Tại sao chữ “phù hợp” lại liên quan đến… hổ?

Phù hợp 符合 là một từ Việt gốc Hán, có nghĩa là hợp với nhau, ăn khớp với nhau. Ví dụ: Cách ăn mặc rất phù hợp; Lời khai không phù hợp với chứng cứ. Người Việt hầu như ai cũng hiểu đúng và dùng đúng. Tuy nhiên, vì sao lại gọi là phù hợp? Và lạ nữa, phù hợp lại liên quan đến… cọp!

Căn nguyên từ đâu mà ra? Là do phù hợp vốn bắt nguồn từ một tín vật liên quan đến hổ, đó là hổ phù 虎符.

Thời xưa, khi các bậc đế vương trao binh quyền cho quan lại, tướng lĩnh ngoài mặt trận hoặc nơi biên ải, thì phải có tín vật 信物 (vật làm tin) đúc hình con hổ, gọi là hổ phù 虎符 (phù tiết, tín vật hình con hổ). Trong đó, phù 符 chỉ chung các tín vật làm bằng chứng. Ban đầu, hổ phù được làm bằng ngọc, sau đổi làm bằng đồng.

Hầu như tất cả từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay đều giảng hổ phù là “phù hiệu, ấn tín của các quan võ thời xưa, có khắc hình đầu con hổ phân làm hai nửa, một nửa lưu tại triều đình, một nửa giao cho tướng cầm quân” (Từ điển Hoàng Phê-Vietlex); “Phù-hiệu hình đầu cọp của quan tướng xưa” (Từ điển Lê Văn Đức)…

Tuy nhiên, hổ phù với chức năng tín vật vốn được chế tác ở dạng tượng tròn, trên lưng hổ có khắc chữ. Hổ phù làm xong được xẻ làm hai nửa, dọc từ phần đầu, chạy theo sống lưng cho tới tận mút đuôi. Bên hữu 右 (phải) của hổ phù được lưu lại triều đình; bên tả 左 (trái) hổ phù trao cho quan lại địa phương hoặc tướng cầm quân. Khi cần điều binh khiển tướng thì tướng lĩnh phải đợi tín vật là nửa hình hổ phù của triều đình đem tới để so sánh, khớp lại với nhau, nếu phù hợp, thì mới được điều binh.

Hổ tượng trưng cho quyền uy, dũng mãnh. Thế nên binh sĩ dũng mãnh được gọ là hổ sĩ 虎士; bề tôi uy vũ gọi là hổ thần 虎臣; tướng lĩnh uy dũng gọi là hổ tướng 虎將… Và hổ phù cũng không ngoài hàm ý chỉ sức mạnh của kẻ nắm binh quyền cao nhất và kẻ được trao binh quyền phía dưới.

Hổ phù rất thịnh hành ở các thời Chiến Quốc, Tần, Hán. Đến Tùy-Đường thì hổ phù bắt đầu được đổi thành ngư phù 魚符 (phù tiết, tín vật hình con cá), bởi ngư  魚 tượng trưng cho sự trao đổi thư tín. Ngư phù (còn gọi là ngư khế 魚契) được làm bằng gỗ hoặc bằng đồng, cũng được cắt dọc làm hai nửa để làm tín vật đôi bên. Sau, ngư phù trở thành tín vật tùy thân của quan trưởng, lại chia ra các loại như kim (vàng), ngân (bạc), đồng (đồng) để phân biệt thân vương với bậc ngũ phẩm, quan viên…

Cũng cần nói thêm là ngày xưa phù, hay phù tiết có khi đơn giản chỉ là cái thẻ tre có viết chữ, rồi bẻ làm hai nửa làm dấu hiệu, tín vật trong lĩnh vực dân sự. Khi khớp lại mà phù hợp thì đôi bên lấy làm tin.

Chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát xem hổ phù có được dùng làm tín vật để điều binh khiển tướng trong quân đội dưới thời phong kiến Việt Nam hay không. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, hổ phù hầu như không được dùng để chỉ tín vật, mà gọi các đồ án trang trí hình đầu quỷ La Hầu, đầu hổ, hay đầu rồng ngậm ngọc…, thêu trên trang phục, điêu khắc, chạm nổi trên đồ tế khí hay đầu hồi của đình chùa miếu mạo nói chung. Với chức năng này thì hổ phù mới đúng là chỉ có phần đầu hổ, mà các cuốn từ điển tiếng Việt đã mô tả.

Như vậy, phù hợp 符合 vốn chỉ hai nửa của cái phù 符 (phù tiết, tín vật) hình hổ (hổ phù 虎符) – một của triều đình, một của tướng lĩnh ngoài mặt trận; hợp 合 lại với nhau một cách trùng khớp, thể hiện sự không có giả mạo trong điều binh khiển tướng. Về sau, tất cả những gì hợp với nhau, ăn khớp với nhau đều gọi là phù hợp. Đó là lý do cho thấy giữa “phù hợp” với “hổ” thoạt nghe tưởng chừng chẳng hề liên quan và thậm chí “khoảng cách” giữa chúng xa xôi diệu vợi không thần tiễn nào bắn tới lại gần gũi nhau xét về từ nguyên đến vậy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: