Sáng kiến của một GS gốc Việt: Tái chế mặt nạ N95 bằng nồi cơm điện

H.C.

Mặt nạ N95 (respirator) rất thiết yếu cho các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Nhưng N95 rất mắc tiền, lại hiếm, khó mua được. Làm sao để có thể dùng đi dùng lại mặt nạ N95 mà vẫn an toàn? Một giáo sư gốc Việt có sáng kiến hữu ích. Bài đăng trên The Washington Post cho biết.

Khi dịch coronavirus bùng phát mạnh ở Mỹ vào đầu tháng Ba năm nay, bệnh nhân tràn ngập các bệnh viện, đã có nhiều yêu cầu giúp đỡ gủi tới Thanh H. Nguyen – giáo sư khoa môi trường và xây dựng Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, nhờ hỗ trợ các y bác sĩ địa phương đối phó với tình trạng thiếu trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) thiết yếu.

“Ngay từ đầu họ đã nói tới mặt nạ N95 vì đó là vật thiết yếu nhất của PPE. Họ bảo chúng tôi, mặt nạ N95 quá đắt, khó mua và họ phải dùng đi dùng lại. Họ không biết cách “tái chế” nó như thế nào cho an toàn”, giáo sư Nguyen nói.

Thế là cô Nguyen và Vishal Verma, phụ tá giáo sư trong khoa, bắt đầu nghiên cứu những công nghệ và hóa chất khác nhau để “tái chế” mặt nạ N95 sao cho có thể sử dụng nhiều lần mà vẫn an toàn. Nhưng rồi, họ nhận ra khó khăn: làm sao để những người bình thường, không có sẵn những máy móc và vật liệu như trong phòng thí nghiệm, có thể tự tái chế mặt nạ của họ?

“Thực tế là cả Vishal, tôi và nhiều sinh viên của tôi là người châu Á, tối nào chúng tôi cũng nấu cơm. Và chúng tôi nghĩ, cái nồi cơm điện có khi lại hữu dụng”.

Bà Nguyen cử một sinh viên ra siêu thị Wal-Mart với lời dặn: “Hãy tìm cái mà ai cũng mua được ở Wal-Mart, một cái dễ sử dụng, chỉ cần bấm nút.” Người sinh viên trở về với cái nồi cơm điện hiệu Faberware giá khoảng 50 đô la.

Trong báo cáo nghiên cứu xuất bản gần đây, cô Nguyen và Vishal mô tả chi tiết cách mà hơi nóng khô của nồi cơm điện (nồi nấu cơm điện bình thường và nồi đa năng như Instant Pot) có thể là cách hiệu quả để khử khuẩn loại mặt nạ N95 chuẩn y tế. Sử dụng nồi cơm điện Faberware và các mặt nạ N95 của công ty 3M – nhà sản xuất chính loại mặt nạ này – các nhà nghiên cứu nhận thấy sau khoảng 50 phút “nấu” ở nhiệt độ 212 độ F, không dùng áp suất, thì các mặt nạ trở nên hoàn toàn sạch sẽ mà không làm hư hại hình dạng và độ lọc khuẩn của chúng.

“Mặt nạ N95 có thể được tái sử dụng sau khi khử khuẩn bằng cách đơn giản đó. Chúng tôi chưa thử nghiệm với nhiều loại thiết bị hoặc nhiều loại mặt nạ nhưng chúng tôi muốn chứng minh rằng, ý tưởng này có hiệu quả. Mọi người có thể áp dụng ý tưởng này cho các đồ vật khác nữa,” cô Nguyen – giáo sư chuyên nghiên cứu việc truyền nhiễm và kiểm soát mầm bệnh, nói.

Nghiên cứu của họ đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường – góp phần vào các nghiên cứu mới nổi lên trong thời gian đại dịch, nhắm đánh giá hiệu quả của đồ dùng nhà bếp như là công cụ khử trùng. Các nghiên cứu tương tự cũng đã thực hiện ở Đại học Chung Sơn Đài Loan, Đại học Ohio và đã được đưa vào hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh CDC về cách sử dụng mặt nạ N95.

Nguyen nói nghiên cứu của cô và Verma không trái ngược mà xây dựng trên các nghiên cứu đã có trước, và không chỉ tập trung vào việc tiêu diệt virus mà còn duy trì được hiệu quả lọc khuẩn của mặt nạ N95 và không để lại tồn dư hóa chất.

Các nhà khoa học trong nhóm của cô Nguyen đã bơm vào mặt nạ bốn loại virus thông thường, có họ hàng với coronavirus gây dịch Covid-19; họ bơm vào nhiều vị trí khác nhau trên mặt nạ trước khi đặt chúng vào nồi cơm điện. Họ dùng một lớp khăn lót để mặt nạ không chạm vào thành nồi. Sau một chu kỳ nấu dài khoảng 50 phút, họ kiểm tra lại và thấy có tới 99,9% số virus đã bị tiêu diệt – đúng mức yêu cầu của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA). Trong mỗi chu kỳ nấu, nhà nghiên cứu dùng nhiệt kế hồng ngoại tuyến để theo dõi nhiệt độ trên bề mặt các mặt nạ, cô Nguyen nói.

Sau đó, mặt nạ N95 phải trải qua hàng loạt thử nghiệm khác để xem việc đun nấu có làm hỏng chức năng diệt khuẩn của chúng hay không. Các thử nghiệm này được thực hiện theo đúng quy trình mà Viện Quốc gia về Sức khỏe và An toàn Lao động hướng dẫn. “Sau 20 chu kỳ xử lý bằng hơi nóng khô, chúng tôi không thấy có sự khác biệt quan trọng nào trong hiệu quả lọc khuẩn của mặt nạ,” anh Verma, chuyên nghiên cứu về hạt nước nhỏ (aerosol) nói. Các mặt nạ, sau khi trải qua thử nghiệm, vẫn giữ được hiệu quả lọc khuẩn trên 95% như tiêu chuẩn của sản phẩm N95.

Sáng kiến “tái chế” của giáo sư Nguyen được các đồng nghiệp ở các đại học khác khen ngợi.

Nhưng cô Nguyen cẩn thận khuyến cáo rằng nghiên cứu của cô chỉ thực hiện trên một loại nồi cơm điện, với một loại mặt nạ N95 của hãng 3M; nếu muốn thử nghiệm với các thiết bị khác, các loại mặt nạ khác thì cần nghiên cứu thêm.

Các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo mọi người không nên “tái chế” mặt nạ hoặc khẩu trang trong cùng chiếc nồi dùng để nấu cơm hàng ngày.

“Chúng tôi tìm một phương pháp dễ sử dụng, không tốn nhiều tiền, không dùng hóa chất. Chừng nào các bạn chắc chắn trong nồi không có hơi ẩm, theo dõi được nhiệt độ và thời gian, thì chắc chắn cách làm này sẽ có hiệu quả,” cô Nguyen nói.

(theo Washington Post)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: