VĂN LAN
WESTMINSTER, California – Viện Bảo Tàng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vừa tiếp nhận hai cây đàn kỷ vật do Nhạc Sĩ Xuân Điềm trao tặng vào hôm Chủ Nhật, 11 Tháng Mười, tại số 9842 Bolsa Ave, Westminster, CA 92863.
Hai kỷ vật này là cây đàn guitar của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã tặng cho nhạc sĩ Xuân Điềm và cây đàn banjo thân thương gắn bó cùng ông trong những năm tù “cải tạo” từ trong nước cho đến khi ra hải ngoại.
Nhạc sĩ Xuân Điềm (trưởng Ban Tù Ca Xuân Điềm) đọc bức tâm thư của Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông khi trao tặng cây đàn guitar: “Đây là kỷ vật thân thương mang dấu ấn trước năm 1975, thắm tình đồng nghiệp, tri âm tri kỷ. Cây đàn ghi-ta này vốn là của nhạc sĩ Y Vân, được ông sử dụng trong các buổi thâu thanh của Hãng dĩa nhạc Continentl và Sơn Ca do tôi làm giám đốc Nghệ Thuật. Nhạc sĩ Y Vân đã tặng cho tôi khi nghe tôi tán thưởng tiếng đàn mang âm sắc tuyệt hảo. Một thời gian dài, tôi đã sử dụng cây đàn tri âm này vào việc sáng tác, cho ra đời những bản tình ca của một thời chinh chiến, đất nước chìm trong tang tóc điêu linh. Sau năm 1975, tôi đã tặng lại cây đàn này cho nhạc sĩ Xuân Điềm, người em thân quý vốn là đồng nghiệp trẻ của tôi trong Ban Biên Tập của hãng dĩa Continental, khi Xuân Điềm cùng gia đình sang định cư ở Hoa Kỳ, như mang theo trái tim tôi với ước mong dòng chảy âm nhạc quê hương đầy chất nhân bản vẫn lung linh, sáng đẹp, chan hòa, không hề gián đoạn. Sài Gòn, Thu 2008.”
Trong giây phút tâm tình, Nhạc Sĩ Xuân Điềm xúc động nói: “Từ 1990 đến 2008 cây đàn guitar này là kỷ vật của Nhạc Sĩ Y Vân trao tặng Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông, đó là hai nhạc sĩ lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, và từ cây đàn này đã ra đời nhiều nhạc phẩm bất hủ như Chiều Mưa Biên Giới, Hải Ngoại Thương Ca, Hàng Hàng Lớp Lớp,… tôi không thể để nó mai một được. Đáng lẽ tôi giao lại cây đàn này cho một nơi xứng đáng khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn sống, để ông thấy rằng cây đàn của ông đã được gởi đến một nơi xứng đáng để lưu giữ.”
Tiếp đến Nhạc Sĩ Xuân Điềm trao tặng cây đàn banjo của ông được làm vào mùa Thu năm 1975 tại trại tù Hốc Môn, với thùng đàn bằng vỏ bom, đáy đàn bằng thau đựng cơm trong tù và mặt đàn là dĩa đựng thức ăn tù, tất cả bằng nhôm, còn cần đàn làm bằng củi đun bếp và dây đàn làm bằng dây thép trong ruột dây điện thoại.

Trong không khí tràn đầy cảm xúc khi tiếp nhận hai chiếc đàn kỷ vậy này, Bác Sĩ Nguyễn Hoàng Quân, thay mặt Viện Bảo Tàng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nói rằng rất hãnh diện và vui mừng, rất trân trọng khi được gìn giữ hai kỷ vật lịch sử này, trong khi nhà cầm quyền hiện nay luôn muốn xóa bỏ chúng.

Về cây đàn thứ hai được giao lại cho Viện Bảo Tàng là cây đàn banjo do nhạc sĩ Xuân Điềm chế tạo trong trại tù Thành Ông Năm, Hốc Môn năm 1975, lúc đó anh em tù “cải tạo” không thể nói, hát bằng lời, nhất là lúc ấy không ai được hát hát những bản nhạc đã từng được hát. Dùng cái gì để tạo ra âm thanh để nhớ lại những gì mình đã được hát, nhưng không hát được thì ít nhất phải có âm thanh, muốn có âm thanh thì phải có cây đàn. Lần đầu Nhạc Sĩ Xuân Điềm đã làm được cây đàn tuy thô sơ tạm xài được, nhưng đã bị tịch thu.
Thế là lần thứ hai ông lại mày mò ra bãi phế liệu của Liên Đoàn 5 Công Binh, tìm được một đầu vỏ bom hình cái phễu, đáy của đàn là thau đựng cơm tù và mặt đàn là đĩa đựng thức ăn tù, tất cả làm bằng nhôm. Cần đàn làm bằng gỗ của bàn bi da cũ, dây đàn làm bằng dây kim loại trong ruột dây điện thoại, phím đàn bằng những thanh inox của gà mèn đựng thức ăn của lính rất cứng, trục móc dây đàn làm bằng kíp nổ.
Nhạc sĩ Xuân Điềm kể một chi tiết đặc biệt trên cây đàn banjo là khi ông chuyển về trại tù Bù Gia Phúc năm 1980, lúc đó điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu là người bạn đồng tù, đã tìm đến xin được ghi lại một kỷ niệm trên cây đàn này bằng hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa qua nét vẽ bức tượng “Thương Tiếc.” Nhạc sĩ Xuân Điềm đã dùng đầu đinh nhọn mày mò khắc theo nét vẽ rất lâu cho đến khi thành hình, bên dưới có chữ ký của ông Nguyễn Thanh Thu.
“Cây đàn banjo này được làm từ những phương tiện của chiến tranh, tiếng đàn là âm thanh của ngôn ngữ tình người, khi hàng đêm tôi nằm trong trại khảy lên những âm giai của những bài hát mà anh em tha thiết nhớ, âm thanh của nó thoảng nhẹ bay trong không gian, anh em nằm đó đang đói, nhớ vợ con gia đình, nghĩ đến tương lai của mình còn mịt mù, thì âm thanh ấy ru họ trong giấc ngủ vùi đầy mộng đẹp để sáng hôm sau tiếp tục lao động, và nó đã vang tiếng suốt 45 năm nay, theo Ban Tù Ca qua những chặng đường đấu tranh, cùng chia sẻ với tôi qua bao nhiêu chặng đường gian khổ,” nhạc sĩ Xuân Điềm bồi hồi nói.

Tại quốc nội, tiếng đàn banjo tự chế này đã vang lên giữa nhiều trại tù “cải tạo” để giải trí, ru giấc ngủ cho anh em tù trong những giờ phút lao động cực khổ, giữ vững tinh thần người chiến sĩ để sống còn.
Tại hải ngoại, cây đàn banjo đã được triển lãm tại trường Đại Học Fullerton, Nam California năm 1995 trong project 20 do Giáo Sư Lê Văn Khoa giới thiệu. Và tiếng đàn đã phục vụ cho những sinh hoạt đấu tranh trong cộng đồng Việt Nam do Ban Tù Ca Xuân Điềm mang đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới gần 30 năm qua.

Suốt tám năm trong các trại tù Thành Ông Năm, Trãng Lớn, Phú Quốc, Bù Gia Mập, Suối Nước Trong, Trại Z30D Hàm Tân, cây đàn banjo đã cùng ăn ngủ với người nhạc sĩ luôn đấu tranh với tấm lòng sắt son với tổ quốc cho đến khi ra hải ngoại, bằng những tiếng lòng thổn thức, bằng sự đấu tranh với lòng kiên nhẫn để nuôi dưỡng tinh thần kiên quyết đấu tranh.
Trong dịp này, ông Xuân Thanh, một thành viên của Ban Tù Ca Xuân Điềm cũng trao lại cho Viện Bảo Tàng vật kỷ niệm của một người lính, gồm có chứng chỉ tại ngũ, thẻ căn cước quân đội Việt Nam Cộng Hòa và thẻ căn cước dân sự của nguyên Thiếu Tá Đỗ Tiến Lộc, bộ giấy tờ này đã được ông Lộc cất giữ hơn 30 năm, nay nhờ ca sĩ Xuân Thanh tìm một nơi xứng đáng hơn để lưu giữ.

Tiếp theo là phần văn nghệ trình bày ba nhạc phẩm của ba nhạc sĩ Y Vân (Lòng Mẹ), Nguyễn Văn Đông (Sắc Hoa Màu Nhớ), và Xuân Điềm (Ru Nhau Trọn Cuộc Tình) phổ thơ Nguyễn An Đông, do các ca sĩ Ngọc Đăng, Tuấn Khải, Xuân Thanh, Lan Hương, Tuyết Dung, Hoàng Yến, và Ban Tù Ca Xuân Điềm trình bày.
Một ngày thật đẹp để trao hai kỷ vật của hai cựu tù sĩ quan của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu tù Đại Tá Nguyễn Văn Đông và cựu tù Trung Úy Lê Xuân Điềm cho hậu duệ để lưu giữ. Sau bao nhiêu năm hai cây đàn vẫn theo Ban Tù Ca cho đến hôm nay sẽ là ngày cuối cùng nó vang lên tiếng lòng, sau bao năm người nhạc sĩ đã dùng để sáng tác nhiều bản nhạc đấu tranh. (V.L)