HÀ NỘI, Việt Nam – Việt Nam đang tìm cách “tháo gỡ khó khăn” kinh tế xã hội vì đại dịch COVID-19 bất ngờ quay lại làm chính quyền lúng túng khi hệ quả để lại từ đợt dịch trước vẫn còn.
Theo báo Lao Động hôm Thứ Ba, 18 Tháng Tám, mới đây chính quyền mở cuộc hội thảo tìm “các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình hiện nay.” Bởi vì “Với bối cảnh thế giới cũng như Việt Nam đã thay đổi lớn ở giai đoạn dịch bệnh mới, đòi hỏi cần có cách tiếp cận khác, phù hợp hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh, phục hồi tăng trưởng, phát triển kinh tế…”
Cuộc hội thảo được tổ chức sau vài ngày chính tờ Lao Động đưa tin hôm 15 Tháng Tám, nói tại thành phố Cần Thơ “hiện nay có gần 30,000 lao động đang chờ nhận hỗ trợ từ gói 62,000 tỷ đồng” mà chính quyền loan báo từ đầu Tháng Năm. Trong khi tại Hà Nội thì “dự kiến hết Tháng Tám mới chi trả hết cho các nhóm đối tượng.”
Hà Nội theo gương nhiều nước trên thế giới dành ra một ngân khoản giúp đỡ những gia đình, cá nhân nghèo khó, thất nghiệp chống đỡ với tác động của dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. Nhưng số tiền đã bị các quan chức một số địa phương tùy tiện phát “không đúng đối tượng” hoặc bắt ép họ ký giấy từ chối.
Tường thuật cuộc hội thảo kể trên, báo Lao Động dẫn lời Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng kêu “tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp” cho nên “chưa biết bao giờ kinh tế thế giới mới nối lại các chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như các hoạt động du lịch, đi lại, sản xuất…”
Ông Dũng hô hào: “Các chính sách mới đòi hỏi phải đủ mạnh, phải có hành động đặc biệt để cứu doanh nghiệp và nền kinh tế. Phải nắm chắc được tình hình, biết được mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào với nền kinh tế đất nước.” Cho nên “báo cáo đánh giá tác động cần đầy đủ, toàn diện hơn và sâu hơn về tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt tách bạch giữa chính sách đã ban hành và chính sách mới. Phải đánh giá được tác động của chính sách đã ban hành đối với cuộc sống, các đối tượng thụ hưởng và đối với nền kinh tế để tiếp tục đề xuất, ban hành những chính sách mới với những giải pháp căn cơ, dài hơi hơn.”
Hiểu như vậy, người ta nhìn thấy Hà Nội đang bị động trước các bài toán kinh tế, xã hội đặt ra trước mặt khi đại dịch COVID-19 quay trở lại nằm ngoài sự dự liệu. Từ Tháng Năm trở đi, cơ quan y tế tại Việt Nam loan báo đếm từng ngày không có ca nhiễm dịch COVID-19 mới, cũng không có ai chết trong khi hàng trăm ngàn người chết trên thế giới. Việt Nam hãnh diện được báo chí quốc tế ca tụng là gương sáng để thế giới nhìn vào học cách chống đỡ dịch bệnh.
Nhưng ngày 31 Tháng Bảy thì loan báo ca tử vong đầu tiên, nay đã hơn 20 người chết cũng như chưa biết dừng lại hay không, khi dịch mới bùng phát trở lại từ giữa Tháng Bảy.
Báo Lao Động thuật lời ông Cao Viết Sinh, cựu thứ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, cho rằng cách đối phó của nhà cầm quyền ở đợt dịch trước thấy “gói tín dụng an sinh xã hội đang thực hiện còn nhiều vướng mắc ‘chưa đâu vào đâu.’ Chủ trương thì hay nhưng thực hiện chưa được gì lớn, cần phải đánh giá lại nguyên nhân từ đó mới tiếp tục.”
Theo ông này, cách đối phó của Hà Nội coi như “đã khống chế được dịch” trong khi tình hình đại dịch “diễn biến phức tạp” có thể còn kéo dài sang những năm tới.
Theo báo cáo mới được công bố của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) và Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Việt Nam trong năm 2020 được dự báo sẽ tăng gấp đôi so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Mới đây, tin tức trong nước được một số báo nêu ra, hơn 63,000 doanh nghiệp đã sập tiệm, từ đầu năm đến nay, vì không chống đỡ nổi tác động của dịch bệnh.
Doanh nghiệp đóng cửa, ngừng sản xuất kinh doanh đương nhiên là giới công nhân lao động cũng mất việc làm. Hôm Thứ Hai, 18 Tháng Tám, tờ Thời Báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin “Công ty giày dép Huê Phong ở quận Gò Vấp (Sài Gòn) sau hai lần cắt giảm gần 2,500 lao động do ảnh hưởng COVID-19, giờ đây rục rịch tiếp tục với việc giảm lượng lao động.”
Trước đó, ngày 3 Tháng Tám, báo VNExpress thuật lời quan chức Bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội nói “Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị trong quý 2/2020 cao nhất 10 năm qua, song đó chưa phải điều tồi tệ nhất” mà “Lượng lớn lao động có thể thất nghiệp vào cuối năm” có thể hàng triệu người. (TN)