Có tiếng ‘Hò, xự, xang, xê, cống’ nơi vùng Đông Bắc nước Mỹ

Nhóm Cổ Nhạc Quê Hương. (Hình: Cát Linh)

CÁT LINH

Trái với vẻ ngoài yên lặng của khu xóm “rặt Mỹ” vào chiều tối, là tiếng đàn và lời ca vọng cổ ngọt ngào bên trong căn nhà nhỏ của một nhóm người gốc Việt ở Springfield, Virginia.

Hôm đó là ngày họp nhóm, cũng là một buổi tập tuồng hằng tuần của nhóm Cổ Nhạc Quê Hương.

Giữ gìn văn hóa dân tộc

Vừa dứt phần đệm đàn cho một bài vọng cổ, anh Tùng Nguyễn, “thầy đờn” chính, linh hồn của nhóm, nở nụ cười ngọt như bài ngũ cung: “Xa quê hương, cuối tuần là anh em tụ họp lại ca hát, vừa giải trí, vừa thỏa nỗi nhớ nhà, vừa giữ cho cải lương không bị quên lãng.”

Anh nói về cơ duyên đưa mình với cải lương gần 50 năm nay: “Ông già tôi ngày xưa ở Việt Nam là kép hát. Thầy đờn hồi xưa rất là khó. Kép hát rất sợ thầy đờn. Chắc vì vậy mà ông già ‘tức tức’ cho con đi học đờn. Cho nên bảy tuổi là tôi đi học đờn, chín tuổi là tôi bắt đầu đờn cải lương.”

Anh Tùng Nguyễn, “thầy đờn” chính, linh hồn của nhóm. (Hình: Cát Linh)

Ông Lĩnh, một thành viên của Cổ Nhạc Quê Hương, nói về ý nghĩa ra đời nhóm: “Nghệ thuật cải lương xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam có gần trăm năm. Khi mấy anh em đi qua xứ người cũng muốn duy trì nền văn hóa dân tộc Việt Nam nên mọi người lập nhóm để hát với nhau khi xa xứ. Còn nghe cải lương, còn nghe điệu lý câu hò thì mình còn nhớ dân tộc của mình.”

Tài liệu nghiên cứu của Giáo Sư Ngô Thị Phương Lan có nói về quyển “Hồi Ký 50 Năm Mê Hát,” học giả Vương Hồng Sển, trong đó cho rằng cải lương chính thức đến với công chúng Nam Bộ vào ngày 16-11-1918, khi vở “Gia Long Tẩu Quốc” được trình diễn tại Nhà Hát Tây Sài Gòn. Dấu mốc lịch sử này được xem như ngày ra đời của nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Từ đó đến nay cải lương đã trải qua 100 năm lịch sử và đã trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ.

Do đó, có thể thấy ý nghĩa của cổ nhạc với người Việt Nam là một giá trị văn hóa có bề dày lịch sử rất lớn. Theo ông Lĩnh, những bài vọng cổ khi hát lên thường nói về những tích lịch sử của Việt Nam. Điệu lý câu hò thì nói về tình anh em, gia đình thôn quê, tình mẹ tình cha, mối thâm tình thiêng liêng.

“Âm nhạc miền Nam nói chung từ Sài Gòn đến Cà Mau là ai cũng biết về cải lương. Hằng tuần người dân miền Tây đều được xem cải lương trên truyền hình. Do đó, những điệu lý câu hò ăn sâu trong tiềm thức của mình. Khi qua đây, chúng tôi muốn giữ lại nền văn hóa dân tộc của mình,” ông Lĩnh nói.

Ông Trương Cảnh, người vừa hoàn tất phần tập tuồng “Tô Ánh Nguyệt” với vai ông Minh nặng tình nhưng không bước qua được gia phong lễ giáo, tâm sự: “Tôi đến với cải lương từ khi tôi còn nhỏ. Nhưng chỉ là học rồi ca chơi vui. Khi tôi qua đến Mỹ, tôi thấy vọng cổ ở xứ Mỹ này đang mai một. Nó không như bên Việt Nam ngày xưa, nơi nào cũng có rạp hát cải lương. Khi gặp được Tùng, mọi người cùng chung với nhau giữ cái lửa, giữ nền cổ nhạc không bị mai một, ít nhất là ở đây.”

Hai thành viên của nhóm Cổ Nhạc Quê Hương tập trích đoạn cải lương Tô Ánh Nguyệt. (Hình: Cát Linh)

Những người trẻ yêu cải lương

Đối với ông Cảnh, nghệ thuật là đam mê. Giữ gìn nghệ thuật là sứ mệnh. Người thực hiện sứ mệnh đó không ai khác hơn là dân tộc của quốc gia đó, từ thế hệ này đến thế hệ khác.

“Nhóm Cổ Nhạc Quê Hương có những em còn rất trẻ, thậm chí nói tiếng Việt không rành, nhưng các em rất yêu cải lương, các em tự nguyện tham gia. Đó là sự đam mê của các em. Cá nhân tôi rất kính nể các bạn trẻ này,” ông Cảnh tâm sự.

Đặng Vương, chàng trai trẻ ngồi bên cạnh cười bẽn lẽn khi nghe những lời khen ngợi từ cô chú, anh chị trong nhóm, nói: “Cơ duyên duy nhất đến với cổ nhạc là em có một niềm đam mê với những cái gì đó rất truyền thống. Được biết cổ nhạc là một trong những tinh túy mà người miền Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung rất yêu mến. Em cũng may mắn là xuất thân từ một gia đình có truyền thống rất mê cải lương. Mặc dù em không biết nhiều nhưng em nghĩ đam mê nó nằm trong máu nên khi biết nhóm Cổ Nhạc Quê Hương thì em nghĩ là cái duyên đến.”

Tiếp lời, cô gái nhỏ bé ngồi cạnh cho biết cô tên Châu, đến Mỹ mới bốn năm thôi. Cô nói rằng với cô thì không có cơ duyên nào cả, vì “sinh ra là đã yêu cải lương.”

“5, 6 tuổi thôi mà khi nghe trên tivi là thấy nó thấm vào người. Lúc nhỏ em không hiểu nhiều, không nghiên cứu sâu thì chỉ thích nghe thôi. Khi lớn hơn một chút, khoảng 18, 19 tuổi, tự ý thức, biết chọn những cái mình coi thì em bắt đầu nghiên cứu thêm thì em biết nền cổ nhạc rất đa dạng và phong phú. Cổ nhạc bài bản, bản vắn, điệu lý, mỗi tuồng khác nhau, nhanh, chậm. Lời ca tác giả viết đi sâu vào lòng người,” cô tâm sự.

Cô gái này còn nói thêm, cô rất sợ nếu sau này không còn những người nghệ sĩ cải lương gạo cội nữa thì rất khó để duy trì nền cổ nhạc, vì: “Sau này mọi người chỉ thích nghe những gì vui, bắt tai.”

Một người “ngoại đạo” hoàn toàn với cải lương, cô Hà Vân, cô xuất thân từ tân nhạc, nhưng trót lỡ một lần hát thử câu hò câu lý, từ đó mà nặng tình với đờn ca tài tử. Cô nói:“Tôi rất vui khi các em chịu bỏ thời giờ ra để tiếp tục học hỏi, vì học cổ nhạc rất khó chứ không dễ như tân nhạc. Để hát một bài cổ nhạc phải mất rất nhiều thời gian. Khi diễn thì có khi lại quên lời, những cái đó không phải dễ dàng. Còn diễn thì nhiều khi diễn vai buồn, mình phải nghĩ mình ở trong tình cảnh đó để rơi nước mắt, để khán giả hiểu cái vai mình đáng đóng.”

Với cô Hà Vân, cải lương với cuộc đời là một. Người soạn giả viết ra những câu chuyện đó là họ muốn đem những sự thật của cuộc đời đem lên sân khấu để mọi người nhìn thấy.

Cuộc sống ở Mỹ là cuộc sống chạy đua với thời gian, vật lộn với cơm áo gạo tiền. Nếu không có đam mê, rất khó để mọi người cùng hướng đến và xây dựng một hoạt động nghệ thuật vô vụ lợi như Cổ Nhạc Quê Hương.

Chị Ngọc Bích hát bài vọng cổ với phần đệm đàn của anh Tùng Nguyễn. (Hình: Cát Linh)

Chị Ngọc Bích, giọng ca nữ chính của nhóm nói về những ngày tất tả dung hòa giữa công việc và cải lương: “Những ngày có chương trình nào đó lúc 7 giờ,  là 4 hoặc 5 giờ phải lo chạy ra khỏi chỗ làm để về chuẩn bị. Tôi và nhóm muốn cống hiến cho bà con cùng giữ gìn nền cổ nhạc của mình.”

Thấm thoắt 45 năm người Việt Nam rời bỏ quê hương, chấp nhận đánh cược với số mạng trên đường trốn chạy một chế độ, tìm đến bến bờ tự do. Trên con đường trốn chạy đó, có lẽ cải lương là một trong những hành trang thuộc về quốc hồn quốc túy mà họ nặng gánh mang theo đến xứ người. Hành trang đó được những người đến sau có sứ mệnh giữ gìn và lan tỏa. Sứ mệnh này, dù chỉ mới trong một phạm vi bé nhỏ, nhưng nhóm Cổ Nhạc Quê Hương đang và sẽ làm bằng tất cả lòng đam mê lẫn tôn kính.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: