Bảo quản hiện vật bảo tàng: 1,001 chuyện ít được kể

Share:

Thật khó có thể tưởng tượng tác phẩm sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc của cụ Nguyễn Gia Trí từng được vệ sinh bằng nước rửa chén, bột chu và giấy nhám! Những chuyện kỳ lạ như vậy thật ra không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Giới hâm mộ nghệ thuật trong và ngoài nước khi đi thăm các bảo tàng mỹ thuật-văn hóa-lịch sử trong nước thường cảm thán vì tình trạng trưng bày, bảo quản tác phẩm, hiện vật, nội thất và kiến trúc còn sơ sài đến đáng tiếc, gây ra nhiều hư hỏng nặng nề không phục chế được. Tuy nhiên, đó là thách thức lớn không phải chỉ riêng của Việt Nam, mà của hầu hết các nước (kể cả các nước phát triển) với hạn chế về cả kinh phí, chuyên môn và kỷ luật.

Bạn có biết rằng trong các bảo tàng, trung bình chỉ có dưới 5% hiện vật được trưng bày, còn lại chúng đều được xếp kho? Và từ Mỹ đến Nga, 60% số bảo tàng đang gặp phải khủng hoảng kho lưu trữ [1]? Không chỉ cho khối bảo tàng công, đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất cho cả các nhà sưu tập tư nhân, phòng tranh hay trung tâm triển lãm độc lập. Như một điểm tham khảo cơ bản, bài viết này xin điểm qua một vài lưu ý sơ lược trong công tác bảo quản tác phẩm, hiện vật.

Bên trong Viện bảo tàng Louvre (ảnh: DAT VO/Unsplash)

BẢO QUẢN & PHỤC CHẾ

Trước hết, ta cần phân biệt giữa bảo quản (conservation) và phục chế (restoration). Nhìn chung, bảo quản gồm các quy trình và công tác phục vụ cho mục đích bảo tồn di sản (cụ thể là di sản vật thể). Phục chế là quá trình làm cho một hiện vật quay trở lại tình trạng cũ, và là một nửa trong công tác xử lý bảo quản. Khi phục chế, ta cần thay đổi trạng thái vật lý của hiện vật.

Nhưng bài viết này không bàn tới phục chế, mà bàn tới nửa kia của bảo quản, đó là công tác bảo quản phòng hộ (preventative conservation). Trong công tác này, chúng ta thay đổi môi trường xung quanh hiện vật để giúp bảo vệ nó khỏi hư hại. Môi trường bảo vệ này là lớp ngăn giữa hiện vật và thế giới bên ngoài – bao gồm rất nhiều lớp từ trong ra ngoài: Vật liệu gói bọc, hộp đựng hiện vật, tủ và kệ đựng, phòng trưng bày/lưu trữ, tòa nhà.

Nói một cách đơn giản, khi các tác nhân trong môi trường được giữ ở trạng thái cân bằng, tình trạng hiện vật sẽ được bảo quản gần như nguyên vẹn, ví dụ như xác chết ở núi băng hay các hóa thạch dưới lòng đất. Khi có sự xáo trộn liều lượng và số lượng các tác nhân, môi trường sẽ có phản ứng sinh/lý/hóa học cho đến khi một trạng thái cân bằng mới được thiết lập. Và quá trình đó thường làm hư hại đến hiện vật.

Viện bảo tàng Milwaukee, Mỹ (ảnh: Kayle Kaupanger/Unsplash)

10 TÁC NHÂN HƯ HẠI

Từ cuối thập niên 1980, Học viện Bảo quản Canada (CCI) thiết lập ra hệ thống liệt kê và phân loại 10 tác nhân hư hại trong bảo quản [2], cho đến nay đã được phát triển và sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Xin tóm lược những ý chính cùng ví dụ minh họa để các bạn hình dung được dễ hơn.

1/ Tác động vật lý

Là những tác động vật lý hoặc cơ học trực tiếp lên hiện vật, gây ra hư hại như thủng, vỡ, nứt, xước, nén, giãn, hoặc xáo trộn về cơ cấu… Có thể do những nguyên nhân trong tự nhiên như động đất. Năm 2020, loạt sang chấn tại thủ đô Zagreb của Croatia đã phá hại nặng nề 450 tòa nhà ở đây, bao gồm toàn bộ hệ thống các bảo tàng, từ kiến trúc tới hiện vật [3].

Tuy nhiên, hầu hết tác hại vật lý là do lỗi gây ra bởi con người trong quá trình vận chuyển, lưu kho, sắp đặt, trưng bày và thưởng lãm. Lời khuyên chung là nên tạo không gian riêng cho mỗi hiện vật với những lớp bảo vệ khác nhau, và chỉ dẫn kỹ càng bằng văn bản hoặc trên hộp/kiện cho việc vận chuyển, đóng dỡ hộp. Năm 2006, một vị khách đã vấp phải dây giày của mình ở Bảo tàng Fitzwilliam Museum (Cambride, UK), làm vỡ ba chiếc bình quý đời Thanh bày ở cửa sổ cầu thang [4]. Sau sáu tháng phục chế, bảo tàng trưng bày nó lại trong hộp bảo vệ. Trường hợp này đúng là mất bò mới lo làm chuồng.

Tại Việt Nam, các trường hợp tác phẩm gốm, sứ, kính… bị vỡ khi lau chùi, di chuyển không phải là hiếm. Tỉ dụ như tấm gương họa bức Cô gái và lồng chim của Mai Thứ trong bộ sưu tập của anh Tuấn Cá Sấu bị vỡ khi Vietnam Airlines yêu cầu ký gửi theo chuyến bay [5].

Tại Việt Nam, các trường hợp tác phẩm gốm, sứ, kính… bị vỡ khi lau chùi, di chuyển không phải là hiếm. Tỉ dụ như tấm gương họa bức “Cô gái và lồng chim” của Mai Thứ trong bộ sưu tập của anh Tuấn Cá Sấu bị vỡ khi Vietnam Airlines yêu cầu ký gửi theo chuyến bay

2/ Tội phạm

Thể loại này bao gồm cả trộm cắp và phá hoại. Kỷ lục thế giới về giá trị tài sản nghệ thuật bị đánh cắp vẫn đang thuộc về vụ trộm năm 1990 tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner (Boston, Mỹ), khi lũ trộm đóng giả cảnh sát rồi khoắng đi 13 tác phẩm – trong đó có bức Buổi hòa nhạc (1664) của Johannes Vermeer – với tổng giá trị ước tính là $500 triệu. Vụ việc này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, và gần đây Netflix có làm một phim tài liệu thuật lại khá đầy đủ [6]. Ở Việt Nam, nạn trộm cắp cổ vật ở các đình chùa, miếu mạo, nhà thờ họ đã xảy ra nhiều thập niên nay, và tới những năm gần đây đã lên đến mức báo động, đặc biệt khi giá cổ vật ngày càng lên cao trong các phiên đấu giá quốc tế [7]. Hành vi đánh tráo tranh, tượng từ bảo tàng mỹ thuật cũng là một chủ đề luôn nóng, và cần được nhìn nhận lại công khai, nghiêm túc.

Việc đầu tư vào hệ thống an ninh và giáo dục về tội phạm văn hóa-nghệ thuật trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Một ví dụ nhỏ là việc thiết kế quy chuẩn không gian an ninh (security zoning) tại các bảo tàng công, phân tầng giải pháp phụ thuộc vào giá trị hiện vật, luồng giao thông và phương tiện giám sát. Từ đầu thế kỷ 21, nhiều kinh viện trên thế giới đã bắt đầu tổ chức các hội thảo, khóa học và nghiên cứu về chủ đề này. Năm 2007, Hiệp hội Nghiên cứu Tội phạm Nghệ thuật (ARCA) được thành lập, và từ 2009 đã thiết kế chương trình cao học về ngành này [8].

3/ Lửa

Nguyên nhân phổ biến nhất của hư hại loại này là do lỗi ròng dây điện gây ra chập cháy, có thể dẫn đến những hậu quả khủng khiếp. Khi có hỏa hoạn, ta nên nhớ là ngay cả những hiện vật không bị cháy, cũng có thể bị hư hại khi tiếp xúc với khói, muội ám hoặc nước phun khi dập lửa. Vậy nên việc thiết kế quy trình chống cháy, gắn các thiết bị báo cháy, phun nước chống cháy (ở các không gian phù hợp), và bảo trì hệ thống điện là hết sức quan trọng. Đặc biệt cần chú ý là các hiện vật dễ bắt cháy như gỗ, giấy, film, các bình bảo quản tiêu bản có chất cồn, v.v…

Trên thế giới, đã có nhiều vụ hỏa hoạn đáng tiếc, phá hủy các bảo tàng lớn – mới nhất là Bảo tàng Quốc gia 200 năm tuổi ở Rio de Janeiro, Brazil, cháy rụi ngày 2 Tháng Chín 2018. Viện bảo tàng này được Vua Bồ Đào Nha John VI thành lập năm 1818 (ảnh: Buda Mendes/Getty Images)

Trên thế giới, đã có nhiều vụ hỏa hoạn đáng tiếc, phá hủy các bảo tàng lớn – mới nhất là Bảo tàng Quốc gia 200 năm tuổi ở Rio de Janeiro, Brazil, cháy rụi năm 2018, sau bốn năm liền bị cắt giảm ngân sách bảo trì xuống còn 1/10 so với cùng kỳ trước đó (từ $128,000 xuống còn $13,000) [9]. Trước đó, năm 2008, một người đàn ông đã châm lửa đốt cổng quốc bảo Nam Đại Môn ở Seoul, Hàn Quốc, khiến chính phủ nước này phải kêu gọi tài trợ khoản $21 triệu để phục chế, và lắp đặt các hệ thống chống cháy cùng camera an ninh 360 độ, sau những chỉ trích dữ dội từ dư luận về an ninh lỏng lẻo trước đó [10].

4/ Nước

Các bảo tàng nằm ở bờ sông hoặc biển cần đặc biệt chú ý tới tác nhân này. Năm 2016, cả hai bảo tàng Louvre và Musée d’Orsay (Paris, Pháp) bên bờ sông Seine, vừa phải đóng cửa trong năm ngày chỉ để sắp xếp vài chục nghìn tác phẩm lên tầng cao hơn, sau khi mực nước sông dâng tới mức kỷ lục, gây lụt lội. Một tuần đóng cửa đã gây ra thiệt hại bán vé khoảng 1.5 triệu EUR cho Louvre, với chi phí cơ hội từ 120,000 lượt khách bị mất [11].

Các bảo tàng nằm ở bờ sông hoặc biển cần đặc biệt chú ý tới tác nhân nước. Năm 2016, cả hai bảo tàng Louvre và Musée d’Orsay (Paris, Pháp) bên bờ sông Seine, phải đóng cửa trong năm ngày chỉ để sắp xếp vài chục nghìn tác phẩm lên tầng cao hơn (ảnh: Viện bảo tàng Louvre; Gloria Villa/Unsplash)

Hư hại do nước có thể diễn ra ở diện rộng như một trận lụt, hoặc ở quy mô nhỏ như từ vòi phun chữa cháy, hoặc nước dột khi mưa, hay rỉ từ hệ thống vệ sinh hoặc điều hòa nhiệt độ. Ở quy mô nhỏ giọt, hư hại có thể diễn ra trong nhiều tuần hoặc tháng mà không được phát hiện. Nhiều hiện vật có thể được sấy khô sau đó, song hư hại có thể là vĩnh viễn. Các hiện vật hữu cơ như da hay xương khi ngấm nước có thể bị hoen ố, mục ruỗng. Tranh giấy có thể bị mủn, tranh vải bị bong, mực bị nhòe, sơn bị tan. Đồ kim loại có thể bị gỉ, gỗ bị cong phồng, gốm hút nước và các tạp chất đi kèm.

Để bảo vệ hư hại do nước, cần đảm bảo không gian lưu trữ và trưng bày tách biệt khỏi nguồn nước, và có quy trình thường xuyên kiểm tra các hệ thống nước trong và ngoài tòa nhà. Tránh đựng hiện vật trực tiếp trong hộp giấy – và xếp chúng cách mặt đất (ít nhất một gang tay).

5/ Loài gây hại

Các loài sinh vật gây hại như chuột, dơi, mối, mọt, ngài, nấm, mốc… có thể gặm nhấm, ăn mòn hoặc làm hoen ố hiện vật. Trước kia, các bảo tàng thường dùng thuốc phun để diệt chúng, nhưng giờ đã thay thế bằng các liệu pháp phi hóa học như phương pháp của Thermo Lignum [12] để ngăn chặn nguồn sống (hơi ấm, thực phẩm, góc trú ẩn) của chúng, và các phương pháp hút oxy hoặc sử dụng phóng xạ để diệt côn trùng. Các bảo tàng lớn thường có một quy trình chuẩn quản lý loài gây hại IPM (Integrated Pest Management) là một phần trọng yếu trong chiến lược bảo quản.

Riêng trong suốt đợt phong tỏa cách ly do đại dịch 2020-21, nhiều bảo tàng trên thế giới đồng loạt thông báo số liệu gia tăng do loài gây hại hoành hành, nhất là với các hiện vật vải vóc, gỗ, giấy, trong môi trường kín cổng cao tường, tối tăm và không bị du khách làm phiền. Tại Anh, con ngài ăn vải (clothing moth) trở thành vấn nạn trong hệ thống bảo tàng và di tích quốc gia, với số trường hợp hư hại tăng 11% so với trước Covid-19. Để chống lại, các nhà bảo quản đã thả một loài ong bắp cày mini (bé tới mức mắt người không nhìn thấy), là thiên địch của con ngài, để đẻ trứng vào trứng của chúng [13].

6/ Chất ô nhiễm

Còn nhớ ngay trước đại dịch, vụ việc được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm bầu là “sự kiện còn hạn chế” của năm 2019 là việc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vệ sinh bức sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc (1969-89) của Nguyễn Gia Trí bằng nước rửa chén, bột chu và giấy nhám, gây hư hại hơn 30%, một bài học đắt giá (ở đây có cả tác nhân hóa học và vật lý) [14].

Còn nhớ ngay trước đại dịch, vụ việc được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm bầu là “sự kiện còn hạn chế” của năm 2019 là việc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vệ sinh bức sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” (1969-89) của Nguyễn Gia Trí bằng nước rửa chén, bột chu và giấy nhám, gây hư hại hơn 30%!

Các chất hóa học có thể là ngoại lai, được truyền trong không khí (như các khí H2S, SO2 hoặc NO2, thậm chí là O2). Chúng có thể gây phản ứng hóa học làm tổn hại nghiêm trọng tới bề mặt, kết cấu, màu sắc của hiện vật – ví dụ đồ bạc dễ bị các khí lưu huỳnh làm xỉn. Một số chất ngoại lai khác hiện hữu trong các đồ nội thất như formaldehyde và các loại chất chứa VOC (volatile organic compound) như sơn, chất đánh bóng đồ đạc, thảm. Cũng có thể chất ô nhiễm là một phần nội tại của hiện vật – ví dụ như chất thuộc da trong bìa da của cuốn sách có thể làm gỉ phần vòng ở gáy sách. Bụi và bồ hóng cũng được coi là hai loại chất ô nhiễm. Ngoài ra, bụi có thể là thực phẩm cho một số loại sinh vật gây hại – và việc làm sạch bụi ở những tác phẩm, hiện vật là quá trình không dễ chút nào. Bồ hóng để lâu ngày có thể tạo chất nhờn, thấm xuống bề mặt các hiện vật.

Để quản lý chất ô nhiễm, trong các trường hợp không thể tránh khỏi, các nhà bảo quản sẽ tính toán theo công thức “liều lượng tiếp xúc tối thiểu”, nghĩa là chỉ để hiện vật trong môi trường tồn tại chất ô nhiễm trong một khoảng thời gian đủ nhỏ để xúc tác chưa kịp có ảnh hưởng. Đó cũng là lý do tại sao các bảo tàng thường luân phiên hiện vật được trưng bày theo chu kỳ, và giữ chúng phần lớn thời gian trong kho, nơi có môi trường lý tưởng nhất.

7/ Bức xạ

Năm 2013, các giám tuyển và nhà bảo quản ở Bảo tàng Van Gogh (Amsterdam, Hà Lan) sững sờ khi phát hiện ra nguyên nhân khiến màu vàng trong bức Hoa hướng dương (1889) bị xỉn rõ rệt theo thời gian là do tiếp xúc với ánh sáng từ phòng trưng bày. Loại sơn vàng Van Gogh sử dụng là chì chromate (PbCrO4), nhạy cảm với ánh sáng hơn các loại sơn khác do hàm lượng chì trong đó cao hơn [15]. Từ đó trở đi, bảo tàng phải làm mờ thêm đèn chiếu đến mức tối thiểu.

Bức xạ ánh sáng, cả phần mắt người nhìn thấy được và không nhìn thấy được (tia cực tím), đều có thể gây hư hại. Nhiều khu trưng bày với ánh nắng tự nhiên hoặc ánh sáng nhân tạo quá chói, sẽ làm phai màu sắc và giảm độ bền của hiện vật qua thời gian – và hư hại kiểu này là không phục hồi được. Tia hồng ngoại có thể làm nóng bề mặt hiện vật, tạo hư hại do nhiệt độ. Ta cần bảo vệ các hiện vật nhạy cảm với ánh sáng (như tranh vẽ) vào phòng, và thiết kế cửa sổ chắn được ánh sáng càng nhiều càng tốt.

Đó là lý do vì sao nhiều khu trưng bày trong các bảo tàng lớn đều giữ ánh sáng tối thiểu. Đây là một sự cân bằng cần thiết, vì du khách và nhân viên cũng cần ánh sáng để thưởng lãm và làm việc. Một dụng cụ không thể thiếu trong quản lý trưng bày là máy đo độ sáng. Với các hiện vật nhạy cảm với ánh sáng như vải vóc, giấy và da nhuộm, thường độ sáng tối đa cho phép là 50 lux, còn các loại khác như tranh sơn dầu thì mức tối đa là 200 lux. Các chất liệu như đá, kim loại hay kính, thì không bị ảnh hưởng bởi bức xạ quang phổ mắt người. Bảo tàng cũng thường sử dụng các loại rèm mành có khả năng lọc tia cực tím.

8/ Nhiệt độ

Nhiệt độ quá cao sẽ làm tăng tốc độ tan rã của các phân tử trong hiện vật – tốc độ lão hóa này trung bình tăng gấp đôi khi tăng nhiệt độ thêm 10 độ C, gây ra bong tróc, phồng rộp. Các chất liệu có độ nóng chảy thấp sẽ bị tan chảy (như sáp hoặc một số loại nhựa). Nhiệt độ quá thấp cũng có thể gây ra nứt nẻ, vụn gãy khi tiếp xúc. Đó là lý do hầu hết bảo tàng lớn đều trang bị điều hòa nhiệt độ để giữ phòng tranh trong khoảng 20-25 độ C. Nếu để quá lạnh, trải nghiệm tham quan sẽ không còn thoải mái, và chi phí duy trì nhiệt độ cũng cao hơn.

Nhiệt độ tăng giảm liên tục cũng tạo ra những sức ép giãn nở cho tình trạng vật lý của hiện vật, nên việc giữ cho nhiệt độ ổn định xuyên suốt là quan trọng – kể cả sau giờ trưng bày và những ngày nghỉ. Mặt khác, dao động nhiệt độ cũng gây ra dao động trong độ ẩm.

Các bảo tàng công ở Việt Nam hầu hết đều không trang bị hệ thống điều hòa xuyên suốt. Với những nơi như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, do thừa kế kiến trúc Đông Dương với hành lang mở, việc trùng tu làm phòng kín cho tất cả các phòng sẽ là chi phí đắt đỏ. Vậy nên hiện tại trong toàn bộ ba tòa nhà của bảo tàng, chỉ có đúng ba phòng nhỏ là được trang bị điều hòa nhiệt độ: Hai phòng bày tranh bảo vật quốc gia của Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Sáng, và phòng triển lãm tranh Lê Thị Lựu. Việc này dẫn tới tình trạng bảo quản những tranh còn lại đều rất sơ sài, gây ra tình trạng xuống cấp đáng tiếc.

Các bảo tàng công ở Việt Nam hầu hết đều không trang bị hệ thống điều hòa xuyên suốt. Với những nơi như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, do thừa kế kiến trúc Đông Dương với hành lang mở (xem hình), việc trùng tu làm phòng kín cho tất cả các phòng sẽ là chi phí đắt đỏ

9/ Độ ẩm

Như đề cập ở trên, dao động trong độ ẩm có thể là một hệ quả của dao động nhiệt độ, nhất là trong môi trường đóng kín. Ví dụ thường ngày dễ gặp nhất là khi bạn mua rau trong bịch nylon dán kín, mang về nhà và bỏ vào tủ lạnh một lát, sẽ thấy hơi nước đọng thành giọt li ti bên trong bề mặt nylon. Ở không gian trưng bày và lưu trữ, nếu độ ẩm quá cao, nấm mốc và côn trùng sẽ sinh sôi; đồng thời cũng làm tăng tốc độ lão hóa của hiện vật. Đây là một thách thức lớn với các vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam – nên tranh lụa và giấy thường hay bị mốc.

Nếu độ ẩm quá thấp, các chất liệu hữu cơ sẽ dễ bị mủn vụn, đồ gỗ vênh vẹo, các khung tranh cong vặn làm ảnh hưởng đến bề mặt tranh. Thông thường, độ ẩm thích hợp cho bảo tàng là 40-60% RH. Bên cạnh quy trình đo đạc, có một số liệu pháp quản lý độ ẩm như việc sử dụng các chất chống ẩm đặt trong không gian nhỏ (ngăn, hộp, kệ), hoặc máy hút ẩm, làm khô cho các không gian lớn.

Tương tự như trường hợp Van Gogh và bức xạ, khoa học pháp y dạo gần đây lại vừa phát hiện ra độ ẩm mới là thủ phạm chính trong việc làm bay màu bức Tiếng thét (1910) của Edvard Munch, trưng ở Bảo tàng Munch (Oslo, Na Uy), bởi sự có mặt của một loại sơn vàng được danh họa sử dụng, thay vì chỉ có cadmium sulfide (CdS) thì lại chứa cả clorides (Cl-), rất nhạy cảm với hơi nước, khiến màu vàng biến dần thành trắng. Và giải pháp là bảo tàng sẽ phải đóng kín tranh lại trong hộp trong suốt, để tránh tuyệt đối cho tranh khỏi tiếp xúc với độ ẩm trong hơi thở của khách tham quan [16].

Bức họa lừng danh ‘The Scream’ của Edvard Munch (1863-1944)

10/ Mất mát

Trong vận hành bảo tàng, có một quy tắc là “Hiện vật nào không có nhãn thì không có giá trị”. Các giá trị này có thể được hiểu theo khía cạnh văn hóa, lịch sử, luật pháp, và tất nhiên là tài chính.

Các lỗi vận hành dẫn tới việc mất mát dữ liệu – ví dụ như lai lịch hay địa điểm lưu trữ – có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình trạng và hoàn cảnh hiện vật. Việc có các quy trình quản lý thông tin (như kiểm toán định kỳ bộ sưu tập) là cần thiết. Hệ thống quản lý dữ liệu này bao gồm cả phần mềm (hệ thống chủ, các file thông tin, phân tầng truy cập), phần cứng (nhãn trên hiện vật, nhãn trên hộp/khay, nhãn trên kệ/phòng), và phần con người (phân quyền trách nhiệm). Cũng theo ICCROM, 25% các bảo tàng trên thế giới không có hệ thống quản lý thông tin đầy đủ, 25% không có người hoặc bộ phận được phân công rõ ràng cho khâu lưu trữ, đồng thời 50% không có đủ không gian lưu trữ [Xem 1]. Việc xảy ra nhầm lẫn và mất mát là tất yếu.

Và rồi việc mất mát bản thân các hiện vật cũng không hiếm gặp, nhưng do sợ chịu trách nhiệm hoặc sức ép dư luận, các bảo tàng lớn thường cố ém nhẹm vụ việc cho đến khi không giấu được nữa. Năm 2017, Bảo tàng Anh cuối cùng cũng thừa nhận việc làm mất chiếc nhẫn kim cương Cartier trị giá 750,000 bảng trong gian nghiên cứu tận sáu năm về trước, từ 2011 – cho đến thời điểm này, vẫn không có nguyên nhân nào được hé lộ [18]. Và trong thế giới nghệ thuật đương đại, việc các tác phẩm bị tình cờ vứt đi cũng thật phổ biến. Năm 2015, tác phẩm sắp đặt Chúng ta sẽ nhảy nhót ở đâu đêm nay? của hai nghệ sỹ Goldschmied và Chiari ở Bảo tàng Museion Bozen-Bolzano (Bolanzo, Ý) gồm 300 chai champagne rỗng, giấy trang kim và đầu lọc thuốc lá đã bị đội lao công quét dọn vì tưởng lầm đó là rác thật [19].

Năm 2015, tác phẩm sắp đặt “Chúng ta sẽ nhảy nhót ở đâu đêm nay” (“Where shall we go dancing tonight”) của hai nghệ sỹ Sara Goldschmied và Eleonora Chiari ở Bảo tàng Museion Bozen-Bolzano (Bolanzo, Ý) gồm 300 chai champagne rỗng, giấy trang kim và đầu lọc thuốc lá đã bị đội lao công quét dọn vì tưởng lầm đó là rác thật! (Museion)

LỜI KẾT

Danh sách và các ví dụ trên chỉ là những phác thảo sơ lược về công tác bảo quản. Trong các bảo tàng lớn, thường có một vị trí/phòng ban dành riêng cho các khâu này, với những quy trình phức tạp nhưng cần thiết. Ở tầm quốc gia, có thể có các kho lưu trữ tập trung với an ninh bảo mật ngang cấp quân sự. Với các tai nạn hoặc sự kiện bất khả kháng, tất nhiên chủ sở hữu có thể mua bảo hiểm để bảo hộ tài chính, nhưng rất nhiều hư hại không thể chuộc được bằng tiền. Việc đầu tư, phân bổ tài nguyên, nhân lực để xây dựng hệ thống chăm sóc bảo quản bộ sưu tập là một bài toán không dễ, nhưng không thể bị sao nhãng.

Ace Lê

13.02.2022

Tác giả Ace Lê là thạc sĩ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Nanyang Technological University (NTU, Singapore). Anh là đồng sáng lập nhóm giám tuyển độc lập Of Limits.

CÙNG TÁC GIẢ:

Chuyện về “ông Tây” Jean-Francois Hubert chuyên lừa bán tranh Việt Nam

Lật tẩy “Nhiếp ảnh gia nhiều giải thưởng quốc tế nhất Việt Nam”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: