Điện Ảnh Mỹ Nhìn Từ Oscar: Ngày Càng Thiếu Những Kiệt Tác Bất Hủ

Share:

Sự thay đổi của Hollywood trong ít nhất 10 năm qua là điều gần như bất kỳ người hâm mộ nào cũng có thể thấy. Không chỉ việc bùng nổ khuynh hướng thương mại, điện ảnh Mỹ cũng ngày càng trơ trẽn trong việc uốn nắn kịch bản sao cho có thể chìu lòng thị trường Trung Quốc, nơi Hollywood đang hốt bạc đậm nhất. Cùng với đó là tình trạng thiếu vắng những kịch bản đậm yếu tố nghệ thuật truyền thống Hollywood. Xem lại các bộ phim sản xuất thập niên 1990 với những phim gần đây, có thể cảm nhận rất rõ sự thay đổi và đi xuống của điện ảnh Mỹ như thế nào. Xem lại những tác phẩm đoạt giải phim hay nhất của Viện hàn lâm khoa học nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) khoảng một thập niên qua, có thể thấy cái gọi là “kinh điển”, là “để đời”, gần như đang mờ nhạt dần…

Theo quyển The Classic (1975) của tác giả Frank Kermode, người đầu tiên dùng từ “kinh điển” (classic) để chỉ một tác phẩm văn học kiệt xuất là cây bút La Mã Aulus Gellius vào thế kỷ thứ hai. Các bản văn Hy La mà Aulus Gellius mổ xẻ đều từ quá khứ xa xôi. Cuối thế kỷ 18, từ “kinh điển” được mở rộng vào các lĩnh vực nghệ thuật khác; dù vào giữa thế kỷ 19, Sainte-Beuve còn tiếp tục đặt câu hỏi: “Kinh điển là gì vậy?”. Như ý kiến đa số, kinh điển có thể được hiểu một cách đơn giản là bất hủ, bất tử, tồn tại với thời gian – “khoảng 10 năm”, như Cyril Connolly viết một cách khiêm tốn trong quyển Enemies of Promise ấn hành năm 1938 (khi Connolly viết Enemies of Promise, điện ảnh đã 43 tuổi).

Vấn đề ở chỗ thời gian không là yếu tố duy nhất để tìm ra chân dung một tác phẩm kinh điển. Trong lịch sử nghệ thuật nói chung, có nhiều tác phẩm bị chê ỏng eo khi mới ra đời nhưng lại được các thế hệ sau tôn lên hàng “cực kỳ kinh điển”. Citizen Kane của Orson Welles; La Regle du Jeu của Jean Renoir; It’s a Wonderful Life của Frank Capra; Singin’ in the Rain của Stanley Donen; Vertigo của Alfred Hitchcock… đều từng bị chỉ trích nặng hoặc từng thất thu vé. Thế nhưng những phim này bây giờ đều được đánh giá là các tác phẩm hay nhất mọi thời…

Chẳng có gì phức tạp hơn trong đánh giá nghệ thuật. “Kinh điển” hay không còn tùy (tỉ lệ) ý kiến cảm thụ. Theo khảo sát của chuyên san Sight and Sound (thực hiện mỗi 10 năm; được đánh giá là bảng tham khảo uy tín nhất nhì công nghiệp điện ảnh), Citizen Kane đứng đầu danh sách phim hay nhất mọi thời trong liên tục năm kỳ thăm dò: 1952, 1962, 1972, 1982, 1992, 2002 (đến năm 2012 thì Citizen Kane lọt xuống hạng nhì và vị trí đầu bảng thuộc về Vertigo – ra mắt năm 1958).

Trong khi đó, The Godfather nằm đầu danh sách 250 phim của IMDb (The Internet Movie Database) và phim này cũng là số một trong cuộc thăm dò độc giả Entertainment Weekly lẫn Time Out thực hiện năm 1995. Với độc giả Los Angeles Daily News, phim số một lịch sử điện ảnh phải là Casablanca; trong khi thăm dò từ tạp chí Empire thực hiện tháng 11-2004 cho thấy tác phẩm điện ảnh kiệt xuất “vượt không gian lẫn thời gian” là The Lord of the Rings: The Fellowship of the Ring.

Và với Viện điện ảnh Hoa Kỳ (AFI), bộ phim đứng đầu danh sách phim bất tử là Citizen Kane (Gone with the wind xếp thứ 4)… Đến đây, liệu có thể nói thêm rằng phim càng thắng to Oscar thì càng đáng được xếp vào hàng kinh điển? Vấn đề còn lệ thuộc vào hạng mục giải. Năm 1935, It Happened One Night của Frank Capra không chỉ thắng 5 Oscar mà còn giành “bộ năm” giải lớn nhất hệ thống Oscar (phim hay nhất, nam diễn viên chính, nữ diễn viên chính, đạo diễn và kịch bản). Chỉ One Flew Over the Cuckoo’s Nest (1976) và Silence of the Lambs (1992) mới lập lại sự ngoạn mục này. Tuy nhiên, giữa ba phim sau đây từng giành 11 Oscar, phim nào đáng được đánh giá là kinh điển hơn: Ben-HurTitanic và The Lord of the Rings: The Return of the King; có nghĩa nó đáng được xem lại mà vẫn đạt được sự rung cảm? Câu trả lời có lẽ sẽ khác biệt ở mỗi người.

Dù thế nào, thực tế 10 năm trở lại đây, tỉ lệ phim Oscar hay nhất đáng được thỉnh thoảng xem lại với cảm nhận tán thưởng đặc biệt dường như ngày càng ít dần. Trong 10 phim sau đây đoạt Oscar giải phim hay nhất, bạn thử chọn được bao nhiêu phim vào danh sách kinh điển: The King’s Speech (sản xuất năm 2010); The Artist (2011); Argo (2012); 12 Years a Slave (2013); Birdman or (The Unexpected Virtue of Ignorance) (2014); Spotlight (2015); Moonlight (2016); The Shape of Water (2017); Green Book (2018); Parasite (2019)?

Ma Rainey’s Black Bottom bị lọt khỏi bảng đề cử “Best Picture” Oscar 2021

Điều giúp một tác phẩm văn học hoặc tác phẩm điện ảnh tồn tại với thời gian là yếu tố thông điệp của nó, để nó có thể lưu danh để đời. Dĩ nhiên ngôn ngữ điện ảnh không giống ngôn ngữ văn chương nhưng yếu tố thông điệp, nếu không tính đến, thì tác phẩm khó có thể đọng lại và để lại những giá trị văn hóa, cho dù tác giả có dựng câu chuyện hay như thế nào, cho dù đạo diễn tài năng như thế nào, cho dù diễn viên diễn xuất tốt như thế nào. Trong các phim kể trên, khi được nhắc lại, phim nào mà người xem còn có thể nhớ thông điệp nhân văn nào đó mà nó để lại? Nói như vậy không có nghĩa tất cả 10 phim trên đều không để lại “ý tứ” gì mà là ý tứ của mỗi phim đã đủ mạnh như thế nào đến mức có thể nghĩ ngay đến thông điệp mà nó muốn gửi gắm mỗi khi người hâm mộ nhắc đến.

Promising Young Woman là một phim không tệ nhưng nó khó có thể được xếp vào bảng đề cử phim hay nhất trong năm

Trong danh sách đề cử Oscar năm nay, tám phim lọt vào bảng đề cử phim hay nhất gồm: The Father; Judas and the Black Messiah; Mank; Minari; Nomadland; Promising Young Woman; Sound of Metal; The Trial of the Chicago 7. Mỗi phim đều là một câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều ẩn chứa ít nhiều điều gì đó. Tuy nhiên, vì đang đề cập điều được gọi là “kinh điển” đối với một tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, nên có thể nói rằng gần như không phim nào trong tám phim trên đáng gọi là “kinh điển” (người viết bài này đã xem toàn bộ các phim trên).

Tệ hơn, một phim hình sự rất bình thường, nếu không nói là tầm thường, thuộc loại chỉ đáng “xem chơi cho biết” là Promising Young Woman cũng được AMPAS đưa vào bảng đề cử phim hay nhất trong năm. Promising Young Woman còn có mặt trong bảng đề cử nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Carey Mulligan) và đạo diễn xuất sắc nhất (cho Emerald Fennell) – những hạng mục rất quan trọng và đáng chú ý nhất của Oscar. Trong khi đó, Ma Rainey’s Black Bottom lại lọt khỏi bảng đề cử “Best Picture”; và một bộ phim cực hay là The Mauritanian lại hoàn toàn không nhận được bất kỳ đề cử nào.

Chưa hết, AMPAS còn đưa Better Days (“Thiếu niên đích nễ”) vào bảng đề cử phim nước ngoài hay nhất (International Feature Film) và ghi “đểu” rằng phim này là ứng cử viên đại diện cho điện ảnh “Hong Kong”. Better Days do một đạo diễn Hong Kong thực hiện (Derek Tsang – Tằng Quốc Tường) nhưng hai diễn viên chính là người Đại lục (Zhou Dongyu – Chu Đông Vũ; cùng Jackson Yee – Dị Dương Thiên Tỉ); và được sản xuất bởi các hãng phim Hoa lục (Henan Film Group; China Wit Media; Tianijin Xiron Entertainment…).

Minari – một trong những phim xuất sắc nhất mùa Oscar năm nay
Better Days được thực hiện dường như chỉ nhằm mục đích tuyên truyền về tình trạng bắt nạt học đường

Bối cảnh câu chuyện xảy ra hoàn toàn ở Hoa lục (trong phim đầy cảnh cờ xí Trung Quốc, chưa kể nhiều cảnh hô hào tập thể đậm đặc văn hóa cộng sản truyền thống kiểu Mao), Better Days (dựng từ tiểu thuyết Thiếu niên đích nễ, như thử mỹ lệ) đề cập tình trạng bắt nạt học đường và phim được sản xuất để tuyên truyền chống tình trạng bắt nạt học đường, như thể là một tác phẩm “đặt hàng” của một cơ quan giáo dục. Phim này đã trở thành một “hiện tượng văn hóa” ở Hoa lục, như cách báo chí Trung Quốc nói, với tổng doanh thu lên đến 230 triệu USD. Không thể nói Better Days là một phim tồi nhưng chắc chắn rằng việc AMPAS đưa phim này vào bảng đề cử “phim nước ngoài hay nhất” là điều “hơi bị lố”.

*****

Năm nay, Oscar lần thứ 93 có nhiều điểm đầu tiên. Nếu năm ngoái Oscar bị chỉ trích là “quá Trắng” vì 19 trong 20 diễn viên có mặt trong bảng đề cử đều là người da trắng và ở hạng mục đạo diễn thì tất cả đều là nam giới thì năm nay, có đến hai phụ nữ cùng có mặt trong danh sách đề cử đạo diễn xuất sắc nhất: Emerald Fennell (Promising Young Woman) và Chloé Zhao (Triệu Đình) với phim Nomadland.

Nam diễn viên Steven Yeun (Minari) cũng trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên có mặt trong bảng đề cử nam diễn viên chính; Riz Ahmed (người Anh gốc Pakistan) trong Sound of Metal trở thành diễn viên Hồi giáo đầu tiên được đề cử nam diễn viên chính. Maria Bakalova trong Borat Subsequent Moviefilm trở thành người Bulgaria đầu tiên được đề cử Oscar (hạng mục nữ diễn viên phụ)…

Oscar năm nay cũng có nhiều phim được dựng từ kịch. Ma Rainey’s Black Bottom của Netflix được chuyển thể từ vở kịch của kịch tác gia August Wilson; Pieces of a Woman do Netflix phát hành được dựng từ một vở kịch năm 2018 của Ba Lan; The Father của Sony Pictures Classics được chuyển thể từ vở kịch Le Père.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: