Ai là tác giả bức tranh đắt nhất thế giới?

Bức “Salvator Mundi” (leonardodavinci.net)

Một cuộc chiến pháp lý lớn nhất mà thế giới nghệ thuật từng chứng kiến đang diễn ra khi một “quí tộc” Nga khẳng định ông ta đã bị lừa mua những tác phẩm nghệ thuật trị giá hàng triệu đôla; trong khi người bị tố, một nhà buôn nghệ thuật Thụy Sĩ khẳng định “đây chỉ là chuyện kinh doanh, lời ăn lỗ chịu!”. Nay, sau sáu năm đáo tụng đình nhốn nha nhốn nháo, cuộc đối đầu có vẻ đang chuyển sang giai đoạn quyết liệt hơn khi nó được đặt hẳn cho một cái tên khá ấn tượng “Vụ án Bouvier”.

Từ người bạn tin cậy biến thành kẻ thù

Số là ông trùm phân bón Nga Dmitry Rybolovlev, kẻ giàu lên sau ngày Liên Xô tan rã, đã đưa nhà buôn nghệ thuật Thụy Sĩ kiêm trùm sưu tập tranh tự do Yves Bouvier vào thế “phòng thủ” khi tuyên bố đã bị Bouvier lừa tổng cộng… $1 tỉ, bằng cách bán cho ông ta 38 tác phẩm nghệ thuật với giá trị được thổi phồng cao hơn nhiều so với thực tế! Nhưng trong một diễn biến mới nhất, Bouvier cho biết đang chuẩn bị kiện ngược Rybolovlev làm cho mình mất cả tỉ đôla do không còn làm ăn gì được và bị mất uy tín nghiêm trọng.

Cụ thể, vào Tháng Hai qua, Bouvier đã đệ đơn kiện lên một tòa án ở Singapore với nội dung tố cáo Rybolovlev “Cố tình bày ra những cuộc kiện cáo dây dưa khiến công việc kinh doanh và uy tín của ông bị ảnh hưởng nặng nề”! Hiện hai bên vẫn duy trì đội quân luật sư và chuyên viên quản lý cuộc đối đầu, thậm chí cáo buộc lẫn nhau “đe dọa và chính trị hóa sự việc.

Trung tâm của cuộc đối đầu được cả thế giới hội họa quan tâm này liên quan đến một số nghệ phẩm giá cao và gây tranh cãi, trong đó có cả việc bán thành công lần đầu vào năm 2013 “bức tranh bí ẩn và đắt nhất thế giới” có tên “Salvator Mundi”. Bức tranh, được phục chế sau khi tình cờ tìm lại, được một số nhà phân tích hội họa tin là tác phẩm bị thất lạc của danh họa Leonardo da Vinci dù tính xác thực của nó vẫn trong vòng tranh luận. Cũng có không ít người tin đây chỉ là bản sao hoặc được chế tác bởi xưởng vẽ của Leonardo.

Hãy xem lại các cột mốc liên quan đến bức tranh:

Năm 2005, “Salvator Mundi” (lúc còn vô danh) được một “tập đoàn đầu cơ nghệ thuật” mua với giá hời dưới $10,000 tại một cuộc đấu giá từ một kẻ tình cờ tìm thấy nó. Năm 2006, bức tranh được nghệ nhân hội họa Dianne Modestini phục chế. Năm 2011, một nhóm chuyên gia được mời thẩm định “Salvator Mundi” và Phòng trưng bày Quốc gia của Vương quốc Anh bất ngờ công bố: Đây chính là một trong các tác phẩm do Leonardo vẽ.

Năm 2013, nhà buôn nghệ thuật Bouvier mua “Salvator Mundi” với giá $80 triệu và nhanh chóng bán nó cho tài phiệt Nga Rybolovlev với giá $127.5 triệu. Chỉ hai năm sau, 2015, Rybolovlev tố cáo Bouvier đã lừa ông ta tổng cộng $1 tỉ trong hơn 40 giao dịch nghệ thuật giá trị lớn, bao gồm cả bức “Salvator Mundi” và mở đường cho hàng loạt vụ kiện – một số vẫn đang xử – ở nhiều quốc gia.

Năm 2017, Rybolovlev gây sửng sốt cho thế giới hội họa khi mang bức tranh ra bán tại nhà đấu giá Christie’s ở thành phố New York và thu về kết quả đáng kinh ngạc: $450 triệu. Người mua bí mật được giới quan sát thị trường tin rằng đó là… Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman. Năm 2018, Arab Saudi dự tính trưng bày “Salvator Mundi” tại Viện bảo tàng Louvre Abu Dhabi nhưng bị hoãn lại mà không có lời giải thích. Mặc dù vừa lập kỷ lục mới cho giá bán một bức tranh, tài phiệt Nga vẫn tiếp tục cáo buộc Bouvier lừa dối mình, còn Bouvier luôn bác bỏ.

Bất đồng giữa Pháp và Arab Saudi liên quan đến bức tranh

Rybolovlev từ chối trả lời phỏng vấn của báo chí nhưng người phát ngôn của công ty đại diện cho gia đình ông ta nói với truyền thông: “Cuộc tranh chấp vẫn tiếp tục xử tại các tòa án và chúng tôi tin sẽ chiến thắng. Đơn phản kiện của ông Bouvier là vô căn cứ. Điều mà ông ta không thể bác bỏ là khoác áo cố vấn nghệ thuật, ông ta đã lừa khách hàng của mình bỏ $2 tỉ để mua về một bộ sưu tập nghệ thuật giá thực sự không đến $1 tỉ và bỏ túi phân nửa!”. Tuy nhiên, lý lẽ của Rybolovlev chưa thuyết phục được thẩm phán hoặc công tố viên ở bất kỳ phiên tòa nào, vì lý do đơn giản: Không đúng với nội dung các hợp đồng mua bán hợp pháp có chữ ký của hai bên.

Cuộc chiến pháp lý “Salvator Mundi” đã làm lộ ra một vấn đề cộm cán mà các cơ quan quản lý cần quan tâm hơn nữa khi thị trường tranh quí toàn cầu đang nóng lên trong đại dịch.

Nếu để nghệ phẩm lọt vào tay kẻ xấu, nó trở thành một loại hàng hóa rửa tiền hợp pháp mà bên mua không có nghĩa vụ giải trình. “Salvator Mundi” không được trưng bày kể ngày lập kỷ lục mới nhưng nó lại được nói đến nhiều sau khi một bộ phim tài liệu của Pháp phát hành vào Tháng Tư qua cho thấy, bức tranh từng trở thành “vấn đề ngoại giao” giữa Pháp và Arab Saudi khi Arab Saudi muốn trưng bày bức tranh tại Viện bảo tàng Louvre Abu Dhabi.

Trong bộ phim tài liệu có tên “The Savior for Sale”, một quan chức cấp cao Pháp giấu tên cho biết “Thái tử bin Salman muốn ‘Salvator Mundi’ được trưng bày ngay bên cạnh bức tranh nổi tiếng Mona Lisa để khẳng định nó cũng là tranh do Leonardo vẽ, bất chấp việc tranh chấp xuất xứ chưa giải quyết xong. Cuối cùng, chính phủ Pháp quyết định không cho trưng bày bức tranh theo các điều kiện của Arab Saudi, ngầm ý không muốn giúp “rửa tội” cho một tác phẩm “còn tranh cãi” nhưng được bán với giá $450 triệu. Khi “Salvator Mundi” vẫn chưa đến được với công chúng tò mò, các nhà sử học và chuyên viên nghệ thuật tiếp tục tranh luận về việc liệu bức tranh có phải do chính Leonardo sáng tác hay do xưởng vẽ của ông chế tác. Sự khác biệt sẽ làm giảm giá trị hàng trăm triệu đôla. Hiện có chưa đầy 20 bức tranh trên toàn cầu được chính thức xác nhận là tác phẩm của Leonardo.

Bị thổi giá lên trời bất chấp tính xác thực

Có vẻ như ngay cả những người tìm cách kiếm lợi từ “Salvator Mundi” cũng nghi ngờ về tính xác thực của nó. Các email được Bouvier chia sẻ với truyền thông mà những người làm bộ phim có được tiết lộ nhiều cuộc trao đổi giữa Bouvier và đại diện của Rybolovlev vào năm 2013, trong đó người đại diện khuyên Rybolovlev “Bức tranh rất đẹp nhưng không phải khoản đầu tư tốt”. Ông ta xem việc nó được phục chế quá nhiều đã khiến các chuyên gia nghi ngờ không phải do Leonardo vẽ. Cả Tòa thánh Vatican và các bảo tàng lớn trên thế giới đều không quan tâm đến việc mua lại nó.

“Bàn tay là phần được bảo quản tốt nhất của bức tranh trong khi phần còn lại không được bảo quản tốt” – một email của Bouvier viết.  Trong một email khác, Bouvier nhấn mạnh: “Bất kỳ người mua nào mua bức tranh này với giá quá cao sẽ làm trò cười của thị trường và sẽ bị mất uy tín. Tỉ lệ người cho bức tranh được vẽ bởi chính tay Leonardo là rất thấp!”. Tuy nhiên, Bouvier vẫn sắp xếp để mượn “Salvator Mundi” (với số tiền đặt cọc là $63 triệu) của nhà đấu giá Sotheby’s.

Sau đó ông sắp xếp để bức tranh được chuyển đến căn hộ áp mái của tài phiệt Nga ở Manhattan và để trong một “ngăn chứa tài liệu màu đen” (email tiết lộ) với giá bán $127.5 triệu. Antoine Vitkine, nhà làm phim đã dành hai năm để sản xuất bộ phim tài liệu trên nói với truyền thông là rất ngạc nhiên khi biết rằng Bouvier, bắt đầu sự nghiệp như một người xa lạ với thế giới nghệ thuật, lại thuộc số người nghi ngờ về tính xác thực của “Salvator Mundi”. “Tôi không thể tin nổi một số sử gia nghệ thuật nổi tiếng đã bán uy tín của mình để vội vã chứng thực “Salvator Mundi” thay vì cân nhắc như họ thường làm đối với một bức tranh mới phát hiện. Trong số đó có Phòng trưng bày Quốc gia của Vương quốc Anh, nơi trưng bày lần đầu “Salvator Mundi” năm 2011 dẫn đến sự chú ý cho thế giới nghệ thuật toàn cầu và được báo đài đưa tin rộng rãi.

“Rõ ràng, có cái gì đó sai sai!” – Vitkine nói. Tại tòa, Bouvier luôn phủ nhận cáo buộc lừa đảo của Rybolovlev, người được các báo lá cải nói đến nhiều trong vụ ly hôn vợ và vụ mua một tài sản giá cao của Donald Trump nhiều năm trước khi Trump nhậm chức. Tài phiệt Nga còn là chủ tịch và đồng sở hữu Câu lạc bộ bóng đá AS Monaco, bị vướng vào một vụ án hối lộ được báo chí Pháp gọi là “Vụ Monacogate”. Các luật sư của Rybolovlev tuyên bố “Thân chủ chúng tôi hoàn toàn tự tin là cuối cùng sẽ chiến thắng!”.

Cảnh báo về những khuất tất trong thị trường đen nghệ thuật

Trong hơn sáu năm qua, Bouvier đã vất vả chống lại các vụ kiện ở Monaco, Singapore và Hong Kong. Hơn hai năm, một tòa án ở New York vẫn chưa xử xong vụ Rybolovlev đòi Sotheby’s bồi thường $380 triệu vì “đã giúp Bouvier thổi giá bức tranh”. Ngày 7 Tháng Năm, nhóm pháp lý của Rybolovlev sửa đơn kiện để thêm bức tranh của danh họa Henri de Toulouse-Lautrec mà Rybolovlev đã mua tại Sotheby’s thông qua Bouvier với giá bán cũng bị bơm phồng.

Rybolovlev còn đòi $9.5 triệu mà Sotheby’s còn nợ trong thương vụ. Những ngày gần đây, Bouvier thường phân trần là các vụ kiện đã khiến cuộc sống của ông bị đảo lộn. “Tôi từng là doanh nhân thành đạt với công việc kinh doanh đã gây dựng được hơn 50 năm. Nhưng khi xảy ra kiện cáo, tiền bạc và danh dự đều mất”. Bouvier thừa nhận đã kiếm được $40 triệu nhờ “Salvator Mundi”.

Theo nhà văn kiêm nhà làm phim Ben Lewis, người có cuốn sách xuất bản năm 2019 “The Last Leonardo” trình bày chi tiết bộ phim xoay quanh “Salvator Mundi” thì cuộc chiến công khai giữa Bouvier và Rybolovlev đã giúp công chúng nhận ra “bộ mặt trái xấu xí của thị trường nghệ thuật”.

“Vụ Bouvier là ví dụ điển hình về những sai trái có thể xảy ra trong thị trường nghệ thuật đen. Sự mờ ám, thiếu minh bạch, tham lam, trốn thuế, rửa tiền, bóp méo lịch sử, lừa gạt và tham nhũng… không có điểm kết thúc” – ông nói. Tuy nhiên, nhà sưu tập nghệ thuật và chuyên gia Kenny Schachter lại cho rằng “những khuất tất của vụ bê bối “Salvator Mundi” không phải là đại diện cho phần lớn các giao dịch nghệ thuật, thậm chí hơi cường điệu. Nghệ thuật không hư hỏng hơn các giao dịch hàng triệu đôla khác, như bất động sản, đồ trang sức, ngân hàng’”.

Năm 2016, sau một năm đối phó với những rắc rối pháp lý, Bouvier cho biết ông đã được Yury Trutnev, Phó Thủ tướng Nga và là bạn thân của Rybolovlev, tiếp cận với đề nghị nhờ giúp xây dựng một công trình ở Vladivostok. Tận dụng cơ hội này, Bouvier đề nghị phó thủ tướng Nga khuyên Rybolovlev ngưng kiện cáo để đổi lấy sự giúp đỡ dự án theo kiểu “có qua có lại”. Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào được ký. Năm 2020, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh bắt đầu sửa đổi các quy định về bán tác phẩm nghệ thuật và luật chống rửa tiền.

Các qui định mới yêu cầu các nhà đấu giá và môi giới nghệ thuật phải thẩm định tư cách khách hàng cho bất kỳ giao dịch nào vượt quá khoảng $12,000. Trong khi còn tranh cãi về luật pháp, có một câu hỏi thường được nêu lên trong giới nghệ thuật là bức “Salvator Mundi” hiện ở đâu? Bouvier không tin là nó đang nằm trên du thuyền của Thái tử bin Salman. “Đặt bức tranh cao giá như thế này lên một chiếc du thuyền, với khí mặn của biển sẽ là điều ngu ngốc. Bức tranh được vẽ trên một tấm gỗ óc chó nên rất dễ, cong vênh nếu bảo quản kém” – ông nói.

Vitkine tin rằng một ngày nào đó công chúng sẽ được nhìn thấy bức tranh ở Louvre Abu Dhabi. Lewis lại cho rằng nó có thể nằm trong một cung điện ở Arab Saudi và chờ trưng bày trước cuối năm nay như một nỗ lực xây dựng thương hiệu “trung tâm nghệ thuật và văn hóa” của Arab Saudi. “Salvator Mundi có nghĩa là ‘Vị cứu tinh của thế giới’ Nhưng nó không còn là Cứu tinh của thế giới mà là Cứu tinh của Ả Rập Xê-út!” – ông nói.

Nguồn: The New York Times

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: