Việt Nam có còn là nhà nước Cộng sản hay không?

Gỉ sét qua thời đại nhưng búa liềm vẫn “muôn năm” cai trị và tiếp tục “đập đầu cắt cổ” người dân (ảnh: MXH)

Tình cờ đọc một bài viết của ông TS Nguyễn Hữu Liêm trên trang BBC, có cái tựa: “Việt Kiều và Nhà nước VN: Đã đến lúc cần chính sách mới hơn Nghị quyết 36”.

Là người đang định cư tại Mỹ, TS Nguyễn Hữu Liêm viết về tình hình Việt Nam hiện nay với nhiều chi tiết rất đáng chú ý. Thiệt tình Công tử tui ít lý luận với bậc triết lý cỡ như ông Liêm nhưng trong bài viết rất dài, rất nhiều lập luận này của ông tui chỉ nhắm vào một điểm, lại là điểm chết người: Việt Nam hôm nay không còn là nhà nước Cộng sản ngoại trừ một người duy nhất là ông TBT Nguyễn Phú Trọng.

Ông Liêm viết: “Hãy nhìn vào nhân sự Bộ Chính trị hiện nay. Ở cơ chế quyền lực cao nhất hiện nay ta thấy chỉ còn một người cộng sản duy nhất: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi cũng từng có lần gặp gỡ, quen biết một vài nhân vật trong Bộ Chính trị thì theo tôi họ không còn và không phải là người cộng sản. Họ chỉ coi chủ nghĩa Cộng sản như là một gia sản lịch sử cho mục tiêu công lý xã hội, một khung tham chiếu cho trật tự đẳng cấp – và dĩ nhiên, cho ý chí và quyền lợi, tham vọng chính trị. Nói gọn, Việt Nam nay không phải là một quốc gia cộng sản nữa.”

Thiệt là gọn! Gọn đến nỗi không ai nói gọn được hơn ông. Nhưng cái gọn ấy nó hàm chứa một thứ khác: Bênh vực cho một tập đoàn mà cái ác và thủ đoạn đã đạt tới đỉnh cao và không hề thay đổi.

Không phải chỉ có ông Liêm mới tuyên bố là Việt Nam không còn Cộng sản nữa mà từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ đã có người nghi ngờ vấn đề này rồi. Tuy nhiên sự nghi ngờ của họ không đóng khung trong cách suy diễn mà chỉ quan sát và đánh giá một cách dè dặt, có khi sự đánh giá ấy có mục đích khác với ông Liêm: Họ, những người Cộng sản chỉ thay đổi chiếc áo còn thân hình, da thịt của họ vẫn như cũ.

Ông Liêm nhiều chữ hơn nên dĩ nhiên cách nói cũng khác. Là một giáo sư dạy triết trong một trường đại học của Mỹ, lời nói của ông lẽ ra phải thuyết phục bởi các dẫn chứng, nhưng đàng này ông đưa ra dẫn chứng hết sức ngộ nghĩnh: Sự quen biết, mà là quen biết những nhân vật cao cấp trong Bộ Chính trị. Chỉ cần vài chữ ông Liêm đã khẳng định rằng mình đúng căn cứ trên địa vị của những nhân vật mà ông Liêm lôi ra làm bằng. Ở đây có hai vấn đề mà một người từng giảng dạy bậc đại học như ông Liêm không nên vấp phải.

Thứ nhất, địa vị không nói lên được gì cả; và thứ hai ông Liêm là ai mà có thể quen biết lớn như thế.

Hình như ông Nguyễn Hữu Liêm từng về nước và từng được xe mô tô hú còi hộ tống trong một tập thể kiều bào được nhà nước mời về diễn kịch. Nếu sau vở diễn ấy mà ông Liêm được quen biết với những nhân vật cao cấp nhất trong Bộ Chính trị thì cái sự quen biết ấy có đáng xem là credit cho việc khẳng định họ không còn và không phải người Cộng sản nữa hay không?

Ông viết: “Theo tôi họ không còn và không phải là người cộng sản. Họ chỉ coi chủ nghĩa Cộng sản như là một gia sản lịch sử cho mục tiêu công lý xã hội, một khung tham chiếu cho trật tự đẳng cấp – và dĩ nhiên, cho ý chí và quyền lợi, tham vọng chính trị”. Trong đoạn văn này ông Liêm không chứng minh được tại sao họ không còn và không phải là người Cộng sản, hơn nữa ông TS khá hấp tấp khi cho rằng “Họ chỉ coi chủ nghĩa Cộng sản như là một gia sản lịch sử cho mục tiêu công lý xã hội, một khung tham chiếu cho trật tự đẳng cấp”.

Đã xác định người Cộng sản coi chủ nghĩa Cộng sản là cái gia sản lịch sử, cái mục tiêu công lý xã hội vậy thì ông Liêm đang khen hay đang chê đây? Ông Nguyễn Hữu Liêm đánh bùn sang ao khi áp dụng một câu có tính cách ca tụng vào lý do từ bỏ thứ mà người Cộng sản từng đeo đuổi. Rồi còn “một khung tham chiếu cho trật tự đẳng cấp” nữa! Tất cả câu chữ trong vài hàng ngắn ngủi này ông Liêm muốn dùng thứ thủ thuật chữ nghĩa mà ông đang dạy trong môn Triết để chứng minh cho ý tưởng của ông: Việt Nam không còn người Cộng sản nào, ngoại trừ ông Trọng.

Nhưng cũng rất tiếc ông không chứng minh tại sao ông Nguyễn Phú Trọng lại là người Cộng sản duy nhất trong cái tập thể bốn triệu Đảng viên vẫn còn mang thẻ Đảng. Ông Liêm cũng không đưa ra bất cứ lập luận nào nhằm chứng minh ông Trọng là người Cộng sản trong khi những người khác thì ông cho rằng không còn, không phải nữa.

Ông vẽ chân dung người Cộng sản những năm 1970: “Từ học tập cải tạo tàn ác, đến đánh tư sản, đánh Hoa kiều, chế độ lý lịch khắt khe, chính sách lùa dân thành thị lên các vùng kinh tế mới rừng thiêng nước độc, xua đuổi và cướp nhà cửa, tài sản, đưa hàng trăm ngàn dân vượt biển, vượt biên đường bộ, để bị cưỡng hiếp bởi hải tặc, chết khát, chết vì mìn bên Campuchia.”

Và dần dần ông gỡ nút thắt cho những thứ mà ông vừa đưa ra:

“Từ cáo buộc phản quốc, bắt giam, đối với người vượt biên những năm sau 1975, nay Đảng đã chính thức công nhận Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Từ gởi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang quận Cam, California, gặp mặt Kiều bào, cho phép cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ, Nhạc sĩ Phạm Duy… về sống ở nước nhà, cho đến chính sách miễn thị thực, công nhận song tịch, vấn đề mua bán bất động sản, Đảng CSVN đã chứng tỏ những thiện chí vượt bực.

Rồi ông chứng minh:

“Những ai về nước gần đây, đi vào vùng xa, làng thôn, dù nghèo khó vẫn còn đó, nhưng đời sống chung của quần chúng đã được nâng cao rất nhiều. Nay dân chúng không còn ăn để no, mà phải ngon; mặc không chỉ đủ ấm, mà phải đẹp. Chúng ta phải công bằng ghi cho Nhà nước VN điểm cộng.”

Bây giờ mạn phép ông tôi quay lại từng vấn đề ông nêu ra nhằm biện minh cho cái mà ông gọi ở Việt Nam không còn ai theo Cộng sản.

Ông vẽ chân dung người Cộng sản khá đúng nhưng chưa đủ. Tạm lấy cái mốc bức tường Bá Linh sụp đổ để cho rằng người Cộng sản dần dần thay đổi người ta thấy gì? Là thảm cảnh dân oan, là sự lên ngôi của công an trị, là những tập đoàn thân hữu với chính quyền bóc lột dân chúng, là những giam cầm bắt bớ người tranh đấu cho dân chủ nhân quyền, là đất đai ngày càng teo lại vì những cái bắt tay với Trung Quốc, là sự xuống cấp tận đáy của Giáo dục và Y tế, là những chính sách duy ý chí, là những kẻ làm giàu bất chính ngày càng nhiều, là cướp đất bằng những mỹ từ, là các phiên tòa ngày càng xem thường công lý.

Tất cả những thứ ấy là sản phẩm đặc thù của người Cộng sản mà chế độ hiện nay bao che, bảo vệ. Hãy nhìn lại một lần nữa để thấy Bộ Chính trị có dính tay vào hay không ông nhé. Nếu không phải chế độ Cộng sản sẽ không có vụ hút máu dân qua phi vụ kit test Việt Á, rồi chuyến bay giải cứu của tập đoàn Ngoại giao Việt Nam. Rồi mới đây là Vạn Thịnh Phát, Sacom Bank, thị trường chứng khoán đột quỵ, khủng hoảng nhiên liệu…, tất cả những kịch bản ấy nếu không do Bộ Chính trị soạn thảo thì ai là người dám đứng phía sau làm ra việc này?

“Không cộng sản” nên dân oan không thèm sống ở vườn ruộng nhà mình mà lặn lội ra tận Ba Đình để đánh động lòng từ tâm của những người mà ông Liêm quen biết ư?

“Không Cộng sản” mà nhà giam tù chính trị mỗi ngày vẫn lấp đầy người. Phạm Đoan Trang tội gì; Nguyễn Thúy Hạnh, Trần Huỳnh Duy Thức tội gì; và còn hàng trăm người nữa tội gì mà người “không Cộng sản” vẫn bình chân như vại trước những cáo buộc mập mờ lươn lẹo?

“Không Cộng sản” nên cho phép Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ về nước nhưng còn hàng trăm nhà báo, nhà văn, những người hoạt động từ thiện bỗng dưng bị cấm nhập cảnh hàng chục năm qua vẫn không được về Việt Nam có phải là thái độ cần có của những kẻ “không Cộng sản” mà ông Liêm đề cập? Chỉ có những tư duy cộng sản mới sinh ra con quái vật Putin, xâm lược nước khác nhưng dương dương tự đắc là tự bảo vệ mình và được Việt Nam “không Cộng sản” trơ tráo bỏ phiếu trắng ủng hộ?

‘Không Cộng sản” nhưng vẫn có những phiên tòa rất Cộng sản như vụ Thiền Am, “không Cộng sản” nhưng Phó chánh án vẫn ăn hối lộ cả tiền lẫn xác thịt để giảm mức án cho một vụ án hình sự? “Không Cộng sản” nhưng tài sản kếch sù sau khi bị bắt vì hối lộ. Muốn chứng minh những vụ “không Cộng sản” không hề khó, chỉ cần hỏi Google là tất cả sẽ phơi bày.

“Không Cộng sản” nên “nay dân chúng không còn ăn để no, mà phải ngon; mặc không chỉ đủ ấm, mà phải đẹp” là một sự ngụy biện. Ông Liêm tránh né những hình ảnh đau lòng xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội cho thấy trẻ em đến trường phải treo lơ lửng trên những sợi giây bắt qua sông. Những đứa bé không đủ quần áo ngồi xếp hàng dưới đất run rẩy chờ nhận chén cơm không có thịt. Những trẻ bán vé số, những người lượm ve chai chắc lên đời hết rồi, bây giờ họ đã có nhà có cửa chăn êm nệm ấm hết rồi hay là họ ngày ngày vẫn kiên trì đứng trước những quán cơm 2000 chờ một suất cơm cho người nghèo. Họ ăn để sống chứ không còn ăn để no, nhất là để ngon như ông Liêm nói nữa.

Xin trả lại lòng tốt muốn thay đổi Nghị quyết 36 của ông, những người dân cùng khổ chúng tôi vẫn cứ tin rằng trí thức thiên tả lúc nào nói cũng hay, cũng bùi tai nhưng kết quả thì luôn luôn làm cho người tin chúng lãnh hậu quả: Nhẹ thì mất nhà, nặng thì mất nước.

________

Về bài của ông Nguyễn Hữu Liêm: Việt Kiều và Nhà nước VN

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: