Phiếm chỉ là phiếm thôi

Share:

Trong một lần trò chuyện, khoảng đâu mười năm trước, với một nhà thơ mà danh tiếng đã từ thế kỷ hai mươi, khi nhắc về Song Thao, ông ấy nói, Song Thao ư, văn ông ấy, cứ gọi là, các bà, mê như điếu đổ.

Tại sao lại là các bà, mà không là các ông, tôi đồ rằng, người ta thường vậy, nghĩ vậy, âm dương hút nhau, nên trước hết, nên số đông, với các ông nhà văn nhà thơ, sẽ là phái nữ.

Mê như điếu đổ là mê như thế nào. Nghĩa là mê đến không biết gì, như người say thuốc lào, phê thuốc lào, nửa tỉnh nửa mơ, hồn xác lơ lửng chín tầng mây xanh, mặc hết cả mọi thứ chung quanh.

Tôi tự nghĩ thêm, thế người đọc mê người hay mê văn, rồi tức khắc, lại thầm trả lời, cả hai, người duyên mà văn cũng duyên, nên đáng để mà mê lắm lắm.

Có người gọi Song Thao là thần phiếm, lại có người gọi ông là vua phiếm, người viết bài thơ Khúc Thụy Du thì gọi ông là phiếm chủ, vì, ngoài viết tiểu thuyết, truyện ngắn, ông ấy còn viết phiếm, số lượng xuất bản đến nay, đâu đã xấp xỉ ba mươi cuốn, cuốn nào cuốn nấy bán đắt như tôm tươi. Không chỉ ăn đứt những người từng viết phiếm về số lượng phát hành, mà cho tới nay, từ Đông sang Tây, hễ nhắc tới thể loại phiếm là người ta tấm tắc ngay, gần như đầu tiên, Song Thao. Vậy thì phong danh hiệu thần hay vua hay chủ ấy cho ông, tôi nghĩ cũng chẳng gì quá đáng, quá lố cả.

Như nhà thơ Du Tử Lê từng dí dỏm, và, không quá, không thách một chút nào, ngày nào còn bác Song Thao, vẫn còn mãi đấy phiếm vào phiếm ra.

Riêng tôi, thì tôi hay ngầm so sánh Song Thao với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, một MC gạo cội của chương trình Thúy Nga Paris By Night, bởi từ vẻ ngoài lịch lãm đến lời ăn tiếng nói, chừng mực, lưu loát, trôi chảy cho đến kiến thức lẫn kiến văn của họ cũng đều rất mực làu thông. Nghiêm trang, đạo mạo mà lại duyên ngầm, hai ông, chỉ có thể là, kẻ tám lạng, người nửa cân.

VIẾT PHIẾM, DỄ CÓ MẤY TAY

Phiếm, hay phiếm đàm, phiếm luận là một tiểu thể loại của tản văn. Đặc điểm chung của phiếm là luôn hiện diện trực tiếp cái tôi của tác giả; là quan điểm, cách cảm, cách nhìn của tác giả và so với việc thông tin sự kiện thì lý lẽ của thông tin sẽ luôn được ưu tiên hơn (Thôi Về Đi).

Đặc điểm của phiếm còn là sự linh hoạt, phóng túng (xin hiểu phóng túng đây là tự do, không theo khuôn khổ), trong cách hành văn và sắp xếp chi tiết (Coi World Cup). Giọng của phiếm luôn ở vị thế cao đàm, ung dung tự tại, vượt lên thói thường, đưa đường chỉ lối cho độc giả đến với những cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm khác, tích cực, mới mẻ, ý vị, mang yếu tố rủ rê khám phá, khuyến khích trải nghiệm về thời cuộc, về đời sống nhân sinh.

Xưa, đã nhiều lắm các đại nhân, khi viết, từng sử dụng đến các thể loại gần với phiếm như tạp văn, tùy bút, thời đàm, tiểu phẩm, tiểu luận, bút ký, đoản văn, đó là các tên tuổi như Lỗ Tấn, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Võ Phiến… (mà với khả năng hạn hẹp của mình, tôi không thể đủ sức biết hết để mà ghi ra đây).

Nay, tôi được biết thêm một số người khác, như Đặng Tiến với những tiểu luận phê bình, và, đương nhiên, nhà văn Song Thao, với những tác phẩm phiếm, không chỉ đáng nể về số lượng xuất bản mà còn đáng để nghiêng mình bái phục về chất lượng đề tài, về lối viết tinh tế, duyên dáng, khó ai bì. Một số bài, vượt lên, nó giống với một tiểu luận nghiên cứu hơn vì những chứng cứ, bút lục được thu thập công phu, cặn kẽ, chi tiết, khó thể bắt bẻ, như bài phiếm Nhạc Bolero chẳng hạn.

Nên, nếu như, có ai đó từng đọc, mang tâm hài lòng, thích thú mà ưu ái gọi Song Thao là nhà nghiên cứu, một nhà nghiên cứu về văn hóa, xã hội, ví dụ vậy, thì theo tôi, cũng không quá là lộng ngôn.

SONG THAO, PHIẾM LÀ NGƯỜI

Có một truyền tụng, chẳng biết từ đâu, lúc nào, “văn là người”, ý là, đọc văn thấy ra sao thì người thực cũng hệt thế ấy.

Nay tôi mượn lại câu trên, chế đi chút đỉnh, muốn biết Song Thao là người thế nào thì cứ đọc phiếm của ông ấy. Đọc hết được thì quá tốt, còn bằng như không có điều kiện, thì tôi tin, chỉ cần đọc năm, bảy câu chuyện phiếm, vẫn thường đăng lai rai trên trang Facebook của ông, là cũng đủ để đoán ra, ông là người thế nào.

Với một vẻ ngoài gọn gàng, tươm tất, chỉn chu, lịch sự, trang nhã, ông dễ dàng tạo cho người đối diện một đánh giá tốt ngay từ ban đầu, đây là người rất mực đàng hoàng, một nhà mô phạm, một giáo sư, hoặc, một bác sĩ giám đốc. Đọc các câu ông trả lời phỏng vấn hay còm trao đổi với các bạn bè, thân hữu, thì lại càng thấy thêm ra, ông là người có lối ứng xử điềm tĩnh, nhẹ nhàng trong hầu hết các trường hợp. Đặc biệt, là thông minh.

Mà, thông minh thì hay đi kèm với dí dỏm, hài hước. Cả văn lẫn người, đúng vậy, đều thế. Ở đây là phiếm. Xem chữ thấy ra người. Nhìn người ra bút pháp – nhàn tản, giản dị, trong tếu táo có chân thành (Ông Văn Nghệ), trong cợt cười có nghiêm trang (Đạp), trong hóm hỉnh có ngẫm ngợi suy tư (Cờ Tây), trong châm biếm có thư giãn giải trí (Phiếm Happy Birthday Mr. President).

Phiếm của ông cung cấp cho bạn đọc nhiều chi tiết mới lạ, được khám phá bất ngờ nhưng có chọn lọc, nên trở thành giá trị trong đời sống trùng trùng sự kiện (World Cup 2022). Lối phê phán của ông là lối phê phán ẩn dụ, kín đáo; nghiêm mà hiền từ, ân cần; chậm rãi, từ tốn mà không lê thê, không làm nhàm chán người nghe; thiệt mà chơi chơi mà thiệt.

Khi được hỏi về chuyện nghề, ông cởi mở, không giấu giếm, viết cũng như đu dây làm xiếc, không những cần vững tay để khỏi té mà còn phải trình diễn cho hay; hoặc, văn phong là con người của tác giả, cứ thành thật khi viết là ló ra cái văn phong của mình, nếu điệu đà bắt chước người này người kia thì độc giả biết ngay là đồ giả, nhưng xây dựng truyện thì phải có kỹ thuật, đó là cách đóng mở, thêm gia vị, không lạt quá mà cũng không mặn quá.

Tài viết phiếm của ông, chắc phải kể thêm, ông viết về vấn đề tế nhị mà đọc không bị đỏ mặt (Cỏ Dại), ông đụng đến những chuyện nhạy cảm mà không gây khó chịu cho người xem. Văn ông không hấp tấp, vội vã, đọc mà như đang đối diện cùng ông và nghe ông nói (Nước Mắm Vạn Vân). Câu chuyện càng về cuối càng hay, khiến chẳng ai muốn rời, dù đã kết thúc (Gỏi Đu Đủ). Nó khớp với quan niệm của ông về việc viết, trà ngon thì phải có hậu vị, tác phẩm hay là tác phẩm khiến độc giả cứ còn vấn vương mãi, sau khi đọc xong.

PHIẾM CHỈ LÀ PHIẾM THÔI

Ấy là tôi đọc ở đâu đó, trong một bài trả lời phỏng vấn, không nhớ của nhà văn Hai Trầu – Lương Thư Trung hay nhà văn Hồ Đình Nghiêm, Song Thao khiêm tốn khi được hỏi và trả lời – phiếm chỉ là phiếm thôi.

Như Nguyễn Du, mua vui cũng được một vài trống canh, như Bùi Giáng, vui thôi mà, Song Thao cũng, phiếm chỉ là phiếm thôi.

Sự kính trọng của bạn đọc với các tác giả, không bao giờ chỉ do bởi tác phẩm mà nên. Nếu bởi tác phẩm, thì cao lắm chỉ là sự ngưỡng mộ về tài văn. Nhưng kính trọng thì phải bao gồm cả tác phẩm lẫn tính cách thực của tác giả trong đời. Và một trong những làm nên tính cách riêng đáng cho người ta cảm phục ấy chính là sự khiêm tốn, khiêm tốn chân thành chớ không phải kiểu khiêm tốn làm dáng.

Sau khi dẫn mấy câu thơ, dẫu từ lâu bỏ việc văn chương, thiệt tình tên bạn ta không nhớ, nhưng mà trông mặt thấy quen quen, hề chi ta uống cho say đã, nào có ra gì một cái tên (Tô Thùy Yên), Song Thao khiêm cung trả lời độc giả, viết lách với ông, là một cách thế để vượt ra khỏi những tù túng; viết là vì thích viết, chẳng bắt những trang chữ khệ nệ vác một sứ mệnh nào cả; viết là một cách giải thoát nên văn dĩ tải đạo là một ý niệm xa lạ; viết trước hết là viết cho mình, nên chỉ cần viết với trách nhiệm và lương tâm của mình.

Ông nói thêm, “viết phiếm chỉ cốt làm sao cho người đọc cười được, tốt cho sức khỏe tinh thần và thể xác; ngày xưa, những bài viết của tôi nặng về phần chỉ trích, chế giễu, đòi hỏi và có ý hướng cải tạo xã hội; ngày nay, viết là viết lấy vui, cười với nhau, ngẫm nghĩ với nhau một cách chung chung, ba lơn ba cợt; tinh thần và bài viết xưa nay đã khác nhau xa lắm; xưa vừa viết vừa đi làm, nay viết như một cái thú, thích thì viết, hứng thì viết, chẳng ai bắt, chẳng vội vàng chi, cứ như rong chơi vậy”.

Ôi, ông Song Thao, ông rong chơi thôi mà sung sức đến thế ư, tôi đồ rằng, gộp lại cả truyện lẫn phiếm và này kia kia nọ, chắc cũng đến nửa trăm chớ phải chơi, các tác phẩm đã xuất bản. Ông rong chơi mà văn của ông trôi chảy như suối trên ngàn băng băng đổ xuống, có bao nhiêu lên thác xuống ghềnh thì ông cũng đều một tâm thế ấy, vững vàng mà đằm thắm, cười cợt dí dỏm mà không gây hấn cự nự với cuộc đời.

Ông rong chơi nhưng lại viết về những điều có thực (Bún Chả Hà Nội), ông đang khiến độc giả mắc cười vì những chuyện tiếu lâm, lại ngay lập tức, ngoạn mục, khiến người ta chuyển ngon lành sang trạng thái bùi ngùi, cám cảnh, nghe cơn buồn chợt từ đẩu từ đâu xộc đến, mênh mênh mang mang (Già Khú Đế). Ông rong chơi mà phiếm nào của ông cũng rất thời sự, ông viết kiểu gì cũng thấy hơi hướng của văn chương khi mà ông lãng mạn đưa vào thêm thơ văn trích dẫn, đưa vào thêm các giai thoại của bạn văn (Ngày Cao Niên).

Rong chơi như ông, tôi đây cũng thèm, và triệu triệu người trên hành tinh này, mơ ước.

Để kết bài, tôi muốn mượn, ngẫu nhiên, câu kết dưới đây, trích trong Tuân, trước là để ngợi khen văn ông, vui chơi thôi mà bút lực hết sức trầm tĩnh, sâu xa, sau nữa là để cảm ơn các bạn đã chịu khó đọc hết bài của tôi về một tác giả đặc biệt, đặc biệt ngay cả trong tên hiệu, tên đời, Song Thao – Tạ Trung Sơn. Câu ấy như sau,

“Cho tới bây giờ tôi vẫn ân hận vì ngày đó đã không nhìn thấy tầm vóc lớn lao của Tuân Nguyễn trong cái dáng gầy guộc như gánh hết cái gầy của con người trên thế gian này. Tưởng anh chẳng bao giờ là một tình nhân, nhưng thực ra anh có một mối tình lớn: tình yêu nhân loại”.

Mới thấy, giữa tưởng, tưởng như, tưởng chừng và thực ra, lúc biết ra sự thực, giá trị đánh đổi của nó luôn là nỗi nuối tiếc muộn màng, là niềm ân hận, day dứt khôn nguôi, cứ thế, suốt cả một đời người.

Sài Gòn, Tháng Năm 2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: