Lợi dụng Covid-19, Trung Quốc “xiết nợ” các nước châu Phi

Trung Quốc viện trợ khẩu trang và trang bị bảo hộ cho Ethiopia trong chiến dịch “ngoại giao khẩu trang”. AP

HIẾU CHÂN

Trung Quốc – chủ nợ lớn nhất của nhiều nước nghèo ở châu Phi – đang rắp tâm lợi dụng lúc đại dịch coronavirus tàn phá nền kinh tế của các con nợ để thâu tóm các tài sản có giá trị chiến lược.

Do tai họa bất ngờ, một số chính phủ châu Phi đã gặp khó khăn trong việc trả tiền lời và tiền vốn cho các khoản nợ đã vay của Trung Quốc. Một số chính phủ châu Phi đã bắt đầu làm việc song phương với Bắc Kinh để xin giảm nợ. Tuy nhiên quan chức tham gia đàm phán của một số nước nói rằng, các đại diện Trung Quốc trích dẫn các điều khoản trong thỏa thuận tín dụng để buộc họ phải chuyển giao tài sản thế chấp cho Bắc Kinh đổi lấy việc xóa nợ hay giãn nợ.

Hai quan chức cao cấp Zambia trong đoàn đàm phán với Trung Quốc chẳng hạn, cho biết chính phủ nước này đang xem xét giao cho Trung Quốc tài sản là các mỏ đồng, trong đó có mỏ đồng Mopani lớn thứ ba của Zambia hiện thuộc quyền khai thác của công ty Glencore PLC có trụ sở tại London, theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Chuyện ở Zambia diễn tiến như thế nào đang được hàng chục quốc gia đang phát triển, từ Pakistan và Trung Á tới Nam Mỹ và vùng biển Caribbean, theo dõi rất kỹ vì các quốc gia này cũng đã vay hàng tỷ Mỹ kim của Trung Quốc để xây dựng hạ tầng giao thông.

Chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo các quốc gia châu Phi rằng vay tiền của Trung Quốc có thể dẫn tới việc mất quyền kiểm soát các tài sản chiến lược.

Trước đây Sri Lanka không có khả năng hoàn trả món vay để xây một hải cảng, do Trung Quốc thi công, năm 2018, chính phủ nước này phải để cho một công ty tàu biển quốc doanh Trung Quốc thuê hải cảng đó trong 99 năm để trừ nợ. Các công ty điều hành cảng của Trung Quốc cũng siết chặt quyền kiểm soát của họ với một hải cảng chiến lược ở Djibouti, một quốc gia Đông Phi mà nợ vay của Trung Quốc nhiều bằng 100% GDP. Cảng này đã biến thành căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.

Hàng viện trợ chống dịch Covid-19 của Trung Quốc đến châu Phi. AP

*

Sau hai thập niên thực hiện “ngoại giao bẫy nợ”, dự tính Trung Quốc đã cho các nước châu Phi vay khoảng 143 tỷ USD, theo tài liệu của trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Đại học Johns Hopkins. Phần lớn số tiền này đổ vào các dự án giao thông lớn do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện như hệ thống đường sắt ở Ethiopia, các phi trường ở Zambia và hải cảng ở Tanzania.

Tuy nhiên, các nước châu Phi mắc nợ Trung Quốc bao nhiêu là điều khó biết được chính xác vì Bắc Kinh giữ bí mật rất kỹ những điều khoản của chương trình cho vay. Ngân hàng Thế giới dự tính tổng nợ nần của châu Phi vào khoảng 583 tỷ USD, trong đó phần lớn nhất là nợ Trung Quốc.

Theo tài liệu của báo Wall Street Journal, phần lớn tín dụng trong dự án Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative, BRI) của ông Tập Cận Bình là các món vay thương mại, lãi suất cao, tính bằng đồng Mỹ kim, giải ngân qua các định chế tài chính do Bắc Kinh kiểm soát như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China ExIm), Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank, AIIB). Người vay bị buộc phải dành ưu tiên cho các chủ nợ Trung Quốc trong việc sử dụng vốn vay và mỗi năm phải trả hai lần tiền lời và tiền vốn vào một trương mục của ngân hàng chủ nợ mở ở New York.

Quan chức ngành tài chánh của một số nước châu Phi khác nói thỏa thuận vay nợ từ Trung Quốc luôn luôn có điều khoản buộc bên vay phải có tài sản thế chấp, phải chuyển giao cho chủ nợ các tài sản quốc gia khi không trả được nợ. Hai món vay của Uganda chẳng hạn – 325 triệu USD nâng cấp phi trường Entebbe và 1,4 tỷ USD xây nhà máy điện ở Karuma – cũng có điều khoản như vậy, dù chính phủ Uganda vẫn trả được tiền lời và tiền vốn.

Ngay từ trước khi bùng phát đại dịch coronavirus, nợ vay của Trung Quốc đã là gánh nặng cho các nước Phi châu. Một báo cáo năm 2019 của Quỹ Tiền tệ quốc tế  dự tính khoảng 40% các quốc gia có thu nhập thấp của châu lục đang bị sức ép nợ nần. Một nghiên cứu của tờ Harvard Business Review xuất bản hồi tháng 02-2020 cho biết thêm là khoảng một nửa số món nợ mà Trung Quốc cho các nước đang phát triển vay không hề được báo cáo.

Bây giờ, đại dịch bùng phát không chỉ gây ra cú sốc về kinh tế mà còn xóa sạch khả năng trả nợ của các chính phủ. Tổ chức nghiên cứu Viện Phát triển Hải ngoại (Overseas Development Institute, ODI) có trụ sở tại London dự báo giá nguyên liệu và thương phẩm (commodities) sụt giảm mạnh làm cho doanh thu xuất khẩu của châu Phi năm nay bị giảm từ 36 đến 54 tỷ USD, ở một số quốc gia, thu nhập từ xuất khẩu có thể giảm tới 20% GDP. “Điều đó có nghĩa là các nước châu Phi sẽ khó mà trả được tiền vay, không chỉ với chủ nợ Trung Quốc mà cả với tất cả các chủ nợ”, nhà nghiên cứu Linda Calabrese của ODI nói.

Để bày tỏ thiện chí với “khách hàng” châu Phi, gần đây Trung Quốc đã hào phóng viện trợ khẩu trang và trang bị bảo hộ cho nhiều nước châu Phi chống dịch, nhưng chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” này chẳng có mấy hiệu quả vì tình trạng người châu Phi bị phân biệt đối xử, bị kỳ thị ở Trung Quốc. Hình ảnh những người châu Phi bị lôi ra khỏi nhà cửa, bị bắt vô cơ sở cách ly đã làm cho người châu Phi tức giận và các nhà ngoại giao châu Phi phản đối mạnh.

*

Theo các nhà phân tích, giải pháp cho vấn đề là Trung Quốc và các nước phương Tây cùng thỏa thuận một chính sách quốc tế về giảm nợ, xóa nợ cho châu Phi; nhưng chuyện đó vô cùng khó bởi vì cuộc thảo luận sẽ bị chính trị hóa và thù địch mà hậu quả là các nước nghèo nhất thế giới phải hứng chịu.

Các nước giàu, từ Nhật Bản đến Hoa Kỳ – cũng đang chứng kiến nền kinh tế lảo đảo lao vào suy thoái – không muốn xóa nợ cho châu Phi vì họ nghĩ tiền đó sẽ gián tiếp hỗ trợ các chủ nợ Trung Quốc, bao gồm chính phủ Bắc Kinh, các nhà thầu và ngân hàng.

Mỏ đồng Mopani của Zambia, hiện do Công ty Glencore PLC khai thác nhưng có thể được gán cho Trung Quốc để trừ nợ.

Cuộc thương lượng giữa chính phủ Zambia và Trung Quốc nói trên khiến các quan chức phương Tây từng cảnh báo về chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc phải lo lắng. Hai quan chức cao cấp Zambia nói chính phủ sẽ chuyển nhượng mỏ đồng Mopani cho Trung Quốc sau khi họ thu hồi được tài sản này từ Công ty Glencore. Zambia không tiết lộ họ mắc nợ Trung Quốc bao nhiêu tiền nhưng một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins dự tính vào khoảng 6,4 tỷ USD vào cuối năm 2017, bằng 44% tổng số nợ của nước này. Hôm thứ Ba 21-03, Zambia nói họ có kế hoạch thu hồi giấy phép khai thác mỏ Mopani và cáo buộc Công ty Glencore vi phạm điều khoản của giấy phép khi tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch coronavirus. Giám đốc điều hành của mỏ bị bắt tạm giữ một thời gian ngắn ở phi trường Lusaka của nước này. Phát ngôn viên của Glencore nói công ty “cam kết đối thoại xây dựng với chính phủ Zambia”.

Mặc dù các nước G-20 gần đây đã đồng ý hoãn nợ cho châu Phi cho đến cuối năm nay nhưng không rõ Trung Quốc có tham gia vào một nỗ lực đa phương như vậy hay không vì các nhà ngoại giao và quan chức ngân hàng Trung Quốc chỉ muốn thương lượng với từng quốc gia riêng rẽ trong các phòng họp kín cửa; làm như vậy họ có nhiều lợi thế để ép buộc bên mắc nợ phải nhân nhượng.

Trung Quốc cũng từ chối tham gia các nỗ lực đa phương về tái cơ cấu nợ do phương Tây điều hành, gọi là Câu lạc bộ Paris, gồm các quốc gia chủ nợ, và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng lo lắng không muốn đặt ra một tiền lệ về xóa nợ rộng rãi mà cũng không muốn “ giải quyết vấn đề nợ nần thông qua thương lượng song phương”. Một mặt, việc xóa nợ, giãn nợ có thể gây nguy hiểm cho các ngân hàng chủ nợ của Trung Quốc, mặt khác Trung Quốc cho vay khắp thế giới, việc xóa nợ giãn nợ ở châu Phi có thể tạo một tiền lệ xấu có thể lặp lại ở các châu lục khác.

“Chúng ta chỉ có thể nói Trung Quốc có khả năng sẽ giảm nợ hoặc tái thương lượng một số khoản nợ; còn xóa nợ là điều khó có thể xảy ra”, bà Linda Calabrese của ODI nhận định.

(WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: