“Mưa rừng cọ, gió rừng thông” là thế nào?

Cư dân miền trung du Việt Nam không ai không biết đến câu “Mưa rừng cọ, gió rừng thông”. Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Mưa rừng cọ; gió rừng thông: (Gặp) mưa trong rừng cọ cũng như gió trong rừng thông (thì chớ có lo ướt cũng như lo lạnh vì đã được cọ cũng như thông che chắn hết cho rồi)”.

Câu tục ngữ này không đến nỗi khó hiểu nhưng đã bị soạn giả giải thích một cách ngớ ngẩn.

Với mưa rừng cọ: Lá cọ bản rộng, dày, cứng, như chiếc ô che mưa nắng. Thế nên, trong rừng cọ, chỉ cần mấy hạt mưa lắc rắc, những chiếc ô xanh tươi đang xoè rộng lập tức dậy lên muôn ngàn tiếng lộp bộp, lào rào như mưa tuôn thác đổ.

Ngữ liệu về mưa rừng cọ thì vô cùng phong phú, nhưng sau đây chỉ xin đưa ra hai ví dụ:

-“Trong nắng gió, trong giá sương, cọ lặng lẽ. Nhưng khi mưa xuống là cọ reo vui. Mưa rừng cọ, gió rừng thông. Những hạt mưa dạo đầu lộp bộp. Mưa vào cuộc, vào cơn, vào trận ào ạt râm ran triền miên” (Rừng cọ – Cao Văn Tư – báo Tin tức – 2013).

-“Đã có ai lắng nghe/Tiếng mưa trong rừng cọ/Như tiếng thác dội về/Như ào ào trận gió…”. (Mặt trời xanh của tôi – Nguyễn Viết Bình – Tiếng Việt 3).

Với gió rừng thông: Thông là cây lá kim. Bởi vậy, trong rừng thông, chỉ cần thoảng làn gió nhẹ, thông đã reo vi vu như tiếng nhạc cung đàn đang ngân lên đâu đó; gió thổi mạnh một chút, tức thì bản hợp xướng với sự tham gia của muôn ngàn cây vĩ cầm của núi rừng vang lên réo rắt. Thế nên, thơ nhạc thường ví tiếng gió trong rừng thông là thông reo, thông hát, thông ru là vậy.

Trong Hán ngữ, có từ tùng đào 松濤 (sóng tùng), tùng phong 松風 (gió tùng). Hán ngữ đại từ điển giảng:

-“sóng tùng: gió lay động rừng tùng, thanh âm nghe như sóng vỗ, nhân đó gọi là “sóng tùng”. Đường Thuận Chi đời Minh (trong bài Thương Thuý đình) có thơ rằng: “Gió thổi sóng tùng reo/Gió ngưng sóng tùng lặng” [松濤: 風撼松林,聲如波濤,因稱松濤; 明 唐順之, “蒼翠亭”:  “風來松濤生,風去松濤罷”];

-“tùng phong: gió trong rừng tùng. Nam Sử – Ẩn dật truyện – Đào Hoằng Cảnh viết: “Yêu sao gió tùng. Trước đình viện trồng toàn tùng, mỗi khi gió tùng reo, nghe vui như tiếng nhạc” [松風:  松林之風. 南史 – 隱逸傳下- 陶弘景: “特愛松風,庭院皆植松,每聞其響,欣然為樂”].

Phan Huy Ích có câu thơ: “Nhất chẩm tùng phong thuỵ đáo minh 一枕松風睡到明” (Một chiếc gối, trong gió tùng, say giấc cho đến sáng).

Tùng trong đào tùng, tùng phong chính là cây thông vậy.

Đến đây, câu hỏi đặt ra, là giải thích của soạn giả Nguyễn Đức Dương có thể xem là một cách hiểu khác về tục ngữ “Mưa rừng cọ, gió rừng thông” không? Câu trả lời là không! Vì nếu nói về tác dụng che mưa khỏi ướt, thì chỉ cần trú dưới lá của một cây cọ thôi đã khỏi ướt, cần gì đến cả “rừng cọ”? Cũng như nếu nói về tác dụng chắn gió, thì rừng già hỗn giao nhiều tầng nhiều tán còn kín gió hơn “rừng thông” thuần loài nhiều lần.

Như vậy, “Mưa rừng cọ, gió rừng thông” tạo nên thanh âm đặc biệt, không giống với tiếng gió tiếng mưa ở bất cứ loại rừng nào khác. Chính đặc trưng này đã khiến mưa rừng cọ, gió rừng thông đi vào âm nhạc, thi ca tự ngàn xưa. Và dân gian đã đúc kết kinh nghiệm, nhận thức về sự vật hiện tượng diễn ra trong tự nhiên: Tiếng mưa trong rừng cọ nghe rất lớn, tiếng gió trong rừng thông nghe rất mạnh. Không phải “(Gặp) mưa trong rừng cọ cũng như gió trong rừng thông (thì chớ có lo ướt cũng như lo lạnh vì đã được cọ cũng như thông che chắn hết cho rồi)”, như giải thích của tác giả Từ điển tục ngữ Việt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: