TQ ra luật an ninh, Hong Kong lại xuống đường, Mỹ đòi cấm vận

Biểu tình đòi dân chủ ở khu Wan Chai, Hong Kong năm ngoái, Ảnh Joseph Chan/ Unsplash

HIẾU CHÂN

Quốc hội Trung Quốc – trong kỳ họp kéo dài một tuần bắt đầu từ thứ Sáu 22-05, dự kiến sẽ thông qua một đạo luật an ninh quốc gia cho Hong Kong và Macau, siết chặt sự kiểm soát hai vùng lãnh thổ tự trị này. Động thái đó của Bắc Kinh đã gây phản ứng mạnh trong giới hoạt động dân chủ tại Hong Kong và chính phủ Hoa Kỳ vì lo ngại nhân quyền và quyền tự do của người dân Hong Kong bị xâm phạm.

Bài liên quan:

Xuống đường!

Các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong kêu gọi người dân tham gia một cuộc biểu tình tuần hành vào thứ Sáu ngày 22-05 để phản đối kế hoạch của Bắc Kinh áp đặt một bộ luật an ninh quốc gia có thể xói mòn tự do và tự chủ của vùng lãnh thổ này.

Cuộc biểu tình tuần hành dự kiến bắt đầu vào ban trưa gần trung tâm tài chánh Hong Kong và kéo đến Văn phòng Liên lạc của Trung Quốc lục địa. Nếu được diễn ra đúng như lời kêu gọi thì đây là dấu hiệu cho thấy Hong Kong sắp trở lại với những ngày bất ổn chính trị như mùa hè năm ngoái.

Tại sao luật của Trung Quốc bị Hong Kong phản đối?

Tại Bắc Kinh sáng thứ Sáu đã diễn ra lễ khai mạc kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc, mà trong chương trình họp một tuần được cho là sẽ thông qua một đạo luật an ninh quốc gia và cơ chế thực hiện nó ở Hong Kong sau nhiều cuộc biểu tình năm ngoái mà Bắc Kinh cho là do các thế lực nước ngoài xúi giục. Nội dung chi tiết của đạo luật chưa được tiết lộ, nhưng theo tường thuật của hãng tin Reuters sau khi được xem bản dự thảo thì đạo luật sẽ cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố, can thiệp của nước ngoài và các hoạt động nổi loạn nhằm phá hoại chính quyền trung ương ở Bắc Kinh. Đạo luật cũng cho phép chính phủ trung ương Trung Quốc có quyền đối phó trực tiếp với những cuộc biểu tình chống Bắc Kinh từng làm đảo lộn Hong Kong trong cả năm qua.

Đáng chú ý là với một đạo luật như vậy, rõ ràng Trung Quốc đã vượt quá thẩm quyền được quy định trong mô hình “một quốc gia, hai hệ thống” do Đặng Tiểu Bình thỏa thuận với chính phủ Anh quốc như một điều kiện chủ yếu để Anh quốc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997. Mô hình này xác định Hong Kong là vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc nhưng có quyền tự chủ, tự điều hành theo một bộ Luật Căn Bản, như một hiến pháp mini, mà Bắc Kinh không được can thiệp trong 50 năm, cho tới năm 2047. Luật Căn Bản quy định, Hong Kong có thể chế tam quyền phân lập, các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp độc lập với nhau, và luật lệ chi phối đời sống xã hội của Hong Kong phải do Nghị viện, là cơ quan lập pháp của lãnh thổ này, lập ra.

Chính sách giữ nguyên hệ thống chính trị và xã hội của Hong Kong sau năm 1997, đặc biệt là hệ thống tư pháp độc lập và chuyên nghiệp, là nền tảng để duy trì sự thịnh vượng và tự do của một đặc khu tư bản chủ nghĩa ngay trước ngưỡng cửa Hoa Lục cộng sản, đóng vai trò cầu nối hết sức thiết yếu về tài chánh và thương mại giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài, góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh và thực hiện các tham vọng kinh tế của Trung Quốc.

Trung Quốc lấn dần từng bước

Tuy nhiên chỉ sau vài năm, Trung Quốc đã bắt đầu có những bước đi nhằm xói mòn các quyền tự do dân chủ mà 7,5 triệu người Hong Kong đang hưởng, dẫn tới những cuộc biểu tình phản kháng và thái độ thù ghét đối với nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Kinh.

Trước đây năm 2003, chính quyền Hong Kong đã cố đưa ra một đạo luật an ninh quốc gia tương tự nhằm thu hẹp quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp của người dân Hong Kong, cho phép nhà cầm quyền đóng cửa các tờ báo đối lập hay lục soát tư gia của người dân mà không cần có trát tòa. Nhưng rồi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của những cuộc biểu tình lên tới nửa triệu người, dự luật đó đã bị xếp xó. Năm ngoái, khi chính quyền Hong Kong dự tính thông qua một đạo luật dẫn độ, cho phép công dân Hong Kong phạm pháp có thể bị bắt và đưa sang xét xử ở các tòa án mù mờ của Trung Quốc, hàng triệu người dân Hong Kong đã đổ ra đường biểu tình, và dự luật đó cũng phải bị “chết yểu” như dự luật an ninh quốc gia trước đó 16 năm.

Nay Trung Quốc sử dụng quyền lực của Quốc hội, thực chất là bù nhìn của đảng Cộng sản, ở Bắc Kinh để ban hành luật áp dụng ở Hong Kong, phế bỏ vai trò của Nghị viện Hong Kong, là trái với tinh thần và văn bản của thỏa thuận Trung – Anh năm 1997. Có thể Bắc Kinh thất vọng trước sự bất lực của chính quyền Hong Kong, không đưa ra được những đạo luật hà khắc mà Trung Quốc mong muốn, nhưng khi vượt quá thẩm quyền và tư cách, làm trái với cam kết của chính lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã phạm một sai lầm chính trị nghiêm trọng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi những vụ biểu tình của người dân Hong Kong là một thách thức trực tiếp với quyền uy tối thượng và tính chính danh của đảng Cộng sản Trung Quốc. Bộ máy tuyên truyền dưới quyền ông Tập thường xuyên lên án những người biểu tình là “khủng bố”, nổi loạn, bị nước ngoài kích động và đe dọa sẽ đè bẹp.

Hôm thứ Năm 21-05, Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc và Tân Hoa xã, thông tấn xã của nhà nước Trung Quốc, cùng đăng bài xã luận kêu gọi phá bỏ “khối u” là phong trào thân dân chủ, đòi độc lập của Hong Kong.

“Một quốc gia hai hệ thống” bị xóa sổ!

Chưa rõ các nhà hoạt động dân chủ tại Hong Kong sẽ có kế sách gì để đối phó với áp lực ngày càng tăng của Bắc Kinh, nhưng chắc chắn họ sẽ không im lặng và nhiều nhà quan sát dự báo, dự luật an ninh của Bắc Kinh sẽ kích động một phong trào biểu tình phản kháng mới, một “mùa hè nóng” mới, nhất là khi dịch Covid-19 ở Hong Kong đã căn bản bị khống chế và các biện pháp cách ly xã hội được nới lỏng.

“Nếu điều này [luật an ninh quốc gia Hong Kong] xảy ra thì ‘một quốc gia, hai hệ thống’ chính thức bị xóa sổ. Đây là điểm kết thúc của Hong Kong”.

Dennis Kwok, nghị sĩ Nghị viện Hong Kong

Nghị sĩ Dennis Kwok có quan điểm dân chủ trong Nghị viện Hong Kong than thở: “Nếu điều này xảy ra thì ‘một quốc gia, hai hệ thống’ chính thức bị xóa sổ. Đây là điểm kết thúc của Hong Kong”. Eric Cheung, giảng viên chính của khoa Luật Đại học Hong Kong đồng ý như vậy: “Về căn bản, nó tuyên bố thẳng rằng ‘một quốc gia hai hệ thống’ là vô hiệu và thất bại.”

Trên trang Twitter, Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi của Hong Kong, viết “Bắc Kinh đang cố gắng dập tắt những tiếng nói phê phán của người Hong Kong bằng sức mạnh và nỗi sợ hãi.” Và anh kêu gọi người biểu tình kiên trì đấu tranh. “Sâu trong lòng những người biểu tình biết vậy, nhưng chúng ta kiên trì không phải vì chúng ta mạnh mà vì ta không còn lựa chọn nào khác.”

Các nhà hoạt động này lo ngại, động thái của Trung Quốc chắc chắn sẽ gây tổn hại trầm trọng tới hình ảnh của Hong Kong như là một trung tâm tài chính quốc tế có quyền tự do và tự chủ. Ngay trong buổi sáng ngày thứ Năm khi có tin về dự luật an ninh của Trung Quốc, chỉ số chứng khoán của thị trường Hong Kong đã giảm 3,2%, đồng đô la Hong Kong giảm giá so với USD và nhiều nhà đầu tư Hong Kong đã rục rịch muốn chuyển tới Đài Loan hoặc Singapore.

Hoa Kỳ có cắt ưu đãi thương mại cho Hong Kong?

Biết trước rằng cộng đồng quốc tế sẽ phản đối hành vị của Bắc Kinh xâm phạm quyền tự chủ của Hong Kong, trước khi thông tin về dự luật an ninh quốc gia ở Hong Kong được thông báo cho báo chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi thư tới tất cả các đại sứ quán nước ngoài ở Bắc Kinh, trình bày quan điểm của chính phủ Trung Quốc và thuyết phục họ ủng hộ dự luật. “Phe đối lập ở Hong Kong từ lâu đã câu kết với các thế lực nước ngoài để thực hiện những hành vi ly khai, lật đổ, thâm nhập và phá hoại chống Trung Quốc lục địa,” bức thư viết.

Nhưng điều đó không ngăn được chính phủ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng phản đối. “Bất kỳ nỗ lực nào áp đặt luật an ninh quốc gia mà không phản ánh ý chí của người dân Hong Kong đều gây bất ổn cao độ, đều gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế,” bà Morgan Ortagus, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố. Tổng thống Trump hứa sẽ có “phản ứng rất mạnh”.

Tuy đã được trả về cho Trung Quốc nhưng trong quan hệ với Hoa Kỳ, Hong Kong có một quy chế đặc biệt với nhiều ưu đãi theo đạo luật Hong Kong Policy Act năm 1992. Chính sách ưu đãi của Hoa Kỳ góp phần không nhỏ vào sự thành công của vùng lãnh thổ này và cả Trung Quốc lục địa. Năm ngoái, trước những sự kiện Bắc Kinh xâm phạm ngày càng sâu vào quyền tự do tự chủ của người dân Hong Kong, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong (“Hong Kong Human Rights and Democracy Act”), quy định mỗi năm Bộ Ngoại giao phải báo cáo Tổng thống và Quốc hội tình trạng dân chủ và nhân quyền của vùng lãnh thổ này, nếu tình trạng xấu đi do sự can thiệp của Trung Quốc thì Hoa Kỳ sẽ xem xét cắt giảm hoặc bãi bỏ hoàn toàn những ưu đãi dành cho Hong Kong trong đạo luật Hong Kong Policy Act.

Hôm 06-05, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói ông có ý trì hoãn việc báo cáo tình hình Hong Kong lên tổng thống và quốc hội để chờ xem Trung Quốc sẽ làm gì với cái gọi là luật an ninh quốc gia ở Hong Kong và sẽ cập nhật thông tin đó vào báo cáo của Bộ Ngoại giao và các nhà quan sát đã nghĩ tới chuyện Tổng thống Trump sẽ cắt bỏ hoàn toàn hoặc phần lớn ưu đãi mà Hong Kong đang hưởng trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ.

Diễn biến mới nhất là trong khi Quốc hội Trung Quốc chuẩn bị phê chuẩn luật an ninh quốc gia ở Hong Kong thì các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cũng ráo riết chuẩn bị một dự luật lưỡng đảng nhắm tới cấm vận các quan chức và tổ chức Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia đó ở Hong Kong và trừng phạt các ngân hàng giao dịch với các tổ chức đó.

Dự luật do các Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen (Dân Chủ, Maryland) và Pat Toomey (Cộng Hòa, Pennsylvania) đồng soạn thảo, có nội dung bảo vệ nhân quyền ở Hong Kong và gây áp lực buộc Trung Quốc duy trì trạng thái đặc biệt của vùng lãnh thổ này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: