Cõi “chành ra ba góc, da còn thiếu” của Hồ Xuân Hương

Thân em như quả mít trên cây/ Da nó xù xì, múi nó dầy/ Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó, nhựa ra tay...
Share:
Một bức Hồ Xuân Hương trong cuộc triển lãm mỹ thuật có tên “Cõi Hồ Xuân Hương” được đánh giá là quá dung tục (VietnamNet)

Một cuộc triển lãm mỹ thuật có tên “Cõi Hồ Xuân Hương” được tổ chức tại Hà Nội những ngày cuối Tháng Bảy 2022, trong đó có một số bức bị Hội Mỹ thuật Việt Nam yêu cầu gỡ với lý do quá dung tục và bôi bác…

Đó là 25 tác phẩm của hai họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Nghiêm Nhan, được trưng bày trong cuộc triển lãm dự kiến từ ngày 20 đến 29 Tháng Bảy 2022. Tuy nhiên chỉ ba ngày sau khi ra mắt và gặp phản ứng gay gắt, một số bức tranh bị Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam gỡ khỏi triển lãm; và cuối cùng hai họa sĩ trên quyết định đóng triển lãm. Hai họa sĩ này đã mất hai năm chuẩn bị, dự định mang bộ tranh đi Nghệ An triển lãm nhân sự kiện 200 năm ngày mất Hồ Xuân Hương.

Trước khi cuộc triển lãm được khai mạc, ông Nguyễn Nghiêm Nhan nói với báo chí rằng ông muốn tạo hình một Hồ Xuân Hương bay bổng, một “Hồ Xuân Hương bay lượn trên sóng Tây Hồ” hay “Hồ Xuân Hương với bồng bềnh sen Tây Hồ” “đan xen giữa không gian thực và mơ”. Ông Nguyễn Nghiêm Nhan nói rằng, qua những bức tranh của mình về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, ông muốn diễn tả cõi mơ của Hồ Xuân Hương, là nỗi lòng tự sự của nữ sĩ, là sự cô đơn rỗng lòng, là ôm ấp hoài niệm bốn mùa đi qua, là cá tính mạnh mẽ – vì 200 năm sau ngày bà Hồ Xuân Hương mất, cá tính ấy của bà vẫn còn “thấp thoáng đâu đây” với những nữ sĩ ngày nay… Trong khi đó, tranh của Nguyễn Quốc Thắng được giới thiệu là lấy cảm hứng từ thơ của Hồ Xuân Hương, “thể hiện hình ảnh nữ sĩ khao khát tình yêu”.

Một số bức tranh trong cuộc triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” được cho là quá dung tục (ảnh: VietnamNet)

Với nhiều ý kiến đánh giá, hình ảnh bà Hồ Xuân Hương trong tranh của hai họa sĩ trên là quá dung tục. Một số bức nét vẽ như bôi màu, nguệch ngoạc không có giá trị thẩm mỹ. Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nói rằng thơ của Hồ Xuân Hương vừa tục vừa thanh, nhưng khi chuyển sang ngôn ngữ tạo hình của hội họa thì cần cẩn trọng. “Bùi Xuân Phái cũng vẽ Hồ Xuân Hương táo bạo những cách tạo hình của bậc thầy làm duyên thêm cho Hồ Xuân Hương, tạo nên cảm xúc rất thanh thoát” – ông Lương Xuân Đoàn nói.

Nhân vụ này, nhiều người đã tìm lại bộ ảnh của họa sĩ Bùi Xuân Phái ký họa Hồ Xuân Hương. Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai ông Bùi Xuân Phái, nói: “Bộ tranh nude cuối đời của cha tôi cũng tương tự bộ tranh nude cuối đời của danh họa Picasso, đã gây bất ngờ cho giới hội họa. Điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt được cái đẹp, cái hay của tranh nude nghệ thuật và loại tranh khỏa thân kiểu phàm tục. Nó cũng giống nhiều người thấy bất ngờ, choáng váng khi gặp trong một số đền đài Ấn Độ”. Bộ tranh Hồ Xuân Hương được danh họa Bùi Xuân Phái vẽ theo ý thơ của nữ sĩ, được thực hiện trong giai đoạn 1982-1986.

Hồ Xuân Hương (1772-1822) được mệnh danh “Bà chúa thơ Nôm”. Sáng tác của bà gắn liền phong cách đố tục giảng thanh, với những ẩn dụ cực kỳ táo bạo về tình dục. Cho đến nay, lai lịch của Bà chúa thơ Nôm vẫn chưa được rõ. Các tài liệu nghiên cứu cho biết, bà sống ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Bà được hậu thế biết đến qua quyển Giai nhân di mặc (佳人遺墨) của học giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến ấn hành tại Hà Nội năm 1916.

Giới nghiên cứu cho rằng bà Hồ Xuân Hương sinh năm 1772. Nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng John Balaban cho rằng bà sinh tại phường Khán Xuân (nay thuộc khu vực Bách Thảo Viên Hà Nội). Theo Giai nhân di mặc, Hồ Xuân Hương là ái nữ của Sinh đồ Hồ Phi Diễn ở hương Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Còn theo ông Trần Thanh Mại, thân phụ của Hồ Xuân Hương là ông Hồ Sĩ Danh, cũng là người Quỳnh Đôi. Bà Hồ Xuân Hương được cho là mất vào năm 1872. Tháng Mười Một 2021, UNESCO công nhận Hồ Xuân Hương là danh nhân văn hóa thế giới.

Văn bản được nhận diện cổ nhất có chép thơ Hồ Xuân Hương là Quốc văn tùng ký (國文話記) do Hải Châu Tử Nguyễn Văn San (1808-1883) soạn năm Minh Mệnh thứ 14 (1834). Hầu hết di cảo của Hồ Xuân Hương được gom trong cuốn Xuân Hương thi tập (春香詩集) do nhà Phúc Văn Đường tàng bản ấn hành tại Hà Nội năm 1930.

Một số ký họa Hồ Xuân Hương của Bùi Xuân Phái (kienthuc)

Cuộc đời tình ái của bà Hồ Xuân Hương được thuật lại với vô số giai thoại hư hư thực thực. Theo Giai nhân di mặc, khi còn trẻ, bà bị ép gả làm lẽ cho một hào phú có biệt hiệu là Tổng Cóc. Sách viết: “Tổng Cóc (vốn là cường hào) đã dốt nát lại có tính ăn chơi bạt mạng, sau mỗi lần đánh bạc thua nhẵn túi, gia sản khánh kiệt đã tiếc của mà chết. Xuân Hương bèn làm bài thơ nổi tiếng Khóc Tổng Cóc với lời lẽ trào phúng”.

Tuy được chồng chiều chuộng nhưng Hồ Xuân Hương mâu thuẫn với vợ cả cũng như với gia đình Tổng Cóc nên sau đó bà bỏ ra đi và sau này trở thành vợ lẽ của quan tri phủ Vĩnh Tường – ông Phạm Viết Ngạn. Các giai thoại mờ mờ ảo ảo còn cho rằng bà quen biết nhiều văn nhân tài tử và cặp kè với những nhân vật nổi tiếng cùng thời chẳng hạn Nguyễn Hầu, Trần Hầu, Trần Quang Tĩnh, Tốn Phong, Thạch Đình, Cự Đình… và thậm chí cả Nguyễn Du.

Thơ của bà rất… “sốc” – nói theo ngôn ngữ ngày nay. Ví dụ, vịnh cái quạt, bà viết: “chành ra ba góc, da còn thiếu/ khép lại đôi bên, thịt vẫn thừa”;

Khi tả cái đèo, bà viết: “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu”, “Hiền nhân quân tử ai là chẳng/ Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo” (Đèo Ba Dội).

Trong bài Quả mít, bà miêu tả: “Thân em như quả mít trên cây/ Da nó xù xì, múi nó dầy/ Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mân mó, nhựa ra tay”.

Trong bài Thiếu nữ ngủ ngày, bà viết: “Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/ Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên nước chửa thông/ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: