Đầu năm đi lễ chùa

Minh họa: Tran Ngoc Tan/Unsplash
Share:

Ngày xuân đi chùa, lễ Phật là một phong tục đẹp nhằm nâng cao tâm hồn con người và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ Phật ngày xuân còn để cảm nhận cái Chân-Thiện-Mỹ, khơi dậy tính Thiện, cảm nhận cái đẹp của cảnh xuân, cảnh chùa, hầu trở về bản tính thiện lương của con người. Đạo Phật và chùa chiền khắp thế giới nơi nào cũng có. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia thờ Phật, xây đền, chùa thường theo một kiến trúc na ná nhau nhưng dân tộc nào cũng có pha trộn những nét đặc thù riêng. Xin giới thiệu đến độc giả những ngôi chùa nổi tiếng vòng quanh thế giới trên cung đường tôi đã đi qua, chụp hình và ghi chép lại.

Chùa Chureito tại khu Phú Sĩ Ngũ Hồ, Nhật Bản

Ảnh: Tommy Silver/Unsplash

Chùa nổi tiếng đẹp nhờ trồng rất nhiều hoa Anh Đào và vị thế của chùa rất cao, lên đây có thể ngắm cảnh núi Phú Sĩ với mây trắng lượn vòng. Muốn đến đây bạn có thể đi bằng Bullet Train và xe điện ngầm để đến khu Phú Sĩ Ngũ Hồ (Fuji Five Lakes). Chùa Chureito có năm tầng nằm trên đỉnh đồi cao nhìn ra thành phố Fujiyoshida và núi Phú Sĩ (Fuji). Chùa cũng là một phần của đền Sengen Arakura đã được xây dựng như một đài tưởng niệm hòa bình vào năm 1963. Từ dưới muốn lên tận đỉnh để ngắm hoa đào và núi Phú Sĩ cùng Bảo Tháp phải leo 400 bậc thang. Nơi này bạn có thể nhìn ra hồ Kawaguchiko, một trong năm hồ của vùng núi Phú Sĩ.

__________

Chùa Bạc Wat Srisuphan

Ảnh: Peter Borter/Unsplash

Khu phố cổ Wualai ở phía Nam thành phố Chiang Mai là nơi có nhiều cửa hàng bạc nằm rải rác khắp đường phố. Điều hấp dẫn khách du lịch khi đến đây chính là ngôi chùa kỳ lạ nhất miền Bắc Thái Lan, nằm trên một con đường nhỏ bên ngoài phố Wualai. Chùa được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1501, dưới thời vua Mengrai và có tên là Wat Srisuphan Aram. Sau đó, ngôi chùa được trùng tu, thay đổi thiết kế vài lần. Lần tu sửa gần đây nhất của chùa vào năm 2004, dưới sự chỉ đạo của sư trụ trì Phra Kru Phithatsuthikhun. Thay vì dùng những kỹ thuật tiêu chuẩn, sư trụ trì đã sử dụng kỹ thuật và kiến thức của những người thợ bạc địa phương. Điều này thể hiện rõ nhất ở khu chính điện bên trong chùa. Kết quả đã tạo ra một ngôi chùa bạc lung linh trong ánh nắng mặt trời với kiến trúc rất tinh xảo, phức tạp. Hầu hết bức tượng Phật ở đây đều được làm bằng hợp kim bạc. Một điều đáng lưu ý là phụ nữ không được vào khu chính điện của chùa. Và theo tín ngưỡng bên đạo Phật thì phụ nữ không được chạm vào các nhà sư, tu sĩ.

__________

Đền Thatbyinnyu, Bagan, Myanmar

Ảnh: Peter Borter/Unsplash

Ngôi chùa Thatbyinnyu Temple, cao nhất Bagan, được ra đời từ khoảng thế kỷ 12 trước Công nguyên. Người cho xây ngôi đền này là vua Alaungsithu. Ông chính là cháu nội của vị vua, người cho xây dựng lên ngôi đền Ananda. Khi vào sâu bên trong đền, bạn sẽ được nhìn ngắm nhiều bức tượng Phật giáo độc đáo. Những bức tượng này đều được làm với nhiều hình dáng, tư thế khác nhau. Thú vị nhất là các bức tranh tường được thực hiện từ thế kỷ thứ 12 còn sót lại, được lưu dấu bằng những nét vẽ, những vết khắc, chạm trổ vào tường, đã đánh bạt được sự tàn phá của thời gian. Cái đẹp của văn hóa, nét thần bí, thiêng liêng của tôn giáo, những câu chuyện cổ hay sinh hoạt đời thường của một dân tộc được thể hiện qua những bức bích họa tuyệt vời, đã là những tài sản quý giá của tổ tiên người Miến để lại. Ngôi đền này được coi là đông nhất vào lúc sắp hoàng hôn. Vì đền cao nên du khách có thể đứng và chụp hình cảnh Mặt trời lặn, vô cùng đẹp và lãng mạn.

__________

Chùa Pashupatinath, Nepal

Ảnh: Bijayyadav/Pixabay

Pashupatinath là ngôi chùa cổ Hindu nổi tiếng rất thiêng nằm bên bờ sông Bagmati phía Đông Bắc thung lũng Kathmandu, Nepal. Đường vào chùa có rất nhiều khỉ được nuôi và tôn thờ vì khỉ vốn là Thần vật của đạo này. Toàn thể khuôn viên chùa đã được UNESCO bảo tồn và gìn giữ như một di sản lịch sử và văn hóa. Đó cũng là nơi người ta đem xác người chết đến để thiêu. Sau các nghi lễ Bà La Môn, người chết không có quan tài, được đậy bằng hoa do các con trai và họ hàng khiêng đi đến bờ sông. Người giàu có tiền mua đủ củi đốt, xác cháy hết thì vất tro xuống sông, còn nhà nghèo không đủ củi, xác và xương chưa rã họ cũng cho xuống sông. Giống người Ấn Độ ở sông Hằng, họ rất thích tắm và vất xác, tro người xuống dòng sông thiêng này, vì tất cả con sông, kể cả sông ở Ấn Độ, đều xuất phát từ nguồn ở Tây Tạng, là nơi có ngọn núi Ngân Sơn, một ngọn núi thiêng của Phật Giáo.

__________

Chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, Việt Nam

Ngôi chùa cổ kính thuộc thiền phái Trúc Lâm này nằm ở Quận 3, Sài Gòn. Chùa được khởi công vào năm 1964 và hoàn thành vào năm 1971. Người vẽ công trình này là kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, có sự cộng tác của ông Lê Tấn Chuyên và Cổ Văn Hậu. Phật điện được kiến trúc theo kiểu chữ công. Các góc mái đều uốn cong theo kiểu chùa miền Bắc. Chính giữa đỉnh nóc có Bánh xe Pháp luân và các góc có hình đầu phượng. Chùa có kiến trúc theo lối cổ miền Bắc, nhưng bằng kỹ thuật và vật liệu xây dựng thời hiện đại. Ðây là một trong số công trình tiêu biểu cho kiến trúc Phật Giáo Việt Nam thế kỷ 20. Tổng thể kiến trúc gồm các hạng mục chính là Tam quan, tòa nhà trung tâm và các bảo tháp. Ngôi chùa nổi tiếng là linh thiêng và rất đông người viếng thăm.

__________

Thiền Viện Hang Hổ, Bhutan

Ảnh: Adli Wahid/Unsplash

Đền Tiger’s Nest còn được gọi là Thiền Viện Hang Hổ. Trên triền dốc, gần đỉnh ngọn núi cao 3000m, Tu viện Paro Taktsang – mệnh danh “hang hổ” treo lơ lửng giữa mây trắng và bầu trời xanh trong vắt – là một biểu tượng của Bhutan lôi kéo đôi chân du khách khắp thế giới về đây. Ngôi đền Phật giáo trên dãy Himalaya này trở thành biểu tượng văn hóa đồng thời là nơi linh thiêng nhất của đất nước Bhutan. Xây dựng từ năm 1692, Hang Hổ nằm cheo leo trên vách đá cao của thung lũng Paro. Quần thể tu viện có một hang động, nơi Guru Padmasambhava đã ngồi thiền vào thế kỷ thứ 8.

__________

Đền Dhammikarama Miến Điện, Penang, Mã Lai

commons.wikimedia

Đền Dhammikarama là một ngôi đền Miến Điện ở Penang, Malaysia. Đây là ngôi đền lâu đời nhất. Ngôi đền cũng trở thành tâm điểm cho các lễ hội Nước, Songkran và Trung thu hàng năm cũng như các ngày lễ thắp nến và Mùa Chay của Phật giáo trong khu vực ngoại ô thành phố. Trong đền có 30 bức tranh được xếp thành một hàng, mô tả quá trình sinh, lão, bệnh, tử của con người. Ngoài ra, còn có một cặp quái vật (Panchaluba) với gạc, vòi voi, móng ngựa, thân rồng và cánh đại bàng trong ngôi chùa Phật giáo Miến Điện này. Chân của nó ở trên quả địa cầu, tượng trưng cho sự bảo vệ Trái đất. Người ta nói chỉ cần bạn đặt tay lên quả địa cầu và thiền định về bất kỳ quốc gia nào mà bạn mong muốn đặt chân đến trong trái tim, điều ước của bạn sẽ thành hiện thực.

__________

Chùa Hsi Lai, California, Hoa Kỳ

Ảnh: Getty Images

Chùa Hsi Lai hay còn được gọi là Tây Lai Tự Phật Quang Sơn tọa lạc tại thành phố Hacienda Heights, California. Tên chùa mang ý nghĩa “Ánh sáng đạo Phật trên núi cao truyền bá đến Phương Tây”, cũng có nghĩa là “chùa của tông phái Phật Quang Sơn đến Phương Tây”. Tây Lai Tự, hiện là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất Bắc Mỹ, ngoài công cuộc truyền bá giáo pháp đạo Phật, còn có trường Đại học cấp phát văn bằng từ Cử nhân, Cao học cho đến Tiến sĩ về các bộ môn Mỹ thuật, Quản trị cho đến Phật học. Tây Lai Tự đóng góp lớn cho sự truyền bá đạo Phật ở Phương Tây trong thời đại hiện nay. Chùa chiếm diện tích 15 mẫu Anh, xây lưng chừng núi, từ thấp lên cao, từ bãi đậu xe có những bậc tam cấp dẫn lên cổng tam quan. Từ đây nhìn lên chùa, quang cảnh rất uy nghi hùng tráng. Chùa có kiến trúc truyền thống Phật Giáo Á Đông, mái cong lợp ngói lưu ly âm dương màu vàng óng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: