Khi đồng hồ… đóng phim

Ảnh: Hans Gaber/Unsplash
Share:

Trong Don’t Look Up (với dàn siêu sao Leonardo DiCaprio, Jennifer Lawrence, Cate Blanchett, Meryl Streep…), khán giả thấy ông Đổng lý Văn phòng Tòa Bạch Ốc Jason Orlean (diễn viên Jonah Hill) đeo cái đồng hồ Richard Mille RM52-01 Skull Tourbillon. Nhìn “quá dữ”! Chiếc đồng hồ này có giá đến $600,000…

Đồng hồ và Hollywood

Đồng hồ có một lịch sử khá dày cộm với màn bạc. Mối quan hệ giữa các phim James Bond và đồng hồ Rolex có thể nói là “kinh điển”. Từ Dr. No (1962) đến Thunderball (1964), chiếc Rolex Submariner Ref. 6538 “huyền thoại” không bao giờ rời khỏi cổ tay chàng điệp viên 007. Sau đó là Rolex Submariner Ref. 5513 được tài tử Roger Moore đeo trong Live and Let Die (1973) và The Man with the Golden Gun (1974); rồi Rolex Ref. 6238 xuất hiện trên tay George Lazenby trong On Her Majesty’s Secret Service (1969)…

Không chỉ trong 007 và không chỉ Rolex mới đưa đồng hồ lên màn bạc. Trong Top Gun, Tom Cruise trong vai chàng phi công bô trai liều mạng Pete “Maverick” Mitchell đã luôn đeo chiếc Porsche Design Orfina Chronograph. Chiếc đồng hồ này gây chú ý đặc biệt vì nó là chiếc đồng hồ do hãng xe thể thao nổi tiếng Porsche thiết kế.

Với Omega, họ có thể tự hào với chiếc Omega Speedmaster tham gia “diễn xuất” trong Apollo 13. Trong đời thật, Omega Speedmaster là một trong số rất ít đồng hồ được NASA chấp thuận cho du hành vũ trụ. Nó đã được phi hành gia Walter Schirra đeo trên tàu Sigma 7 vào năm 1962; và cũng được đeo trên cổ tay phi hành gia Edwin “Buzz” Aldrin khi ông đáp xuống Mặt trăng năm 1969.

Chiếc Omega trong phim James Bond 1999 ‘The World Is Not Enough’ (ảnh: Phil Walter/Getty Images)

Trong phim Apollo 13, chiếc Omega Speedmaster nằm trên cổ tay của Tom Hanks, Kevin Bacon và Bill Paxton. Omega còn có một chiếc nổi tiếng khác cũng được “vinh danh” vào lịch sử điện ảnh. Đó là chiếc Omega La Magique, trong phim Scarface, một tuyệt tác kinh điển về thời mafia còn lộng hành nước Mỹ. Những năm sau này, Omega đã loại bỏ được Rolex để trở thành thương hiệu đồng hồ hạng sang xuất hiện trong các phim 007. Từ Pierce Brosnan đến Daniel Craig; và từ Goldeneye (1995) đến Spectre (2015), Omega Seamaster vẫn một lòng một dạ chung thủy với James Bond. Trong No Time to Die (2021), chàng Bond cũng “chơi” Omega Seamaster.

Với đồng hồ kỹ thuật số, một trong những chiếc đầu tiên được lên màn bạc là Casio CA53W Twincept Databank, trong phim Back to the Future. CA53W có máy tính 8 chữ số, lịch, đồng hồ bấm giờ và báo thức. Nhiều năm sau, Casio đưa chiếc G-Shock vào Mission Impossible… Không “bình dân” như Casio mà là cực sang là chiếc TAG Heuer Link Chronograph, xuất hiện trên cổ tay điệp viên Jason Bourne. Tài tử Matt Damon (thủ vai Jason Bourne) ngoài đời thực cũng khoái TAG Heuer.

Ngày nay thì sao?

Nam diễn viên kiêm đạo diễn Fred Savage nổi tiếng là dân mê đồng hồ như điếu đổ. Do vậy, khi làm nhà sản xuất điều hành kiêm đạo diễn cho The Wonder Years (bộ phim đang được hãng ABC dựng lại từ tác phẩm cùng tên ra đời thập niên 1980 từng giành giải Emmy), Fred Savage muốn các nhân vật phải đeo đồng hồ đúng bối cảnh thập niên 1960. Thế là Fred Savage cậy nhờ đến Eric Wind, cựu chuyên gia đồng hồ cấp cao của nhà đấu giá Christie’s và hiện là nhà bán lẻ đồng hồ xịn ở Palm Beach (Florida).

Trong phim dựng lại ‘The Wonder Years’, người ta thấy diễn viên đeo một chiếc Jaeger-LeCoultre kiểu cổ (ABC)

Chuyên bán đồng hồ Rolex và Patek Philippe quý hiếm cho các nhà sưu tập tư nhân, những năm gần đây, Eric Wind bắt đầu có khách hàng mới: giới làm phim. Họ thuê đồng hồ xịn để diễn viên đeo trong các phim sang chảnh. Trong những phim mà Eric Wind cho thuê đồng hồ, có Crazy Rich AsiansThe Premise của FX… Thuê đồng hồ xịn hoặc xài đồng hồ “xịn-dỏm” là xu hướng của Hollywood. Ngân sách eo hẹp khiến giới làm phim không thể nào dám chơi bạo mua chiếc Chopard trị giá đến $50,000 chẳng hạn.

Trong khi đó, vay thật ra cũng không đơn giản. Muốn ký hợp đồng “mượn” một chiếc Rolex hoặc Audemars Piguet hàng xịn chính hãng, giới sản xuất phim phải ký một chính sách bảo hiểm rất đắt và thậm chí phải chấp nhận thuê luôn cả nhân viên bảo vệ (!), cho dù cái Rolex hoặc Audemars Piguet chỉ lướt qua vài giây trên màn bạc. Trong một số trường hợp, nhà làm phim phải thực hiện giao dịch trực tiếp với các thương hiệu và phải giới thiệu rằng đó là nhà cung cấp đồng hồ chính thức cho phim; chẳng hạn liên kết nhượng quyền thương mại giữa nhà sản xuất phim James Bond với hãng Omega.

Chiếc Richard Mille RM52-01 Skull Tourbillon dỏm trong ‘Don’t Look Up’ (Netflix)

Rách việc và nhiêu khê chứ chẳng đùa. Đó là lý do tại sao các hãng phim chấp nhận xài hàng dỏm. Điển hình nhất là Don’t Look Up của đạo diễn Adam McKay. Don’t Look Up không phải là phim duy nhất xài “hàng mã”. Trong Succession của hãng HBO, khán giả thấy một chiếc Patek Philippe cáu cạnh như thể mới khui hộp. Giá “ngoài đời” của chiếc này khoảng $15,000. Tuy nhiên, trong phim, nó là hàng giả. Có khi để tránh bị khán giả săm soi, người ta lờ tịt cảnh quay liên quan đồng hồ. Trong một tập gần đây của Succession (đang chiếu trên HBO), khi kẻ soán ngôi quyền lực của tập đoàn Kendall Roy (diễn viên Jeremy Strong) nhận được quà sinh nhật là một chiếc đồng hồ, ống kính đã không quay cận cảnh cho thấy chiếc đồng hồ hiệu gì.

Dù vậy, một số nhà làm phim, đạo diễn và thậm chí diễn viên, rất muốn “show-off” đồng hồ. Trong Crazy Rich Asians, những người làm phim muốn chuyên gia đồng hồ cao cấp Eric Wind tìm giúp “hàng độc”, “để gây ấn tượng với những người sưu tập đồng hồ” chứ không chỉ với khán giả. Eric Wind phải liên lạc với một nhà sưu tập ở Singapore đang sở hữu chiếc Rolex Daytona “Paul Newman” (một mẫu tương tự đã được bán với giá $17.8 triệu). Thế là nhà sản xuất phim phải đồng ý “trả tiền vé”, cho chuyến bay từ Singapore sang Kuala Lumpur vài ngày để chiếc đồng hồ “đóng phim” (phía thuê cũng phải chịu thêm phí bảo hiểm cắt cổ như nói ở trên).

Gần đây hơn, theo Wall Street Journal (ngày 10-1-2022), nam diễn viên Daniel Dae Kim (đóng trong The Premise của FX) cũng nhờ Eric Wind cung cấp vài chiếc đồng hồ. Wind đã đích thân bay đến New Orleans, nơi phim đang quay, mang theo bộ đồng hồ cho thuê. Trong thực tế, dân mê đồng hồ rất thích chú ý những cảnh quay có đồng hồ. Những trang web như Hodinkee hoặc Time + Tide thường bàn tán rôm rả đồng hồ gì xuất hiện trong phim nào. Craig Karger, một luật sư ở New York, lập ra hẳn trang wristenthusiast.com để xoáy vào chuyện đồng hồ trên màn bạc, chẳng hạn trong các phim Entourage, The Office hoặc loạt phim Fast and Furious. Dân mê đồng hồ rất khoái đọc những bài viết của Craig Karger.

Với các thương hiệu, việc đồng hồ của họ xuất hiện trên màn bạc hiển nhiên là một chiến thắng về mặt tiếp thị. Khi một chiếc đồng hồ được liên kết với một bộ phim, tự thân nó sẽ trở thành một câu chuyện – như nhận xét của Vivian Stauffer, Giám đốc điều hành Hamilton, hãng đồng hồ Thụy Sĩ lừng danh có đến hàng trăm sản phẩm đồng hồ từng được đeo trên tay các diễn viên màn bạc, khởi đầu từ phim Shanghai Express năm 1932 đến nay. Nếu để ý, bạn sẽ thấy Elvis Presley đeo chiếc “Ventura” của Hamilton trong phim Blue Hawaii hoặc Matt Damon đeo chiếc “BelowZero” trong phim The Martian.

ĐỌC THÊM:

Đồng hồ Richard Mille có gì đặc biệt?

Tại sao đồng hồ Rolex luôn “hot”?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: