“Miệng lúm” sao lại hiểu thành là “má lúm đồng tiền”?

Tục ngữ Việt Nam có câu Tay vơ chẳng tày miệng lúm. Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương –NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh – 2010) thu thập và giải nghĩa như sau:

Tay vơ chẳng tày miệng lúm Tay dù giỏi thu vén (đến mấy chăng nữa vẫn chẳng kiếm được nhiều của) bằng những kẻ má lúm đồng tiền. Hay dùng để chỉ rõ lợi thế của nhan sắc so với tài thu vén trong việc kiếm tiền”.

Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa mà soạn giả giảng, thì phải chữa câu tục ngữ thành: “Tay vơ chẳng tày  lúm” mới phải. Còn ở đây, dân gian đang nói “miệng lúm”, sao lại hiểu thành “má lúm đồng tiền”?

Thực ra, “lúm” (tiếng Nghệ) hay “lốm” (tiếng Thanh Hoá) chỉ kiểu ăn bỏ cả vào mồm nhai nuốt một cách gọn lỏn.

Tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay đều không thấy ghi nhận từ “lúm”. Tuy nhiên, Từ điển tiếng Nghệ (Trần Hữu Thung – Thái Kim Đỉnh – NXB Nghệ An, 1998) đã thu thập và giải thích như sau: “Lúm: lúm hay lủm – ăn (nói vui – châm biếm). Vd- Hắn lúm sạch trơn”.

Về “lốm” tiếng Thanh Hoá, trong bài thơ “Năm Tý nói chuyện chuột” (Mai Bình – báo Thanh Hoá – 1984) có câu: “Lạ nhỉ? Chơi không toan gọn lốm/Ơ kìa! Ngồi rỗi chực ngon xơi!”. Ở đây, “gọn lốm” cũng có nghĩa là ăn một cách ngon ơ.

Lại nói về “lúm” = “lủm” mà Từ điển tiếng Nghệ ghi nhận. Có tới 8 cuốn từ điển tiếng Việt mà chúng tôi có trong tay (từ cổ chí kim) thu thập và giải nghĩa của “lủm” này. Sau đây, xin dẫn 4 cuốn từ điển đại diện cho 4 thời kỳ lịch sử, ở cả hai miền Nam – Bắc, trích lần lượt như sau:

Đại Nam quấc âm tự vị (1895): “lủm. n: ăn gọn, nuốt cái một. lủm đi (id); lủm phứt (id); Bốc lủm: Ăn như Chà-và, và bốc và lủm; Lủm lảm (lổm lảm) bộ háu ăn”.

Việt Nam tự điển (1931): “lủm: bỏ gọn vào mồm mà ăn <> Bỏ lủm cái kẹo vào mồm”.

Từ điển Lê Văn Đức (1974): “lủm • đt. Thảy vào miệng ăn gọn-gàng: Bốc lủm, lủm một miếng. • (R) Ăn, sống: Làm không đủ lủm • (lóng) Ăn tươi, vồ, thắng cách dễ-dàng: Bộ mầy không đủ cho nó lủm đâu. • dt. Miếng, dung-lượng của miệng: Không đủ một lủm”.

-Từ điển Vietlex (2017): lủm • đg. [kng] ăn gọn cả miếng. lủm cả miếng bánh ngon ơ ~ “Mụ mần chi rứa cho mất công. Quan với các thầy chia nhau lủm hết từ đời mô rồi.” (Bùi Hiển). Đn: lẻm”.

Như vậy, câu “Tay vơ chẳng tày miệng lúm” dân gian ám chỉ kẻ làm ra thì ít mà ăn tiêu thì nhiều (các dị bản đồng nghĩa: “Bóc ngắn cắn dài”, “Làm không đủ lủm”; “Làm gang, ăn sải”…).

Chỉ vì không hiểu “lúm” là gì, soạn giả Từ điển tục ngữ Việt đã suy diễn: “tay vơ” (quơ, cào, dùa, lấy bừa, cốt cho được nhiều) thành “tay vơ”  với nghĩa “giỏi thu vén”; biến “lúm” (động từ) thành “lúm” (tính từ) rồi giảng sai luôn nghĩa của câu tục ngữ: kẻ “làm ít ăn nhiều” bỗng chốc hoá thành cô gái “nhan sắc” có lợi thế “má lúm đồng tiền” duyên dáng nào đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: