Điện ảnh Hong Kong dưới lưỡi dao kiểm duyệt của Trung Quốc

Quảng cáo phim Lion King ở Hong Kong trước đại dịch coronavirus. Ảnh minh họa Bigstock.com

Chính quyền đặc khu Hong Kong sẽ ngăn chặn việc phát hành các bộ phim mà họ cho là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, đưa lãnh thổ này theo sát luật lệ của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Là một lãnh thổ nhỏ bé nhưng Hong Kong có nền công nghiệp điện ảnh rất đáng nể. Trong nhiều thập niên, điện ảnh Hong Kong đã khiến khán giả toàn cầu say mê với những pha đấu súng nghẹt thở, những màn võ thuật hoành tráng, những bộ phim hài gay cấn và những mối tình lãng mạn đẫm nước mắt. Giờ đây, theo lệnh Bắc Kinh, các quan chức địa phương sẽ kiểm duyệt kỹ các tác phẩm điện ảnh sao cho không để lọt ra rạp những bộ phim bất lợi cho Trung Quốc. Sức sáng tạo kỳ vĩ của điện ảnh Hong Kong có thể sẽ mai một.

Hướng dẫn về kiểm duyệt và phát hành phim được chính quyền Hong Kong ban hành hôm thứ Sáu 11-06-2021 đánh dấu sự xuất hiện chính thức của biện pháp kiểm duyệt kiểu Trung Quốc lục địa tại một trong những trung tâm làm phim nổi tiếng nhất châu Á.

Hướng dẫn được áp dụng cho cả phim sản xuất tại chỗ và phim nước ngoài, là một cú tát mạnh vào tinh thần nghệ thuật của Hong Kong – nơi các quyền tự do ngôn luận được luật pháp bảo vệ, nơi có một nền văn hóa địa phương hết sức sinh động và kiêu kỳ, khác hẳn các siêu đô thị Trung Quốc. Cũng như dịch vụ tài chính rất nổi tiếng của Hong Kong, nền công nghiệp điện ảnh lâu đời đóng vai trò như một trụ cột tạo nên bản sắc của nó.

Vào thời kỳ đỉnh cao trong những thập niên sau Thế chiến thứ Hai, điện ảnh Hong Kong  đã cho ra đời những bộ phim vô cùng nổi tiếng, và nuôi dưỡng những tài năng như Vương Gia VệHứa An Hoa. Từ đây cũng xuất hiện các ngôi sao quốc tế như Thành Long, Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa Lương Triều Vỹ. Ảnh hưởng của điện ảnh Hong Kong có thể được nhìn thấy trong tác phẩm của các đạo diễn Hollywood bao gồm Quentin Tarantino Martin Scorsese, và trong các bộ phim bom tấn như “Ma Trận (The Matrix)”.

Khi thuộc địa cũ của Anh được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, nỗi lo lắng về kiểm duyệt đã xuất hiện trong các ngành công nghiệp sáng tạo của Hong Kong. Những mối lo ngại đó đã trở thành hiện thực một cách đáng sợ kể từ khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia vào giữa năm ngoái để dập tắt các cuộc biểu tình chống chính phủ làm rung chuyển thành phố năm 2019.

Một số ít người trong ngành công nghiệp điện ảnh địa phương nói họ cảm thấy hoàn toàn bất ngờ trước các hướng dẫn kiểm duyệt mới được ban hành hôm thứ Sáu, và lo ngại rằng phạm vi rộng lớn của các quy tắc kiểm duyệt không chỉ ảnh hưởng đến những bộ phim được chiếu ở Hong Kong mà còn cả hoạt động sáng tạo và sản xuất phim ảnh.

Đạo diễn Trần Diệu Thành (Evans Chan) cho rằng, không chỉ các nhà làm phim chính trị mà cả các tác giả phim truyện cũng sẽ phải tự hỏi liệu phim của họ có vi phạm luật an ninh hay không. Quy định kiểm duyệt do vậy tác động đến “tổng thể việc làm phim ở Hong Kong”.

***

Kiểm duyệt phim ảnh là dấu hiệu mới nhất cho thấy Hong Kong đang được định hình lại triệt để theo luật an ninh của Bắc Kinh. Theo chỉ thị của chính quyền cộng sản ở Bắc Kinh, chính quyền Hong Kong từ năm ngoái đến nay đã từng bước thay đổi chương trình giảng dạy trong trường học, rút ra khỏi thư viện những cuốn sách quan trọng và thay đổi luật bầu cử để loại bỏ những tiếng nói đối lập. Cảnh sát đã bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ, chính trị gia, những nhà báo nổi tiếng.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, hành động của chính quyền đã tạo ra một bầu không khí sợ hãi.

Các quy tắc kiểm duyệt được công bố hôm thứ Sáu yêu cầu các quan chức Hong Kong khi xem xét các bộ phim trước khi quyết định cho phát hành phải quan tâm tới cách bộ phim miêu tả các hành vi “có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” chứ không chỉ để ý đến các nội dung bạo lực, tình dục và ngôn ngữ thô tục như trước.

Các quy tắc mới không giới hạn phạm vi quyết định của người kiểm duyệt đối với nội dung của một bộ phim. “Phải xem xét toàn bộ hiệu ứng của bộ phim và tác động có thể có của nó đối với người xem bộ phim. Người kiểm duyệt phải có nhiệm vụ ngăn chặn và trấn áp các hành động hoặc hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia,” bản hướng dẫn cho biết.

Sự mơ hồ của các điều khoản hướng dẫn kiểm duyệt mới cho phép nhà chức trách tùy ý diễn giải để ghép tội các nhà hoạt động xã hội và người bất đồng chính kiến.

Một tuyên bố của chính phủ Hong Kong hôm thứ Sáu nói: “Khung quy định kiểm duyệt phim được xây dựng trên cơ sở cân bằng giữa một bên là bảo vệ các quyền và tự do cá nhân, và một bên là bảo vệ các lợi ích xã hội hợp pháp”.

Tuy vậy, ông Điền Khải Nhân (Tin Kai-man) thuộc Liên đoàn các nhà làm phim Hong Kong, nói với Đài truyền hình địa phương TVB rằng chính quyền cầm quy định rõ hơn chuyện ngành công nghiệp điện ảnh có quyền kháng cáo quyết định của các quan chức kiểm duyệt hay không; chẳng hạn như sau khi họ cấm chiếu một bộ phim ở Hong Kong vì nguy cơ an ninh quốc gia thì tác giả có thể khiếu nại hay không.

“Tất cả những chuyện này được làm rõ. Chúng tôi không muốn việc cấm đoán này xảy ra ngoài tầm kiểm soát, vì vậy chúng tôi rất lo lắng về tác động của quy định kiểm duyệt đến việc sản xuất phim”, ông Điền nói.

***

Các quy tắc kiểm duyệt mới dường như nhắm chủ yếu vào một loại phim cụ thể: phim tài liệu chính trị-xã hội. Nhà chức trách nói rằng các viên chức phụ trách kiểm duyệt phải xem xét kỹ lưỡng hơn bất kỳ bộ phim nào “có mục đích trở thành phim tài liệu” hoặc trình bày “các sự kiện có thật liên quan đến hoàn cảnh ở Hong Kong”.

Một bộ phim tài liệu ngắn về các cuộc biểu tình năm 2019, nhan đề “Đừng chia rẽ” (Do Not Split), đã được đề cử Giải Oscar năm nay, giúp thế giới hiểu biết về cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với phong trào dân chủ Hong Kong. Việc đề cử giải Oscar cho bộ phim có thể là nguyên nhân khiến các đài truyền hình Hong Kong quyết định không phát sóng trực tiếp giải Oscar năm nay, lần đầu tiên sau nhiều thập niên.

Nỗ lực của các nhà làm điện ảnh nhằm đưa những bộ phim tài liệu có chủ đề chính trị khác ra mắt khán giả ở Hong Kong trong những tháng gần đây đã rơi vào cuộc tranh cãi gay gắt. Mới đây, một buổi chiếu phim tài liệu về phong trào biểu tình năm 2019 đã bị hủy bỏ vào phút cuối sau khi một tờ báo thân Bắc Kinh nói rằng bộ phim khuyến khích hoạt động lật đổ. Trường Đại học Hong Kong kêu gọi hội sinh viên của trường hủy chiếu một bộ phim về một nhà hoạt động đang bị cầm tù. Nhưng buổi chiếu phim vẫn diễn ra theo kế hoạch; vài tháng sau đó, nhà trường đã có biện pháp trừng phạt “những hành vi cấp tiến” của hội sinh viên.

***

Các quy định kiểm duyệt mới cũng cho thấy sự mở rộng quyền lực của chính phủ Trung Quốc đối với ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu.

Chính quyền Trung Quốc lục địa từ lâu đã hạn chế số phim nước ngoài được nhập cảng và chiếu tại các rạp chiếu phim địa phương. Nhưng Hong Kong hoạt động giống như bất kỳ thị trường điện ảnh nào khác trên thế giới, rạp chiếu phim chiếu bất cứ phim gì được khán giả yêu thích và bán được vé. Một ví dụ, phim “Joker” – trong loạt phim siêu anh hùng của hãng Warner Bros. không được phép phát hành tại các rạp chiếu phim Trung Quốc lục địa nhưng vẫn chiếu ở Hong Kong, thu về hơn 7 triệu USD tiền bán vé, theo cơ sở dữ liệu ngành giải trí IMDBpro.

Với quy định kiểm duyệt mới, những trường hợp như thế này sẽ không còn xảy ra nữa.

Trong những năm gần đây Trung Quốc đã trở nên rất quan trọng đối với Hollywood vì là một trong số ít quốc gia có lượng xem phim ngày càng tăng. Theo Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, doanh thu phòng vé ở Mỹ và Canada – những thị trường điện ảnh số một thế giới – đã không thay đổi trong giai đoạn 2016-2019, ở mức 11,4 tỷ USD. Trong khoảng thời gian đó, doanh thu bán vé ở Trung Quốc đã tăng 41%, lên 9,3 tỷ USD. Các nhà làm phim Hollywood không thể cưỡng lại sức hấp dẫn này. Từ lâu các bộ phim có chi phí đầu tư lớn thường cố hết sức tránh làm mất lòng khán giả Trung Quốc và các nhà kiểm duyệt của đảng Cộng sản, không làm như vậy thì phải trả giá đắt.

Nhưng sự “khấu đầu quy phục” của các hãng phim Mỹ trước đảng Cộng sản Trung Quốc đã gây nhiều phản ứng bất lợi trong dư luận Hoa Kỳ. Năm ngoái, PEN America, một tổ chức vận động cho quyền tự do ngôn luận, đã chỉ trích gay gắt các giám đốc điều hành ở Hollywood “đã tự nguyện kiểm duyệt phim để lấy lòng Trung Quốc”, sửa chữa “nội dung, dàn diễn viên, cốt truyện, đối thoại và bối cảnh” của các bộ phim sao cho “tránh gây phản cảm cho các quan chức Trung Quốc”. PEN cho biết, trong một số trường hợp, các hãng phim đã “mời các nhà kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc trực tiếp đến phim trường để tư vấn cho họ về cách tránh vấp phải lằn ranh của nhà kiểm duyệt”.

Nguồn tham khảo: The New York Times

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: