Ai là tác giả đích thực của Dạ Cổ Hoài Lang?

Share:

Từ trước đến nay khi viết về Dạ Cổ Hoài Lang, hầu hết tác giả đều mặc nhiên khẳng định nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) đã sáng tác cả nhạc lẫn lời bài hát bất hủ nầy. Theo ông Trần Văn Khải và Giáo sư Trần Văn Khê thì ông Sáu Lầu sanh ra lối 1890 tại xã Thuận Lễ, tỉnh Tân An, năm lên sáu tuổi ông theo cha về Bạc Liêu (1). Ông sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang vào năm 1920 tại nhà đèn Bạc Liêu (2).

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (file photo)

Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong cho rằng ông Sáu Lầu sáng tác Dạ Cổ Hoài Lang vào khoảng 1919-1920 (3). Soạn giả Nguyễn Phương đã dẫn lời của nghệ sĩ Bảy Cao cho rằng lúc nhỏ ông Sáu Lầu làm sa di ở chùa Vĩnh Phước (Bạc Liêu) cách nhà Bảy Cao ở xóm Hàng Cóc độ 50 thước và là cha đẻ bài Dạ Cổ Hoài Lang. Ông Sáu Lầu là học trò của nhạc sư nổi tiếng Hai Khị ở Bạc Liêu và là thầy dạy cổ nhạc của nghệ sĩ Bảy Cao (4).

Thật ra cho đến nay vẫn còn một số nghi vấn về lời của bài Dạ Cổ Hoài Lang. Có người cho rằng lời bài hát do ông Trần Xuân Thơ đặt ra. Người khác cho nói lời bài hát vốn là một bài từ của nhà sư Nguyệt Chiếu. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin chép bài Thử tìm hiểu xuất xứ bài Vọng Cổ của ông Nguyễn Tử Quang đăng trong tạp chí Bách Khoa số 63 ngày 15 Tháng Tám 1969:

… Vào khoảng năm 1920 tại chùa làng Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có một nhà sư tên họ thật là gì người làng không biết được mà chỉ biết pháp danh là Nguyệt Chiếu. Vì ở xa lại nên người ta không rõ được tông tích nhà sư. Nhưng thấy nhà sư sự học uyên thâm với tư tưởng ẩn dật, người ta đoán chừng là một văn thân chống Pháp trong thời Cần Vương, nay thất thời nên tạm lánh mình vào cửa Phật.

Tuy đã đi tu nhưng vẫn mang nặng tình non nước, lòng còn hoài bão chí khí lớn lao với một cuộc đổi thay, nên nhà sư mới đem tâm sự mình ký gởi trên bài từ đề là Dạ Cổ Hoài Lang, nghĩa là đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng. Đại ý của nó cũng tựa như tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm.

Bài thơ này lại được vào tay ông Sáu Lầu, một nhạc sĩ có danh tiếng lúc bấy giờ. Lời thơ tuy tầm thường nhưng có lẽ lúc bấy giờ đôi bên thông cảm được mối tình thương nhà nhớ nước nên ông Sáu Lầu mới đem bài thơ ấy phổ ra nhạc. Đó là bài Dạ Cổ Hoài Lang, nhịp đơn, âm điệu mường tượng như hai bài Hành Vân và Xuân Nữ.

Bài ấy lời lẽ như thế này:

Từ phu tướng

Báu kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng

Gan vàng thêm đau

Chàng dầu say ong bướm

Xin chớ đừng phụ nghĩa tào khang

Đêm luống trông tin bạn

Ngày mỏi mòn như đá vọng phu

Vọng phu, vọng luống trông tin chàng

Năm canh mơ màng

Chàng hỡi chàng có hay

Đêm thiếp nằm luống những sầu tây

Bao thuở đó đây sum vầy

Duyên sắt cầm tình thương

Nguyện cho chàng

Đặng chữ bình an

Trở lại gia đàng

Cho én nhạn hiệp đôi.

___________

Trở lại trường hợp sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ký giả Thanh Cao trong bài phỏng vấn ông Sáu Lầu về ngày chào đời của bài Vọng Cổ đăng trong báo Dân Mới ngày 20 Tháng Mười Hai 1953 có viết câu trả lời của ông Sáu Lầu: “Tôi không nhớ rõ là đã được bao nhiêu lâu, nhưng lại nhớ năm ấy tôi được 29 tuổi và bây giờ tôi đã 63”. Dựa vào bài báo, ta có thể đoán Ông Sáu Lầu chào đời năm 1890. Và năm ông sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang vào năm 1919 lúc “khủng hoảng tinh thần” trong “hoàn cảnh đau thương” bị cha mẹ bắt buộc phải bỏ vợ sau tám năm chung sống vì lý do bà vợ không sanh con nối dòng. Ông buồn nhớ bạn lang nên đặt ra bài ca tên Hoài Lang. Sau đó ông Bảy Kiến đề nghị thêm vô hai chữ Dạ Cổ tức là Dạ Cổ Hoài Lang.

Tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại Bạc Liêu (file photo)

Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong thì cho rằng: “Ông Sáu Lầu sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang vào khoảng năm 1919-1920, không phải vì thương nhớ bạn lang, nhớ vợ bị bắt buộc phải ly dị, mà nhân dịp có một nhóm nghệ sĩ từ Huế vào trình diễn trong Nam, ông Sáu Lầu sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang để đáp lễ nhóm nghệ sĩ Huế (5).

Theo soạn giả Nguyễn Phương và nghệ sĩ Bảy Cao thì sau ba năm chung sống mà không có con nên ông Sáu Lầu bị cha mẹ buộc phải ly dị vợ. Nhưng hai người “Cái căn không bỏ, cái nợ không rời” nên thường lén lút gặp nhau. Và cái chái nhà của ông Lê Văn Đại – thân phụ nghệ sĩ Bảy Cao, chính là điểm hẹn hò cũng như tiếng đàn kìm điêu luyện của ông Sáu Lầu đã kết nối mối tình dang dở của vợ chồng ông (6).

___________

Về hoàn cảnh sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang, chúng tôi đồng ý với ông Vương Thư Sinh khi cho rằng Ông Sáu Lầu chỉ đặt ra bài nhạc còn lời ca là của một nguồn gốc khác (7).

Thật vậy đọc toàn lời ca của bài Dạ Cổ Hoài Lang, ta thấy toát lên lời thở than thương nhớ của một người vợ có chồng đi chinh chiến phương xa. Nàng ở nhà mòn mỏi trông tin, luôn mong mỏi phút giây trùng phùng. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều thiếu phụ Việt Nam thời bấy giờ, khi người chồng vì bổn phận, vì nhiệm vụ phải “chấp kiếm lên đường” đi ra biên ải… Đây không phải tâm sự ai oán của người chồng vì hoàn cảnh phải sống xa lìa người vợ thủy chung gắn bó. Ông Sáu Lầu không thể đặt ra lời một người đàn bà nhớ chồng để gởi gắm tâm sự nhớ vợ của ông.

Hơn nữa ông còn sáng tác cả nhạc lẫn lời những bài như “Minh Hoàng thưởng nguyệt”, “Giọt mưa đêm…” thì hẳn nhiên ông có thừa khả năng để sáng tác một bài Dạ Cổ Hoài Thê” thay vì “Dạ Cổ Hoài Lang”!

Qua những điều vừa dẫn trên, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của ông Nguyễn Tử Quang nên đã viết trong quyển Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam (1972) cũng như phát biểu tại trung tâm Văn Hóa Giáo Dục Hồng Đức Montréal (Canada) về Ca dao miền Nam ngày 13 Tháng Năm 2001 như sau: “Thật ra lúc đầu bản Vọng Cổ nầy chỉ là một bài thơ tựa đề là Dạ Cổ Hoài Lang của nhà sư Nguyệt Chiếu ở chùa làng Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, sáng tác vào khoảng năm 1920. Bài thơ nầy được ông Sáu Lầu một nhạc sĩ danh tiếng cũng ở Bạc Liêu phổ ra nhạc…” (8).

Sau năm 1975 có dịp tới Sóc Trăng, tôi lại có cái duyên lành gặp được ông Nguyễn Tử Quang, người cùng thời với ông Sáu Lầu và được nhà ngiên cứu xác nhận chi tiết về tác giả bài Dạ Cổ Hoài Lang như đã đăng trong báo Bách Khoa năm 1969 là đúng sự thật.

Từ Dạ Cổ Hoài Lang đến Vọng Cổ

Miền Nam là miền đất mới màu mỡ, phì nhiêu với những kho tàng vô tận như đồng ruộng bao la, cây lành trái ngọt và sông nước hữu tình đã nổi tiếng là miền trù phú bậc nhứt nước Nam.

Chính vì vậy Nguyễn Văn Xuân có viết trong cuốn Khi Những Lưu Dân Trở Lại: “Cái lợi lớn của miền Nam là được thu nhập một nền giáo dục Khổng Mạnh song ít khắt khe hơn mà đồng thời nhờ sinh hoạt xa triều đình lại ở vào khu vực cây ngọt trái lành, vườn rộng đồng xanh thênh thang nên tình cảm cũng nẩy nở phong phú hơn nhiều lắm” (9).

Dân tộc miền Nam luôn gặp gỡ nhiều dân tộc khác lại có một tâm hồn cởi mở phóng khoáng, cho nên gặp một dân tộc nào, họ cũng muốn tìm cái điệu nhạc của dân tộc đó với mục đích làm sao phối hợp làm giàu cho cái vốn của mình. Do đó chúng ta thấy âm nhạc tài tử từ miền Trung đi vào trong Nam nó biến thành màu sắc đậm đà hơn vì cấu trúc trong Nam là cấu trúc phóng khoáng. Đó là cấu trúc động và mở. Nó khác với cấu trúc tịnh và đóng của âm nhạc tài tử miền ngoài.

Chẳng hạn như một bài Lưu Thủy ở miền Trung, ban đầu chỉ đơn sơ mấy nét:

Hò xự xang xế xang hò xự xang

Xế xang xự xang xáng xự

Hò cống cống xang cống xê xang cống líu…

Từ Lưu Thủy thục giang vô trong Nam biến thành Lưu Thủy đoản (Lưu Thủy vắn). Từ Lưu Thủy đoản biến ra thành Lưu Thủy trường, dài hơn nhiều. Từ Lưu Thủy trường nó biến hóa không ngừng từ nhịp bốn rồi nhịp tám v.v… Không thích giữ nguyên xi, biến chuyển mà vẫn giữ cái gốc, đó là cái cấu trúc phóng khoáng, động và mở của âm nhạc miền Nam (theo GS Trần Văn Khê).

Bài Dạ Cổ Hoài Lang cũng không vượt ra ngoài cái quy luật nói trên. Ở đây có vấn đề được đặt ra: Tại sao bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu được nhiều người ưa thích và truyền tụng đến ngày nay, trong khi bài Dạ Bán Chung Thinh (Nửa đêm nghe tiếng chuông) của thầy ký Trần Quang Quờn bị mai một không còn ai nhắc tới?

Theo giáo sư Trần Văn Khê có ba lý do để giải thích:

-Một là bài Dạ Bán Chung Thinh theo hơi Nam nhưng bí hiểm còn Dạ Cổ Hoài Lang cũng theo hơi Nam nhưng dính liền với tiếng ru của bà mẹ, cũng như dính liền với bài Hành Vân lúc đó rất thịnh hành.

-Hai là Thế chiến thứ nhứt (1914-1918) bùng nổ, nhiều thanh niên Việt Nam bị bắt đi làm lính đánh thuê cho Pháp. Cảnh biệt ly diễn ra khắp mọi gia đình. Tâm sự ai oán của người chinh phụ diễn tả trong Dạ Cổ Hoài Lang ai nghe cũng xúc động.

-Ba là thời bấy giờ có mấy gánh hát cải lương ra đời như gánh hát của André Thận (1917) và gánh hát của thầy Năm Tú (1918). Đặc biệt thầy Năm Tú có công trong việc đưa nhạc cải lương đến với mọi tầng lớp người Việt từ Nam chí Bắc qua dĩa hát Pathé Phono 78 vòng. Và không ai ngờ rằng chính thầy Năm Tú đã đi tiên phong trong việc đưa Dạ Cổ Hoài Lang lên sân khấu như nhận định của Toan Ánh trong Cầm Ca Việt Nam: “Bài này (tức Dạ Cổ Hoài Lang) được đưa lên sân khấu bởi gánh hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho lần đầu tiên rồi lần lượt các gánh hát khác cũng sử dụng nhất là trong các tuồng cải lương” (10).

Bài Dạ Cổ Hoài Lang lúc đầu chỉ có nhịp đôi được phổ biến rộng rãi trong giới cải lương khoảng năm 1925-1927, dần dần thay thế bản Tứ Đại Oán. Về sau nó biến chuyển không ngừng từ nhịp hai được tăng lên nhịp bốn với bài “Tiếng Nhạn Kêu Sương” của soạn giả Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung). Từ nhịp bốn lên nhịp tám do thầy Giác khởi xướng khoảng năm 1929-1930 và phát triển khoảng 1935-1937 với bài “Văng vẳng tiếng chuông chùa” do nghệ sĩ Năm Nghĩa phổ biến.

Từ năm 1938 nghệ sĩ Bảy Hàm tăng lên thành “Vọng Cổ nhịp 16” với tiếng hát cô Tư Sạng trong bài “Tình mẫu tử”. Sau Thế chiến thứ hai (1939-1945), vọng cổ nhịp 16 càng được phổ biến rộng rãi hơn với tiếng hát điêu luyện của nghệ sĩ Út Trà Ôn với các bài “Tôn Tẫn giả điên”, “Thái sư Văn Trọng” do hãng dĩa Asia phát hành. Theo soạn giả Viễn Châu từ năm 1947 dĩa “Tôn Tẫn giả điên” bán chạy như tôm tươi, còn dĩa “Thái sư Văn Trọng” cũng tạo cơn sốt trong giới mộ điệu Lục tỉnh (11).

Từ đó cải lương miền Nam đã có một đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn, một giọng ca đi vào lòng bao thế hệ. Đến khi dĩa “Tình Anh Bán Chiếu” được hãng Hồng Hoa phát hành, ký giả Nguyễn Ang Ca gọi Út Trà Ôn là “Vua Vọng Cổ”. Từ năm 1954 “Vọng Cổ nhịp 32” xuất hiện, tiêu biểu nhứt là bài “Đội gạo đường xa” của Kiên Giang được Hữu Phước hát rất ngọt, rất muồi. Từ năm 1964, soạn giả Viễn Châu là người đầu tiên đưa Tân nhạc vào Vọng Cổ tạo thành loại hát Tân Cổ giao duyên. Tuy nhiên các bản Tân Cổ giao duyên được rút ngắn thành Vọng Cổ bốn câu thay vì sáu câu nhịp 32 như trước.

Như trên đã nói, cấu trúc âm nhạc miền Nam là cấu trúc phóng khoáng, động và mở. Nó biến chuyển không ngừng nhưng vẫn giữ cái gốc ban đầu. Soạn giả Nguyễn Phương đã viết:

“Đặc điểm của bài Vọng Cổ là tự do trong khuôn phép. Bản Dạ Cổ Hoài Lang được dùng như một cái khung (còn được gọi là lòng bản) để trên đó mỗi người nghệ sĩ tự do sáng tạo theo cảm hứng của mình. Bởi vậy khi mới nghe thì bản Vọng Cổ có vẻ giống nhau, nhưng thật ra thì không ai đờn giống ai, không ai ca giống ai nhưng cũng không ai thoát ra khỏi những chữ nhạc đã được qui định trong mỗi khung nhạc nên không làm mất đi cái bản sắc của bài Vọng Cổ” (Thời Báo Montréal số 743 ngày 26 Tháng Ba 2004).

Thật vậy, về giọng ca nức nở của Vua Vọng cổ Út Trà Ôn, hai soạn giả Nguyễn Phương và Viễn Châu đã hết lời ca ngợi. Đó là “giọng ca có hơi đồng trầm ấm, phong cách ca ngâm khoan thai, chững chạc (…), giọng ca không chân phương quá mà cũng không luyến láy kỹ thuật quá, nhưng từng lời từng chữ rõ ràng truyền cảm khiến cho người nghe thấm sâu ý nghĩa của bài ca” (Nguyễn Phương, Thời Báo số 743).

Riêng soạn giả Viễn Châu đã viết: “Bài bản Cải lương có nhịp nhàng, ai ca cũng trúng nhịp được, giống như con tàu cứ vô ga là phải ghé, nhưng ảnh (Út Trà Ôn-NKT) không ghé như công thức như người ta mà về trước một chút, lòn ở phía sau một chút, rồi lại lướt lên trên để rồi mới ghé về đích, nên đường đi của ảnh lả lướt không ai bằng” (Thời Báo số 612 ngày 21 Tháng Chín 2001).

Ngoài ra giới Cải Lương còn biến hóa Dạ Cổ Hoài Lang thành những bản Vọng Cổ hài (Thời Báo số 717). Theo thiển ý chúng tôi, đây là sự biến chuyển sau cùng của Dạ Cổ Hoài Lang nhưng vượt ra ngoài cái quy tắc vì không còn giữ nguyên xi cái gốc là nét sầu của bài ca nguyên thủy.

Một ban nhạc tài tử Nam Bộ thời xưa (file photo)

__________

Kết

Vọng Cổ là một hiện tượng độc đáo, là bản ruột, là cái nhụy của cải lương. Sau hơn 100 năm, bản Vọng Cổ vẫn là vị hoàng đế không ngai của nền âm nhạc miền Nam. Âm nhạc miền Nam nói chung, và Vọng Cổ nói riêng, có cái lịch sử của nó. Và lịch sử âm nhạc miền Nam là lịch sử tâm hồn dân tộc. Ở đây là lịch sử tâm hồn dân tộc miền Nam. Tìm hiểu những nét độc đáo của âm nhạc miền Nam trong đó có bài Vọng Cổ là tìm hiểu tâm hồn, tánh cách của dân tộc ở một vùng đất mới để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc của cả nước Việt Nam thân yêu.

Bất giác tôi nhớ tới mấy câu thơ:

Khi đất Bắc vang lên lời cò lả

Khi miền Nam Vọng cổ ấm hương tình

Khi miền Trung vững lời thề sắt đá

Trong câu Hò mái đẩy hẹn ba sinh.

Tôi cũng thấm thía lời phát biểu của giáo sư Nhựt Bổn Kishibe Shigeo trong hội nghị UNESCO tại Téhéran năm 1961 về bảo vệ vốn cổ:

“Người Nhựt từ hơn một trăm năm nay đã cố gắng trèo lên những ngọn núi cao và đẹp của âm nhạc phương Tây. Các đỉnh ấy là Beethoven, Mozart, Chopin. Khi đến đỉnh, chúng tôi thấy ở chân trời có một đỉnh núi khác cũng cao, cũng đẹp như đỉnh núi chúng tôi đang đứng. Đó là núi nhạc truyền thống Nhựt Bổn. Các bạn Châu Á, Châu Phi đừng mất một trăm năm như chúng tôi mới thấy trong nước các bạn cũng có những đỉnh núi cao đẹp như núi nhạc phương Tây” (12).

Miền Nam nói riêng, Việt Nam nói chung đều có sẵn những núi nhạc truyền thống. Chúng ta khỏi mất công tìm kiếm, đôi khi cả trăm năm, những núi nhạc khác. Vấn đề ở đây là làm sao dung hòa được hai nền nhạc Âu và Việt trên căn bản vẫn giữ cái gốc của nó.

GS Trần Văn Khê đã đánh giá về bài Dạ Cổ Hoài Lang-Vọng Cổ như sau: “Trong Cổ nhạc Việt Nam chưa có bài nào bản nào được như bài Dạ Cổ Hoài Lang biến thành Vọng Cổ, từ một sáng tác cá nhân đã biến thành một sáng tác tập thể, sanh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên, sống mạnh, phát triển không ngừng, biến hóa thiên hình vạn trạng mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt trong nước và rải rác khắp năm châu” (Thời Báo số 476).

Chúng tôi tin chắc như vậy. Cuối cùng, chúng tôi muốn góp “thêm chút ánh sáng” về xuất xứ của bản Vọng Cổ mà tên gọi đầu tiên của nó là bài Dạ Cổ Hoài Lang. Từ sau năm 1975 đến nay, các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cả hai miền Nam-Bắc đều khẳng định: Chính ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) sáng tác cả nhạc và lời bài Dạ Cổ Hoài Lang bất hủ nầy. Để rộng đường dư luận, tránh sự ngộ nhận, chúng tôi muốn có một cái nhìn mới khi viết: “Lời của Dạ Cổ Hoài Lang ban đầu là bài từ – tức một thể loại thơ, do nhà sư Nguyệt Chiếu viết, nhạc sĩ Sáu Lầu chỉ có công phổ nhạc mà thôi”.

Ước mong các nhà biên khảo văn hóa, văn học sử làm sáng tỏ vấn đề trên.

__________

Chú thích:

1/Trần Văn Khải: Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam. Sài Gòn, Khai Trí xuất bản 1970;

2/Trần Văn Khê: Dạ Cổ Hoài Lang, một xuất xứ buồn. Thời Báo số 476 ngày 12/02/1999;

3/và 5/ Thuyết Phong: Thế Giới Âm Thanh Việt Nam. Hoa Cau CA xuất bản;

4/và 6/ Nguyễn Phương: Ngũ Đại Gia Sân Khấu Cải Lương. Montréal 2004;

7/Vương Thư Sinh: Dạ Cổ Hoài Lang. Đồng Nai-Cửu Long số 3, tháng 1/2006;

8/Nguyễn Kiến Thiết: Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam. Luận Án Cao Học Văn Chương, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1972;

9/Nguyễn Văn Xuân: Khi Những Lưu Dân Trở Lại. Sài Gòn, Thời Mới xuất bản, 1969;

10/Toan Ánh: Cầm Ca Việt Nam. Sài Gòn, Lá Bối xuất bản, 1969;

11/Người Tân Định: Lá Thư Sài Gòn. Thời Báo số 612 ngày 21/09/2001;

12/Trần Văn Khê: Âm Nhạc Đông Nam Á. Đông Nam Á xuất bản.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: