Thiên Long Bát Bộ: Ai đã làm mù mắt A Tử cô nương?

Minh họa

Trên thế giới, người đọc Kim Dung ngày càng nhiều. Người từng đọc Kim Dung, thỉnh thoảng gặp dịp, vẫn mang nhân vật của Kim Dung ra bàn luận hăng say, rồi về nhà lại lôi Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký v.v…  đọc lần nữa. Đặc biệt, với người Việt, giới mê Kim Dung đa số là thành phần học sinh, sinh viên và trí thức. Trước 1975, người Việt đã mê Kim Dung. Hôm nay, người Việt vẫn mê Kim Dung.

Người Việt hải ngoại mê Kim Dung, lưu lạc nước người mà vẫn cạy cục cố công tìm lại những sách Kim Dung từng được dịch trước đây. Nhưng bây giờ thì tác phẩm Kim Dung đã được nhiều thức giả trong lẫn ngoài nước dịch lại, theo các nguyên tác đã được tu bổ của Kim Dung.

Ở hải ngoại, chúng ta có Như Hạnh dịch Thư Kiếm Ân Cừu Lục. Trong nước, hàng ngũ dịch giả đông đảo hơn: Cao Tự Thanh, Nguyễn Duy Chính v.v… tuần tự dịch lại toàn bộ 15 tác phẩm của Kim Dung. Thậm chí, còn có những cây viết chuyên khảo cứu về Kim Dung như Vũ Đức Sao Biển, và ngành Kim Dung học ở Việt Nam ra đời.

Thực ra, nhiều tác giả Việt Nam đã viết về Kim Dung trước đây: Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Long Vân v.v… Cá nhân tôi, Trần Nghi Hoàng, cũng viết một cuốn sách về Kim Dung: “Những Mối Tình Trong Tiểu Thuyết Kim Dung”.

Bạn là người đọc Kim Dung? Bạn nghiền, bạn mê Kim Dung? Vậy hẳn nhiên bạn đã đọc Thiên Long Bát Bộ, tác phẩm Kim Dung viết đăng trên Minh Báo và Nam Dương Thương Báo (tờ báo này cũng của Kim Dung, xuất bản tại Singapore) từ năm 1963 và kết thúc năm 1966.

Tôi có trong tay bản Việt dịch Thiên Long Bát Bộ của Hàn Giang Nhạn tiên sinh xuất bản tại Việt Nam năm 1973. Không biết vì lý do gì, hai cuốn đầu, Hàn Giang Nhạn giữ nguyên tên tác phẩm của Kim Dung là Thiên Long Bát Bộ; đến cuốn ba ông lại cho đổi thành Lục Mạch Thần Kiếm, tên gọi môn kiếm khí độc bộ thiên hạ của họ Đoàn nước Đại Lý mà các đại biểu quan trọng trong tác phẩm là Đoàn Dự, Đoàn Chính Thuần và Ác Quán Mãn Doanh Đoàn Diên Khánh.

Tôi muốn cùng bạn đọc tìm hiểu xem ai là chân hung thủ đã làm mù đôi mắt đẹp của nàng A Tử? A Tử, một cô nương bé bỏng vừa ác độc, vừa yêu kiều dễ thương trong Thiên Long Bát Bộ mà thoạt kỳ thủy, Kim Dung đã dàn xếp để cho chúng ta, những người đọc Thiên Long Bát Bộ cứ đinh ninh là em gái một cha khác mẹ của Đoàn Dự…

Minh họa: Unsplash

 

Giữa khi Tinh Tú Lão Quái Đinh Xuân Thu đang quyết đấu với Cô Tô Mộ Dung Phục, xin mời đọc tiếp:

“… Bên đệ tử phái Tinh Tú cứ mất đi một người là bản thân Mộ Dung Phục tăng thêm một phần nguy hiểm. Tuy đứng trước một nguy cơ cấp bách, song y vẫn ung dung trấn tỉnh.

A Tử vừa hoàn hồn, nàng biết Mộ Dung Phục không có ý hại mình, bất giác nhìn y mỉm cười.

Đinh Xuân Thu ngó thấy lửa giận lại bốc lên đùng đùng lớn tiếng quát hỏi:

-A Tử! Sao thằng lỏi Mộ Dung lại không hại mi?

A Tử run lên, biết rằng Đinh Xuân Thu đã có ý nghi kỵ mình. Nàng cố gắng nghĩ ra một câu để nói lấy lòng Đinh Xuân Thu mà nghĩ mãi không ra. Dù tâm cơ nàng linh mẫn đến đâu, trong lúc hốt hoảng cũng không biết đáp thế nào cho phải.

Đinh Xuân Thu cười ha hả nói:

-Mi còn ở bên mình ta thì ta còn thấy vui lòng, ta không giết mi đâu!

A Tử vội nói:

-Xin đa tạ sư phụ.

Đinh Xuân Thu lạnh lùng nói:

-Mi chớ mừng vội. Ta…

Lão chưa dứt lời đã phất tay áo một cái, đầu tay áo khác nào lưỡi kiếm nhằm trước mặt A Tử vung lại. Lão ra tay rất mau, A Tử chỉ thấy một luồng gió mát lạnh qua mắt, đã thấy đau đớn đến ruột gan và mắt tối sầm lại. Hai bên má có hai dòng nước trong giống như nước mắt mà không phải nhỏ xuống. Đinh Xuân Thu phóng nội kình ra đầu tay áo và trong thời gian chớp nhoáng này đã đâm vào mắt A Tử.

Mộ Dung Phục thấy Đinh Xuân Thu giơ tay áo lên quét vào mặt A Tử, y biết ngay lão dùng thủ đoạn thâm độc. Tuy y biết A Tử là môn hạ phái Tinh Tú, nhưng nàng dong nhan thoát tục, khác hẳn người thường nên trong lòng y đối với nàng rất thương xót. Y toan ra tay giải cứu, nhưng Đinh Xuân Thu động thủ mau quá, không sao cứu kịp.

Lúc này A Tử đang đứng tựa vào tường. Mắt nàng vẫn tuôn ra hai dòng lệ như máu tươi.

Mộ Dung Phục tuy lăn lộn giang hồ, thấy nhiều hiểu rộng, nhưng y chưa từng thấy ai lại nhẫn tâm coi tánh mạng đệ tử không vào đâu như Đinh Xuân Thu. Trong lòng y kinh hãi vô cùng, chàng đứng ngẩn người một lát liền cảm thấy chân lực trong mình lại thoát ra ngoài.

Đinh Xuân Thu ra tay làm mù mắt A Tử rồi nói:

-Ta để mi sống nhưng không cho mi thấy sự vật gì nữa để mi khỏi thay lòng đổi dạ với sư môn, mi đã biết chưa?

A Tử sắc mặt lợt lạt, người run lẩy bẩy không thốt ra lời.

(Hàn Giang Nhạn, Lục Mạch hần Kiếm, quyển 4, trang 87, 88.)

Như vậy, rõ ràng kẻ làm mù mắt A Tử chính là Tinh Tú Lão Quái Đinh Xuân Thu. Hóa ra câu hỏi của tôi vừa trên là vô lý sao? Có bạn sẽ cười thầm rằng chả có Đinh Xuân Thu nào làm mù mắt A Tử hết! Người làm mù mắt A Tử tất nhiên là Kim Dung, là tác giả!

Xin mượn lời của Bao Bất Đồng, một trong những tay chân thân tín của Mộ Dung Cô Tô mà thưa rằng: “Không phải đâu là không phải đâu!”

Trăm lần ngàn lần không phải Kim Dung là người đã nhẫn tâm làm mù mắt cô nương A Tử! Vậy thì chân hung thủ là ai. Xin mời đọc:

“Ngày 13 tháng 9 năm 1964, “Thiên Long Bát Bộ” bắt đầu được liên tục đăng trên “Minh Báo” (ở Hong Kong) và “Nam Dương thương báo” ở Singapore, thời gian kéo dài 4 năm… Thời kỳ đó, Kim Dung vì công việc phải đi nước ngoài và đã mời Nghê Khuông viết thay mình hơn 4 vạn chữ…

……

Khi Kim Dung từ châu Âu trở về, hai người gặp nhau, câu đầu tiên Nghê Khuông nói là:

-Xin lỗi, tôi làm A Tử mù mắt rồi!

A Tử là một nhân vật khá quan trọng trong “Thiên Long Bát Bộ”, liên quan trực tiếp đến sự phát triển tình tiết của toàn sách. Nhưng Nghê Khuông nói là rất ghét A Tử, cho nên phải làm mù mắt của cô ta. Kim Dung nghe vậy đành cười cay đắng, trách ai bây giờ? Chẳng phài là mình đã nhờ Nghê Khuông viết sao?

(Bành Hoa & Triệu Kính Lập; “Kim Dung, Cuộc Đời & Tác Phẩm”, trang 202 và 204).

_________

Vậy, thủ phạm chính làm mù mắt A Tử là Nghê Khuông. Nhưng Nghê Khuông là ai?

Nghê Khuông viết tiểu thuyết võ hiệp trước Kim Dung, chỉ sau Lương Vũ Sinh. Đã có thời Kim Dung, Nghê Khuông, Lương Vũ Sinh được tôn xưng là Tam Đại Gia của Tiểu Thuyết Tân Kiếm Hiệp (trước khi Cổ Long xuất hiện…). Lương Vũ Sinh từng gây sóng gió với tác phẩm võ hiệp đầu tay trên Tân Vãn Báo: Long Hổ Đấu Kinh Hoa.

Lúc về sau, từng có thời Nghê Khuông và Cổ Long của Đài Loan cùng được gọi là “Khoái Thương Thủ”, vì hai nhà văn này cùng có tài viết nhanh như nhau. Nghê Khuông vốn là bạn rất thân của Kim Dung. Chẳng phải chỉ có một lần Nghê Khuông được Kim Dung mời “chấp bút” viết hộ tiểu thuyết võ hiệp cho Kim Dung, khi Kim Dung bị bận.

Khi Ỷ Thiên Đồ Long Ký sắp chấm dứt, Kim Dung đã bắt đầu viết Thiên Long Bát Bộ được khoảng chục ngàn chữ. Tại Singapore, Ỷ Thiên Đồ Long Ký đang được độc giả điên cuồng say mê. Khi biết Ỷ Thiên Đồ Long Ký sắp chấm dứt, một ông chủ báo ở Singapore vội vàng bay từ Singapore đến Hong Kong để yêu cầu Kim Dung đừng kết thúc Ỷ Thiên Đồ Long Ký,… Nhưng toàn bộ tâm trí của Kim Dung đã chuyển sang Thiên Long Bát Bộ.

Ông chủ báo ở Singapore lại đi cầu Nghê Khuông, với sự hiện diện của Kim Dung.

“Kim Dung hỏi Nghê Khuông có chịu chấp bút viết tiếp Ỷ Thiên Đồ Long Ký không. Nghê Khuông mới nghe nói, cảm thấy như “choeng” một tiếng trong óc, lâng lâng như được lên tiên.

Ba người họ tiến hành một cuộc đối thoại như sau:

Kim Dung:

-Độc giả Singapore rất thích Ỷ Thiên Đồ Long Ký, hy vọng có tục biên. Tôi không có thời gian, có hẹn ông chủ tòa báo tới đây, hết sức tiến cử, xin Nghê Khuông đại huynh tiếp tục viết, huynh nhất định phải nhận lời đấy.

Ông chủ tòa báo ở Singapore:

-Sự tiến cử của Kim Dung tiên sinh, tôi tuyệt đối tin tưởng. Xin Nghê Khuông tiên sinh giúp đỡ.

Nghê Khuông chỉ nốc rượu, không nói nửa lời. Rồi, rất nghiêm túc, rất đàng hoàng nói một tràng. Có lẽ đây là lần duy nhất trong đời Nghê Khuông nói một cách nghiêm túc đàng hoàng như thế.

Nghê Khuông nói:

-Hôm nay là ngày vui sướng nhất đời tôi, bởi vì Kim Dung cho rằng tôi có thể viết tiếp tiểu thuyết của anh ấy. Thật là đáng mừng. Nỗi vui mừng này có lẽ suốt đời tôi không quên được. Nhưng con người tôi có một ưu điểm, đó là rất sáng suốt tự biết mình. Tôi có thể cả gan nói rằng, trên thế giới này không ai có thể viết tiếp được tiểu thuyết của Kim Dung. Nếu như có ai dám nhận lời, nói rằng có thể viết tiếp của Kim Dung thì người đó chắc là ngủ quá nhiều sinh mộng mị. Tôi đương nhiên là không viết tiếp “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” vì tôi tuy ngủ không ít nhưng may mắn là vẫn còn tỉnh táo…”

(Bành Hoa & Triệu Kính Lập; “Kim Dung, Cuộc Đời & Tác Phẩm”, trang 174 & 175)

_________

Nghê Khuông nói như thế tất nhiên là không nhận lời viết tiếp Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Tuy không nhận lời nhưng Nghê Khuông rất cao hứng và xem như một vinh dự lớn khi được Kim Dung “trao quyền” cho viết tiếp tác phẩm của Kim Dung.

Tôi chưa thực sự đọc tác phẩm nào của Nghê Khuông, nhưng có thể đoan chắc là tài nghệ Nghê Khuông cũng phải thuộc hàng nhất lưu cao thủ, một đại hành gia của kiếm hiệp tân phái… trong hàng ngũ Kim Dung, Lương Vũ Sinh… Các đại hành gia khác như Cổ Long hay Liễu Tàn Dương là lớp sau, lớp hậu sinh so với Nghê Khuông, Lương Vũ Sinh và Kim Dung.

Đúng vậy, phải tài nghệ như thế nào Nghê Khuông mới lọt vào mắt xanh của Kim Dung trong chuyện nhờ viết Thiên Long Bát Bộ khi Kim Dung bận việc ở Âu Châu. Nhưng Kim Dung tuy có tin tưởng vào khả năng của Nghê Khuông, lại vừa vô cùng lo lắng.

“Kim Dung lo lắng cũng có lý. Bởi vì ông biết Nghê Khuông là một tay “Siêu Quậy”, khi còn nhỏ được người ta gọi là “Tiểu Siêu Quậy”, đến khi lớn lên lại được gọi là “Đại Siêu Quậy”, lại rất hay làm chuyện “tào lao”.

(Bành Hoa & Triệu Kính Lập; “Kim Dung, Cuộc Đời & Tác Phẩm”, trang 204)

_________

Và một trong những chuyện “tào lao” đó là Nghê Khuông chỉ vì không thích nhân vật A Tử của Kim Dung, bèn cho Đinh Xuân Thu thay mình, hạ thủ làm A Tử mù mắt. Tuy nhiên, đọc đoạn Nghê Khuông viết thay Kim Dung, tả trận quyết đấu giữa Tinh Tú Lão Quái Đinh Xuân Thu với Cô Tô Mộ Dung Phục, chúng ta chẳng thể không công nhận tài hoa nội lực của Nghê Khuông quả nhiên là cao cường.

Cô Tô Mộ Dung Phục dùng võ công “Đẩu Chuyển Tinh Di” mà người giang hồ không biết, cứ gán cho cái tên là “Gậy Ông Đập Lưng Ông” của họ Mộ Dung Cô Tô, để đấu với “Hóa Công Đại Pháp”, thứ võ công cùng một dòng với “Hấp Tinh Đại Pháp” của Nhậm Ngã Hành Triêu Dương Thần Giáo.

Nhưng “Đẩu Chuyển Tinh Di” là võ công như thế nào mà Mộ Dung Phục toan đem đương đầu với “Hóa Công Đại Pháp” chuyên hút công lực của đối phương?

“Người nào giỏi về “Đoạn Tí Đao” đao phóng ra lại đi đến kết quả là tự chém đứt chính tay mình. Cũng binh khí ấy cũng chiêu thức ấy, nhưng mắt không thấy nhà Mộ Dung dùng thuật “Đẩu Chuyển Tinh Di” nên không ai đoán được là chính người đó lại mất mạng về chiêu thức của mình, mà thực ra là họ đã tự sát.

Người ra tay võ công càng cao thâm thì chết càng ly kỳ.

(Hàn Giang Nhạn, Lục Mạch Thần Kiếm, quyển 4, trang 81)

Và Nghê Khuông đã tả trận đấu giữa Mộ Dung Phục và Đinh Xuân Thu một cách tài tình như sau:

“Quyền chưởng hai bên vừa rời nhau trong chớp mắt. Bàn tay Đinh Xuân Thu vừa bị hất ra, lại nắm ngay được đầu quyền đối phương.

Mộ Dung Phục “hứ” lên một tiếng lại vận nội kình. Nhưng lần này nội kình vừa vận ra đã cảm thấy như chìm xuống đáy biển, không hiểu tiêu tán đi đâu mất hết.

Mộ Dung Phục ngấm ngầm kêu lên một tiếng ‘Úi chào.’

Trước khi y đến gây sự với Đinh Xuân Thu đã định bụng phải làm cách nào không để cho “Hóa Công Đại Pháp” của lão chạm vào mình được. Nhưng lúc lâm sự lại không tránh khỏi.

Lúc này Mộ Dung Phục ở vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục vận nội kình để kháng cự, thì dù nội lực có mạnh đến đâu đi nữa cũng bị hóa tán đi và như thế chỉ trong khoảnh khắc, bao nhiêu công lực mất hết thành ra phế nhân.

Nếu dùng phép Bảo Nguyên Thủ Nhất thu nội lực về thì Đinh Xuân Thu lại là một tay dùng độc ghê gớm. Thuốc độc của lão không ai biết đâu mà lường được, nó vẫn có thể theo đường chân khí rút về mà luồn vào người rồi xâm nhập đến tạng phủ. Rút cục vẫn không chống cự lại được.

Mộ Dung Phục đang ở vào tình thế nguy ngập, vô kế khả thi. Bỗng sau lưng y có người lớn tiếng nói:

-Sư phụ khéo xếp đặt cơ mưu khiến cho thằng lỏi này đã bị hãm vào tuyệt địa.

Mộ Dung Phục vừa xoay tay trái vừa lùi về phía sau hai bước. Chàng không quay đầu lại chỉ nghe tiếng nói, mà thò tay ra nắm trúng ngực tên đệ tử phái Tinh Tú.

……….

Mộ Dung Phục tuy đã luyện thuật này lâu năm mà vẫn chưa đạt được mức cao siêu tột độ. Y gặp phải Đinh Xuân Thu là tay cao thủ vào bậc nhất, tự biết mình không thể dùng phép “Đẩu Chuyển Tinh Di” để quay lại hại chính đối phương được. Nên bao lần chàng đã thi triển “Đẩu Chuyển Tinh Di” mà kẻ chịu đả kích lại là những đệ tử phái Tinh Tú. Cách di chuyển của chàng chỉ sang được người thứ ba.

Đinh Xuân Thu ngấm ngầm dùng Tam Tiếu Tiêu Dao Tán, quăng chén để tung hơi độc và phóng tia rượu độc, lần nào Mộ Dung Phục cũng đổi được kẻ chết thay cho mình một cách dễ dàng. Bây giờ Đinh Xuân Thu dùng Hóa Công Đại Pháp, Mộ Dung Phục không còn cách nào di chuyển được thì vừa gặp lúc một tên đệ tử phái Tinh Tú muốn tâng công sư phụ há miệng đứng hô ở ngay bên y.

Mộ Dung Phục trong lúc cấp bách, liền nắm ngay tên này để thay thế cho mình. Cuộc mạo hiểm này chàng không ngờ cũng phát sinh hiệu lực.

Bản ý Tinh Tú Lão Quái là hóa giải công lực Mộ Dung Phục nhưng ngờ đâu lại hóa giải công lực tên đệ tử của mình.

Mộ Dung Phục khác nào người được cải tử hoàn sinh. Y thấy cuộc thử thách của mình thành công, dĩ nhiên nắm lấy cơ hội quyết không để Đinh Xuân Thu kịp suy nghĩ. Y liền đẩy tên đệ tử này cho người gã chạm vào mình một tên đệ tử khác.

Tên đệ tử thứ hai công lực cũng bị hóa giải vì phép Hóa Công Đại Pháp của Đinh Xuân Thu. Đinh Xuân Thu thấy mình nắm được đầu quyền của Mộ Dung Phục mà lại thấy y dùng lối mượn sức người làm hại đệ tử của mình lão căm hận vô cùng.”

(Hàn Giang Nhạn, Lục Mạch Thần Kiếm, quyển 4, trang 82)

Minh họa: Unsplash

Nghĩ ra được cách để cho Mộ Dung Phục dùng “Đẩu Chuyển Tinh Di” đương đầu với “Hóa Công Đại Pháp” của Đinh Xuân Thu, thiên bẩm và ngộ tánh của Nghê Khuông quả nhiên hơn người!

Điểm đáng lưu ý là Nghê Khuông với bản chất phóng ngạo như thế, lại rất ái mộ Kim Dung. Trong khi, con người Kim Dung lại như có nhiều điểm rất trái ngược với con người Nghê Khuông.

“Nhìn bề ngoài, Kim Dung có vẻ ung dung đường bệ có vẻ như khó gần, nhưng chỉ cần quen biết ông, người ta đều nhận thấy Kim Dung là con người rất giàu tình cảm. Đối với Nghê Khuông cũng vậy mà đối với những người bạn khác cũng vậy.”

(Bành Hoa & Triệu Kính Lập; “Kim Dung, Cuộc Đời & Tác Phẩm”, trang 320).

Và hãy nghe Nghê Khuông nói về Kim Dung:

“Người ta đồn đại rằng có không ít tiểu thuyết của Kim Dung là do Nghê Khuông tôi viết thay… Nghe những lời đồn đại ấy Nghê Khuông tôi sướng mê người, nhận thấy họ quá đề cao Nghê Khuông này. Giá mà tôi có thể viết được một phần mười của Kim Dung thì có chết cũng không phải hối tiếc gì nữa. Những lời đồn đại đó chỉ là lời đồn đại, chẳng phải là sự thật. Trừ một lần do Kim Dung phải đi nước ngoài một thời gian nên tôi có viết giúp anh một đoạn trong “Thiên Long Bát Bộ” còn thì chẳng bao giờ dám viết thay Kim Dung. Vậy mà trong một lần “đại bút” ấy tôi lại làm mù mắt A Tử, khiến Kim Dung phải vất vả “điều trị” cho nàng…”

(Bành Hoa & Triệu Kính Lập; “Kim Dung, Cuộc Đời & Tác Phẩm”, trang 319).

Và Kim Dung đã điều trị cho A Tử như thế nào? Do Du Thản Chi tình nguyện móc cặp mắt của mình tặng A Tử, và để nhà sư Hư Trúc dùng y thuật thông thần của cung Linh Thứu, thay cặp mắt của Du Thản Chi vào cho A Tử. Qua sự điều trị của Kim Dung vào đôi mắt A Tử, mối tình của Du Thản Chi và A Tử càng thêm sắc nét và bi thảm kinh hồn… Bởi cuối cùng, A Tử đã vì yêu Kiều Phong, móc đôi mắt trả lại cho Du Thản Chi rồi nhảy xuống vực thẳm ở Nhan Môn Quan theo người đại anh hùng Kiều Phong…

Thủ phạm làm mù mắt A Tử là Nghê Khuông. Kim Dung là vị lương y đã chữa cho nàng sáng mắt lại bằng đôi mắt của Du Thản Chi… Một đôi mắt u tình buồn bã… Vì Du Thản Chi chẳng bao giờ lọt vào đôi mắt trên khuôn mặt A Tử… Dù là đôi mắt của chính A Tử hay đôi mắt của Du Thản Chi đã tặng cho nàng…

Vấn nhân gian

Tình thị hà vật,

Trực giao sinh tử tương hứa?

Thiên Nam địa Bắc song phi khách,

Lão xí kỷ hồi hàn thử…

Hỏi thế gian

Tình là chi vậy

Mà gắn bó chẳng nề sinh tử?

Chấp cánh bay trời Nam đất Bắc,

Ấm lạnh bao phen cánh rũ

(Mô Ngư Nhi của Nguyễn Hiếu Vấn)

Viết tiểu thuyết võ hiệp như Kim Dung, từ bạn đọc đến đồng nghiệp đều đã khâm phục. Dựng và tả chuyện tình được như Kim Dung trong tiểu thuyết võ hiệp của ông, quả là tuyệt bút. Và ngông ngạo được như Nghê Khuông, cũng đáng được cho người ta nghiêng mình ngưỡng mộ…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: