Vì sao Hollywood “có tật” kể đi kể lại một câu chuyện?

Hollywood có vô số trường hợp trùng đề tài. Tại sao chuyện này xảy ra. Có phải đạo diễn sau muốn nói với đạo diễn trước rằng, “phim của anh làm chưa tới, coi phim của tôi đây”? Chưa hẳn vậy…

Loạt studio đang chạy mua kịch bản về sự kiện GameStop đang làm nhốn nháo Wall Street có thể được xem là “phản ứng tự nhiên” của Hollywood trước một sự kiện lớn. Netflix và MGM đang tiên phong trong việc thực hiện đề tài này, với việc mua bản quyền quyển sách sắp ra mắt của Ben Mezrich. Dù có khả năng Netflix sẽ phát hành trước nhưng điều đó không có nghĩa phim của họ hay nhất, trong khi một số hãng khác tiếp tục đầu tư cùng đề tài.

Lịch sử Hollywood có vô số trường hợp tương tự. Giới bình luận gọi đó là “phim song sinh” (twin film). Ví dụ, sau vụ đánh bom kinh hoàng tại cuộc thi marathon ở Boston năm 2013, Hollywood tung ra Patriots Day rồi Stronger. Đến sự kiện giải cứu 12 đứa trẻ Thái Lan và huấn luyện viên bóng đá năm 2018, The Cave (2019) ra đời.

Tuy nhiên, đề tài này lại sắp được thể hiện với phiên bản mới do đạo diễn lừng lẫy Ron Howard thực hiện. Liên quan đề tài nước Anh trong bối cảnh lịch sử Thế chiến thứ hai, người ta có bộ phim của đạo diễn Brian Cox nói về Thủ tướng Churchill. Phim này xuất hiện chỉ vài tháng trước khi Darkest Hour ra mắt, mang lại Oscar cho Gary Oldman (2017).

Phim “song sinh” (thậm chí “sinh ba”, “sinh bốn”…) là hiện tượng lâu đời của lịch sử Hollywood. Jezebel (1938) được thực hiện ở thời mà người ta đang mong chờ sự ra mắt của Gone With the Wind (phát hành vào năm sau). Cả hai phim đều nói về một “người đẹp miền Nam” trong bối cảnh trước khi xảy ra Nội chiến Hoa Kỳ. Dù Jezebel không gây được tiếng vang như Gone With the Wind nhưng nó vẫn thành công đáng kể, mang về cho Bette Davis giải Oscar hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Những năm gần đây đã chứng kiến ​​hiện tượng tăng ào ạt cách làm phim “twin”. Ví dụ kinh điển là cuộc so tài giữa Armageddon của đạo diễn Michael Bay với Deep Impact của Mimi Leder, trong cuộc cạnh tranh giữa Disney và Paramount. Bruce Joel Rubin, đồng biên kịch của Deep Impact, kể rằng trước khi Disney thông qua kịch bản, có cuộc họp với sự góp mặt của một giám đốc điều hành, khi họ đề cập và thảo luận gay gắt về khả năng có “chôm” đề tài hay không.

Cuối cùng, chủ tịch Disney, Joe Roth, quyết định đầu tư 3 triệu USD để tăng hiệu ứng đặc biệt cho Armageddon nhằm có thể tạo ra sự khác biệt với phim của đối thủ. Được phát hành chỉ cách nhau một tháng vào mùa hè năm 1998, tác phẩm của Mimi Leder thu về hơn 300 triệu USD tính toàn cầu, trong khi bom tấn Armageddon của đạo diễn Michael Bay thu về hơn 550 triệu USD.

Trường hợp này khiến người ta nhớ lại hồi năm 1997, có hai phim cùng nói về thảm họa núi lửa, phát hành gần như cùng lúc: Dante’s Peak, với sự tham gia của diễn viên Pierce Brosnan, có mặt hai tháng trước Volcano. Tương tự, chưa đầy một tuần trước khi 1917 của Sam Mendes ra rạp ở Anh, các kệ hàng siêu thị đã tràn ngập đĩa phim The Trench; rồi sau đó còn có War Above the Trenches…

Gần đây hơn, khán giả có dịp xem Olympus Has Fallen (2013), với mật vụ Gerard Butler giải cứu Tổng thống Aaron Eckhart khỏi tay bọn khủng bố. Vài tháng sau, White House Down chứng kiến ​​Channing Tatum bảo vệ Jamie Foxx khỏi mối đe dọa tương tự. Đề tài khủng bố Tòa Bạch Ốc dường như chưa cạn.

Dù đạt doanh thu không cao (chưa đến 200 triệu USD tính toàn cầu), mật vụ Gerard Butler có thể tái xuất giang hồ để trở lại cho phần thứ tư Night Has Fallen sắp được thực hiện. Vấn đề là tại sao Hollywood làm trùng đề tài? Cạn ý tưởng kịch bản là một chuyện. Điều lớn hơn là chôm ý tưởng. Cách đây hơn 70 năm, nhà phê bình nghệ thuật lừng danh Dorothy Parker đã nói: plagiarism (đạo ý tưởng) là thứ “ism” mà Hollywood tin.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: