Phim Võ Thuật Hong Kong – Một Thời Vàng Son

Share:

Điện ảnh Hong Kong từng thống trị màn ảnh nhỏ Việt Nam một thời gian dài. Trước 1975, phim Hong Kong, đặc biệt phim võ thuật, ào ạt chiếm lĩnh cinema Sài Gòn…

Phim võ thuật Hong Kong là gì?

Phim võ thuật Hong Kong có thể chia làm hai thể loại chính là Võ hiệp (Wuxia) và Công phu (Kungfu). Phim Võ hiệp thường có đánh kiếm và các loại vũ khí; phim Công phu chỉ đánh tay không. Hai thể loại này rất khác nhau, nhưng phim Kungfu đôi khi cũng có những màn dùng gậy (như của phái Thiếu Lâm) hoặc vũ khí (thường là bởi kẻ bất lương). Phim Võ hiệp thật ra là con đẻ của các bộ truyện chưởng thịnh hành ở Hong Kong, Đài Loan và Đại Lục. Các tay kiếm thường là những nhân vật huyền thoại trong thế giới giang hồ. Phim Kungfu gồm nhiều môn võ, thường được chia làm hai trường phái Bắc và Nam, và có hai lối đánh là dùng nội công hoặc ngoại công. Trong đó có những môn võ nổi tiếng như Hồng Quyền thịnh hành ở miền Nam, và Vịnh Xuân là môn võ của Lý Tiểu Long. Ngoài ra võ thuật trong phim Kungfu cũng mang nhiều ảnh hưởng hát bội Bắc Kinh mà chính bản thân cũng là một dạng võ thuật miền Bắc được chế biến lại cho sân khấu.

Vào thập niên 1970, nhờ Lý Tiểu Long, phim Kungfu Hong Kong được thế giới biết đến nhiều hơn là phim Võ hiệp. Có thể nói phần đông khán giả bình thường còn không biết là Hong Kong đã có một truyền thống làm phim võ hiệp lâu đời trước khi Lý Tiểu Long xuất hiện trên màn bạc. Còn trước thập niên 1970 thì hầu hết phim võ thuật đều là phim võ hiệp kỳ tình, ngoại trừ loạt phim về võ sư Hoàng Phi Hồng từ 1949 đến 1970. Nhưng phim võ hiệp từ từ mất khán giả một khi Lý Tiểu Long nổi lên. Các nhà sản xuất chuyển qua là phim Kungfu vì thấy ăn khách hơn. “Long Tranh Hổ Đấu” của Lý Tiểu Long đã thực sự đưa phim Kungfu đến với khán giả toàn cầu.

Dương Tử Quỳnh và Lý Liên Kiệt trong “Thái cực Trương Tam Phong”

Vào thập niên 1990 các nhà đạo diễn như Từ Khắc đã giúp hồi sinh phim võ hiệp theo kiểu mới, với những bộ phim như “Tiếu Ngạo Giang Hồ Chi Đông Phương Bất Bại” (1992). Thế hệ phim võ hiệp mới này thật ra lại lấy ý tưởng từ loại phim kiếm thuật làm tại Thượng Hải vào thập niên 1920. Đây là dạng phim chưởng cổ điển, nhiều nhân vật có khả năng siêu phàm, vượt ra ngoài biên giới của khoa học và vật lý học (nói theo ngôn ngữ thời nay là… “xạo bà cố”). Nhìn từ góc cạnh kỹ thuật, loại phim này sử dụng những kỹ xảo điện ảnh và ghép ảnh nhiều hơn là võ thuật thật sự.

Thập niên 1990 người ta cũng thích coi phim Kungfu nhờ sự thành công bất ngờ của bộ phim “Vũ trạng nguyên Hoàng Phi Hồng” của đạo diễn Từ Khắc, với tài tử trẻ Lý Liên Kiệt trong vai võ sư Hoàng Phi Hồng. Trong khi đó , kiếm thuật từ từ được mang vào các bộ phim lịch sử quy mô hoành tráng như phim “Anh hùng” của Trương Nghệ Mưu. Sang thế kỷ 21 Kungfu được hồi sinh với phim “Diệp Vấn” (2008) do Chân Tử Đan thủ diễn. Loạt phim này vừa kết thúc với bộ “Diệp Vấn 4” phát hành hồi năm ngoái.

Những ngôi sao làng phim võ thuật là ai?

Đó là những tên tuổi vô cùng quen thuộc như Thành Long, Lý Liên Kiệt, Lý Tiểu Long… Ngoài tài nghệ võ thuật, Lý Tiểu Long còn được xem như một nhà triết gia. Khởi nghiệp đóng các vai nhỏ cho truyền hình ở Mỹ, Lý Tiểu Long bị Hollywood xem như người ngoài cuộc. Nhưng đầu thập niên anh nổi lên như diều gặp gió với những bộ phim Kungfu của mình. Mặc dù mất sớm năm 1973, Lý Tiểu Long vẫn được xem như tiêu chuẩn và mẫu mực cho nhiều diễn viên phim võ thuật ngày nay.

Thành Long thì khởi nghiệp bằng nghề stuntman, chuyên đóng thế tài tử chính trong các màn bay nhảy té nhào nguy hiểm. Nhiều đạo diễn muốn biến anh thành Lý Tiểu Long thứ nhì nhưng không thành. Tuy nhiên, dần dà Thành Long lại tìm được cho mình một chỗ đứng riêng trong các vai nửa nghiêm túc nửa hài hước, với những màn nhào lộn độc đáo do chính anh thiết kế và thủ diễn. Về sau Thành Long bị nhiều khán giả tẩy chay khi anh ra mặt ủng hộ chính quyền Trung Quốc trong các cuộc đàn áp người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. Lý Liên Kiệt khởi nghiệp từ thập niên 1980 và cũng được nhiều người hâm mộ. Nhưng phải đến khi làm việc với Từ Khắc như đã nói ở trên anh mới thực sự trở thành một siêu sao trong làng phim võ thuật. Một tên tuổi lớn khác là Hồng Kim Bảo. Anh vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn, vừa là biên đạo võ thuật kiêm luôn nghề stuntman trong hơn nửa thế kỷ sống cùng điện ảnh Hong Kong. Tuy lớn con nhưng Hồng Kim Bảo dẻo dai, biết võ, và có thể thực hiện nhiều màn nhào lộn ngoài sự tưởng tượng khiến khán giả phải há hốc mồm khâm phục.

Lý Liên Kiệt trong “Anh hùng”

Những khuôn mặt lớn trong làng Kungfu thập niên 1970 còn có Vương Lập Đạt, Lưu Gia Huy và nhiều người nữa. Nhưng nếu ta đi ngược dòng thời gian một chút, không thể nào bỏ qua Quan Đức Hưng, người từng thủ vai Hoàng Phi Hồng trong gần 80 bộ phim — từ 1949 đến 1980, với lối đánh thuộc trường phái Hồng Quyền của miền Nam. Phim võ hiệp cũng không thiếu siêu sao. Nổi tiếng nhất đối với khán giả Việt có lẽ là Vương Vũ trong những bộ phim chưởng kinh điển một thời của Trương Dị Dương. Về sau Vương Vũ chuyển sang đóng phim Kungfu cũng như làm đạo diễn. Sau khi Vương Vũ rời hãng phim Thiệu Thị Huynh Đệ (Shaw Brothers), Khương Đại Vệ được mướn để thay thế và lập tức trở thành một ngôi sao, cùng với Địch Long, dưới sự dìu dắt của Trương Dị Dương.

Phim võ hiệp kỳ tình cũng có nhiều nữ diễn viên nữ gạo cội. Từ 1950 đến giữa thập niên 1960, trước khi có loại phim võ hiệp mới (1966-1967), điện ảnh Hong Kong vẫn nhắm vào giới phụ nữ với những câu chuyện tình tiết éo le rất được nhiều người ưa chuộng. Các bộ phim võ hiệp với những màn đấu kiếm bao giờ cũng có các nữ hiệp võ công cao cường, mặc dù họ không hẳn là những người phụ nữ có tinh thần độc lập như ngày nay. Làn sóng phim võ hiệp đã đưa hai nữ tài tử trẻ lên đài danh vọng, đó là Từ Phong và Trịnh Phối Phối. Tuy hai cô không biết tí gì về võ thuật (Trịnh Phối Phối chỉ có nghề múa) nhưng họ vẫn diễn rất xuất sắc trong những phim như “Đại Túy Hiệp” và “Hiệp Nữ”.

Sang thập niên 1990, nữ diễn viên Đài Loan Lâm Thanh Hà thành danh trong phim “Tiếu Ngạo Giang Hồ II” của Từ Khắc và Trình Tiểu Đông. Xuất hiện cạnh Lý Liên Kiệt, Lâm Thanh Hà trở thành một tên tuổi lớn trong dòng phim võ hiệp mới mặc dù cô hoàn toàn không có nghề võ. Ngược lại thì có Mao Phục Tĩnh, người được xem như một Lý Tiểu Long của phái nữ, là một người có võ và được xem như ngôi sao sáng chói nhất của thập niên 1970, nếu không dám nói của mọi thời. Mao Phục Tĩnh rành môn Hiệp Khí Đạo của Hàn Quốc và có thể đánh nhau thật sự.

Hồng Kim Bảo (HKIFF)

Đến giữa thập niên 1980 thì Hong Kong có thêm Dương Tử Quỳnh. Tuy nhiên cô này làm nhiều phim ở nước ngoài hơn. Dương Tử Quỳnh từng đóng chung với Lý Liên Kiệt trong những phim như “Phương Thế Ngọc” và “Thái Cực Trương Tam Phong”, đặc biệt là phim “Ngọa hổ tàng long” của đạo diễn Lý An. Dương Tử Quỳnh cũng chỉ được học múa, nhưng cô có thể bắt chước bất cứ chiêu quyền nào cần thiết cho vai của mình. Ngoài ra cô cũng tự đóng nhiều màn nhào lộn nguy hiểm giống như Thành Long mà không cần dùng tới diễn viên phụ tức stuntman/woman.

Thuở xưa Hong Kong có nhiều trường dạy võ, những nơi đó là lò đào tạo diễn viên cho kỹ nghệ phim võ thuật. Thí dụ như nhà đạo diễn và biên đạo Lưu Gia Lương là con của võ sư Hồng quyền Lưu Đam, thầy của Lưu Gia Huy, đóng trong phim “Thiếu Lâm Tam Thập Lục Phòng” của Lưu Gia Lương. Nhưng khi các trường võ dần biến mất, nguồn cung cấp tài tử cho các bộ  phim võ hiệp cũng cạn theo.

Cảnh trong “Thiếu Lâm” (1977)

Ai là đạo diễn xuất sắc nhất?

Không thể bàn cãi, hai cây cổ thụ trong làng phim võ thuật Trung Hoa là Trương Dị Dương và Hồ Kim Thuyên. Trương Dị Dương, một nhà đạo diễn với số lượng tác phẩm đồ sộ, khi làm việc cho Shaw Brothers trong thập niên 1960 đã cải tiến thể loại phim võ thuật bằng nhiều cách. Ông dùng kỹ thuật quay phim, cắt ráp tân kỳ làm cho các màn đánh đá trông như thật, giúp cho các màn biểu diễn võ thuật mang nhiều tính chất nghệ thuật điện ảnh hơn. Ông cũng tạo ra các nhân vật nam cá tính và nổi loạn để thích hợp với không khí sôi sục của xã hội đương thời. Khi luồng phim võ hiệp kỳ tình bắt đầu thưa khách, Trương Dị Dương nhảy qua làm phim Kungfu, nhưng không thành công bằng.

Hồ Kim Thuyên cũng là một nhà làm phim lớn và quan trọng không kém trong thời kỳ này. Khác với Dương, họ Hồ lấy đề tài từ cổ thư, lịch sử và nghệ thuật hát bội truyền thống của Trung Hoa để tạo nên những sản phẩm đầy tính mỹ thuật và nghệ thuật có giá trị lâu bền. Ông cũng áp dụng các kỹ thuật cắt ráp hiện đại trong cách làm phim. “Hiệp nữ” của Hồ được xem là một tuyệt tác của phim võ thuật Trung Hoa. Có một khía cạnh có thể ít ai biết trong làng phim võ là các đạo diễn thường không rành võ thuật. Vì vậy nên họ phải giao việc biên đạo các pha đấm đá cho những nhà chuyên môn. Những người này không những phải thiết kế các pha hành động mà còn phải quyết định góc quay hoặc dịch chuyển máy quay sao cho hợp lý. Cách phân việc này không giống như ở Hollywood.

Chẳng hạn như Trương Dị Dương đã từng làm việc với biên đạo viên Lưu Gia Lương. Lưu Gia Lương về sau là một đạo diễn lớn của luồng phim Kungfu; ông đặc biệt chú trọng đến việc phô trương trường phái võ thuật của miền Nam. Một nhà biên đạo trở thành đạo diễn nổi danh khác là Viên Hòa Bình, được giới làm phim cùng thời gọi là “nhà làm phim võ thuật hay nhất dưới gầm trời”. Ông cũng là người biên đạo các màn hành động trong phim “The Matrix” (1999) với tài tử Keanu Reeves. Đạo diễn Trình Tiểu Đông, từng biên đạo cho Từ Khắc trong những bộ phim nổi tiếng thập niên 1990 như “Sai Nữ U Hồn”, cũng là một người có võ nghệ cao.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: