Cô gái Việt tị nạn trở thành đại tá quân đội Mỹ

Đại tá Danielle Ngô vui cười cùng binh sĩ trong thời gian huấn luyện tại căn cứ Thủy quân Lục chiến ở Hawaii năm 2018. Bà Ngô hiện là sĩ quan điều hành phụ tá cho tổng thanh tra Lục quân tại Washington D.C. Ảnh Michael Behlin.

Bà Danielle Ngô, đại tá lục quân, phụ tá Tổng Thanh tra Lục quân, là người phụ nữ gốc Việt có quân hàm cao nhất trong quân đội Hoa Kỳ, xuất thân là một người tị nạn chiến tranh, rời quê hương vào ngày Sài Gòn sụp đổ bốn mươi sáu năm về trước.

Ra đi

Trong phi trường Tân Sơn Nhất, cô bé Ngô Như Nguyện ba tuổi, ngồi cùng mẹ và cô em gái nhỏ mới một tuổi, chờ đợi chuyến phi cơ sẽ đưa họ rời khỏi Việt Nam trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Tiếng súng gầm rú, bỗng tòa nhà rung lên rồi từng mảng trần xi măng đổ xuống, làm những người chờ đợi thất kinh hồn vía. 

Hôm đó là ngày 29 tháng Tư năm 1975; quân Bắc Việt đã bắt đầu phóng hỏa tiễn vào phi trường, vừa là phi trường quân sự vừa dùng làm phi trường dân dụng của thủ đô Sài Gòn. 

Bà Thái An, mẹ của hai đứa trẻ, biết quân Việt cộng đã bao vây thành phố. Nhờ một người bà con làm việc trong tòa Đại sứ Hoa Kỳ, bà có được vé máy bay để đưa con đến Mỹ. Bà mẹ trẻ biết rằng, phải ra đi càng nhanh càng tốt. “Tôi chỉ nghĩ làm thế nào đưa hai đứa con tới nơi nào đó an toàn”. Nhưng máy bay thương mại đã không bao giờ đến.

Sau khi đợt pháo kích vào nhà ga phi trường tạm ngừng, bà Thái An tay bồng tay dắt con chạy ra phi đạo, xếp hàng chờ lên một phi cơ quân sự giữa lúc tiếng hỏa tiễn vẫn tiếp tục nổ rền. “Tôi không dám nhìn lại nữa”.

Bà Thái An nghĩ mẹ con bà có thể là những người Việt Nam cuối cùng vượt thoát được khi chiếc phi cơ quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ cất cánh rời khỏi một đất nước đã trở thành chiến địa, bỏ lại sau lưng cuộc chiến tranh khốc liệt.

Bà Ngô Thái An với các con, Lan-Dinh (trái) và Danielle ở quê hương Việt Nam năm 1973. Ảnh gia đình

Cô bé ba tuổi Như Nguyện năm xưa nay là Đại tá Danielle Ngô, sĩ quan điều hành của Tổng Thanh tra Lục quân Hoa Kỳ ở thủ đô Washington D.C. Cô không còn nhớ nhiều về ngày cô và gia đình rời khỏi đất nước, về cuộc chiến tranh tương tàn ở quê hương mình. Cô chỉ biết về quê hương qua những câu chuyện của mẹ.

Chiếc phi cơ quân sự cuối cùng đáp xuống một trại lính Hoa Kỳ trên đảo Wake xa xôi giữa Thái Bình Dương, cách Hawaii tới 2.300 dặm về phía tây. Từ lúc đó, gia đình bà Thái An chính thức trở thành người tị nạn, chờ được một quốc gia đồng ý tiếp nhận. Sau ba tháng chờ đợi, họ được chính phủ Hoa Kỳ cho nhập cảnh và với vài túi áo quần làm hành trang, họ được đưa tới trại tiếp nhận ở Hawaii, rồi Arkansas, rồi Dallas trước khi được một người họ hàng bảo lãnh về ở trong một khu nhà của chính phủ ở Melrose, ngoại ô thành phố Boston, bang Massachusetts.

Gầy dựng sự nghiệp

Lúc gia đình bà Thái An di cư tới Mỹ, phần lớn người dân Mỹ vẫn còn ấp ủ những tình cảm phản chiến và lo ngại việc tiếp nhận người Việt Nam tị nạn. Nhưng sức mạnh của người mẹ trẻ, khi ấy mới ngoài hai mươi tuổi, đã thôi thúc bà Thái An cố gắng theo học đại học, xây dựng sự nghiệp và cuộc sống tốt hơn cho hai đứa con của bà; cô lớn Danielle (Như Nguyện) mới ba tuổi, còn cô bé Stefanie (Lan Dinh) mới chỉ hơn một tuổi. 

Bà Thái An làm đủ mọi việc, vừa làm vừa học. Lúc đầu bà theo học đại học hai năm trong lúc làm công việc chăm sóc người già; cuối cùng bà cũng hoàn tất được văn bằng cử nhân và thạc sĩ rồi tìm được việc làm quản thủ thư viện. “Đó là những năm tháng cố gắng và căng thẳng của bà,” Danielle nhớ lại.  Cuộc mưu sinh vất vả của bà mẹ đã có tác động không nhỏ tới hai cô con gái. “Mẹ tôi, đó là một người phụ nữ kỳ lạ,” Danielle nói. 

Với cô con gái Danielle, từ sức mạnh của người mẹ mà cô học được cách trở thành một con người có thể dẫn dắt những người lính.

Cô không biết rõ về cha mình, chỉ biết ông là một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa, được huấn luyện cùng với lực lượng đặc biệt Mỹ. Sau khi Sài Gòn thất thủ và vợ con đã ra đi, ông bị phía Bắc Việt bắt giữ. Cho tới bây giờ, gia đình vẫn không biết tung tích của ông.

Gia đình bên nội của bà Danielle ở Việt Nam, gồm ông nội và các cô chú. Danielle lúc đó còn bé được một người cô bồng trên tay phía bên phải. Ảnh gia đình.

Đã hơn 46 năm từ ngày gia đình bà Thái An rời Sài Gòn. Cô Danielle bây giờ chỉ còn nhớ kỷ niệm về ông nội mình, người đã bỏ vào túi bà đồng đôla may mắn có ghi tên của bà “Như Nguyện”, và cô đã không còn nói hoặc đọc được tiếng Việt.

Sau tám năm sống trong khu nhà của chính phủ, gia đình bà Thái An đã dành dụm được ít tiền. Lúc Danielle lên lớp bảy, họ chuyển nhà tới khu Hingham giàu có hơn ở phía nam Boston, trên bờ vịnh Massachusetts. Là người mẹ đơn thân, bà Thái An không có mặt ở nhà thường xuyên để chăm sóc hai con nhỏ; trách nhiệm được dồn lên Danielle. Cô phải vừa học vừa trông nom em gái Lan-Dinh nhỏ hơn mình chỉ 15 tháng tuổi. Luôn nắm tay em khi đến trường, khi đi tập thể thao và bất cứ lúc nào cô em cần tới, Danielle ngay từ nhỏ đã có tác phong phục vụ, chăm sóc và trách nhiệm. “Thật hứng thú khi nhìn chị ấy làm những việc đó. Tôi có thể nói rằng, đó là lần đầu tiên chị ấy thật sự thích dẫn dắt và tổ chức công việc,” cô Lan-Dinh nói về người chị gái.

“Có lẽ phần lớn những kỹ năng lãnh đạo mà chị ấy học được là từ quân đội bởi vì trong một gia đình Á châu, con cái không thật sự thể hiện tính cách lãnh đạo, mà luôn phục tùng,” cô Lan-Dinh nói thêm.

Hai chị em Danielle và Lan-Dinh không nhớ gì nhiều về cái ngày bi thảm khi rời bỏ quê hương năm 1975; nhưng bà Thái An thì không quên hình ảnh những bộ quân phục của binh lính Hoa Kỳ – những người đầu tiên tiếp đón họ ở căn cứ trên đảo Wake xa xôi, và ở mỗi trại tị nạn mà họ đặt chân đến họ đều chứng kiến những người mặc quân phục tận tâm phục vụ. Khi cô bé Lan-Dinh bị bệnh, các y tá của quân đội đã cứu chữa cho cô trong bệnh xá quân đội trên đảo Wake và phát hiện ra cô bé bị chứng dị ứng với sữa.

Binh nghiệp

Danielle yêu quý cuộc sống ở Mỹ tới mức khi tròn 17 tuổi cô quyết định gia nhập quân đội để đền đáp ơn nghĩa mà nước Mỹ đã dành cho gia đình cô. “Tôi muốn đền đáp lại cho nước Mỹ mà bây giờ là quê hương của tôi,” Danielle nói.

Lúc đầu bà mẹ đã phản đối; bà không muốn cô con gái lớn phải ra mặt trận sau khi bà đã hy sinh quá nhiều để vượt thoát khỏi Việt Nam và làm lụng cực khổ để nuôi con ăn học. Bà muốn Danielle phải vào đại học.

Nhưng cô gái vẫn quyết đi lính; cô cam kết với mẹ cô sẽ trở lại trường học sau hai năm tại ngũ và được hưởng ưu đãi theo đạo luật Montgomery G. I. Bill giúp đỡ quân nhân Mỹ học hành. Với hy vọng trở thành bác sĩ, cô xung phong làm kỹ thuật viên phòng phẫu thuật quân đội vào năm 1989. Thế là cô đã được khoác lên mình bộ quân phục quân đội Hoa Kỳ, bộ quân phục của những người đã đưa gia đình cô từ lửa đạn đến nơi an toàn.

Phải đến năm 1991, Danielle quyết định trở về thăm quê một mình, trở về cái phi trường Tân Sơn Nhất mà cô và gia đình đã rời đi mười sáu năm về trước. Cô về thăm nơi chôn nhau cắt rốn ở Vũng Tàu và gặp người ông nội trong một phòng vẽ tranh cũ kỹ ở Sài Gòn. Hằng ngày, ông nội cô, ông Ngô Ngọc Tùng, lại đạp chiếc xe đạp cà tàng tới phòng vẽ và hai ông cháu trò chuyện bằng “bút đàm”: viết ra giấy những câu hỏi, câu trả lời bằng tiếng Anh vì cô không nói và không hiểu được tiếng Việt trong khi ông Tùng chỉ có ít vốn tiếng Anh tự học. Những cuộc bút đàm đó đã giúp cô hiểu thêm về cuộc sống của ông bà ở Việt Nam, về cách ông dạy cho con cháu vẽ tranh và sáng tác mỹ thuật. Một năm sau chuyến về quê của Danielle, ông nội cô mất.

Vẫn nhớ lời cam kết với mẹ, sau hai năm quân ngũ, Danielle ra quân và được học bổng theo học ngành tài chính tại Đại học Massachusetts ở Boston vào cuối năm 1991. Ở trường, cô làm việc cho văn phòng Cựu Chiến Binh và từ năm thứ hai thì tham gia chương trình ROTC (Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan Dự bị) vừa chăm sóc cho cô em gái Stefanie. Theo gương chị, cô Stefanie Lan-Dinh cũng nộp đơn vào Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point với ước vọng sau này trở thành sĩ quan quân đội.

Năm 1994, Danielle tốt nghiệp Đại học Boston và nhận nhiệm vụ sĩ quan công binh tác chiến. Từ đó, với cương vị một đại úy trẻ, cô đã giáp mặt chiến tranh trên khắp các mặt trận, rất khác với cuộc chiến tranh mà cô từ bỏ khi còn là một đứa bé. Cô có mặt ở Bosnia ở Trung Âu với tư cách sĩ quan chỉ huy cấp đại đội từ năm 1998. Mười tám tháng sau, khi quân khủng bố tấn công nước Mỹ ở New York, cô được phái tới Iraq hỗ trợ chiến dịch Iraq Tự do.

Đại tá Danielle Ngo, khi đó là tư lệnh Lữ đoàn Kỹ sư số 130 ở Hawaii, trao đổi với các sĩ quan quân đội Trung Quốc tham dự Đối thoại Chuyên gia Quản lý Thảm họa ở Côn Minh, Trung Quốc tháng 11-2016. Ảnh Michael Behlin

Là người phụ nữ duy nhất trong các đơn vị quân đội hầu như toàn nam giới, Danielle gặp không ít trở ngại, nhưng cũng làm cho cô phải cố gắng nhiều hơn. Trong lúc thăng tiến dần dần lên các bậc thang chức vụ cô vẫn giữ một tinh thần chuyên nghiệp cao và khiêm tốn.

Đời quân ngũ cũng có lúc hai chị em Danielle và Stefanie hội ngộ cùng nhau khi cả hai đều được phái tới làm việc ở căn cứ Fort Hood, Texas năm 1998. Họ cùng sống ở đó trong ba năm cho đến khi Stefanie rời quân đội vào năm 2001 và Danielle chuyển sang Iraq. Trong ba năm sống cùng nhau, Lan-Dinh mới tận mắt chứng kiến cô chị có ảnh hưởng như thế nào đối với binh sĩ của cô. “Tôi chỉ biết họ rất yêu thường chị ấy… Tôi thấy họ kính trọng chị ấy rất nhiều,” Lan-Dinh nói.

Năm 2001, ngay trước biến cố ngày 11-09, Danielle trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức đại đội trưởng trong một tiểu đoàn công binh tác chiến được phiên chế vào một lữ đoàn tác chiến thực thụ, Lữ đoàn số 1 của Sư đoàn Bộ binh thứ 4. Năm 2003, lữ đoàn được phái tới Iraq qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau đó theo Sư đoàn Bộ binh thứ 3 hành quân tới Iraq băng qua Kuwait.

Danielle trải qua sáu tháng làm sĩ quan hậu cần cho lữ đoàn, tổ chức và trang bị một lữ đoàn tác chiến di chuyển từ Kuwait tới Tikrit ở Iraq. Đoàn công voa của lữ đoàn kéo dài tới 800 ki lô mét. Đơn vị của cô phải tùy nghi ứng biến vì tại thời điểm đó quân đội Mỹ vẫn chưa thiết lập được các căn cứ hậu cần và phải chiến đấu trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt.

Đơn vị của cô, Sư đoàn Bộ binh thứ 4, là một trong vài đơn vị đã bắt được Saddam Hussein, cựu tổng thống Iraq. Sau đó, Danielle lại được phái sang Afghanistan, và giúp lập kế hoạch xây dựng, chỉ huy một tiểu đoàn công binh tại căn cứ Fort Carson ở Colorado, rồi làm phụ tá quân sự cho Chủ tịch Ủy ban Quân sự khối NATO.

Cuối cùng Danielle trở thành sĩ quan chỉ huy Lữ đoàn Kỹ sư thứ 130 ở căn cứ Fort Shafter ở Hawaii. Đơn vị của cô hỗ trợ việc xây dựng và chiến đấu trên khắp vùng Thái Bình Dương, điều động binh sĩ tới 17 quốc gia khác nhau, chẳng hạn như điều hành thỏa thuận giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ đảo quốc Palau, đưa các binh sĩ Lục quân Mỹ tới thực hiện những dự án xây dựng tối cần thiết cho đảo quốc xa xôi giữa Thái Bình Dương.

Người Mỹ gốc Á nên tham gia quân đội

Ngày nay, sau 30 năm phục vụ trong quân đội, Danielle Ngo là người phụ nữ gốc Việt hiện dịch có cấp bậc cao nhất trong Lục quân Hoa Kỳ, chỉ sau Thiếu tướng Lương Xuân Việt. Bà có ba người con mà bà nuôi dạy theo những giá trị đã học được từ thân mẫu và ông nội quá cố của mình. 

Trung tướng Leslie Smith, Tổng thanh tra Lục quân Hoa Kỳ, nhận xét: “[Danielle] là mẫu mực cho những người khác,.. Bà ấy rất hãnh diện với vai trò của mình, như một người vợ, người mẹ, người con gái và người bạn của những người chung quanh. Điều đó thể hiện trong hành động hàng ngày của bà”.

Gia đình bà Thái An cũng đạt được nhiều thành công. Lan-Dinh, cô con gái thứ, đã tốt nghiệp Học viện West Point danh tiếng và phục vụ bảy năm trong quân đội Hoa Kỳ. Sau đó cô trải qua 18 năm làm việc cho Ngân hàng Bank of America trước khi nghỉ hưu với chức vụ phó chủ tịch. Hiện cô dạy tiếng Anh ở Thái Lan, nơi cô làm giám đốc một trung tâm Anh ngữ ở Bangkok, trực thuộc Point Avenue, một công ty do các cựu sinh viên sĩ quan West Point sáng lập và điều hành. 

Bà Danielle Ngo khi còn là trung úy ở Bosnia năm 1998 (trái) và là đại tá hiện nay ở Washington D.C. Ảnh gia đình

Bà Danielle hy vọng sự nghiệp và cuộc sống của bà sẽ khích lệ những người Mỹ gốc Á châu khác gia nhập quân đội Hoa Kỳ. Người nữ đại tá này nhận định, các gia đình gốc Á thường ưu tiên cho việc học đại học nên sự đóng góp của họ vào quân đội Hoa Kỳ là chưa tương xứng. “Con đường của nhiều người Á châu là vào đại học, có kiến thức và bằng cấp rồi tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cuộc sống của cha mẹ. Điều đó rất mạnh trong văn hóa Á châu…”

“Vì thế câu chuyện là, chúng ta có nhiều tướng lĩnh người Mỹ gốc Phi trong quân đội, những người Mỹ gốc Phi khác nhìn thấy những tấm gương để phấn đấu trở thành. Nhưng không có nhiều tấm gương người Á châu, người Hispanic như vậy trong cộng đồng. Dù thế nào, chúng ta cố thuyết phục cộng đồng người gốc Á rằng, gia nhập quân đội là việc xứng đáng nên làm”, bà Danielle nói.

Vị nữ đại tá nói bà muốn khuyến khích những người Mỹ gốc Á gia nhập Lục quân, theo cách mà những cố gắng của người lính Mỹ đã khơi dậy tinh thần phục vụ trong con người bà hơn bốn thập niên về trước.

(lược thuật theo bài và ảnh của trang tin quân đội www.army.mil)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: