Đen Vâu – đứa con “ngoan” không chỉ của một người mẹ

Đen Vâu-Nguyễn Đức Cường

Giới trẻ Việt Nam trong nước đang phát rồ với ca khúc “Mang tiền về cho mẹ” của ca sĩ Đen Vâu. Được đưa lên YouTube cách đây sáu ngày, ca khúc này đã có hơn 19 triệu lượt view (chưa kể hơn 374,000 lượt stream trên Spotify). Sự bùng nổ quan tâm của dư luận đối với “Mang tiền về cho mẹ” không chỉ giới hạn ở khuôn khổ âm nhạc. Nó trở thành đề tài thảo luận nóng hổi về đạo đức làm con, về văn hóa truyền thống của người Việt trong việc kiếm tiền và phụng dưỡng cha mẹ để đáp đền báo hiếu. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở vấn đề này thì cũng chẳng có gì đáng nói…

“Mang tiền về cho mẹ” có những đoạn như thế này:

Mang tiền về cho mẹ
Đừng mang ưu phiền về cho mẹ

Ôi những ngày xám ngoét
Gió liêu xiêu dáng mẹ gầy so
Có khi mẹ ngất giữa đường
Vì cả ngày chẳng có gì no

Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy? (Chính là mẹ)
Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm? (Chính là mẹ)
Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa? (Chính là mẹ)
Vấp ngã đầu đời là được ai nâng? (Luôn là mẹ)

Tiền của con không có cần phải rửa
Nó cũng chỉ ám mùi mồ hôi
Mẹ yên tâm con là công dân tốt
Đóng thuế đều và chỉ có đủ mà thôi

Đưa tiền cho mẹ, mẹ là tiền “vệ”
Đừng làm điều xấu, sẽ thành tiền “lệ”
Lao động hăng say, hơn cả tiền “đề”
Cầm về tiền tốt, đừng có cầm về tiền “tệ”

________

Trong nhiều bài viết của cộng đồng mạng về Đen Vâu và hiện tượng “Mang tiền về cho mẹ”, bài dưới đây của Đinh Hiệp là đáng đọc nhất:

“Mang tiền về cho mẹ”, yeah, yeah, yeah. Hơi dài, hơi nhạt và rất phải đạo. Bài này nhanh chóng thành trend, vì nó làm ra để bắt trend “Tết đến về nhà với mẹ”… Bài rap đánh bật ngay sự cố dì ghẻ, làm cả giới trẻ hân hoan, mẹ mình mới là mẹ, dù ca từ bài hát nó viết cũng có đòn roi: “Về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn”, “Mang buồn về cho mẹ phiền, sẽ gặp ngay thiên lôi đánh”… Hình ảnh mẹ xuất hiện trong clip khá mới, có phần vui tươi, chứ không co ro dúm dó. Nhưng mẹ trong ca từ của bài nhạc vẫn là một bà mẹ “phải đạo” trong âm nhạc Việt Nam từ hàng chục năm nay: Lam lũ, liêu xiêu, cực khổ, vất vả… y như mẹ từ lúc “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” của Phạm Minh Tuấn cho đến “mẹ lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại” của Trịnh Công Sơn…

Quan hệ mẹ con trong ca từ bài nhạc là quan hệ mẹ con “phải đạo” theo truyền thống Việt Nam, mẹ có thể chịu cực khổ đến đâu cũng được, miễn sao sau này mày trở thành “ông này bà nọ” là tao mát mặt, đứa con thì phải ra đời thành công làm sao để “muốn đời đối xử với mẹ như một bà hoàng”.

Đó là một kiểu quan hệ đầy sức ép, mày phải thành công bằng mọi giá, mày phải làm cho gia đình dòng tộc ở quê mở mày mở mặt. Đấy, thằng A nó mang tiền về quê mua bao nhiêu đất. Đấy, con B nó xây biệt thự trên thành phố rước cha mẹ lên hưởng phúc. Từ bất chấp mọi thứ để “mang tiền về cho mẹ” hôm nay có thể ngày mai sẽ trở thành “Xuân nay con không về” như các anh chị CDC ở các tỉnh (trong vụ tham nhũng test kit Việt Á – chú thích thêm)… Từ bằng mọi giá mang tiền về cho mẹ, đến bằng mọi giá mang tiền về cho vợ, đến bằng mọi giá mang tiền về kể cả không có ai để cho nữa.

Nhưng có phải ai cũng được như anh Đen Vâu: “Người hâm mộ đợi con từ Đồng Khởi, Xếp hàng dài đến hết đường Ký Con” (trích ca khúc “Mang tiền về cho mẹ”). Cả triệu người mới có người như anh thôi. Còn bao người xa quê, kiếm tiền không được, Tết không dám về nhà? Có người vĩnh viễn không về được nhà nữa, như cô gái 26 tuổi nhắn những tin cuối cùng về cho mẹ từ trong thùng xe container bên Anh: “Con xin lỗi bố mẹ nhiều, mẹ ơi. Con đường đi nước ngoài không thành. Mẹ ơi. Con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được”. Đến chết, cô gái vẫn nghĩ đến khoản nợ mà cha mẹ gồng gánh vay để cho con đi làm chui bên trời Tây…

Bài hát hay mệnh lệnh của Đen Vâu năm nay nó không đúng thời điểm nữa. Hàng đoàn người miền Trung, miền Tây, miền Bắc bỏ phiếu bằng chân, rời khỏi Sài Gòn trên những chiếc xe máy, xe đạp vì không còn việc, không còn tiền sinh sống, mà chính quyền ráo hoảnh dán nhãn “Về quê tự phát”. Về để úp mặt vào sông quê, để có cái ăn mẹ cho, lấy đâu ra “mang tiền về cho mẹ”, họ nghe có chạnh lòng?

Từ những năm 1980, xuất hiện cụm từ “văn học phải đạo”, “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, tức là văn học nghệ thuật các anh có quyền phản ánh hiện thực xã hội, nhưng cái “hiện thực” các anh mô tả phải sao cho “phải đạo”, tức là “đúng định hướng” của chế độ. Dễ hiểu là cái “phải đạo” nó lấn át cái “hiện thực”. Cái “hiện thực” mà bị buộc “phải đạo” thì không còn chân thực nữa.

Nhạc rap là thứ nhạc dễ bày tỏ chính kiến nhất, dễ mô tả hiện thực nhất trong tất cả các loại nhạc. Nhạc rap ở khắp nơi trên thế giới phần nào đó được xem là dòng nhạc mang nặng tính phản kháng, bày tỏ sự nhức nhối trước các bất công xã hội. Nhưng tính phản kháng đó không thấy trong nhạc rap Việt Nam, chỉ là kề cà kể lể cuộc sống bức bối, vô nghĩa [nhưng vẫn không kém phần sang chảnh] của giới trẻ văn phòng thành phố. Các bài hit đều được lồng vào các quảng cáo nhãn hàng sống sượng. Nhưng tính mới lạ và ca từ theo sát đời sống thị dân của nó vẫn có sức hút rất lớn với giới trẻ. Phải nói Đen Vâu được hâm mộ nhất của nhất, các diva hay divo không ăn thua gì nếu so với anh ta.

Và tất nhiên với sự hâm mộ này, với dòng nhạc có thể có sức tàn phá lớn này, giới tuyên truyền nhà nước không thể không đeo vòng kim cô lên đầu Đen Vâu và các rapper khác. Để thấy kiểu văn hóa mạng này có sức ảnh hưởng lớn thế nào, hãy nhìn con số hơn 137 triệu lượt người xem clip bài hát “Đời là thế thôi” của giang hồ mạng Phú Lê trên YouTube. Đó là con số mơ ước của nhiều nghệ sĩ hàng đầu thế giới.

Thế nên Đen Vâu phải “phải đạo”, phải theo “định hướng”. Mang tiền về cho mẹ vẫn không quên nhắn nhủ các thanh niên phải là “công dân tốt”, “đóng thuế đều”. Cục Thuế nên lấy đoạn nhạc này mà cổ động dân đóng thuế. Trong nhạc của anh ta không được có những cô gái không thở được trong thùng container, không có đoàn người về quê tự phát, không có những người kêu oan Thủ Thiêm… Và thỉnh thoảng trên trang Facebook của anh ta khuyến mại cho các lãnh đạo tuyên truyền một vài status ca ngợi bác Hồ, bác Giáp, bộ đội nữa.

Nhạc rap phải “phải đạo” thì mới mang tiền [nhiều tỷ] về cho mẹ được.

(Hết trích)

Một status của Đen Vâu về ngày 30 Tháng Tư

Đen Vâu là nghệ danh của Nguyễn Đức Cường. Sinh ngày 13 Tháng Năm 1989, Đen Vâu là rapper nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay. Nhà nghèo, Đen Vâu chỉ học hết cấp ba (lớp 12) và từng có thời kiếm sống bằng nghề công nhân vệ sinh bãi biển Hạ Long. Có lúc bất đắc chí, Đen Vâu dùng âm nhạc để giải khuây. Từ đó, ngẫu nhiên Đen Vâu trở thành ca sĩ rap nổi tiếng như cồn… Hơn 10 năm nay, Đen Vâu giành được nhiều giải thưởng quan trọng.

10 năm nay, Đen Vâu vẫn luôn “ngoan”, không chỉ với mẹ mình. Đen Vâu là mẫu nghệ sĩ “ngoan” theo đúng kiểu nghệ sĩ mà các cơ quan văn hóa của Đảng cai trị chẳng có gì phải lo. Thỉnh thoảng, Đen khen “bác Trọng”. Lâu lâu Đen bóng gió về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Vào dịp 30 Tháng Tư, Đen tranh thủ thể hiện tư tưởng và đường lối của Đảng trong đánh giá và nhận định về “ngày giải phóng” mà qua đó có thể thấy Đen đã được nhồi sọ thành công như thế nào. Đen chẳng biết gì về lịch sử. Đen mù tịt về “ký ức 30 Tháng Tư” của hàng triệu người.

Nói cách khác, lịch sử nước nhà với Đen chỉ là một màn đen. Những diễn biến thời sự nóng hổi của thế hệ trẻ bằng tuổi Đen Vâu, chẳng hạn cuộc biểu tình dân chủ ở Hong Kong, đối với Đen cũng đen nốt. Dù hát một thể loại phá phách và đập đổ như rap nhưng Đen lại ngoan, hơn mức bình thường. Một cách chính xác, có thể nói Đen Vâu không chỉ ngoan mà là quá khôn. Cần phải khôn như vậy mới kiếm được nhiều tiền. Nói theo tác giả Đinh Hiệp ở trên, “nhạc rap phải “phải đạo” thì mới mang tiền [nhiều tỷ] về cho mẹ được”. “Đạo” ở đây được hiểu là con đường và chủ trương của Đảng, chứ không phải đạo là sự dẫn dắt của lương tâm và rung cảm trước nỗi đau đồng loại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: