Việt Nam: Nhập sừng tê giác, ngà voi, xương sư tử… trị giá $12.5 triệu

Sừng tê giác bị tịch thu. Nguồn: Báo CAND

Ngày 22 Tháng Sáu, Công an TP Đà Nẵng bắt tạm giam bốn tháng đối với ông Nguyễn Đức Tài (SN 1989, quê quán Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tạm trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) về hành vi “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Khoản 3, Điều 244 Bộ Luật Hình sự của Nhà nước Cộng sản Việt Nam.

Phía nhà cầm quyền cho biết, đầu năm 2021, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện một nhóm người có biểu hiện buôn lậu, nhập khẩu trái phép động vật hoang dã xuyên quốc gia. Những người này sử dụng giấy tờ tùy thân của nhiều người, kể cả của người đã chết để lập ra các công ty nhằm mục đích buôn lậu.

Các công ty này đều đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, lấy trụ sở ảo, không biển hiệu, không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng có hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ các nước châu Phi về Việt Nam qua cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng.

Công an Đà Nẵng cùng với Cục Hải quan thành phố và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã phát hiện 52 khúc sừng tê giác với trọng lượng 138,784 kg cùng 93 thùng xương sư tử với trọng lượng 3,108 kg nhập khẩu từ Nam Phi, giấu trong container ván gỗ sàn, chủ những lô hàng này là một doanh nghiệp đăng ký địa chỉ trên địa bàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.

Vảy tê tê. Nguồn: Báo CAND

Ngày 5 Tháng Giêng 2022, Công an TP Đà Nẵng kiểm tra một container khai báo tên hàng hóa là hạt điều nhập từ Nigeria, phát hiện bên trong container chứa 456,9 kg ngà voi và 6,232 kg vảy tê tê. Tổng giá trị của các lô hàng này ước tính lên đến 300 tỷ đồng tương đương $12.5 triệu.

Thường khi có cầu (tức nhu cầu) thì ắt có cung (tức cung cấp). Nguyên nhân là ở Việt Nam, các mặt hàng như sừng tê giác, ngà voi, xương cọp, xương sư tử vv… là những món hàng thời thượng cho những người có quyền cao và nhiều tiền sưu tầm. Một phần cũng do văn hóa Á Đông xem sừng tê giác, cao hổ cốt vv… là thứ “thần dược” nên chúng có giá trị kinh tế cao kích thích thành phần buôn lậu bất chấp.

Năm 2008, Bộ Ngoại giao đã triệu hồi bà Vũ Mộc Anh, một quan chức Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, vì dính đến việc mua bán sừng tê giác từ Nam Phi về nước. Hình ảnh đầy xấu hổ này bị phía Nhà nước Nam Phi yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam điều tra làm rõ. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Cộng sản chỉ rút quan chức của họ về nước mà không xử lý nặng tay.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: