Với việc thu phí sử dụng vỉa hè, Sài Gòn “hợp thức hóa” việc xâm chiếm chỗ đi bộ

Ảnh An Vui – Các vỉa hè ở quận 1 đều được tận dụng làm nơi buôn bán cà phê, hàng ăn và làm bãi đậu xe gắn máy

Thu phí sử dụng vỉa hè để kinh doanh và thu phí lòng đường đậu xe hơi, đó là dự định của nhà cầm quyền Sài Gòn công bố hôm 7 Tháng Hai 2023.

Đó là một phần nội dung dự thảo về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố vừa được Sở Giao thông vận tải Sài Gòn gửi tới các quận, huyện và Sở tư pháp thẩm định.

Theo dự thảo, Sở giao thông vận tải liệt kê 7 trường hợp được tạm dùng vỉa hè có đóng phí, gồm: Điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; vị trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu phí; vị trí lắp các công trình và trụ quảng cáo tạm; nơi tổ chức hoạt động văn hóa (thể thao, diễn hành, lễ hội); điểm giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa; nơi trung chuyển vật liệu, phế thải phục vụ thi công xây dựng của gia đình; điểm giữ xe có thu phí.

Dự thảo cũng đề cập 3 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường có đóng phí, gồm: Nơi tổ chức sự kiện văn hóa và giữ xe hơi phục vụ sự kiện; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của công ty vệ sinh môi trường đô thị; điểm giữ xe có thu phí.

Mức phí như thế nào thì dự thảo chưa nêu, nhưng nêu rõ: Dù có đóng phí khi tổ chức kinh doanh thì mỗi vỉa hè cũng phải chừa 1.5m (4.92 feet) cho người đi bộ; còn lòng đường có đậu xe hơi hay tổ chức sự kiện thì cũng phải chừa chỗ cho hai làn xe hơi di chuyển.

Bảng thăm dò ý kiến độc giả của Vnexpress với 55% số người không đồng ý việc thu phí vỉa hè và lòng đường – Ảnh chụp màn hình

Lâu nay, hầu như tất cả các vỉa hè ở các quận, huyện Sài Gòn đều bị lấn chiếm để gửi xe gắn máy hoặc buôn bán. Ở khu trung tâm quận 1, các quán cà phê đều lấn chiếm vỉa hè để kê bàn cho khách hóng gió hoặc lấy chỗ cho khách đậu xe, không còn chỗ cho khách bộ hành. Vài năm nay, không chỉ vỉa hè bị hàng quán xâm chiếm mà cả lòng đường cũng tràn lan xe hơi đậu, bất kể đêm ngày. Còn các ngã ba, ngã tư các con đường, thậm chí quốc lộ, các xe bán hàng rong đậu đầy, lộn xộn như một cái chợ thu nhỏ. Các quận, huyện Sài Gòn đã nhiều lần tiến hành lập lại trật tự vỉa hè, tuy nhiên chỉ giống như “bắt cóc bỏ dĩa”, khách bộ hành vẫn phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm. Mặt khác, ai cũng ngầm hiểu… một khi vỉa hè và lòng đường bị xâm chiếm để buôn bán kinh doanh thì hẳn phải có ai đó được hưởng lợi!

Trong một bài báo trên Vnexpress hồi cuối Tháng Năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban an toàn giao thông thành phố khẳng định vỉa hè bị lấn chiếm là do “được địa phương bảo kê”.

Khi Vnexpress thăm dò ý kiến bạn đọc về quyết định “hợp thức hóa” việc kinh doanh vỉa hè và lòng đường của nhà cầm quyền, 55% bạn đọc đã phản đối, với gần 200 ý kiến bình luận. Đa số các bình luận đều cho rằng: Vỉa hè là dành cho khách bộ hành, nếu thu tiền sử dụng thì coi như “hợp thức hóa” việc kinh doanh, khách bộ hành sẽ vĩnh viễn mất luôn chỗ đi bộ, vì ai sẽ giám sát phần chừa lại 1.5m?

Việc thu tiền xe hơi đậu dưới lòng đường cũng bị bạn đọc phản đối vì đường trong nội – ngoại ô Sài Gòn đều nhỏ hẹp, dành hoàn toàn cho các loại xe di chuyển còn thiếu chỗ, xảy ra kẹt xe hằng giờ, hằng ngày mà chính thức cho đậu xe hơi có thu phí thì coi như không còn chỗ đi, tai nạn giao thông là không thể tránh khỏi.

Hiện Sài Gòn đã thu phí đậu xe hơi trên lòng đường ở 20 tuyến đường, với 822 vị trí đậu xe tại các quận 1, 5, 10 – Ảnh: Dân Trí

Bạn đọc Hoi Nguyen dứt khoát:  “Vỉa hè từ xưa đến nay là dành cho người đi bộ, là hành lang an toàn giao thông. Thu phí xong chia cho người đi bộ hay thế nào? Còn người đi bộ nhảy xuống đường đi cùng xe máy à? Yêu cầu trả về đúng mục đích của nó ban đầu. Chấm hết”. Bạn đọc vungoctan1970 nhấn mạnh: “Đã là vỉa hè thì chỉ nên dành cho người đi bộ, còn đã cho kinh doanh thu phí và chừa lại 1.5 m thì xác định luôn là sẽ không bao giờ còn chỗ cho người đi bộ”. Bạn đọc nguyenlaplogistics nêu giải pháp: “Vỉa hè là để cho người đi bộ, lòng đường là để cho phương tiện giao thông. Kinh doanh và sử dụng vui lòng đi nơi khác. Nên quy hoạch các khu vực kinh doanh riêng biệt, không cho kinh doanh ở mặt tiền giao thông, như vậy lòng lề đường sẽ tự rộng ra, do không bị lấn chiếm sử dụng, khi cần giải toả mở rộng thì chi phí cũng thấp hơn. Đây mới là giải pháp triệt để và lâu dài”.

Một số ý kiến khác đặt vấn đề số phí thu được từ vỉa hè, lòng đường sẽ được nhà cầm quyền thành phố sử dụng vào việc gì, có công khai số thu không, có kiểm toán hằng năm không? Có một ý kiến của bạn đọc minhchanh0609 cho rằng “Nên trả tiền phí cho người đi bộ nếu cản trở lối đi của họ” – điều này quả là mơ tưởng hão huyền rồi!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: