Trung thu xưa và nay

Nhất Thụ

Thời Nay số 215 ngày 1-10-68

Nhi đồng Việt Nam rước sư tử, phá cỗ trông giăng. Trẻ em Nhật Bản bắt chước con hoan nhảy múa, vỗ bụng bôm bốp. Người Miên, người Ấn tin rằng Thần Ganesha bắt Mặt Trăng khi tỏ khi mờ.

Vừng trăng tròn vạnh, lơ lửng giữa bầu trời trong vắt không một gợn mây. Gió chỉ vừa nhẹ, đủ để cho những cành lá tre bay phất phơ, mà không làm tắt những ngọn đèn cầy nhỏ xíu cắt ngắn từng khúc, dính trong những chiếc đèn xếp, đèn tráp trầu, đèn con cá, con cóc, con thỏ, đèn tàu bay, hay đèn kéo quân, treo thành hai hàng dây kẽm, chăng ngang trước sân.

“Tình! Tùng! Tình!”. Tiếng trống rước sư tử vọng lại từ phía xóm ngoài. Đó là đám rước lớn nhất trong làng đêm nay, và sẽ kéo dài ít ra cũng là tới nửa đêm. Đám rước này là của cả một hội chung tiền, có một chiếc đầu sư tử thiệt lớn, do bọn trẻ góp nhau làm lấy, khung bằng nan tre già, ngoài bao vải màu, giấy kính và giấy hồng điều, đuôi là cả một súc vải vàng dài hơn mười thước.

Đêm Trung Thu phải có rước sư tử. Và một hội sư tử ít ra cũng phải có hai tay múa côn. Múa côn là cả một nghệ thuật, gần như một môn võ biểu diễn, tập luyện từ lâu ngày. Múa làm sao cho đẹp, cho đừng chạm tới đèn, tới đầu sư tử và những người đi xem chung quanh. Rất có thể đêm nay hội xóm trên sẽ gặp hội xóm dưới. Hội này tuy chỉ có một chiếc đầu sư tử hơi cũ, nhưng họ lại có hai tay múa côn rất lành nghề.

Ai không xem rước sư tử, thì có thể ra sân đình dự cuộc hát trống quân, hát ống hay ở nhà phá cỗ trông giăng.

THỎ NGỌC GIÃ GẠO

“Tình! Tùng! Tình!”

Đám rước sư tử đã bắt đầu rồi. Tại đây, tuy không có rước, nhưng cũng có một chiếc đầu sư tử cỡ nhỏ, để mấy em thay phiên nhau múa chung vui, trước khi phá cỗ vào lúc gần nửa đêm.

Cỗ trông giăng bao giờ cũng phải có ít ra một chiếc bánh dẻo tròn hình mặt trăng đặt trên chiếc dĩa lớn. Thêm vào đó là con giống con má đủ loại làm bằng bột, nhuộm màu xanh đỏ, với một mâm ngũ quả – thường gọi lộn là  “mâm mũ quả” – gồm bưởi, hồng ngâm, quít đầu mùa…

Không thể thiếu vài cây mía để nguyên vỏ, nhờ bàn tay khéo léo của các bà chị bà mẹ, tiện thành những ông tiến sĩ, có ghế ngồi bảnh chọe và có cả lọng che trên đầu, nếu được một ông tiến sĩ bằng giấy mua ở chợ, với mũ cánh chuồn như thực, và có chiếc lọng xinh xinh cắm sau lưng thì thật là tuyệt!

Người lớn cũng có phần. Tất nhiên số bánh trái các em không thể ăn hết. Chiếc bánh dẻo lớn cắt ra, các em sẽ tự tay dâng lên ông bà, cha mẹ. Và trong mâm cỗ, còn có cả một dĩa đầy tú hụ món ốc nhồi đồ, tức là ốc sắt nhỏ trộn với thịt, mộc nhĩ, nấm hương, lót lá gừng hấp cách thủy, món này để riêng ông nội và cha uống rượu thưởng giăng.

Quảng cáo bánh Trung thu trên báo chí miền Nam xưa

Thế rồi, giữa tiếng trống vẫn dập dồn vọng lại từ xa, giữa cảnh đêm thu trăng sáng, một em trai lớn nhất lấy chiếc đầu sư tử đội vào, nhẩy ra giữa sân, múa theo tiếng trống ếch “bong, bong, bong”, hoặc theo nhịp miệng của các em khác hò reo chung quanh “Tùng tình tùng tình”, “bung cắc bung cắc bung tùng”…

Những em nhỏ xíu không được múa sư tử, cũng rủ nhau nắm tay, sắp hàng ngang, tiến ra giữa sân, vừa dậm chân vừa hát bi bô:

“Ông giăng ơi! Xuống đây mà chơi! Có bầu có bạn…” hoặc “Dung dăng dung dẻ dắt trẻ đi chơi, đến ngỏ nhà trời, lạy cậu lạy mợ, cho cháu về quê, cho dê đi học , cho cóc ở nhà, cho gà bới bếp, ngồi xệp xuống đây!”

Các em cười như nắc nẻ. Đêm còn dài, trăng vẫn sáng. Cỗ vẫn nguyên, chưa phá, hay nếu bắt thèm, các em có thể đề nghị ăn trước một số trái cây, riêng chiếc bánh ông giăng phải chờ tới lát nữa. Mẹ đang tới gần mâm cỗ, nhẹ tay lấy ra dĩa ốc, đem đặt trên một chiếc chiếu hoa, mời ông nội và cha tới nhậu. Ông rung đùi mỉm cười nhìn lũ cháu, nhìn ông tiến sĩ bằng giấy uy nghi đặt trước bàn cỗ, rồi cất tiếng khàn khàn ngâm thơ, với cả một giọng chua xót ngậm ngùi, như luyến tiếc thời xa xưa:

“Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ

Cái giá khoa danh ấy mới hời

Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe

Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi…”

Trên đây là hình ảnh cái Tết Trung Thu thuần túy Việt Nam ba mươi năm trước, thời tiền chiến. Ngày nay mọi việc đã thay đổi cả. Những tục lệ ý nghĩa của Tết Trung Thu không còn nữa. Đèn kéo quân, đèn thiềm thừ được thay bằng phi cơ, hỏa tiễn, xe tăng, những đồ chơi máy móc thời trang. Con giống con má lui dần vào quá khứ cho những con thỏ bằng bông, con chim bằng sắt ra đời. Bánh Trung Thu, hầu hết đều là bánh nướng, bánh dẻo của các chú ba Tàu với nhân thập cẩm, nhân hột gà, nhân bào ngư, mà tính chất sạch sẽ, vệ sinh của bột bánh, nhân bánh cho ta bắt buộc phải nghi ngờ.

Ông Tiến Sĩ giấy thì mất hẳn. Ai dại gì mê ông giữa thời đại cực thịnh của ni lông, plát-tích, với muôn ngàn mẫu búp bê nhập cảng tối tân đủ kiểu, búp bê Nhật geishas kimonos sặc sỡ, búp bê Pháp, Hoa Kỳ, xinh như mộng, mũi dọc dừa mắt xanh…

Bánh Trung thu Tân Tân một thời lừng lẫy Sài Gòn

Đến tục rước sư tử thì quả thực chỉ còn vang bóng của một thời. Ít ai còn biết rằng con sư tử, con rồng, con kỳ lân có nghĩa gì đối với Tết Trung Thu! Và cũng chẳng  ai còn chịu mất thời giờ tìm hiểu rằng tục rước đèn có từ đời vua Minh Hoàng nhà Đường để mừng ngày sinh nhật của vua hay từ đời nhà Tống, bởi ông Bao Công muốn khu trừ loài cá chép thành yêu, mỗi đêm trăng thường hiện hình con gái mà đi hại người, nên sức cho dân gian làm đèn hình con cá, vác đi dong ngoài đường cho yêu quái trông thấy mà sợ.

Người ta vẫn còn ăn bánh Trung Thu nhưng mấy ai cần biết tới nguồn gốc của tục làm bánh hình trăng “Trung Thu Nguyệt Bính” này xuất phát từ đời Hán theo sách “Bặc Bình Tế Hoa” hay từ đời Minh với ông Tướng Lưu Bá Ôn khai sáng vương nghiệp, dùng nơi ruột bánh làm cách thông tin bí mật, mở đầu một trận “ngoại kích nội công”!

Thay cho hát trống quân, ngày nay đã có những máy thu thanh, chiếu bóng, truyền hình, mà giọng hát lời ca, hình ảnh âm thanh còn hấp dẫn hơn nhiều. Cần gì phải nhắc nhở tới chuyện vua Quang Trung, trong chuyến hành quân Bắc tiến cách đây chưa tới hai trăm năm, vì thương quân lính xa nhà mà đặt ra điệu hát, đánh trống làm nhịp (trống quân) để ba quân tướng sĩ nức lòng!

Người Việt Nam mình ham vui chuộng lạ, nên đã dễ dàng chấp nhận một kiểu tết Trung Thu cải cách như ngày nay, nhưng đối với dân tộc Nhật Bản Phù Tang, thì mặc dù qua một lần chiến bại thảm thương, họ vẫn còn cố duy trì cho cái tết Trung Thu giữ được màu sắc cổ kính Đông Phương. Tết Trung Thu của người Nhật ngày nay và ngày xưa không khác nhau là mấy.

Dân Nhật vốn yêu trăng, yêu tuyết, yêu hoa. Tuyết và hoa là của mùa xuân, còn trăng thuộc về mùa thu. Về mùa thu đêm trăng tháng Tám, vừng trăng đẹp đẽ, tròn trịa sáng tỏ nhất trong năm treo cao trên bầu trời trong trẻo được coi như một vẻ đẹp tuyệt vời, làm nguồn cảm hứng muôn đời cho các nhà thi sĩ.

Thú thưởng trăng, đối với dân Nhật không phải là của riêng các em nhi đồng, mà chính là của người lớn. Mỗi năm có hai hội thưởng trăng theo Âm lịch. Hội đầu là “Zyuyoya” nhằm ngày Rằm tháng Tám, rồi đến hội “Zyusanya” nhằm ngày mười ba tháng chín. Tục lệ truyền rằng hễ ai đã lập hội thưởng trăng đầu thì cũng phải thưởng trăng hội sau, nếu không sẽ bị xui xẻo không biết thế nào mà kể.

Thôn quê Nhật Bản, người ta sống gần thiên nhiên nên ưa nhắc nhở những thú rừng biết nói của thời xưa, như những con hoan đêm Rằm tháng Tám thường lũ lượt kéo nhau ra đồng trống trông trăng và nhảy múa. Theo truyền thuyết của dân gian thì loài hoan vốn chỉ sống trong rừng sâu, chung quanh những đền miễu bỏ hoang, và hay hiện hình thành những vị hòa thượng. Chúng rất ưa đùa giỡn vào những đêm trăng tròn: hai chân sau đứng thẳng như người, còn hai chân trước vỗ bụng kêu bồm bộp giả làm tiếng các nhà sư gõ mõ. Bởi vậy ở thôn quê Nhật Bản, thường cứ đến đêm Trung Thu, các em nhỏ hay bắt chước mấy con hoan, vừa nhẩy múa vừa vỗ bụng, ngắm bóng mình trong bóng trăng, tưởng tượng như đã hóa thành loài hoan, hay thành con thỏ ngọc giã gạo làm bánh trên mặt trăng.

Điển tích ngọc thỏ và mặt trăng cũng trùng điển tích của người Trung Hoa. Nhưng con thỏ ngọc của dân Nhật có khác ở chỗ nó biết làm bánh và giã gạo. Bởi vậy những đêm trăng tròn như đêm Rằm tháng Tám, trẻ em Nhật, đố nhau tìm thấy hai cái tai ve vẩy của con thỏ hoặc cái chầy giã gạo của nó tùy theo trí tưởng tượng ở những vết mờ mờ hiện ra trên mặt trăng.

Đố nhau chán, rồi các em lại nắm tay đi vòng quanh hát những bài mừng con ngọc thỏ ở trên cung trăng, những bài hát rất phổ thông, bắt chước dáng điệu của ngọc thỏ:

Thùng thùng! Thình Thình! Giã giã.

Mầy ôi! Ngọc thỏ cung trăng trên trời

Ráng mà giã gạo cối vàng

Đếm bánh mười ba với bẩy 

Trăng hai mươi tuổi chẳng bao giờ già 

Thùng thùng, thình thình, giã giã…

Trung Thu nhi đồng Nhật Bản cũng còn phải có con cá chép, bởi vì cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, biểu hiện cho con trai. Người Nhật từ bình dân đến thượng lưu, đều tôn trọng loài cá chép, giống cá thường ưa bơi ngược giòng và có khi còn cả gan dám vượt thác nữa.

Đèn cá chép làm bằng giấy hàng màu ngũ sắc treo trước gió phất phơ, mỗi cậu trai một con, cậu lớn con lớn, cậu nhỏ con nhỏ và em nhỏ mới lọt bụng mẹ cũng được dành cho một chiếc đèn cá chép tí hon.

Những con cá chép bằng giấy tỏ rõ lòng của mẹ thương con, muốn cho con sau ra đời sẽ được toại chí bình sinh, như các vị anh hùng thuở xưa nhờ cung kiếm và chí tự cường mà trở nên anh hùng hiệp sĩ cứu nước giữ nòi.

Người ta cũng nói rằng cá chép có lòng can đảm vô song của một vị võ sĩ samourai, nằm dưới mũi dao không thèm cựa quậy, thản nhiên đón chờ cái chết nếu không thể tránh nổi, cũng như loài hoa anh đào, chỉ sau khi rụng xuống đất rồi mới chịu úa tàn.

Theo một truyện khác, cá chép là một vị thần đã giúp nữ hoàng Zingo khi ngài đem quân sang chinh phạt Cao Câu Ly quốc tức Hàn Quốc ngày nay. Đoàn chiến thuyền của nữ hoàng lạc đường giữa biển cả, vừa đúng lúc một con cá chép thần nổi lên để dẫn đường qua tới bờ bên kia. Con cá thần này sau được thờ tại đền Okoko-Yama ở gần thành Kyoto.

HỘI MỪNG TRĂNG

Nếu Trung Thu của người Nhật là con hoan múa nhảy, con thỏ giã gạo, con cá chép thành thần, thì Trung Thu của người Cao Miên cũng vẫn là con thỏ, nhưng con thỏ đáng kính trong truyện tích của Phật, tự thiêu trong đống lửa, hiến thân mình làm thức ăn dần một thầy tu. Con thỏ đó chính là tiền thân của Phật Thích Ca, thầy tu là hiện thân của thần Sokra, một vị thần trong huyền thoại Bà La Môn.

Chuyện kể rằng thỏ, rái cá, chó rừng và khỉ, bốn con vật kết bạn làm thân, hẹn hò suốt đời tương trợ lẫn nhau. Một buổi kia đúng vào đêm trăng tròn, bốn con vật đang hội họp dưới ánh trăng sáng, bàn tán chuyện đời. Bỗng có một thầy tu đi tới. Trước hết ông ta tới bên con Rái Cá. Rái cung kính nói:

“Kính mời thầy dùng cá”

Thầy tu ngỏ ý cám ơn và đáp: “ Xin chờ tui tắm rửa sạch đã rồi sẽ dùng sau.”

Chó và khỉ cũng dâng thầy thức ăn của mình. Chỉ riêng Thỏ, không có gì ăn. Nhưng Thỏ cũng nói:

Xin thầy chờ, tôi sẽ dâng thầy một món ăn ngon lành. Tho lấy củi rừng khô sắp thành một đống, châm lửa đốt rồi nhảy vào đống lửa, miệng nói:

Xin thầy hãy dùng thịt này

Cảm động vì tấm lòng hy sinh cao cả của Thỏ. Thần Sokra tức thầy tu liền đem vẽ hình thỏ lên mặt trăng để người đời lấy đấy làm gương.

Thực ra câu chuyện “Con Thỏ xả thân” trên đây chỉ là một phần trong sự tích mặt trăng của người Cao Miên cũng như của người Ấn Độ. Bởi vì văn minh Khmer vốn gốc gác ở Ấn Độ nơi phát sinh hai dòng tôn giáo lớn còn tồn tại đến ngày nay: đạo Bà La Môn và đạo Phật.

Thần thoại Bà La Môn xứ Ấn, cho rằng tất cả mọi vật trên thế gian, trong vũ trụ đều do Brahma tạo ra. Mặt trăng cũng vậy. Trăng còn liên quan tới nữ thần Parvâti, vợ yêu của thần Civa. Pravâti vốn có thói quen, cứ những đêm trăng sáng tỏ, hay hiện hình thành người xuống chơi trần gian.

Parvâti và Civa có một đứa con là Ganesha, làm bằng tro lông ngực trộn với mấy giọt mồ hôi của cả hai người. Một lần, trong cơn giận dữ Civa chặt đầu đứa con yêu. Sau thấy vợ khóc lóc, Civa hối hận lấy đầu một con voi đẹp chắp vào thân hình còn lại của đứa con. Từ đó, Ganesha thành một vị thần mình người đầu voi .

Ganesha có tính tham ăn, thường hay bị mặt trăng khúc khích chê cười. Nhiều phen như vậy, vị thần này tức giận chịu không nổi, liền bẻ một mảnh ngà trên đầu mình ném vào mặt trăng và nguyền:

“Hỡi mặt trăng độc ác kia! Từ nay ngươi sẽ lúc tỏ, lúc mờ. Gương mặt của ngươi sẽ không mãi mãi tròn đầy. Ngươi phải chờ đợi đúng hai mươi chín ngày mới lộ diện được hoàn toàn. Trong khi đó ngươi cứ bị mòn dần, mòn dần hoặc mỗi ngày một đầy lên. Như vậy, thế gian sẽ chê cười ngươi, ngươi sẽ là cái bia chế diễu cho loài người…”

Thần thoại Bà La Môn về mặt trăng là như vậy. Nhưng người Ấn và người Miên vẫn thờ mặt trăng. Lễ chào mừng của họ không nhằm vào dịp Trung Thu tháng Tám, mà chậm trể đến tận tiết Hạ Nguyên Âm lịch tức là ngày 15 tháng Mười.

Ngày nay, một số người Việt gốc Miên ở các tỉnh Châu Đốc, Kiến Hòa, Vĩnh Long vẫn còn giữ tục lệ “Mừng Trăng”. Lễ đó, họ gọi là “Ok Ang Bok” hay “Pithi Sâmpés Prak Khe”. Buổi lễ bao giờ cũng tổ chức vào ban đêm, với lễ vật như cốm dẹp, trái chuối, khoai lang, khoai môn, nước mía và khoai mì cùng các trò vui như hát xiệc, thả đèn giấy, thả thuyền trên sông…

***

Huỳnh Minh Hiệp chụp và chép lại từ bộ sưu tập báo chí cá nhân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: