Raquel Welch, biểu tượng tình dục một thời

Raquel Welch với vai Loana trong ‘One Million Years BC’, 1966 (ảnh: Silver Screen Collection/Getty Images)

Raquel Welch, nữ diễn viên và ngôi sao sáng của thập niên 1960 vừa qua đời vào ngày 15 Tháng Hai tại nhà riêng ở Los Angeles, thọ 82 tuổi.

Khán giả yêu hình thể của bà trước

Raquel Welch đã trở thành một “biểu tượng tình dục quốc tế” từ khi bà mặc một bộ bikini da hươu trong bức ảnh quảng cáo cho bộ phim khoa học giả tưởng “One Million Years BC” ra rạp năm 1966 và xây dựng được sự nghiệp điện ảnh kéo dài nhiều thập niên. Welch, người mẫu và hoa hậu từ lúc còn tuổi teen bước vào nghề bằng những vai nhỏ trước khi gây ấn tượng trong bộ phim khoa học viễn tưởng “Fantastic Voyage” (1966) với vai một nhà khoa học bị thu nhỏ thành con vi khuẩn và được tiêm vào bên trong cơ thể một người đàn ông đang hấp hối.

Poster ‘One Million Years B.C.’ với sự góp mặt của Raquel Welch (ảnh: Movie Poster Image Art/Getty Images)

Cuối năm đó bà đóng vai một nhân vật hoang dã trong bộ phim giả tưởng phiêu lưu kinh phí thấp “One Million Years BC” do điện ảnh Anh sản xuất. Sống trong hang động và hầu như không nói gì trong phim (cảnh hồi hộp nhất là bà bị khủng bố bởi một con chim nguyên thủy khổng lồ), tuy nhiên rất ít khán giả mua vé để nghe lời thoại mà trước khi bộ phim phát hành họ bị lôi cuốn bởi bức ảnh bà mặc bộ đồ bằng da động vật rách nát được thiết kế khéo léo để làm nổi bật đôi chân và cái nhìn “khiêu khích” vào khoảng không với mái tóc xõa qua vai.

Bức ảnh ngay lập tức biến Welch thành một “diva nhục thể” và là “quả bom sex phòng vé”, đưa bà đến Hollywood và làm mưa làm gió trong hơn năm thập niên với 70 bộ phim điện ảnh và truyền hình. Nhà phê bình Howard Thompson của tờ The New York Times viết: “Không gì sống động và bền vững hơn Welch. Bà là một tượng đài ngoạn mục của phụ nữ!”. Sau hai bộ phim thành công đầu tiên, Welch tiếp tục đóng các vai nhục dục như trong bộ phim hài “Bedazzled” (1967) sản xuất tại Anh và thường xuyên xuất hiện trong nhiều bộ phim Hollywood với cảnh… không mặc quần áo đàng hoàng.

Chẳng hạn vai một góa phụ yêu nhân vật do diễn viên Dean Martin đóng trong “Bandolero!” (1968); vai một nhà cách mạng người Mỹ bản địa cam chịu hành xác đóng chung với Jim Brown và Burt Reynolds trong “100 Rifles” (1969); và một tay súng trong “Hannie Caulder” (1971) đóng chung với Robert Culp và Ernest Borgnine. Nhiều bộ phim đầu tay của bà bị đánh giá thấp, như bộ phim hài “Myra Breckinridge” (1970), dựa trên tiểu thuyết châm biếm của Gore Vidal trong đó bà đóng vai một phụ nữ chuyển giới tự xưng là góa phụ của chính mình!

Raquel Welch, khoảng 1970 (ảnh: Silver Screen Collection/Getty Images)

Cố thoát khỏi loại vai diễn mặc định

Nhờ phô bày nhục thể,  Welch vẫn là một trong những nữ diễn viên hàng đầu nổi bật nhất Hollywood, xuất hiện trên trang bìa của tạp chí TIME. Bà cố tìm kiếm những vai diễn hay hơn, nhưng một số nhà làm phim không thấy gì hay ho ở bà ngoài… thân thể của bà! Năm 1970, Welch tâm sự với tờ Philadelphia Daily News: “Tôi nghĩ có sự kỳ thị đối với những nữ diễn viên quyến rũ như Marilyn Monroe và Jean Harlow. Họ bị mang tiếng là rỗng tuếch và nhạt nhẽo. Suy nghĩ như thế thật bất công! Tôi thấy không có lý do gì những cô gái quyến rũ lại không thể nhạy cảm, thông minh và để lại dấu ấn cho riêng mình”.

Năm 1972, cái nhìn của khán giả về Welch đã khác hơn sau khi bà bị gãy cổ tay lúc tập trượt băng tốc độ chuẩn bị cho bộ phim “Kansas City Bomber” (trong đó bà vai nữ hoàng thi đấu patin). Năm sau bà nhận được nhiều lời khen ngợi cho vai phụ người yêu của diễn viên Michael York trong bộ phim “The Three Musketeers”; và vai nữ diễn viên điện ảnh nghi dính líu đến một vụ giết người trong “The Last of Sheila” đóng chung với James Mason. Để đạt được sự thừa nhận tài năng, bà phải chiến đấu với các bạn diễn và đồng nghiệp thường xem bà là “cỗ máy nhục thể rỗng tuếch”.

Raquel Welch trên phim trường ‘Fathom’, 1967 (ảnh: Silver Screen Collection/Getty Images)

Năm 1980, Welch bị loại khỏi bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Cannery Row” của nhà văn John Steinbeck và được thay thế bởi Debra Winger, sau khi hãng phim chỉ trích bà cứ đòi tự làm tóc và trang điểm ở nhà thay vì ở phim trường. Bà khởi kiện vi phạm hợp đồng và được bồi thường $10 triệu. Sau đó bà nói với Hollywood Reporter: “Kể từ đó, tôi không bao giờ được giao vai chính trong một bộ phim lớn”. Quyết định thử sức bên ngoài Hollywood, Welch thành công bất ngờ trên truyền hình, đặc biệt là bộ phim được đề cử giải Emmy “Right to Die” đóng với Michael Gross.

Bà cũng xuất hiện trong hai vở nhạc kịch Broadway, nhận được nhiều lời khen ngợi cho màn trình diễn xuất sắc trong “Woman of the Year”, “Victor/Victoria” và chứng tỏ khiếu hài hước trong các phim như “Legally Blonde” (2001), trong đó bà đóng vai một góa phụ giàu có mắc bệnh thần kinh. Năm 2010, Welch xuất bản hồi ký “Raquel: Beyond the Cleavage”. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Miami Herald, bà khẳng định “Tôi không xin lỗi vì những gì mình làm trên màn ảnh như nữ thần nhục thể!”. Bà nhấn mạnh: “Tôi sẽ mãi mãi là quý cô quyến rũ, giống như Julie Andrews mãi là nhân vật Mary Poppins của chị ấy. Nó theo bạn mọi lúc mọi nơi”.

Raquel Welch trong ‘100 Rifles’, 1969 (ảnh: Silver Screen Collection/Getty Images)

Sinh ra trong gia đình bình thường

Là con đầu trong gia đình có ba người con, Welch (có tên khai sinh Jo-Raquel Tejada) sinh tại Chicago ngày 5 Tháng Chín 1940. Cha bà là kỹ sư hàng không vũ trụ gốc Bolivia, còn mẹ là người Mỹ gốc Anh, làm trợ lý điều hành tại nhà sản xuất đồ chơi Mattel. Welch lớn lên trong một ngôi nhà lộn xộn ở khu La Jolla của thành phố San Diego.

“Gia đình tôi không có chuyện âu yếm nhau, kể cả giữa cha và mẹ” – bà viết trong hồi ký – Tôi không nhớ có lần nào nhìn thấy cha tôi hôn hay nắm tay mẹ tôi, một khao khát về sự dịu dàng và lãng mạn mà tôi muốn được trải nghiệm ngay từ khi còn bé”. May mắn, âm nhạc trên radio dường như xoa dịu người cha. “Tôi hát theo là để ông vui. Cha tôi cũng đưa tôi đi xem phim và tôi bị mê hoặc tức thời bởi những bộ trang phục cầu kỳ trong các phim như ‘Hamlet’ với Laurence Olivier đóng vai chính và ‘Prince of Foxes’ với Tyrone Power” – bà nhớ lại.

Raquel Welch trong ‘The Biggest Bundle Of Them All’, 1968 (ảnh: Metro-Goldwyn-Mayer/Getty Images)

Welch ghi danh học diễn tại một nhà hát địa phương. Bà cũng học múa ballet và tham gia các cuộc thi sắc đẹp từ lúc còn bé và giành các danh hiệu Hoa hậu La Jolla, Hoa hậu San Diego và Maid of California. Welch làm nữ phát thanh viên dự báo thời tiết tại đài truyền hình San Diego một thời gian và năm 1959 kết hôn với James Welch, người yêu thời trung học của bà.

Raquel Welch trong ‘Hannie Caulder’, 1971 (ảnh: Silver Screen Collection/Hulton Archive/Getty Images)

Họ có hai con trước khi ly thân nhưng Welch vẫn giữ họ của ông khi đi vào thế giới biểu diễn. Bà làm người mẫu một thời gian ngắn ở Dallas trước khi chuyển đến Los Angeles để diễn xuất trong bộ phim nhạc kịch “Roustabout” (1964) với ông hoàng nhạc rock Elvis Presley và những bộ phim nhỏ khác. Vào thời điểm đó, bà đang kết bạn tình với nhà báo Patrick Curtis, người sau này trở thành chồng bà và cùng làm ăn chung. Khi nữ diễn viên Ursula Andress bỏ vai chính trong “One Million Years BC”, Welch bước vào thay thế.

Sau khi ly hôn Curtis, bà có những cuộc hôn nhân khác với nhà văn kiêm nhà sản xuất người Pháp André Weinfeld, và chủ nhà hàng Richard Palmer nhưng cũng chia tay. Nhiều thập niên sau khi chụp bức ảnh mở đầu sự nghiệp điện ảnh, Welch có nhiều cảm xúc lẫn lộn khi nhìn lại mình trong bộ bikini thời tiền sử. Bà nói với tờ Herald: “Nhìn vào ‘cô ta’ lúc này tôi có những cảm xúc khác nhau trong những ngày khác nhau. Có ngày, tôi nói ‘Ồ, cô ấy là ai?’, nhưng ngày khác tôi lại nghĩ ‘Có điều gì đó ghê gớm đối với cô gái có đôi chân dang rộng và đôi tay sẵn sàng này?’…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: