Xem tranh của họa sĩ Ann Phong, dừng bước, chạm vào, suy ngẫm

Họa sĩ Ann Phong (bìa trái) tại triển lãm “Ann Phong: Đánh Giá Lại Sự Bình Thường”. (ảnh Đoan Trang/SGN)

Họa sĩ Ann Phong biến những tác phẩm của mình thành lời mời dừng bước, để suy ngẫm và điều chỉnh lại cách chúng ta cùng tồn tại.

“Thông thường, nếu bạn đến Viện bảo tàng hay cuộc triển lãm nghệ thuật nào, bạn sẽ được khuyến cáo là ‘không sờ vào hiện vật’, nhưng tới đây, mọi người có thể sờ, chạm vào, thậm chí lấy một cái gì đó, từ tranh của tôi,” họa sĩ Ann Phong nói về triển lãm “Ann Phong: Đánh Giá Lại Sự Bình Thường” đang mở ở phòng tranh Frank M. Doyle tại Orange Coast College.

Ám ảnh

Vừa nói, cô vừa bước nhanh tới bức tranh “Mong Manh” treo ở gian đầu tiên có chủ đề “Immigration” (Di cư).

Họa sĩ Ann Phong bên tác phẩm “Mong Manh”. (ảnh: Đoan Trang)

Bức tranh “Mong Manh” có điểm đặc biệt, đó là bên góc phải có một hốc nhỏ, chứa 100 miếng nam châm là những bức tranh tí hon, mà cô gọi là “bong bóng nước”, trên đó cô vẽ hình những chiếc thuyền. Người đến xem tranh có thể lấy một bong bóng nước, đặt lên bất cứ “vùng” nào trên bức tranh. Miếng nam châm có thể dính ở chỗ này, nhưng rớt xuống ở chỗ khác. Nữ họa sĩ nói: “Tưởng tượng đi, nếu bạn ra khỏi lục địa mình để sang một nơi khác sinh sống, như những lần vượt biển, nhiều người may mắn được đặt chân đến miền đất mới là khi nam châm dính vào, nhưng cũng có không ít người phải bỏ xác ngoài biển khơi, là lúc nam châm rớt xuống. Cuộc đời phù du, vô thường, mong manh lắm!”

Ngay sau đó, cô lại giải thích một hướng khác, mà người thưởng lãm tranh, có thể hiểu theo cách nào cũng được: “Bong bóng nước này cũng giống trái trứng. Bà Âu Cơ sanh ra trăm trứng, 100 dân Việt từ trong bụng mẹ sẽ tỏa đi khác nơi và sanh con đẻ cái tới bây giờ.”

Những bức tranh tí hon đặt trong tác phẩm “Mong Manh”. (ảnh: Đoan Trang)

Tôi đếm trong hộc, chỉ còn khoảng hơn 20 bong bóng nước. Họa sĩ cười, nói: “Người xem tranh đến và lấy về làm kỷ niệm đấy! Tôi sẽ phải làm thêm cho đủ 100.” Rồi cô giải thích sự “may rủi” của thân phận những người ra đi, khi miếng nam châm dính, hay rớt, là đằng sau bức tranh cô đặt những miếng sắt không đều nhau, nam châm hút nếu gần miếng sắt nào đó, không thì rớt xuống. Cô nói, người xem tranh hững hờ, lướt qua, sẽ không cảm nhận được cái hồn của bức tranh, trừ khi họ dừng lại, và chạm vào.

Tương tự với tác phẩm “Có ai nghe được tiếng nói không” là chiếc thuyền bị vỡ giữa biển khơi sóng xô ào ạt, bên góc phải lộ ra một lỗ, lô nhô đầu người đang kêu cứu. Cô kể:

“Thuyền tôi đi năm ấy chỉ là chiếc thuyền đánh cá nhỏ của một gia đình, nhưng có tới 59 người. Vì thế tôi phải ngồi dưới hầm. Hai ngày sau khi thuyền ra khỏi hải phận, thuyền trưởng hỏi có ai còn sống? Ai còn sức không? Tôi vội lên tiếng. Tôi lên bưng cháo xuống cho mọi người, rồi trở lại boong tàu. Đêm đó trời không trăng, không sao, tối đen như mực, đến nỗi tôi đưa bàn tay mình ra, mà không thấy nó đâu. Cảm giác rùng rợn lắm, nó ám ảnh tôi suốt mấy chục năm. Tôi vẽ để lấy nỗi ám ảnh ấy ra khỏi đầu.”

Tác phẩm “Có ai nghe được tiếng nói không” là chiếc thuyền bị vỡ giữa biển khơi sóng xô ào ạt, bên góc phải lộ ra một lỗ, lô nhô đầu người đang kêu cứu. (ảnh: Đoan Trang)

Nhưng bức tranh mang nội dung u ám ấy lại ngập một màu xanh ngọc, và có những điểm sáng. Họa sĩ giải thích:

“Màu sắc thường hiện ra trước khi tôi vẽ, thường là vậy, và tôi cũng nhìn thấy trước một bức tranh hoàn chỉnh, nên tôi gọi là ‘giấc mơ’. Trong giấc mơ, tôi thấy người Á châu thích ngọc thạch (pearl) vì nó cứng và đẹp. Với bức tranh này, màu cũng hiện ra trước mắt tôi, đó là màu ngọc thạch. Tôi bắt đầu bằng nước biển, sóng biển đang vỗ mạn tàu, vỗ về quá khứ, với những miếng ván tàu bằng gỗ bị bể. Khi vẽ cái lỗ của hầm tàu, văng vẳng bên tai tôi là những tiếng kêu cứu.”

Như các tác phẩm khác, khách đến xem chỉ dừng lại mới có thể “nghe được tiếng kêu từ lỗ nhỏ bên mạn tàu”, như lời họa sĩ giải thích, chứ đi thoáng qua thì không thể thấy, không thể nghe. Tuy vậy, bức tranh cũng có một mảng sáng, nơi đó, xa xa là những chiếc thuyền cứu nạn. “Tôi bắt màu ngọc thạch cho bức tranh này, và sử dụng những nét đậm, lợt, như thân phận con người, lúc may, lúc rủi, như cuộc sống, có lúc vui, lúc buồn.”

Một bức tranh khác vẫn ở chủ đề Di cư này, gây ấn tượng trong tôi, là tác phẩm “Những mảnh vải trong biển Đông” mà chất liệu chính là những miếng vải. Nữ họa sĩ giải thích, trên đường vượt biển, đàn ông tội nhất là bị đánh đập, bị cướp tiền, bị ở tù, còn phụ nữ không những cũng bị như thế mà còn bị hãm hiếp. Phụ nữ Á châu nhỏ con, thậm chí các em gái chưa phát triển, mới 13, 14 tuổi, cũng bị hãm hiếp.

“Những miếng vải của người đàn bà, chủ yếu là quần áo của tôi, tôi cột, cắt, vẽ lên,” cô nói. “Bức tranh nói lên sự thật kinh hoàng, khi bị hãm hiếp trên đường vượt biển, người đàn bà bị tuột hết quần áo và vứt xuống biển, bị hãm xong, thân thể họ cũng bị ném ra ngoài khơi, họ chết dưới biển, và không bao giờ được mặc lại áo quần của mình nữa.”

Tác phẩm “Những mảnh vải trong biển Đông” của họa sĩ Ann Phong.

Tự chữa vết thương lòng

Ở chủ đề “Environment” (Môi Trường), nữ họa sĩ cũng cho phép người đến xem chạm vào tác phẩm của mình ở bức tranh “Vùng đất bị tàn phá”. Nếu chỉ đi ngang, chắc không ai phát hiện ra hai nắp nhỏ, tròn, mà nếu mở ra, họ sẽ đọc được những câu nói xoáy vào tim những người yêu thiên nhiên, môi trường. Đó là gì? Bạn sẽ biết khi đến xem triển lãm.

Họa sĩ Ann Phong nhận mình không có khiếu vẽ chân dung, nên trong tác phẩm “Đi tìm đồi tương lai”, cô tự họa mình dưới lớp khẩu trang, nhìn về hướng ngọn đồi có bóng người bước lên vì theo tác giả “ai cũng có một cái đồi để leo, để đến một tương lai tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng có thể leo được tới đỉnh đồi”.

Bên trái bức tranh là những người vô gia cư nằm vất vưởng bên đường. “Ngày xưa tới Mỹ tôi cũng không nhà không cửa. Bóng dáng người phụ nữ là tôi, người đàn bà Á châu, đang nhìn lại quá khứ để xem mình đã leo tới đâu,” nữ họa sĩ nói. “Có một em học sinh đến xem tranh, nói em nhìn theo hướng khác, nghĩa là một khi leo được lên đỉnh đồi, chúng ta mới thấy được màu sắc, bức tranh tạo cảm hứng thúc để mọi người có nghị lực tiến lên,để nhìn thấy được tương lai sáng lạn.”

Tác phẩm hình tượng nổi ba chiều về Trái Đất bị hủy hoại của họa sĩ Ann Phong.

Về chủ đề “Môi Trường” còn có hai tác phẩm là hình tượng nổi ba chiều. Một trong hai tác phẩm là hình trái đất bổ đôi, với bề mặt đầy rác rưởi, còn bên trong cũng chỉ toàn vật phế phẩm. “Nhiều người không gìn giữ môi trường, dù ai cũng biết trái đất cho mình nhiều thứ: Kim cương, xăng dầu,… nhưng mình chỉ toàn xả rác vô trái đất. Con người chỉ sống trên trái đất 100 năm, nhưng rác để lại 100 năm sau chưa chắc đã tiêu hủy, nhất là plastic,” nữ họa sĩ nói và cho biết cô lấy bịch đi chợ, đồ chơi của các con lúc nhỏ, dán vô, tạo thành tác phẩm nghệ thuật mang đầy ý nghĩa này.

Chủ đề thứ ba trong triển lãm solo lần này của họa sĩ Ann Phong, là Pandemic (Đại Dịch). Cô nói thời gian đại dịch là lúc cô sáng tác được nhiều nhất. Đó là hiện thực, mà cũng giống như “Immigration”, cô là nhân chứng. Các tác phẩm “Từ bình minh đến hoàng hôn”, “Mất tập trung”, “Không có dịch vụ”, “Trước khi nó là thiết yếu”,… nói lên cảm giác bị cô lập, gián đoạn, những bất ổn mà đại dịch gây ra.

Nếu chỉ đi ngang, chắc không ai phát hiện ra hai nắp nhỏ, tròn, mà nếu mở ra, họ sẽ đọc được những câu nói xoáy vào tim những người yêu thiên nhiên, môi trường. Họa sĩ Ann Phong bên tác phẩm “Vùng đất bị tàn phá”. (ảnh: Đoan Trang)

Đại dịch cũng làm tăng thêm nạn thù ghét, kỳ thị. Tác phẩm “Tôi không phải là virus” như một lời khẳng định nhằm đối mặt với sự bài ngoại và thù ghét nhắm tới người da đen và người Á châu. Chính những nỗi đau của toàn nhân loại làm tan nát trái tim nữ họa sĩ, khiến cô phải vẽ để tự chữa lành vết thương lòng của mình, cũng như biểu lộ khao khát cuộc sống được trở lại bình thường. Và đó cũng là chủ đề chính của cuộc triển lãm solo lần này của nữ họa sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc Việt: “Ann Phong: Đánh Giá Lại Sự Bình Thường”

Họa sĩ Ann Phong và Giáo sư Joanna Roche của Đại học Cal State Fullerton tại phòng tranh. (ảnh: Đoan Trang)

***

“Tôi biết họa sĩ Ann Phong lâu rồi. Năm ngoái tôi ấn tượng với triển lãm của cô ấy ở California State University Fullerton, nên năm nay mời cô về làm triển lãm ở đây,” Tyler Stallings, Giám đốc của phòng tranh Frank M. Doyle Arts Pavilion tại Orange Coast College cho biết, và tỏ vẻ vui mừng vì “nhiều người mê triển lãm này lắm. Các bạn phải đến để xem tranh của họa sĩ tài ba Ann Phong, sẽ không lãng phí thời gian đâu, mà chỗ đậu xe cũng dễ dàng, hoàn toàn miển phí.”

Tyler Stallings, Giám đốc của phòng tranh Frank M. Doyle Arts Pavilion tại Orange Coast College. (ảnh: Đoan Trang)

Đến xem triển lãm của họa sĩ Ann Phong không chỉ có các em sinh viên. Tôi gặp giáo sư Joanna Roche của California State University Fullerton, người dạy môn Lịch sử Nghệ thuật, đến xem tranh. Bà nói rất yêu tranh của họa sĩ Ann Phong. “Sinh viên của tôi cũng có em người gốc Á. Hôm nay tôi đến đây để thưởng lãm, và hiểu thêm về giá trị nghệ thuật do một nữ họa sĩ gốc Á làm nên. Đó là niềm tự hào, rất đáng quý,” giáo sư Roche nói.

Triển lãm còn kéo dài tới ngày 23 Tháng Ba, chờ bạn đến để thưởng lãm gần 30 tác phẩm. Đừng hững hờ, mà hãy dừng lại, chạm vào, và suy ngẫm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: