Tại sao Quả Cầu Vàng ngày càng “mất thiêng”?

Quả Cầu Vàng ngày càng hoen ố (ảnh: Frazer Harrison/Getty Images)

Giải điện ảnh Quả Cầu Vàng do Hiệp hội báo chí nước ngoài Hollywood thành lập từng được xem là “dự báo cho giải Oscar” nhưng những năm gần đây bị phê phán là “một mớ hỗn độn cũ kỹ” với số khán giả theo dõi trong đêm trao giải ngày càng giảm. Năm nay tình hình còn tệ hơn…

Sau nhiều cân nhắc việc nên phát trực tuyến hoặc lên sóng truyền hình đêm trao giải Quả Cầu Vàng 2022, Hiệp hội báo chí nước ngoài Hollywood (Hollywood Foreign Press Association – HFPA) đã đưa ra một lựa chọn: hoàn toàn không phát phiếc gì hết! Những chiến thắng được công bố tại một “buổi lễ” phát trên mạng xã hội Instagram, Twitter mà không có sự hiện diện của người nổi tiếng nào, không có bài phát biểu nào, không có khán giả lẫn thảm đỏ dù buổi lễ vẫn được tổ chức tại khách sạn Beverly Hilton.

Đêm trao giải vào Chủ nhật 9 Tháng Một chỉ có sự tham dự của một số thành viên HFPA được chọn và những nhà tài trợ. Các hãng phim cũng không chính thức gửi tựa phim tranh giải mà thành viên HFPA tự chọn các đề cử và kết quả cuối cùng. Golden Globes từng là cơ hội để chứng kiến ​​những người nổi tiếng xúng xính váy áo “thả rông” và chọc ghẹo nhau nay đã “thoái hoá” thành các bản tin nhỏ lọt thỏm trên mạng xã hội. Đêm trao Quả Cầu Vàng vừa qua phải nói là rất thảm. Lý do, hầu hết người có máu mặt và ngôi sao Hollywood đều xa lánh HFPA sau khi tờ Los Angeles Times đăng một bài viết “công phá” (vào ngày 21 Tháng Hai 2021) về các hoạt động đáng ngờ của tổ chức 87 thành viên này và các câu hỏi đạo đức khác liên quan đến minh bạch tài chính.

Lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2022 được tổ chức đơn giản giữa những ồn ào tai tiếng; Beverly Hills, California; ngày 9 Tháng Một 2022 (ảnh: Emma McIntyre/Getty Images)

Trong quá khứ, HFPA và sức hút báo chí Quả Cầu Vàng chưa bao giờ được như Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (Academy of Motion Picture Arts and Sciences-AMPAS), tổ chức gồm hơn 8,000 thành viên có tư cách chuyên môn bình chọn cho các hạng mục của giải. Tuy nhiên, chương trình truyền hình các đêm trao Quả Cầu Vàng trước đây vẫn được theo dõi và là cơ hội quảng bá cho hãng phim lẫn người nổi tiếng. Khán giả xem Globes nhìn chung vẫn ổn định ở mức 18-20 triệu lượt người, ăn đứt chương trình giải Emmy và chỉ thua Oscar.

Hợp đồng HFPA với NBC đã tăng những năm gần đây. Năm tài chính 2020, HFPA đã thu được đến $27.4 triệu từ NBC, so với $3.64 triệu trong năm tài chính 2016-2017, theo hồ sơ điều tra của Los Angeles Times. Tuy nhiên, các nhân vật lớn của kỹ nghệ điện ảnh, từ giới quan hệ công chúng đầy quyền lực đến chủ hãng phim, đều xem bài viết trên tờ Los Angeles Times là “nhát dao cuối cùng” kết thúc số phận Quả Cầu Vàng. Kênh truyền hình NBC phải thông báo chính thức vào Tháng Năm là sẽ không phát sóng Golden Globes 2022, và nhấn mạnh “sự thay đổi ở mức độ mà HFPA phải làm là cần cả thời gian lẫn nỗ lực, vì vậy chúng tôi muốn cho HFPA thêm thời gian để làm điều đúng đắn”.

Vào thời hoàng kim, Quả Cầu Vàng luôn được đón xem và giá trị của nó gần như tương đương Oscar – trong ảnh là tài tử Michelle Pfeiffer (giành giải Nữ diễn viên xuất sắc với “The Fabulous Baker Boys”) và Tom Cruise (giành giải Nam diễn viên xuất sắc với “Born on the Fourth of July”); Beverly Hills, California, ngày 20 Tháng Một 1990 (Getty Images)

Phải nói là những gì tiết lộ từ Los Angeles Times đã cho thấy một diện mạo rất ê chề của HFPA. Năm 1999, các thành viên HFPA buộc phải trả lại 82 đồng hồ Coach trị giá hơn $400/chiếc được hãng USA Films tặng cho họ như một phần của chiến dịch vận động hậu trường cho diễn viên Sharon Stone trong phim The Muse (lần đó, Sharon Stone được đề cử Quả Cầu Vàng lần thứ tư nhưng không trúng giải)…

Năm 2019, hơn 30 thành viên HFPA bay đến Pháp để thăm phim trường của series Emily in Paris (hiện chiếu trên Netflix). Họ đã được Paramount Network tiếp đãi hậu hĩ, với hai đêm trong khách sạn năm sao Peninsula Paris, nơi phòng có giá khoảng $1,400/đêm; được đãi ăn trưa tại Musée des Arts Forains, một bảo tàng tư nhân… Cuối cùng, khi Emily in Paris ra mắt, series nhảm nhí này – như nhận định của nhiều người mê phim ảnh – đã nhận được hai đề cử Quả Cầu Vàng trong đó giải Series phim hài truyền hình hay nhất. Cũng theo Los Angeles Times, Tháng Một 2021, mỗi người trong 20 thành viên HFPA đã được lót tay $3,465 để duyệt phim nước ngoài. Tóm lại, cái gọi là “văn hóa phong bì” đã trở thành điều “bình thường” đằng sau cánh cửa HFPA.

Trước áp lực dư luận, HFPA đã thuê giám đốc điều hành đầu tiên “đa chủng tộc, giới tính”; đồng thời thông qua các quy tắc mới cấm các thành viên nhận quà tặng hoặc ưu đãi của studio. Họ cũng chọn nhà báo người Đức Helen Hoehne làm tân chủ tịch và thêm 21 thành viên với 29% là Da đen. Một đại diện HFPA nói với The Washington Post: “Trọng tâm chính của hội trong năm 2022 là hoạt động từ thiện”. Một bản tin được phát hành sau đêm trao giải cho biết trong 25 năm qua, HFPA đã quyên góp được hơn $50 triệu cho các tổ chức từ thiện liên quan công nghiệp giải trí và các chương trình học bổng.

Tuy nhiên, dường như đã quá muộn. Quả Cầu Vàng không bao giờ có thể lấy lại sự lóng lánh hào nhoáng như lịch sử đã từng của nó.

O Yeong-su trong “Squid Game” được trao giải ‘Nam diễn viên phụ trong phim truyền hình’ (ảnh: Emma McIntyre/Getty Images)

Một số giải chính Golden Globes 2022 (công bố ngày 9 Tháng Một 2022)

– Phim hay nhất (thể loại bi): “The Power of the Dog”

– Phim hay nhất (thể loại nhạc kịch hoặc hài): “West Side Story”

– Đạo diễn xuất sắc nhất: Jane Campion, “The Power of the Dog”

– Nữ diễn viên xuất sắc nhất (thể loại bi): Nicole Kidman, “Being the Ricardos”

– Nữ diễn viên xuất sắc nhất (thể loại hài/nhạc kịch): Rachel Zegler, “West Side Story”

– Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (thể loại bất kỳ): Ariana DeBose, “West Side Story”

– Nam diễn viên xuất sắc nhất (thể loại bi): Will Smith, “King Richard”

– Nam diễn viên xuất sắc nhất (thể loại hài/nhạc kịch): Andrew Garfield, “Tick, Tick … Boom!”

– Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (thể loại bất kỳ): Kodi Smit-McPhee, “The Power of the Dog”

– Kịch bản: Kenneth Branagh, “Belfast”

– Nhạc nền: Hans Zimmer, “Dune”

– Ca khúc: Billie Eilish, “No Time to Die”

– Phim hoạt hình: “Encanto”

– Phim không sử dụng tiếng Anh (Non-English Language): “Drive My Car” (Nhật)

– Phim truyền hình nhiều tập (thể loại bi): “Succession”

– Phim truyền hình nhiều tập (thể loại hài): “Hacks”

– Nữ diễn viên trong phim truyền hình nhiều tập (thể loại bi): Michaela Jaé Rodriguez, “Pose”

– Nam diễn viên trong phim truyền hình nhiều tập (thể loại bi): Jeremy Strong, “Succession”

– Nữ diễn viên trong phim truyền hình nhiều tập (thể loại hài/nhạc kịch): Jean Smart, “Hacks”

– Nữ diễn viên phụ trong phim truyền hình: Sarah Snook, “Succession”

– Nam diễn viên phụ trong phim truyền hình: O Yeong-su, “Squid Game”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: