Laurence Olivier và Vivien Leigh

CHUYỆN TÌNH NGƯỜI NỔI TIẾNG

Chàng được mệnh danh là hoàng tử của sân khấu kịch nghệ Vương quốc Anh và nàng được biết đến dưới cái tên quen thuộc hơn: Scarlett O’Hara. Mối tình giữa Olivier và Leigh là một trong những chuyện cổ tích lãng mạn nhất Hollywood thế kỷ 20. Hai người đã tự nguyện bỏ gia đình riêng để đi theo lực hút của tình yêu. Nhưng rồi sức mạnh bí hiểm nào đó đã tìm mọi cách cản trở họ, buộc hai người phải dấn bước xuống con đường thống khổ, khiến mối quan hệ của họ trở thành một trong những cuộc tình buồn bã và bi thảm nhất mà người ta từng được nghe.

Laurence Olivier và Vivien Leigh (bfi.org.uk)

Nàng

Ngày 5-11-1913, bà Ernest Hartley sinh đứa con gái đầu lòng. Ðứa bé, được đặt tên thánh là Vivian Mary, đẹp khác thường với khuôn mặt trái xoan, đôi môi nhỏ nhắn, làn da trắng ngà và cặp mắt xanh thẳm đến độ sau này đã được tôn vinh là một trong những phụ nữ đẹp nhất thế giới của mọi thời. Bố Vivian là người rất say mê kịch nghệ, từng được đánh giá là diễn viên đầy tài năng. Năm mới ba tuổi, Vivian đã được bố cho lên sàn diễn. Cùng gia đình, Vivian trải qua thời thơ ấu tại Ấn Độ nhưng khi đến bảy tuổi thì được đưa về Anh.

Quyết định giáo dục con gái theo kiểu truyền thống xưa của châu Âu, bà Ernest Hartley cho Vivian vào một trường nữ tu ở thành phố biển Dinard tại Pháp. Sau một năm hoàn thiện tiếng Pháp ở đó, Vivian được chuyển đến một tu viện khác ở San Remo để học tiếng Ý và sau đó trở lại Pháp để vào một ngôi trường ở ngoại ô Paris. Không lâu sau, nhận thấy phần lớn nữ sinh ở ngôi trường đó thích chơi hơn muốn học và sợ con mình bị ảnh hưởng, bà Hartley lại đưa Vivian sang Áo. Bất cứ nơi nào Vivian từng ở, nàng cũng tạo nên cơn sốt trong đám thanh niên vì sắc đẹp của mình…

Thỏa mãn ước mơ trở thành diễn viên của con gái, tháng 2-1932, khi Vivian 18 tuổi, bà Hartley ghi danh cho con vào Viện nghệ thuật Hoàng gia ở Luân Ðôn. Trong một buổi vũ hội ở West County, Vivian gặp luật sư trẻ Leigh Holman, 31 tuổi. Với phong cách hào hoa, tế nhị, khéo léo, Holman đã cuốn hút cô gái mới lớn Vivian ngay từ phút đầu gặp gỡ. Năm 19 tuổi, Vivian trở thành bà Leigh Holman. Từ sau khi lập gia đình, Vivian luôn bị chồng thúc ép rời bỏ trường kịch để có nhiều thời giờ hơn trông nom gia đình. Tất nhiên, Vivian không thể đồng ý. Ngày 12-10-1933, Vivian sinh đứa con gái, đặt tên là Suzanne Holman. Không hiểu sao, Vivian không cảm thấy thương con mình với tình mẫu tử thật sự. Sau này, Vivian rất hối hận vì chuyện này nhưng lúc ấy, mới 21 tuổi, nàng cảm thấy buồn chán không khí gia đình, vẫn hướng ra ngoài, với ao ước được diễn xuất một ngày nào đó.

Chàng

Lúc ấy, Laurence Olivier đã là ngôi sao lớn trên sân khấu nước Anh (đến nay vẫn được xem là nam diễn viên nổi tiếng nhất Anh quốc). Sinh ngày 22-5-1907, Olivier dành trọn tình cảm cho mẹ bởi bố quá nghiêm khắc. Nhưng dường như Olivier không muốn nghe ý mẹ đi theo con đường kịch nghệ mà thích hải quân và nghề nông hơn. Khi 16 tuổi, Olivier xin bố theo người anh trai mới lên đường tòng binh sang Ấn Ðộ nhưng bố không cho phép: “Ðừng ngu ngốc, Kim (tên thân mật của Olivier), con sẽ trở thành diễn viên”. Ðược học với người thầy nổi tiếng Elsie Fogerty, Olivier nhanh chóng trở thành ngôi sao tại Nhà hát kịch Hoàng gia ở Luân Ðôn. Cũng tại đó, chàng gặp nữ diễn viên trẻ đẹp Jill Esmond và sau đó cưới nàng năm 1930.

Laurence Olivier (bfi.org.uk)

Vivian, lúc này, vẫn đang vất vả tìm chỗ đứng. Một người bạn khuyên nàng đổi tên với đề nghị là “April Morn” nhưng Vivian không chịu cái tên kỳ dị này. Sau đó, một nhà sản xuất lại đưa ra sự thay đổi nhỏ: thay “a” bằng “e” để trở thành Vivien. Cái tên lịch sử điện ảnh Vivien Leigh ra đời. Một ngôi sao sáng sắp ló dạng. Năm 1935, Vivien xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu, tạo được ấn tượng tốt. Tháng 5 năm đó, nàng thủ vai chính trong vở The mask of virtue và lập tức nổi tiếng ngay sau đó. Xem Olivier là thần tượng, Vivien ao ước được trở thành vợ chàng. Có lần, khi được đưa về nhà lúc bốn giờ sáng sau bữa tiệc, Vivien ngồi trong taxi thấy tên của Olivier trước cửa nhà hát Whitehall… Sau đó, nàng đã khiến người bạn Beryl Sampson sửng sốt với lời tâm sự: “Ngày nào đó, tôi nhất định sẽ lập gia đình với Olivier”.

Vivien Leigh với vai Scarlett O’Hara, đóng cặp cùng Clark Gable với vai Rhett Butler, trong “Gone With the Wind” (1939) (bfi.org.uk)

Cuối cùng, chuyện đã xảy ra… Lần đó, Vivien vào tận hậu trường để chúc mừng Oivier sau buổi diễn thành công của vở Romeo and Juliet. Kinh ngạc nhưng thích thú, Olivier phản ứng với chiếc mặt nạ lịch sự trên mặt, nhưng cuối cùng cũng mời nàng dự bữa ăn trưa… Năm 1936, Vivien ký hợp đồng với nhà làm phim Alexander Korda để chuẩn bị quay bộ phim Fire over England. Biết Vivien đang yêu Olivier, Korda giao vai nam chính cho Olivier. Lúc này, hai người có dịp gặp nhau mỗi ngày. 14 tuần làm việc tại phim trường đã gắn dính hai trái tim yêu đương vụng trộm đó. Không ít lần, Olivier cảm thấy cắn rứt với gánh nặng tội lỗi trong cuộc tình lén lút, nhất là từ khi vợ chàng sinh đứa con trai Tarquin. Nhưng rồi, trong thâm tâm mỗi người đều hiểu họ không thể sống thiếu nhau.

Leigh Holman – chồng Vivien – không hề biết vợ đang ngoại tình, nhưng Jill Osmond – vợ Olivier – đã thấy rõ chuyện gì đang xảy ra. Tháng 3-1937, Korda lại giao vai chính cho Olivier và Vivien trong phim Twenty-one days, khiến hai kẻ mang tội đó không có cơ hội để cứu chuộc lỗi lầm, chấp nhận đau đớn với mũi tên của thần tình yêu đang ghim chặt trong tim. Mùa hè năm 1938, khi đang nghỉ mát ở miền Nam Pháp, Olivier và Vivien được mời đóng Wuthering Heights (Ðỉnh gió hú) do hãng Goldwyn ở Hollywood thực hiện. Vivien từ chối nhưng Olivier lại nhận vai Heathcliff và lên đường sang Mỹ tháng 11. Buồn nhớ, cuối cùng, Vivien không chịu nổi, cũng sang Mỹ vào tháng 12…

Về với cát bụi

Ðêm 10-12-1938, nhóm làm phim chuẩn bị cảnh quay đầu tiên cho bộ phim nổi tiếng nhất lịch sử điện ảnh Hollywood: Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió). Tất cả mọi chuyện đều tốt, ngoại trừ vẫn chưa tìm được nữ diễn viên thích hợp cho vai Scarlett O’Hara. Nhà sản xuất David O. Selznick đã lặn lội khắp nơi tìm O’Hara của ông suốt hai năm rưỡi và tuy rất nhiều nữ diễn viên hàng đầu cầu xin được thủ diễn nhưng David chưa vừa ý. Ðêm đó, anh trai của David – Myron – đến phim trường, mang theo người khách, vào nói: “Hãy ra gặp Scarlett O’Hara của anh này”. Ðó không ai khác hơn là Vivien Leigh. Nàng đã thủ diễn vai ấy xuất sắc đến độ nhận được tượng Oscar giải nữ diễn viên chính. Từ đó, nàng có thêm một tên mới: Scarlett O’Hara.

Không lâu sau, Korda lại giao vai Nelson và Emma trong phim Lady Hamilton cho Olivier và Vivien. Khi ấy, cả Leigh và Jill đã đồng ý tiến hành thủ tục ly dị. Vào lúc 0g1 phút, tại nhà người bạn ở Santa Barbara, Olivier và Vivien tổ chức lễ cưới. Sau đó không lâu, tình hình sức khỏe Vivien trở nên tồi tệ. Tháng 7-1942, Vivien mang thai nhưng vẫn thực hiện cảnh quay cho bộ phim Caesar and Cleopatra đóng với Claude Rains. Sáu tuần sau, nàng lại bị bệnh nặng và sẩy thai. Thời gian sau đó, tính khí Vivien trở nên cáu bẳn, giọng nói thay đổi và thái độ nàng khiến Olivier cũng phải kinh ngạc. Có lần, nàng bị kích động dữ dội và làm nhiều cử chỉ điên rồ mà khi tỉnh lại chẳng nhớ gì… Sụt ký ở mức đáng lo ngại, ho ngày càng nhiều, cuối cùng, nàng được phát hiện thêm rằng đã mắc bệnh lao phổi trầm trọng. Nhưng thật đáng khâm phục, Vivien vẫn gượng xuất hiện trên sàn diễn và trước ống kính quay phim. Nỗ lực đó đã đem về cho nàng tượng Oscar thứ hai giải nữ diễn viên chính xuất sắc trong phim A streetcar named Desire (Chuyến tàu mang tên Dục vọng) vào năm 1951.

Căn bệnh và tính khí thất thường của Vivien khiến Olivier trở nên chán chường. Năm 1958, hai người sống gần như cách biệt nhau hoàn toàn. Ngày 19-5-1960, sau khi nhận được lá thư dài của chồng, Vivien tuyên bố với giới báo chí quan hệ giữa nàng và Olivier đã cắt đứt. Olivier sống với người tình mới Joan Plowright – một nữ diễn viên trẻ. Và Vivien cũng ở với nam diễn viên Jack Merivale. Ðầu mùa hè 1967, bệnh tình Vivien trở nên hết sức nguy kịch… Ðêm 7-7-1967, Jack Merivale vội vã trở về nhà sau đêm diễn vì lo cho sức khỏe Vivien. An tâm khi thấy vợ ngủ bình thản, Jack quay ra khỏi phòng nhưng lúc trở lại 15 phút sau thì thấy Vivien nằm úp mặt xuống sàn, người lạnh cứng. Hẳn trước đó, Vivien đã té khỏi giường, khiến chất dịch ngập kín hai lá phổi làm nàng không thở được… Cả Luân Ðôn và Hollywood cùng tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể cho Vivien. Ở tuổi 53, người đẹp Vivien Leigh-Scarlett O’Hara đã theo chiều gió vĩnh viễn trở về với cát bụi…

Lược thuật từ Hollywood love stories của Robyn Karney

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: