm kiếm những video này khi search trên google. Đa số các video này xuất hiện từ năm 2022 đến nay, nhiều nhất là trên TikTok, với những TikToker trẻ tuổi hướng dẫn cách nín thở từ 30 giây – 50 giây bằng cách chèn đồng hồ đếm giây hoặc xuất hiện khoảng cách từ A đến B, khuyến khích càng nín thở được lâu thì chứng tỏ phổi càng khỏe!

Truyền thông trong nước cũng tiếp tay cho trào lưu này. Cafef.vn ngày 7 Tháng Giêng 2022 đăng cách hướng dẫn này với tựa bài đầy đe dọa: “Khả năng nín thở LÂU hay NGẮN tiết lộ phổi khỏe mạnh hay đang “bị bệnh”: Nếu dưới 30s, coi chừng ung thư đang rình rập”. Trong bài viết, tờ báo này tư vấn: “Nếu bạn có thể nín thở lâu hơn 50 giây, điều này đồng nghĩa rằng lá phổi của bạn vô cùng khỏe mạnh.

Các chức năng của phổi đang hoạt động tốt, cung cấp đầy đủ lượng khí oxy vào máu để nuôi dưỡng các cơ quan khác như não, tim, gan…”. Sau đó đe dọa: “Nếu bạn chỉ có thể nín thở trong thời gian dưới 30 giây thì phải cảnh giác. Điều này chứng tỏ sức khỏe của phổi không đạt yêu cầu.

Có thể lá phổi của bạn đang bị tổn thương, cơ thể bạn mắc các bệnh liên quan đến phổi như: Xơ phổi, hen suyễn, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tạo điều kiện cho ung thư phổi hình thành. Lời khuyên là bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra các chức năng phổi càng sớm càng tốt”(!?) 

Hướng dẫn cách nín thở kiểm tra phổi trên YouTube – Ảnh chụp màn hình

Vnexpress ngày 11 Tháng Mười Hai 2022 cũng bày cách kiểm tra sức khỏe phổi bằng cách nín thở, và cho rằng “nín thở từ 25 giây trở lên được coi là có chức năng phổi tốt. Người mắc bệnh hô hấp thường gặp khó khăn khi nín thở lâu, thường không quá 20 giây”. 

Ngày 13 Tháng Hai 2023, Tuổi Trẻ đã phỏng vấn một số bác sĩ đang làm việc tại khoa hô hấp tại nhiều bệnh viện với lời tư vấn đây là trào lưu tào lao, không có ý nghĩa và hoàn toàn không đúng về mặt y khoa, vì nín thở nhiều hay ít hơn 30 giây không chứng tỏ phổi khỏe hay yếu.

Bác sĩ Nguyễn Duy Cường – Phó trưởng khoa hô hấp bệnh viện Thống Nhất (trước 1975 là bệnh viện Vì Dân, Sài Gòn) cho biết: Theo sinh lý hô hấp, nhịp thở (hít vào – nín thở – thở ra) trung bình của con người là 20 lần/phút, mỗi nhịp thở kéo dài 3 giây và thời gian nín thở thường kéo dài 1 – 1.5 giây. Việc nín/ngưng thở kéo dài cần phải có quá trình tập luyện như vận động viên, thợ lặn… và trước khi tập ngưng thở, họ phải hít thở sâu để cơ thể có đủ lượng oxy cần thiết

Bác sĩ Nguyễn Hải Công – Trưởng khoa lao và bệnh phổi bệnh viện Quân y 175 (trước 1975 là bệnh viện Cộng Hòa, Sài Gòn) khẳng định để đánh giá chính xác và toàn diện chức năng phổi, người bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa đo hô hấp khí. Ông lưu ý người mắc bệnh tim mạch, bệnh lý mạch vành, hoặc đang suy hô hấp mãn tính nặng, hoặc phụ nữ đang mang thai, người vừa trải qua đợt phẫu thuật… tuyệt đối không nên áp dụng phương pháp nín thở này.

Một cô gái hướng dẫn cách nín thở kiểm tra phổi trên TikTok – Ảnh chụp màn hình

Để có một lá phổi khỏe, các bác sĩ khuyên mỗi ngày nên dành vài phút hít thở sâu, kiểm tra độ ẩm trong nhà, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; ngừng hút thuốc và tránh khói thuốc; luyện tập thể dục đều đặn và phù hợp với tình trạng cơ thể; ăn uống lành mạnh và tránh đám đông, nơi bị ô nhiễm không khí.

Vài năm gần đây, những trào lưu ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe đều có nguồn gốc từ các TikToker. Điều nguy hiểm là không cần kiểm tra tính xác thực, các bạn trẻ đã đua nhau làm và còn chỉ cho người khác làm, cứ như người máy. Hồi giữa Tháng Mười Một 2021, các báo đã lên tiếng cảnh báo trào lưu bẻ xương khớp trị đau, trị nhức mỏi cơ thể; trào lưu ăn cà rốt chấm mù tạt trị mập; trào lưu tự tẩy trắng răng tại nhà bằng baking soda…

Trả lời báo Tuổi Trẻ, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ – Trưởng đơn vị điều trị ban ngày cơ sở 3, bệnh viện ĐH Y Dược Sài Gòn cho biết không phải bất kỳ tình trạng nào của cơ xương khớp cũng có thể bẻ, nắn và không phải bất cứ người nào cũng có thể thực hiện đúng kỹ thuật chuyên môn, vì vậy nếu tự ý bẻ khớp theo trào lưu sẽ gây hậu quả như chấn thương, yếu liệt tứ chi, tổn thương mạch máu, giãn dây chằng, bao khớp, tăng sự thoái hóa…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: