Bay trên vùng ảo vọng

(Dân Việt)

Trong những ngày gần đây, giới yêu văn nghệ, đặc biệt là những người vẫn dành sự trọng thị với các ca sĩ của thời văn hóa VNCH, bắt đầu bàn nhiều về lời ăn tiếng nói của ca sĩ Phương Dung, người một thời được công chúng yêu mến và gọi với biệt hiệu là “Con Nhạn Trắng Gò Công.”

Trước khi về Việt Nam và được cấp phép biểu diễn, ca sĩ Phương Dung đã thử về nước từ năm 1999, bằng con đường làm từ thiện với hộ chiếu mang tên Nguyễn Phan Phương Dung, theo lời kể của bà là từ lá thư của một cô giáo cũ, kể về căn bệnh mắt, khiến bà quyết định về quê nhà làm từ thiện với tổ chức See The Light, do bà cùng những bạn lập ra.

Tin tức về việc “Con Nhạn Trắng Gò Công” quay trở lại với khán giả miền Nam, rộ lên khắp nơi từ những năm 2008, 2009. Và khác với những trắc trở của nhiều ca sĩ ở hải ngoại vẫn hát nhạc vàng bolero, vẫn bị coi là dòng nhạc có “vấn đề,” ca sĩ Phương Dung được báo chí trong nước đón nhận khá nồng nhiệt, thậm chí có những bài giới thiệu trước show diễn một cách trân trọng.

Là ca sĩ, sống qua hai thời kỳ, muốn đứng vững và giữ được tư cách của mình, thường là những người hết sức khéo léo và chừng mực, chỉ đi một con đường thẳng với nghề, và phải đủ sức chứng minh mình hoàn toàn chỉ là một ca sĩ, đơn thuần sống với đời, với nghề.

So với những ca sĩ từng bị điểm danh, kể cả với những người từng trong nước đi ra và từng cầm cờ vàng hô lời chống cộng, ca sĩ Phương Dung có vẻ có một sự nghiệp cuối đời ở Việt Nam nhẹ nhàng nhất. Nhiều người chứng kiến bà phát biểu trên báo, và truyền hình đã từng khen ngợi rằng người có cách ăn nói trước công chúng đơn giản và thông minh.

Chẳng hạn, năm 2019, khi đến thăm trẻ mồ côi tại Làng Thiếu Nhi Thủ Đức và Trung Tâm Nuôi Dưỡng – Bảo Trợ Trẻ Em Tam Bình, khi được Báo Người Lao Động hỏi, ca sĩ Phương Dung đã kể lại trên báo chí bằng ngôn ngữ đẹp và chỉn chu đến mức ai cũng phải cảm động: “Sau chuyến đi, hình ảnh những đứa trẻ, các cháu nhỏ cứ luôn hiện về trong tâm trí của chúng tôi. Đó là những ánh mắt ngây thơ hồn nhiên, cam chịu đã làm trái tim chúng tôi như thắt lại. Tôi lại nhớ đến ca khúc “Thương đời mồ côi” của nhạc sĩ Bắc Sơn, được ông sáng tác những năm đi dạy học ở trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Đâu đó quanh chúng ta vẫn còn bao nhiêu mảnh đời bất hạnh.”

Bà nói chạm lòng người như một chính khách giỏi, chứ như không phải là một ca sĩ. Là một người mến mộ ca sĩ Phương Dung, tôi theo dõi với sự khéo léo trong cuộc sống và ứng xử của người ca sĩ này qua nhiều năm, và vẫn thích thú cho đến năm 2014, khi bà ngồi vào ghế giám khảo trong một chương trình gameshow của Đài Truyền Hình Vĩnh Long.

Đáng chú ý, là những video phóng sự hay báo chí nhà nước viết về bà, cũng trân trọng nêu những thành đạt của bà trong quá khứ mà không tỵ hiềm gì. Ca sĩ Phương Dung được nhắc hát Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh, thơ Hữu Loan thu về với số đĩa bán kỷ lục năm 1964, kể cả chuyện bà được nhận Giải nữ ca sĩ xuất sắc và ăn khách nhất năm 1965 với ca khúc Tạ từ trong đêm của Trần Thiện Thanh.

Thế rồi, 10 năm sau khi được gọi là ngồi trên bóng hào quang của đời ca sĩ trở về nước, ca sĩ Phương Dung bắt đầu xuất hiện trên các mẩu video nhỏ, cắt ra từ những phát biểu của bà trên hệ thống truyền thông công cộng, làm nhiều người của thế hệ yêu mến bà giật mình: “Con Nhạn Trắng Gò Công” ứng xử và phát ngôn thông minh đây sao?

Đôi khi sự thành đạt, và ánh đèn sân khấu làm người ta ngây ngất, và ảo tưởng về một giai đoạn của đời mình. Từ vị trí một người ca sĩ khiêm nhã, bà được tìm thấy trên các bản video đang đầy trên Tiktok và Facebook về câu chuyện bà “phát hiện” ra vóc dáng của nhà thơ Nguyên Sa, một danh nhân đã qua đời vào năm 1988.

Trên một show truyền hình, để mua chút niềm vui với các khán giả thế hệ mới, ca sĩ Phương Dung kể “Tôi từng thần tượng ông Nguyên Sa khi đọc Áo lụa Hà Đông, tôi nghĩ ông Nguyên Sa là người đẹp trai phong độ, cho tới khi gặp mặt, thấy ông mập thù lù, đầu hói, thì thần tượng trong tôi như bong bóng vỡ đầy tay.”

Thật khó tả cảm giác của những người đã yêu mến nền văn hóa và cuộc sống của một thời, khi nghe người nữ ca sĩ này lấy hình dáng của một thi nhân nổi tiếng cùng thời ra làm chuyện cười hôm nay trên show truyền hình ở Việt Nam.

Nguyên Sa là người có thể bị tấn công hình thể như vậy, vì ông đã là của một thời văn hóa khác, của một chế độ khác đã mất, và của một môi trường sinh hoạt văn nghệ có thể không còn đem nhiều danh lợi cho cho người đang thụ hưởng sáng tạo của ông; nhưng cũng chưa chắc ca sĩ Phương Dung sẽ dám mô tả một nhà thơ cách mạng nào đó trong chế độ đương thời với giọng điệu như vậy.

Không biết gia đình của nhà thơ Nguyên Sa nghĩ gì khi nghe ca sĩ Phương Dung bình luận về cha, ông, chú bác… của mình như vậy. Có người bênh vực, nói đó là ký ức cá nhân của ca sĩ Phương Dung. Nhưng chia sẻ ký ức cá nhân với những người gần gũi, hoàn toàn khác với chuyện bán một niềm vui cho công chúng trên sóng truyền hình miễn phí toàn quốc, theo quan điểm cá nhân hạn hẹp của mình, bằng việc xúc phạm hình thể người khác.

Bà cũng có những lần phát biểu được ủng hộ, như việc ca sĩ thời nay hát sai lời, hay phê bình giám khảo bolero mà không hiểu biết về bolero. Những việc ấy, báo chí nhà nước cũng đã nói nhiều lần trước đây, nhưng ca sĩ Phương Dung cũng khôn khéo là ít nhắc tên ai khi chê, ngoại trừ những lần bà nhắc về những người bà có thể dùng ngôn ngữ trần trụi như với Nguyên Sa, hay chê cụ thể ông ca sĩ Chế Linh hay hát sai lời.

Trong video khác, người ta thấy ca sĩ Phương Dung gằn giọng “những người mặc áo dài cho đẹp, rồi quay clip, tự bỏ tiền ra làm, đó không phải là ca sĩ – tôi không chấp nhận.” Bà nói như một chuyên viên thẩm định của ban kiểm duyệt nhà nước đang cố tạo ra những định chế xã hội, và làm chạnh lòng không biết bao nhiêu ca sĩ ở hải ngoại về nước, cũng như những nghệ sĩ độc lập trong nước bỏ tiền túi thực hiện tác phẩm vì yêu nghề. Quay video hay trước đây là thực hiện album audio, phần lớn đều cũng do các nghệ sĩ tự mình bỏ tiền ra làm, chứ có thể xin ai?

Hay ca sĩ Phương Dung, mới mười năm vào ánh đèn trường quay của truyền hình nhà nước, đã quên nỗ lực cá nhân của mình thời định cư ở Úc, và thấy mọi thứ bây giờ, là phải được nhà nước trả tiền hay quảng cáo giùm?

Cái gì rồi cũng đổi. Từ đường phố, cho đến tập tính, con người đều chịu sự tác động của thời gian. Nhiều người chỉ trích ca sĩ Phương Dung rất nặng lời, nhưng thật ra, bà cũng chỉ là một nạn nhân yếu lòng trước những hào quang tạm bợ đang có. Chỉ thấy buồn cho con nhạn trắng Gò Công, từng có cuộc đời khiêm cung, mộc mạc “bay trên hình ảnh quê hương” – như bà tự tâm sự về biệt danh của mình – nay như đang có những đường bay chấp chới trên vùng ảo vọng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Trồng khoai lang
Khoai lang rất tốt cho sức khỏe nhờ cung cấp nhiều chất xơ và vitamin, là loại củ có rất nhiều công dụng trong chế biến ẩm thực. Ngoài việc…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: