Cuộc nổi loạn của thế hệ MZ Hàn Quốc tại nơi làm việc

Han Ji-Eun, Park Ki-Woong, Park Hae-Jin trong buổi ghi hình cho bộ phim truyền hình ‘Kkondae Intern’ của đài MBC tại một quán cà phê vào Tháng Năm năm 2020 ở Seoul, Hàn Quốc. (ảnh: THE FACT/Imazins/Getty Images)

Đối thủ của giới trẻ Hàn Quốc (HQ) tại nơi làm việc không còn là sếp mà là… chính họ!

Đối với Thế hệ M và Thế hệ Z (những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2010), xung đột với sếp tại nơi làm việc đã trở thành “chất liệu” được nhiều bộ phim hài truyền hình ở HQ khai thác trong vài năm qua. Nhưng gần đây, các bộ phim hài đã có một “chất liệu” mới mang tính “bước ngoặt”: Nhiều thành viên Thế hệ Z bắt đầu chế giễu: Kẻ thù thực sự của chúng ta tại nơi làm việc không phải là sếp mà là… chính chúng ta!

Tiểu phẩm nhiều kỳ mới “MZ Office” của chương trình truyền hình Saturday Night Live Korea (SNLK) với “MZ” nói về Thế hệ M (millennial) và Thế hệ Z ở HQ đã thu hút gần 4 triệu lượt xem kể từ khi được tải lên YouTube vào ngày 27 Tháng Mười Một. Tiểu phẩm này tự phân biệt nó với thể loại phim hài đối đầu tương tự nhưng các ông chủ là người ngoài cuộc, còn trọng tâm là cuộc đối đầu giữa Thế hệ M và Thế hệ Z thông qua các đoạn độc thoại nội tâm.

Đối với Thế hệ M và Thế hệ Z (những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2010), xung đột với sếp tại nơi làm việc đã trở thành “chất liệu” được nhiều bộ phim hài truyền hình ở HQ. (minh họa: Unsplash)

Một tập gần đây bắt đầu với nữ diễn viên Joo Hyun-young đóng vai một nhân viên MZ Office làm vlog tại nơi cô đã làm việc được hai năm. Đang tìm cách dàn xếp để sếp và các đồng nghiệp cùng đồng ý xuất hiện trong vlog của mình, thì cô rất bất ngờ khi bị một đồng nghiệp nam từ chối tham gia. Sau đó, nhân vật của Joo bị đồng nghiệp lên mạng buộc tội là “kkondae” (một thuật ngữ để chỉ những người lớn tuổi có thói trịch thượng trong tiếng Hàn) sau khi cô than phiền những người mới được tuyển dụng đã không đến đúng giờ vào buổi sáng.

Trong cảnh cuối cùng của tập tiểu phẩm, khi sếp gợi ý: “Tất cả chúng ta đi uống cà phê Starbucks chứ?”  Nhưng thay vì nhận được đề nghị loại cà phê bình thường như các nhân viên cấp dưới thường làm trước đây, lần này những người mới tuyển dụng lại đòi cà phê cao cấp Iced Americanos đắt tiền. Các nhân viên khác của MZ cười ngượng nghịu và tự trách mình. Chỉ có một nhân viên nam duy nhất miễn cưỡng đề nghị theo.

Trong tập tiếp theo của tiểu phẩm, các nhân viên trẻ có một “hoesik” (dùng chung bữa tối với các đồng nghiệp) tại một tiệm hát karaoke. Khi rapper Zico, ngôi sao khách mời của tiết mục đóng vai một nhân viên mới, bắt đầu hát, nhân vật của Joo hát theo. Việc đồng nghiệp hát chung tại một tiệm karaoke thường được xem là một dấu hiệu của sự hỗ trợ và tình đồng chí trong “hoesik”. Nhưng thật bất ngờ, Zico “người mới” đả kích Joo, cáo buộc cô “đánh cắp ánh sáng” của anh ta, khiến nhiều người há hốc mồm.

Sự nổi lên của các “kkondae trẻ”

Trong những năm gần đây, sự nổi lên của các “kkondae trẻ” đã trở thành chủ đề được bàn luận nhiều ở HQ. Thuật ngữ “kkondae” được người HQ sử dụng rộng rãi để chỉ những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em sau chiến tranh Triều Tiên, những người tạo ra một nơi làm việc không thoải mái nhưng sôi động bằng thái độ trịch thượng và độc đoán bề trên.

Tuy nhiên, theo thời gian, thuật ngữ này đã phát triển để gồm tất cả các nhóm tuổi khác nhau. Các kkondae trẻ mới gia nhập là những người thuộc Thế hệ M hoặc Thế hệ Z nhưng bắt chước kiểu trịch thượng của người lớn thời HQ hồi phục, đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối từ các đồng nghiệp thuộc cùng Thế hệ với mình (M và Z) dù chỉ hơn vài tuổi hoặc hơn chút kinh nghiệm nghề nghiệp (kiểu ma cũ bắt nạt ma mới!).

Han Ji-Eun, Park Ki-Woong, Park Hae-Jin trong buổi ghi hình cho bộ phim truyền hình ‘Kkondae Intern’ của đài MBC tại một quán cà phê vào Tháng Năm 2020 ở Seoul, Hàn Quốc. (ảnh: THE FACT/Imazins/Getty Images)

“MZ Office” liên tục sử dụng từ kkondae để mô tả những tình huống khi Joo hoặc đồng nghiệp của cô cố yêu cầu những nhân viên mới đến làm việc nhà cho mình hoặc gây áp lực buộc họ phải tuân nghiêm các quy tắc văn phòng do sếp đặt ra. Chính Joo cũng thường ngạc nhiên khi thấy mình lại có hành động kẻ cả như thế và than thở bản thân cô đã trở thành một “kkondae” từ lúc nào không biết!

Theo Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook ở Seoul: “Mọi người đều có thể trở thành kkondae bất kể tuổi tác. Nó bắt nguồn từ mặc cảm tự ti mà con người có như một thành viên của xã hội”. Hiện xu hướng “Kkondae trẻ” đã trở thành một hiện tượng xã hội lớn đến nỗi vấn đề này được nói đến trong một tập của chương trình truyền hình “Circle House” (chương trình trò chuyện do Oh Eun-young, một bác sĩ tâm lý nổi tiếng và giáo sư đại học phụ trách) phát trên kênh SBS TV vào tháng Ba. Những người tham gia tập phim chia thành hai đội “Những kkondae trẻ” và “Thế hệ MZ mới” đã cho thấy họ có nhận thức và cách ứng phó rất khác nhau trong các tình huống khác nhau tại nơi làm việc dù chỉ cách nhau vài tuổi.

Về chủ đề “Đến nơi làm việc đúng giờ”, nhóm “Những kkondae trẻ” muốn tất cả nhân viên nên đến sớm ít nhất 10 phút trước giờ quy định trong khi nhóm “Thế hệ MZ mới” bác bỏ với lập luận “chính thời gian được đề cập trong hợp đồng mới là thời gian phải tuân thủ” chứ không cần đến sớm hơn. Lim kết luận: “Nỗ lực để hiểu nhau là chìa khóa giúp thu hẹp khoảng cách. Điều quan trọng là phải nghĩ về nhu cầu của các đồng nghiệp thay vì chỉ nghĩ cho mình. Hiểu nhau là chìa khóa!”.

Tiểu phẩm “MZ Office” của chương trình SNLK có thể chỉ là trò giải trí vô hại, nhưng trong cuộc trò truyện với tờ Korea Herald tuần trước, nhà phê bình văn hóa Kim Sung-soo lại nghĩ khác. “Đó là một mô tả nông cạn về những khó khăn và tình huống khó xử mà Thế hệ MZ phải trải qua tại nơi làm việc. Họ đang ở giai đoạn vừa cảm thấy cần phải thích nghi với môi trường làm việc có tôn ti trật tự, thứ bậc, vừa biết rằng công ty có thể sa thải mình bất cứ lúc nào như họ từng chứng kiến thế hệ cha mẹ bị sa thải”.

Trên thực tế, ngày càng có nhiều người thuộc Thế hệ M và Thế hệ Z rời bỏ các công ty HQ để theo đuổi ước mơ của mình. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi cổng thông tin việc làm trực tuyến Saramin, năm 2021 có khoảng 49% trong số 500 công ty HQ xác nhận có số lượng nhân viên Thế hệ MZ nghỉ việc cao chưa từng thấy. “Đó là những người đang bế tắc với cảm giác mọi con đường họ chọn đều sai lầm. Tiểu phẩm ‘MZ Office’ chỉ giải quyết vấn đề trên bề mặt, trong khi bề sâu là tâm lý của các MZ muốn có một bản phác thảo tương lai tốt hơn,” Kim nhận định.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: