Alain Delon và Romy Schneider

Ảnh: gazettedubonton

Đầu thập niên 1960, một hôm đi xem cine về, trên cái bàn nhỏ giữa phòng khách bề bộn báo ngày và tạp chí văn học ở nhà tôi, có tờ Kịch Ảnh, trên bìa in hình hai tài tử nước Pháp rất đẹp đôi. Tò mò, tôi nhặt lên xem. Hai tài tử đó là Alain Delon và Romy Schneider. Alain Delon thời đó nổi danh: “Nam tài tử đẹp trai nhất màn bạc Pháp” và Romy Schneider là “Nữ minh tinh đẹp nhất của màn bạc nước Áo”. Đôi tình nhân trẻ đẹp này một thời làm mưa làm gió trên màn ảnh lớn ở Sài Gòn. Câu “Bô trai như Alain Delon” và “diễm lệ như Romy Schneider” là ví von thường nghe trong giới học sinh, sinh viên thuở đó.

Romy Schneider sinh năm 1938 trong một gia đình kịch nghệ giới thượng lưu, danh giá. Cha là Wolf Albach-Retty, một tài tử nổi tiếng nước Áo và mẹ là Madga Schneider, minh tinh người Đức nổi danh trong hơn 60 phim ca nhạc. Romy bắt đầu tham gia thế giới điện ảnh trong phim White lilies (Bạch huệ) với mẹ năm 14 tuổi. Liên tiếp bảy năm sau đó, cô xuất hiện trên nhiều bộ phim trong đó có Sissi: Nữ hoàng nước Áo rất ăn khách, cho đến khi cô nổi tiếng trong phim Boccaccio ’70 do đạo diễn lừng danh Luchino Visconti thực hiện năm 1961. Trong phim, Romy đóng vai một người vợ trẻ, đòi người chồng mỗi lúc muốn gần gũi thì phải trả cho bà vợ một số tiền.

Năm 24 tuổi, Romy thủ vai một nghệ sĩ vĩ cầm quán rượu kiêm gái điếm trong The Victors (1963) của Carl Forman; và vai cô gái trẻ yêu một tu sĩ trong phim The Cardinal (1963) của Otto Preminger cùng năm. Sau đó cô xuất hiện trong vai cô giáo ngoại ngữ trong phim What’s new Pussycat (1965) với Peter Sellers, Woody Allen và Peter O’Toole. Romy đã hai lần đoạt giải Cesar của Pháp (tương đương Oscar của Mỹ) trong những năm 1976, 1979 – với hai phim Une Histore simpleL’ Important C’est Aimer.

Tuy thành công sáng chói trong nghệ thuật thứ bảy ở châu Âu nhưng đời sống tình cảm của Romy là một chuỗi dài đau khổ. Sau khi chia tay với Alain, năm 1966 cô thành hôn với Harry Meyen-Haubenstock, một đạo diễn kiêm tài tử gốc Tây Đức. Người chồng thứ nhất này đã tự tử năm 1979. Đứa con trai duy nhất: David Christopher Haubenstock đột ngột qua đời khi nhảy qua hàng rào vào thăm ông nội, bị đâm trọng thương bởi cọc rào nhọn. Thành hôn lần thứ hai năm 1975 với Daniel Beasini, một nhiếp ảnh gia kiêm ký giả người Ý, có một con gái tên Sarah. Sau đó cả hai cũng chia tay nhau.

Khác hẳn với Romy Schneider, Alain Delon ra đời năm 1935 trong một gia đình lao động. Cha mẹ là Edith và Fabien Delon. Họ ly dị năm chàng lên bốn tuổi. Alain Delon có một tuổi thơ đầy sóng gió, thường bị đuổi khỏi nhiều trường vì ngỗ nghịch phá phách. Thuở mới lớn, Alain làm đủ nghề để kiếm sống. Từ một tên “đồ tể” trong tiệm bán xúc xích của người cha ghẻ đến hầu bàn, bán hàng và phu khuân vác trong chợ Les Halles. Khoảng 1953-1954, chàng  gia nhập Hải quân Pháp phục vụ ở Đông Dương. Nhắc lại khoảng thời gian này, Alain nói trong một cuộc phỏng vấn: “Trong hai năm ở Hải quân, tôi đã nằm tù quân sự mất mười tháng vì “ba gai” cãi lại với cấp trên”. Tuổi thơ tuy chật vật, nhưng bù lại Alain được ông trời ban cho một khuôn mặt “đẹp như tranh”.

Hình như số mạng con người đã được an bài từ khi sinh ra đời. Từ một anh chàng vô danh tiểu tốt, Alain lên tới đỉnh cao danh vọng đầu thập niên 1960. Bắt đầu từ phim Plein Soleil (1960) của đạo diễn Rene Clement, rồi Rocco and his brothers (1960), The Leopard (1963) của Luchino Visconti, Eclipse (1962) của Michelangelo Antonioni, Any numbers can win với Jean Gabin (1963). Đặc biệt trong ba phim: Le clan des Sicilliens (1969), Le Samourai (1967) và Le Circle Rouge (1970) của Henri Vernueil và  Jean – Pierre Melville, Alain đã lột xác từ một tài tử chuyên thủ những vai đẹp trai, hào nhoáng trở thành một Alain Delon ngầu đời, ít nói, một con sói cô độc, một sát thủ lạnh lùng với gương mặt “thiên thần”… Madonna đã sáng tác nhạc phẩm Beautiful killer năm 2012 để tôn vinh vẻ đẹp lạnh lùng, khinh bạc của Alain Delon trong những vai cô đơn sống ngoài vòng pháp luật.

Vào những năm cuối của Việt Nam Cộng Hòa, khán giả miền Nam được thưởng ngoạn những bộ phim của Alain Delon như Adieu L’ami (1968) với Charles Bronson; Madly (1969) với Mirelle Darc; Borsalino (1970) với Jean-Paul Belmondo, Red Sun (1971) với Charles Bronson và Torhiso Mifune… Người viết bài này đã xem những phim trên ở Đại học Vạn Hạnh cuối năm 1974. Hai phim cuối cùng được trình chiếu ở Sài Gòn là Deux l’homes dans la Ville (1973) với Jean Gabin (phim này được nhà văn Duyên Anh nhắc tới trong cuốn Sài Gòn ngày dài nhất) và Les seins de glace (1974) với Mirelle Darc.

Chuyện tình Alain Delon và Romy Schneider không quá lâm ly bi đát như chuyện tình Clark Gable và Carole Lombard; hoặc nồng nàn sôi nổi như Elizabeth Taylor và Richard Burton. Nó cũng không phải mối tình Hollywood mới gặp nhau lần đầu đã bị “sét đánh”. Nó chỉ là một mối tình mong manh nhưng đã sống trong nhiều thập niên. Ngày đó Romy đã có tên tuổi trong làng điện ảnh châu Âu, còn Alain Delon mới bắt đầu sự nghiệp. Chuyện tình từ từ nảy nở trong khi diễn xuất bên nhau trong cuốn phim đầu tiên giữa hai người tài hoa tuổi trẻ. Đó là phim Christine hay còn gọi là Love Affairs (1958). Đây là cuốn phim tình cảm lãng mạn giữa một ca sĩ hát nhạc opera và chàng trung úy Hoàng gia Áo, hơi giống chuyện tình Romeo và Juliet, đã làm rơi nhiều nước mắt và rất ăn khách trong giới học sinh, sinh viên Sài Gòn thời đó.

Thuở ban đầu mới gặp nhau, Romy không có nhiều cảm tình với Alain vì nghĩ rằng anh chàng quá ngạo mạn, chỉ được cái bộ vó điển trai, không có chiều sâu. Nhưng Romy đã bị nụ cười tuyệt vời phảng phất chút ngây thơ của cậu bé thiếu tình thương gia đình là Alain chinh phục. Phần Alain, ban đầu chàng thấy Romy “nhàm chán”. Nhưng với khuôn mặt đẹp rạng rỡ, một nụ cười tươi như hoa, tính tình hồn nhiên, dễ thương, Romy đã làm trái tim của chàng rung động. Sau đó dù mẹ chống lại, Romy đã rời nước Áo sang Paris chung sống với Alain. Một phần nàng muốn tách rời khỏi sự thống trị của mẹ, một phần lớn vì Romy đã quá yêu Alain. Cuộc đính hôn giữa hai người tài hoa son trẻ, đẹp đôi như trong “cine” vào năm 1959 đã làm tốn biết bao giấy mực trên các báo, tạp chí viết về phim ảnh trong một thời gian dài. Bây giờ sau bao nhiêu năm, nhìn lại hình ảnh giữa Alain và Romy thời đó, chúng ta mới cảm nhận được câu: “Tình yêu và Tuổi trẻ”.

Minh họa: Denise Jans/Unsplash

Nhưng trên con đường tình, mấy ai học được chữ ngờ. Trong năm năm ở với Romy, Alain đã vụng trộm ngoại tình với Nico, một ca sĩ kiêm người mẫu gốc Đức; và Nathalie Barthelemy, một nữ tài tử vô danh đến Paris từ Nam Mỹ đang mang trong bụng giọt máu của chàng. Tan nát con tim, Romy chia tay Alain, đường ai nấy đi, cho tới năm 1969, khi đạo diễn Jacques Deray chuẩn bị thực hiện phim La Piscine. Alain đòi: “Tôi không muốn bất cứ ai ngoài Romy diễn chung, nếu không tôi sẽ không làm cuốn phim này”. Phần mở đầu phim, chúng ta thấy cảnh Alain đùa nghịch, rượt đuổi và thảy Romy xuống hồ bơi và cảnh Alain lấy một nhánh cây vuốt nhẹ trên lưng Romy làm nàng không chịu đựng nổi, quay lại ôm chầm lấy chàng. Những diễn xuất thật tự nhiên đó cho chúng ta thấy giữa Alain và Romy, niềm đam mê giữa hai người vẫn còn nồng cháy, như những ngày đầu bên nhau…

Romy Schneider đột ngột ra đi vào ngày 29 Tháng Năm 1982 ở tuổi 43. Alain đã viết một bức thư rất cảm động cho nàng. Trong đó có câu: “My Puppele” (búp bê nhỏ bé của anh) được nhắc đi nhắc lại. Alain hồi tưởng những kỷ niệm ngày hai người bắt đầu yêu nhau:

“Đôi khi chúng mình hỏi nhau về sự khởi đầu cuộc tình của hai chúng ta, rằng ai là người yêu nhau trước? Anh yêu em trước, hay em yêu anh trước? Không có câu trả lời. Chúng mình đã đếm Một, Hai, Ba và cùng nhau trả lời: Không phải anh là người yêu em trước, cũng không phải em là người yêu anh trước. Chúng mình đã yêu nhau cùng một lúc. Thượng đế ơi! Ngày đó chúng con hãy còn trẻ dại và chúng con đã quá hạnh phúc khi tay trong tay… Anh nhìn em. Nhìn đi nhìn lại đã bao nhiêu lần. Anh muốn nuốt chửng em với đôi mắt của anh và nói đi nói lại với em rằng, anh chưa bao giờ thấy em đẹp như đêm nay. Em nằm đó thật thanh thản. Em yêu, hãy yên giấc ngàn thu. Anh vẫn còn bên em. Anh đã học một chút tiếng Đức, tiếng mẹ đẻ của em để nói với em: Ich liebe ditch. Anh yêu em. Anh yêu con búp bê nhỏ bé của anh”…

Năm 2020 sau khi nhận giải thưởng Cành cọ vàng (Palme d’Or) của Liên hoan phim Cannes, ở tuổi 85, cụ ông Alain Delon đã thú nhận trong cuộc phỏng vấn với tờ Vogue: “Romy Schneider là tình yêu thứ nhất và cuối cùng, nàng luôn sống mãi trong tim tôi. Tôi là người khờ khạo khi không lấy nàng làm vợ”…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: