Sự phản kháng chế độ qua một mẩu chuyện dân gian Lục Tỉnh

Hình minh hoạ: Unsplash

Trong những chuyến đi “điền dã” sưu tầm văn chương bình dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài vô số ca dao, tục ngữ, hò vè, chuyện kể, chúng tôi còn sưu tầm được chuyện dân gian khá thú vị sau đây- xin đặt tựa đề là “Miếng Thịt Làng”.

Tóm tắt cốt chuyện

Tại một làng quê miền sông Hậu, có anh nông dân đã mua một chức hàm cai tuần để tránh phu phen tạp dịch. Theo lệ làng, anh ta phải nộp một số tiền cho làng và một con heo đồ (tức heo đã cạo sạch lông và móc hết bộ đồ lòng) ra đình tế lễ. Cúng xong, heo được đem đi quay. Trước cúng sau ăn. Đã cúng rồi phải “kiến” đầy đủ cho mười hai Hương chức Hội tề trong làng. Anh ta chặt 12 miếng thịt quay để vô một cái mâm rồi lấy miếng giấy điều phủ lên cẩn thận.

Đoạn sai thằng nhỏ mang mâm thịt đi ra nhà việc (trụ sở làm việc của Ban Hội tề dưới thời Pháp thuộc). Anh dặn con phải học thuộc lòng: Hương cả: miếng đầu; hương chủ: miếng nọng; hương sư: miếng vai; các viên chức khác theo thứ bậc từ lớn tới nhỏ: lẳn mẳn mỗi người một miếng. Tội nghiệp thằng nhỏ mới 9-10 tuổi có tánh hay quên, đầu đội mâm thịt, chân rảo bước, miệng không ngớt lặp lại lời cha dặn như niệm thần chú: “Cả đầu, chủ nọng, sư vai, lẳn mẳn mỗi người một miếng”.

Tới ao nuôi cá tra cá vồ, thằng nhỏ chột bụng bèn đặt mâm thịt cạnh cầu ao rồi hối hả bước vô cầu tiêu làm cái việc “đệ tứ khoái”. Cái cầu tiêu nầy được cất toàn bằng cây nhà lá vườn: Cột bằng cây mù-u lão, đà ngang lót bằng những thanh tre mạnh tông già, chắc chắn, mái được lợp bằng lá dừa nước chằm lại phơi khô để che mưa nắng. Không may cái cầu tiêu nầy có một tấm đà bắt đầu bị mục, phải ngồi ở tư thế thật cẩn thận, nếu không dễ bị đứt dây thiều lọt cầu tiêu như chơi!

Trở lại chuyện thằng nhỏ. Sau khi trật quần xà lỏn, rón rén ngồi xuống cầu, nó vừa rặn vừa lặp lại “điệp khúc-thần chú”. Thừa cơ hỗn loạn, cục thứ nhứt chui ra, rơi tòm xuống ao: Cả đầu; rồi cục thứ hai rơi tiếp: Chủ nọng; và cục thứ ba: Sư vai… Rồi cứ thế cả tràng phân lỏng thi nhau rơi xuống nước: Lẳn-mẳn mỗi người một miếng. Lũ cá đói mồi tranh nhau “vồ”, “đớp” hết sản phẩm của thằng nhỏ, tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn, nước phân lỏng bắn lên tung tóe. Mấy con cá vồ lớn ỷ mạnh giành ăn hết mấy cục phân lớn và “ngon”. Còn mấy chú cá nhỏ yếu thế chỉ rỉa được mấy miếng nhỏ, lầy nhầy, lẳn-mẳn thật đúng “quy luật”, đúng tôn ti trật tự!

Hình minh hoạ: Unsplash

Sự phản kháng chế độ

Chúng tôi thường nhấn mạnh: Bất cứ chế độ cai trị nào trước lúc cáo chung thường là một tấn bi kịch, đồng thời là một tấn hài kịch lớn. Xã hội phong kiến ở nước ta thời kỳ suy tàn cũng không ngoại lệ, tức vừa bi kịch vừa hài kịch.

Cái bi-hài kịch thời kỳ nầy thể hiện ở hai giai cấp đối kháng: Thống trị và bị trị. Thật ra dưới thời phong kiến đã có những minh quân, những lương tướng hết lòng trị nước chăn dân. Ngược lại cũng có những hôn quân vô đạo, quan lại thối nát “ngồi mát ăn bát vàng”, cậy quyền ỷ thế mà ra sức vơ vét của công, hà hiếp dân lành.

Còn kẻ bị trị dân ngu khu đen đầu tắt mặt tối, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, làm ra của cải vật chất, nhưng bị bóc lột tận xương tủy nên suốt đời vẫn lầm than cơ cực (Gánh cực mà đổ lên non; Còng lưng mà chạy cực còn theo sau)…“Con giun xéo lắm cũng quằn”, ở đâu có áp bức, ở đó có mầm mống phản kháng. Người dân lúc đầu chỉ biết than thân trách phận: “Trách trời sao ở không cân; Kẻ ăn không hết người lần không ra”. Dần dà họ biết phản kháng qua tiếng cười vừa có tánh chất hài hước, vừa bao hàm nỗi chua chát xót xa! Hệ thống chuyện cười từ đó mà phát sanh.

Giai thoại về hai cha con ông đồ thời Lê mạt (tức thời cuối Lê, không phải Lê-Mạc) sưu tầm chuyện tiếu lâm “Uống rượu thịt chó” đã phản ảnh phần nào thực trạng ấy. Chuyện được kể như sau: Vào cuối đời Lê, có hai cha con ông đồ bất mãn thời thế. Ngày nọ, ông đồ cha và ông đồ con có sáng kiến cùng nhau làm cái việc sưu tầm tất cả các chuyện hài hước lưu hành trong dân gian, bất kể thanh hay tục. Khi sách soạn xong, hai cha con làm lễ “lạc thành”, uống rượu với thịt chó và duyệt lại toàn bộ tác phẩm. Mỗi lần đọc lại xong từng chuyện một, hai nhà sưu tập cùng cạn ly đầy rồi rót đầy ly cạn, cùng cười rũ rượi ra vẻ đắc ý. Cho đến khi rượu thịt hết, sách đọc xong, hai cha con ông đồ vì cười nhiều quá nhăn răng ôm nhau mà… chết!

Hệ thống chuyện “Trạng Lợn”, chuyện “Vua Heo” và chuyện “Trạng Qùynh” đả kích thẳng tay bộ máy thống trị phong kiến mục ruỗng. Nói chung, tác giả dân gian và Trạng Lợn, Trạng Quỳnh đã đem vua chúa, quan lại các cấp từ trung ương tới địa phương và nho sĩ vô sỉ ra làm trò đùa. Ngay cả thành phần xuất thân của Trạng Lợn, của Vua Heo là cả một sự phản kháng. Trạng Lợn vốn con nhà bần nông, dốt nát lại vô hạnh làm nghề lái heo nhưng “nhờ chó dắt” nên suốt đời gặp toàn những chuyện may mắn, tận hưởng vinh hoa phú quý. Còn Vua Heo vốn là cậu bé mồ côi rày đây mai đó, đi ở đợ hết nhà nầy tới nhà khác, quần áo rách rưới lem luốc bị người đời gọi là “Thằng Heo”. Vì sau lưng thằng heo có 9 nốt ruồi son nên nhờ gặp vận may lên làm vua, oai quyền tột đỉnh!

Trở lại đề tài, chuyện “Miếng thịt làng” mặc dầu tương đối ngắn, nhưng với nụ cười hóm hỉnh, tác giả dân gian đã thành công trong việc vẽ lại bức tranh xấu xa ở nông thôn nước ta; đồng thời nói lên sự phản kháng của người dân đối với Ban Hương chức Hội tề Nam kỳ thời bấy giờ. Thật ra tại các làng xã miền Nam trước kia, sự phân hạng dân chúng rất giản dị, chỉ có hai giai cấp: Địa chủ và tá điền. “Nhưng mối quan hệ địa chủ-nông dân thời bấy giờ không đậm nét- có thể nói họ “sống chung hòa bình”, kẻ có của người có công, bởi họ đã từng “đồng cam cộng khổ” trong việc khai hoang vỡ đất và cũng biết “thương người xa xứ lạc loài tới đây” (Trích Nguyễn Kiến Thiết: Những Trang Văn Đời Tôi. Văn Học Mới Hoa Kỳ xuất bản 2021).

Tưởng cũng nên biết, các chúa Nguyễn và những vua đầu triều Nguyễn đã thực thi chánh sách rất thoáng và cởi mở bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu dân và quan binh trong việc khai khẩn đất: Khai thác đất bao nhiêu tùy ý, khai phá xong thì báo với chánh quyền sở tại và nộp thuế (biệt nạp) để giữ quyền sở hữu… Đến ngày 6 Tháng Sáu 1884, triều đình Nguyễn ký Hòa ước Patenôtre với thực dân Pháp, mở đầu thời kỳ Việt Nam mất độc lập, tự do và trở thành một quốc gia lệ thuộc vào nước Pháp.

Từ đó, Việt Nam trở thành một nước thuộc địa-nửa phong kiến, nhân dân ta phải sống cảnh “một cổ hai tròng”– nghĩa là chịu sự áp bức bóc lột dưới ách thống trị của cả thực dân và phong kiến. Khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ngày 27 Tháng Tám 1904 thành lập Ban Hội tề tại các xã ở Nam kỳ- gọi là Hội đồng làng, đánh dấu sự can thiệp, cải tổ hành chánh của thực dân Pháp- bắt đầu tại miền Nam để đi dần tới miền Bắc và miền Trung. Theo Nghị định nầy Ban Hội tề phải có tối thiểu 8 viên chức và có thể tăng thêm tới 12 người tùy theo từng xã với tục lệ riêng của mình.

Về sau với Nghị định ngày 30 Tháng Mười Hai 1927 của Toàn quyền Đông Dương, Ban Hội tề được gọi là Hội đồng hương chánh gồm 12 viên chức. Nhà văn Toan Ánh gọi là Hội đồng kỳ hào, dễ lẫn lộn với Hội đồng kỳ mục ở miền Trung và miền Bắc. Trong chuyện “Miếng thịt làng”, chúng tôi gọi Ban Hương chức Hội tề nhằm nói đến Ban Hội tề-Hội đồng hương chánh gồm 12 viên chức trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ ở Nam kỳ.

*Nội dung chánh của chuyện nhằm đả phá “óc ngôi thứ chốn đình trung”. Đình làng vừa là trung tâm hành chánh, trung tâm văn hóa, vừa là trung tâm về mặt tình cảm. Do vậy mới sanh ra lắm tệ nạn, như hủ tục coi trọng “miếng thịt giữa làng/đình” hơn “sàng xó bếp”. Luật vua thua lệ làng. Do vậy mà 12 Hương chức Hội tề lần lượt được “thưởng thức” những cục thịt-phân do thằng nhỏ con anh cai tuần “sản xuất”.

Sự “cho” và “nhận” được diễn ra nhanh gọn, các bên đều có lợi. Bên cho sảng khoái bởi cái “đệ tứ khoái”, bên nhận thống khoái với món ăn “truyền thống” nên giành nhau vồ, đớp. Thật ra cũng có nhiều hương chức giàu lòng nhơn đức biết thương dân; nhưng vì tác giả dân gian muốn gián tiếp lên án chế độ cai trị hà khắc của thực dân nên mới mượn họ làm vật tế thần!

Hình minh hoạ: Unsplash

*Nội dung kế tiếp nhằm đả kích là “Túi tham không đáy”, nói nôm na là lòng tham vô cùng vô tận, giống như cái túi rộng không có đáy, bỏ tiền của vô bao nhiêu cũng không đầy. Đã là tham quan thì phải ăn của “đút lót”, và ăn bao nhiêu cũng không vừa túi tham của mình. Có loại “hối lộ” trơ trẽn, lộ liễu, có loại tinh vi, khéo léo. Chẳng hạn như “Quan huyện thanh liêm” lại “bất liêm” đã mắng huyện bà sao không nói mình tuổi Sửu thay vì tuổi Tý để dân làng đúc tượng bạc lớn bằng con trâu để đút lót.

Cái quy luật “Cá lớn ăn nhiều, cá nhỏ ăn ít”, hoặc “Cá lớn nuốt cá bé” y chang tệ trạng quan lớn tham nhũng nhiều, quan nhỏ tham nhũng ít; cái gì ăn được thì ăn, đồ dơ thúi cũng ăn; ăn không được thì quậy phá cho hôi. Đôi khi chúng tìm mọi cách thanh toán lẫn nhau để giành hết lợi lộc về phần mình. Rõ ràng là cảnh “cá đớp cá”, “người trói người” bất cứ xã hội nào cũng có. Hèn chi cụ Đồ Chiểu đã răn đe: “Thà đui mà khỏi danh nhơ; Còn hơn sáng mắt ăn dơ tanh rình”!

*Sau hết là tệ nạn “mua quan bán tước”. Vào cuối thế kỷ XIX, dưới chế độ thực dân-nửa phong kiến, nho học lụi tàn, việc thi cử chỉ là cảnh chợ chiều để các giám quan tha hồ thao túng. Nguyễn Khuyến đã sáng tác bài thơ Tiến sĩ giấy với giọng điệu trào phúng để thể hiện tâm trạng và thái độ của mình trước hiện thực: “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai / Cũng gọi ông nghè có kém ai..”. Trần Tế Xương đã đả kích gay gắt tệ nạn “mua quan bán tước” qua tiếng cười châm biếm chua cay bằng bài thơ nổi tiếng Năm mới chúc nhau: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang / Đứa thì mua tước đứa mua quan…”.

Trong chuyện “Miếng thịt làng”, tệ nạn nầy được nhắc đến nhưng với mức độ vừa phải. Cụ thể là anh nông dân phải “nộp tiền” cho làng để “mua” chức hàm cai tuần. Trước khi nhận việc, anh ta còn phải mang một con heo ra đình cho làng tế lễ. Gọi là tế lễ, nhưng thật ra là để ăn khao, tạo cơ hội cho Ban Hội tề chia nhau miếng thịt làng và say sưa chè chén. Cái lệ ăn khao bất thành văn nầy giống y chang các làng xóm miền Bắc, nhưng với cái tên hoa mỹ hơn- tức khao chức việc hoặc khao nhiêu, khao xã. Nếu không đủ tiền để “nộp” và sắm lễ vật (mua heo), anh ta phải cầm cố nhà cửa, ruộng đất, đôi khi phải mang công mắc nợ. Điều đáng nói là nạn mua quan bán tước đã phổ biến khắp mọi ngõ ngách, mọi lãnh vực trong đời sống từ xưa tới nay, nên đã nghiễm nhiên trở thành “văn hóa”- như “văn hóa chạy chức”, “văn hóa phong bì”, v.v…

Thay Lời kết

Bàn về cái tật “Gì cũng cười”, cụ Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng: Dân ta có thói lạ là gì cũng cười. Người ta khen cũng cười, chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì, phải cũng hì (theo Đông Dương tạp chí số 22/1913). Thật ra, nguyên nhân của tiếng cười trong xã hội có giai cấp thường nói lên sự mâu thuẫn, sự tương phản. Đó là sự mâu thuẫn/tương phản giữa cái xấu xa và cái đẹp đẽ (Aristote); giữa cái tầm thường và cái cao quý (Kant); giữa cái có lý và cái phi lý (Richter).

Từ cái tương phản, mâu thuẫn dẫn đến sự đối kháng. Trong chuyện “Miếng thịt làng”, tác giả dân gian dùng tiếng cười để chuyên chở nội dung đối kháng của kẻ bị trị chống lại giai cấp thống trị ở nông thôn. Tiếng cười ở đây chính là khí giới của kẻ yếu thế cô chống lại kẻ mạnh quyền thế. Mặc dầu sự đối kháng chưa mạnh mẽ quyết liệt, chỉ là một đóm lửa yếu ớt; nhưng biết đâu khi gặp thời cơ thuận lợi, toàn dân nổi dậy dấy can qua, gặp cơn gió mạnh, đóm lửa kia sẽ bùng phát mạnh mẽ, rộng khắp để thiêu rụi cả thành trì bất công, áp bức!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: