‘Ngộ’ và ‘Định mệnh’ trong buổi trình diễn cuối cùng của danh ca Lệ Thu

Khó mà phân biệt chính xác giữa “Ngộ” và “Định mệnh,” ngôn từ nào lột tả được hết những điều không lý giải được. Chỉ biết rằng, rất nhiều cái “ngộ” chưa được biết đến và tất cả đều là định mệnh.

Nữ danh ca Lệ Thu bước lên sân khấu trong chương trình “Những ngày xưa thân ái” (Tháng Mười năm 2020) với ca khúc “Bản tình cuối” của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên, mà không ngờ đó chính là bản tình ca cuối cùng bà trả nợ nghiệp dĩ và cuộc đời. Nhắc lại câu chuyện này, nhạc sĩ Trúc Hồ chỉ có thể thốt lên: “Ngộ lắm!”

“Bản tình cuối” thật ra không phải ca khúc mà nhạc sĩ Trúc Hồ dự tính sẽ trao cho “tiếng hát vàng mười” Lệ Thu trong chương trình thu hình “Những ngày xưa thân ái.” Để phù hợp với chủ đề hoài niệm về những tháng ngày yêu dấu cũ, ông đặt cạnh tên danh ca Lệ Thu bài hát “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa.”

“Tôi muốn chị ấy nhớ về Hà Nội. Chị ấy là người Hà Nội mà,” nhạc sĩ Trúc Hồ kể lại.

Thế mà, có lẽ chính danh ca Lệ Thu cũng không thể hiểu vì sao bà lại muốn được hát “Bản tình cuối” cho lần trình diễn đó. Nhạc sĩ Trúc Hồ cũng không bao giờ biết được lý do. Sau hơn ba mươi năm làm việc cùng nhau, đó là lần hoà âm cuối cùng ông thực hiện cho “Nữ hoàng phòng trà” – cách gọi của giới mộ điệu dành cho ca sĩ Lệ Thu từ cuối những năm của thập niên 1960. Bà cũng chính là người đầu tiên đưa ca khúc “Bản tình cuối” của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đến với khán giả Việt Nam.

Do đó, nếu đã là “Những ngày xưa thân ái” thì tiếng hát Lệ Thu với nhạc phẩm “Bản tình cuối” quả là một hồi ức rất đẹp, chắc chắn như thế. Quyết định đổi ca khúc vào giờ chót được nhạc sĩ Trúc Hồ thực hiện nhanh chóng. Ông dành thời gian để hoà âm và gửi cho bà luyện tập. Kế đến là thu âm. “Chỉ cần ba lần, chúng tôi thu xong. Rất dễ dàng,” nhạc sĩ Trúc Hồ kể.

Rồi, cũng vẫn là định mệnh. Sau khi thu âm xong “Bản tình cuối”, ca sĩ Lệ Thu và nhạc sĩ Trúc Hồ ngồi lại hàn huyên với nhau rất lâu trong phòng thu. Những câu chuyện về xã hội Mỹ, về “sự cố” của thế giới giữa đại dịch COVID-19 lúc ấy, về “mặt trái” của con người và nhiều vấn đề khác nữa, hoàn toàn không liên quan đến âm nhạc, được họ nói với nhau trong hai giờ đồng hồ. Đó gần như là lần đầu tiên, trong hơn ba mươi năm, nữ ca sĩ và người nhạc sĩ đồng điệu với nhau về một đề tài khác, không phải là nghệ thuật, mà là chính trị và xã hội.

“Trong phòng thu âm, chỉ có hai chị em ngồi tâm sự. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, chỉ là không phải chuyện âm nhạc. Nói về đời sống hiện nay, những gì nó xảy ra mà mình thấy nó ‘ngộ ngộ’, nó không đúng mà sao bây giờ nhiều người lại ‘thích’ đến vậy?” nhạc sĩ Trúc Hồ nhớ lại.

Hai con người được sinh ra dành cho nghệ thuật, hai tâm hồn của nghệ thuật, một lần nữa họ tìm thấy nhau, trân trọng nhau trong cái nhìn về xã hội thực tại. Hai giờ đồng hồ – một khoảng thời gian đặc biệt họ chưa bao giờ có với nhau cho dù họ đã rất nhiều dịp đi diễn, sinh họạt cùng nhau.

Rất “Ngộ”!

Đến ngày thu hình cho “Bản tình cuối,” nữ danh ca vẫn còn rất khoẻ mạnh. Ông Han Nguyễn – giám đốc hình ảnh, đạo diễn chương trình “Những ngày xưa thân ái” nhớ lại: “Bà còn nói vui rằng ‘Muốn tui chết hả?’ khi biết mình cần phải thu hình vài lần cho đúng với kịch bản của ca khúc.”

Hôm đó, vẫn là hình ảnh muôn thuở của “Nữ hoàng phòng trà” với chiếc áo dài Việt Nam, vẫn mái tóc tém không bao giờ thay đổi mỗi khi bước lên sân khấu suốt 60 năm đi hát. Bà từng nói: “Chiếc áo dài cho tôi cảm giác tự tin và gần với khán giả hơn bất kỳ trang phục nào. Tôi nghĩ là áo dài đã chọn người Việt. Bao nhiêu năm tôi đi hát là bấy nhiêu năm tôi gắn bó với chiếc áo dài.”

Rồi, bà cất tiếng hát…

“Mưa có rơi và nắng có phai

Trên cuộc tình yêu em ngày nào

Ta đã yêu và ta đã mơ

Mơ trăng sao đưa đến cùng người…”

Mỗi khi nhắc lại lần trình diễn đó, hình ảnh đáng yêu và “ngộ” nhất mà nhạc sĩ Trúc Hồ nhớ đến, đó là “Lệ Thu ngồi trên chiếc xe vespa cổ.”

“Chủ đề của chương trình là dựng lại cảnh sống Sài Gòn của những ngày xưa thân ái, với mỗi bài là một cảnh khác nhau. Chiếc vespa xuất hiện trên sân khấu là để phục vụ cho bài trình diễn của Lệ Thu. Đó là ý tưởng của chị ấy. Bây giờ chính là hình ảnh làm tôi nhớ nhất ngày hôm đó. Tôi nhớ lúc đó mình nghĩ trời ơi, không ngờ có ngày thấy chị Lệ Thu ngồi trên chiếc xe vespa. Nhìn chỉ ‘cool’ lắm.”

“Yêu em ta yêu em như yêu tuổi ngây thơ

Bên em bên em ta hát khúc mong chờ

Ngày nào người cho ta biết tình yêu đắm say

Ngày nào đời cho ta biết tình là đắng cay…”

Tiếng hát khàn trầm, rõ lời, chậm rãi, như một người đang khoan thai bước qua từng khúc quanh cuộc đời. Chỉ duy nhất là những nốt cao của bài hát nay được nhạc sĩ Trúc Hồ hạ xuống một cung để phù hợp với một danh ca Lệ Thu của 60 năm sau. Còn lại, tất cả, từ độ rung rất riêng cho đến chất giọng u uẩn đặc biệt, vẫn không thay đổi.

“Chị ấy là một trong những ca sĩ rất hiếm hoi lớn tuổi rồi mà không bị mất giọng. Giọng ca vẫn như ngày nào, chỉ trầm hơn một chút so với tuổi trẻ. Cách hát, vẫn luôn là Lệ Thu,” nhạc sĩ Trúc Hồ nhận xét. Tiếng hát của bà, có lẽ không cần phải nói nhiều, nó quá ấn tượng và riêng biệt. “Đơn giản là khi tiếng hát của chị Lệ Thu đã đến một đỉnh cao mà tìm một người thứ hai hát thể loại nhạc của chị ấy thì không dễ, khó có ai mà hát như vậy được”.

Khi nhắc về danh ca Lệ Thu, nhạc sĩ Trúc Hồ còn kể: “Chị Lệ Thu là một người rất thích đọc sách.” Những chuyến lưu diễn xa, khi ngồi chờ ở phi trường, luôn nhìn thấy hình ảnh bà cầm một quyển sách, đọc rất chăm chú.

“Tôi thấy vậy, tôi cũng bắt chước theo. Mỗi khi đi show, phải đợi chuyến bay, tôi mua một quyển sách ở phi trường và ngồi đọc. Nhắc về chị Lệ Thu, tôi nhớ ngay hình ảnh đó”.

Khó mà phân biệt chính xác giữa “Ngộ” và “Định mệnh”- từ nào lột tả được hết những điều không lý giải được trong đời sống. Chỉ biết rằng, rất nhiều cái “ngộ” chưa được biết đến và tất cả đều là định mệnh.

Đã sáu tháng trôi qua, kể từ ngày tiếng hát “vàng của mùa thu” thôi “khóc than phận người,” để “hoàng hạc bay, bay mãi, bỏ trời mơ.” Bà chào tạm biệt mọi người bằng một “Bản tình cuối.” Như một lời chia tay- mà chính bà cũng không biết trước đó- cất lên với tình yêu và sứ mệnh âm nhạc mà bà đã được giao cho ở cõi tạm này, “Bản tình cuối” của Lệ Thu không chỉ là một điểm son trong dòng chảy nghệ thuật của Việt Nam, mà sẽ mãi mãi là một định mệnh, của riêng bà.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: