Con trâu rừng cuối cùng trên đảo Phú Quốc (3)

Minh họa: neora-aylon-unsplash

Năm ấy, trời cho được mùa cá, nên mọi người được sống thỏa thuê. Nhà gạch được xây thêm, ghe thuyền có nhiều cái mới. Đêm đến đèn đất thắp sáng mọi nơi, ăn uống nhậu nhẹt không ngừng.

Nhiều hôm, anh ra khơi cùng ngư dân, đứng trên thuyền nhìn những đám cá bạc má trải dài hàng mấy chục cây số dọc theo đảo và nhìn những đàn chim biển sà xuống để kiếm mồi. Họ chỉ cần chọn đàn cá nào lớn để bủa lưới cho bõ công. Có khi gặp được đàn cá lớn, phải gọi thêm thuyền khác đến để cùng mang về và thuyền nào cũng đầy ắp. Có đêm, anh lại theo họ neo thuyền để thẻ mực. Đèn từ các con thuyền nhỏ thắp đầy biển như sao sa hay như một thành phố nhỏ ngoài khơi.

Nhiều khi nửa đêm chợt thức giấc, anh trở dậy đứng từ bên quận, nhìn sang cồn, đèn đuốc sáng trưng và tiếng nói cười huyên náo của những người gỡ cá vọng sang xóm quận. Anh cảm thấy cái vui cùng mọi người và hân hoan như thấy những người trong gia đình đi xa làm ăn, nay trở về mang theo tiền rừng bạc biển.

Một hôm, đứng trong quận nhìn qua khung cửa lớn, anh bỗng thấy một đoàn gần chục chiếc thuyền buồm lớn đang lừ lừ tiến về phía quận. Anh tưởng tượng ngay đến những phim ảnh có cướp biển đã xem trước kia. Anh vội quay vào gọi mấy nhân viên quận, họ cho biết đó là những người dân Bình Định lại vào đánh cá ở vùng này. Thường thường khi hết mùa, họ lại đợi gió rong ruổi trở về quê. Nhưng năm nay, sau mùa cá họ xin ở lại, vì miền Trung chiến sự sôi động, bất an. Anh để họ định cư ở xóm Cồn. Dân Bình Định ngày càng vào đông, anh đổi tên và đặt tên mới là xóm Bình Định.

Nhiều lần Hải Quân kéo ở đâu những chiếc tàu đánh cá của Thái Lan hay Tân Gia Ba xâm phạm hải phận về, yêu cầu Quan Thuế và Quận lập biên bản. Biên bản lập xong gửi về  tỉnh, tỉnh gửi về trung ương, dân đánh cá vi phạm chờ hai ba tháng dài người, có bao nhiêu đồ tế nhuyễn trong người đem bán hết. Nhiều khi, cuối cùng quận lại phải nuôi ăn.

Có lần, một du thuyền của một cặp vợ chồng người Úc dự định đi vòng quanh thế giới, hỏng máy dạt vào đảo, bị lính giữ để trình về tỉnh. Tối hôm đó, họ chữa được máy và lén trốn đi. Hơn một năm sau, về Sài Gòn, anh tình cờ đọc một tờ báo, có tin du thuyền này đã đến được Pháp và họ cho biết đã lạc vào một hòn đảo Việt Nam và bị bắt giữ ở đó.

Ít lâu sau, chính phủ trung ương yêu cầu phải hoàn tất chương trình ấp chiến lược trên đảo và phát triển các dự án tự túc tại các ấp đã thành lập. Anh có dịp quay lại các ấp xa để hội họp với dân chúng, nghe các lời bình nghị về các nhu cầu, các dự án trong ấp. Sau đó để họ quyết định theo tính cách dân chủ, đa số.

Anh cố giữ một vai trò hướng dẫn và thường yêu cầu các ty sở chuyên môn chiết tính về phần kỹ thuật, rồi chuyển về tỉnh xin chấp thuận. Hầu hết các dự án đều dựa trên căn bản dân góp công, chính phủ góp ngân khoản.

Các dự án này đều mang lại lợi ích cần thiết và trực tiếp cho dân chúng như: mở rộng trạm y tế và hộ sinh, làm thêm lớp học, phòng đọc sách, sửa lại cầu tầu, làm cầu mới thay cầu khỉ, làm nhà vệ sinh công cộng có mái che mưa hay đào thêm giếng.

Mỗi lần đi đến các ấp, anh thường nhờ ghe của Vũ Quốc Công, thiếu úy Hải Quân, là bạn thân từ hồi còn ở trung học. Công cũng vừa ra trường Hải Quân Nha Trang và cũng được đưa ra đảo nhận nhiệm vụ của một Đội Trưởng Hải Thuyền. Anh ta có một số ghe “Kiên Giang” và một hai ghe chủ lực có mã lực mạnh, được trang bị đại liên và đôi khi có súng cối 81 để pháo kích vào đảo.

Mỗi lần thấy bạn từ biển trở về, thân hình phong sương gầy rạc, mệt mỏi và ít nói, anh cảm thấy thương bạn vô cùng. Anh biết Công, hàng tuần dài trên chiếc ghe nhỏ, phải vượt sóng để chỉ huy phong tỏa một vùng biển hay nằm một chỗ chịu những cơn sóng nhồi tại một nút chặn trong đêm để khám phá những đường tiếp liệu từ Cam Bốt vào Đồng Tháp của Việt Cộng.

Những lần gặp lại bạn vào những ngày cuối tuần, hai người thường cùng bạn bè ngồi ăn nhậu ở quán Cù Đe, rồi sang bên cạnh chia phe chơi bi da. Mỗi lần bên thua phải chịu phần “mồi” hay “la de”. Nhiều đêm cả hai bên, lúc thua lúc được, “mồi” gom ra đầy bàn, la-de chất thành đống, uống không hết. Có tên say khướt, cầm can đẩy banh rồi nhào theo, gục trên bàn nằm luôn, dậy không nổi nữa.

Gần sáng, cả bọn mới lảo đảo trở về quận ngủ. Lũ chó hai bên đường lại được một phen sủa vang làm náo động cả khu xóm. Có hôm trời tối đen, gặp toán tuần tiễu, họ đứng đằng xa quát:

-Ai, đứng lại.

Cả bọn cứ tỉnh bơ, bước thấp bước cao khiến họ phải quát thêm và lên đạn lách cách. Lúc đó cả bọn mới hốt hoảng. Chỉ có thiếu uý Hoàng, Địa Phương Quân cũng vừa mới ở quân trường Thủ Đức ra, là cố gân cổ quát lại:

-Tôi đây!

Toán tuần tiễu nhận ra tiếng bèn ùa đến:

-Các ông đi đâu khuya quá, để chúng em đưa về.

Anh vội cám ơn họ và nói:

-Thôi để chúng tôi tự về cũng được.

Sáng sau Chủ Nhật, dậy muộn đi ăn sáng. Qua nhà cô Mười, thấy cô mặc bộ bà ba trắng đứng ở trong sân, dưới mấy gốc dừa, nói vọng ra:

-Tối qua, các ông làm gì mà ồn ào, hát vang cả xóm làm tôi thức giấc, ngủ lại không được nữa.

Cả bọn cùng đứng lại, tán chuyện gẫu và cùng nghĩ đến đêm trước, như một bọn Tây say… Buổi sáng thật êm, trời thật trong, biển thật xanh. Ánh nắng long lanh đã bắt đầu hắt lên từ những gợn sóng nhỏ và gió mát ngoài xa thổi vào làm vương mấy sợi tóc trên khuôn mặt trắng mát của cô. Anh chợt nhớ cô hay nói cô thường rửa mặt bằng nước dừa tươi.

Có lần, Công và anh mãi không về được đất liền, cuồng cẳng. Tối thứ Sáu, rủ nhau lấy ghe chủ lực rời đảo vào Rạch Giá, định tối chủ nhật quay lại. Nhưng vừa ra khỏi cửa biển, gặp hôm trời trở gió, biển động sóng đánh gần dựng ngược chiếc ghe, không qua khỏi mũi Ông Đội, đành phải trở về.

Một ngày cuối tuần, hai người nghĩ ra chơi trò “Lỗ Bình Sơn lạc vào hoang đảo”, bèn rủ một số công chức trẻ ra đảo hòn Thơm. Mấy cô giáo Tàu cũng đòi đi theo. Anh và Công giao hẹn với mọi người không được mang một thức ăn nào theo. Ra ngoài đó, không có tiệm mua bán, kiếm được thứ gì ăn thứ đó. Thử xem sao!

Hôm đó, trời nắng dịu, biển êm như mặt hồ. Anh và Công nằm trên mui chiếc ghe chủ lực, nhìn những đám mây trắng lững lờ trên cao, nhìn những khu rừng bí hiểm dọc theo đảo và nghe một cô giáo Tàu vừa cất cao giọng hát bài “Cánh Hồng Trung Quốc” theo tiếng đàn lục huyền cầm của Minh bên Ty Thanh Niên. Tiếng hát của cô trong và nhẹ như một sợi nhạc bồng bềnh chạy dài, khiến anh mơ màng tưởng như con thuyền muốn thoát hẳn lên cao…

Lúc tới hòn Thơm, thuyền chưa cặp bãi, một vài người đã cởi áo nhào xuống tắm. Anh cũng đeo kính bơi vào mặt và cầm cây súng săn cá nhoài người nhẩy theo bọn họ. Nước biển thật mát và trong nhìn xuống tận đáy, anh quẫy mạnh chân theo mấy người bạn lặn xuống sâu.

Trước mắt anh bỗng thấy hiện ra cả một rừng san hô kỳ ảo. Những cây san hô trắng mọc cao hơn một thước chen lẫn với những cây màu nâu, xanh, tím, hồng rực rỡ. Anh bơi theo những đàn cá lạ đủ màu, mà sau này anh thường thấy được bày bán trong các tiệm cá nhiệt đới ở Mỹ. Thỉnh thoảng chúng lại ngừng bơi ngơ ngác nhìn anh, như ngạc nhiên thấy một con vật lạ lùng đang lạc vào thế giới riêng biệt của chúng.

Anh lặn và bơi quanh co theo những đoàn cá một hồi lâu, đến lúc ngoi lên bơi vào bờ, cùng bàn tính đến chuyện không biết hôm nay mọi người sẽ kiếm được gì để ăn. Họ phân công, chia làm hai toán, một toán mang shotgun lên núi kiếm muông thú, một toán mang mấy trái lựu đạn xuống biển ném cá. Anh định theo lên núi, nhưng mấy người giữ anh lại để lặn xuống mò cá.

Toán xuống biển đi dọc theo bãi và chọn một chỗ có những hang đá chắc là có cá. Kéo chốt an toàn và ném trái lựu đạn xuống. Sau tiếng nổ ục ngầm dưới nước, những con cá quanh quẩn đó bị sức ép choáng váng bơi không nổi và chỉ cần lặn ngay xuống để bắt. Nếu không mau, chỉ trong chốc lát lũ cá sẽ tỉnh lại và bơi đi mất.

Khi mang cá lại chỗ cũ thì củi lửa đã sẵn sàng để nướng và toán lên núi cũng mang được vài con chim về. Nhưng lúc nướng xong, mọi người nhai không nổi vì không có mắm muối gì để ướp, ăn vừa nhạt vừa tanh. Tội nghiệp cho mấy cô giáo bị một trận đói meo.

Có một tên ngồi trên mỏm đá nhìn mọi người ngắc ngư nuốt không nổi, ôm bụng cười các “Lỗ Bình Sơn tân thời” khiến cả bọn nổi cáu. Mấy người nhào đến doạ quăng hắn xuống biển. Hắn la ơi ới vì không biết bơi và xin cho tìm cách chuộc tội. Hắn xuống thuyền lục lọi một lúc, rồi mang lên một xâu bánh mì với cá hộp, lại có cả la-de. Thảo nào lúc mọi người phân công đi kiếm thức ăn, hắn không chịu đi, cứ tỉnh bơ tìm kè đá mát trải chăn nằm đọc truyện.

Buổi chiều trở về, biển còn xanh, trời còn trong, gió còn nhẹ. Mọi người sau một ngày hoạt động đều mệt mỏi, ngồi tựa vào thành thuyền yên lặng hay lim dim ngủ. Chỉ còn nghe thấy tiếng máy chạy đều và tiếng nước róc rách vỗ mạn thuyền. Anh mơ màng nghĩ đến những ngày đã qua, sống xa hẳn cuộc đời buồn nản không lối thoát tại thành phố, nay lại được tự do nằm giữa vùng biển rộng trời cao.

Tự nhiên, anh nghĩ đến người yêu, lúc này chắc đang cắm cúi trong giảng đường, hay với bạn bè phóng xe Velosolex trên con đường Duy Tân “cây dài bóng mát”, hoặc đang ngồi cười rỡn tại quán mì Cây Nhãn Dakao. Anh mong có nàng ở bên cạnh, trên con thuyền này, trong cảnh biển chiều mênh mông đang xuống. Anh mơ sẽ không còn thấy mọi người xung quanh, chỉ còn hai người trong một vùng êm đềm, ảo mộng.

Anh sẽ nắm lấy tay nàng và nghĩ đến một ngày nào đó, anh sẽ mua một trong những hòn đảo nhỏ kia, sẽ có căn nhà bên dòng suối, bên những vòm cây xanh mát, đầy những hoa lá vùng nhiệt đới. Hai người sẽ chạy nhẩy dưới những rừng dừa cao, hay trên những bãi cát trắng, không dấu chân người. Sẽ cùng tắm ở những vũng biển san hô với những đàn cá bơi giỡn đủ màu. Sáng đến, chờ nắng biển đông đánh thức để nghe tiếng chim rừng hót ngoài cửa sổ. Chiều xuống ngồi trên ghềnh đá ở biển tây nhìn cảnh hoàng hôn rực đỏ chân trời. Khi đó, chắc anh và nàng sẽ chẳng còn gì để tiếc nhớ.

Anh yêu hòn đảo và sự tự do. Hàng ngày, anh nghe đài phát thanh tiếp vận từ Sài Gòn loan tin thời tiết: “Hôm nay, Phú Quốc trời nhiều mây…”, nhất là lúc đó ca sĩ Lệ Thu hay hát nhạc của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, trong đó có câu: “Nhớ tới mùa thu năm xưa, mình anh lênh đênh rừng cùng sông, chiếc lá thu dần vàng theo…”, anh tin rằng nàng cũng đang nghe và đã nhắc nhở nàng nhớ đến anh ở một nơi tận cùng của đất nước.

Mọi người trên ghe đều yên lặng. Tự nhiên, anh lại nghĩ đến những sự mệt mỏi và vô vọng của một cuộc chiến tranh dài đằng đẵng. Anh mong rằng, trong giây phút này, mọi người cũng đang mơ màng và cũng đang có những giấc mộng đẹp như anh. Anh không dám cựa mình, và để từ từ lịm dần trong giấc mơ mà mình đang sống…

CÒN TIẾP

_____________

Con trâu rừng cuối cùng trên đảo Phú Quốc

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: