Dọc đường quê hương  

Minh họa: Mickey O’neil/Unsplash

Với người Việt mình, thịt gà từ lâu đã được xếp vào loại cao cấp hơn so với các loại thịt khác như thịt heo, thịt bò, thịt vịt, hoặc cá… cho nên trong các dịp lễ tết hoặc tiệc tùng, cưới hỏi người ta thường dùng thịt gà. Tuy nhiên không hẳn vì thế mà thịt gà hiếm hoi hoặc mắc mỏ mà ở bất cứ nơi đâu người ta cũng dễ dàng tìm thấy gà được bày bán. Có khi là ở những cửa hàng ăn uống sang trọng, có khi  là một chiếc xe hàng ăn bán dạo treo lủng lẳng mấy con, có khi chỉ là một quán cơm bụi lề đường…

Thịt gà ngon và được ưa chuộng nhiều nên nó có mặt hầu hết trong thực đơn của các quán hàng. Nào là cháo gà, miến gà, phở gà, gỏi gà, cơm gà, xôi gà… Thôi thì đủ loại gà: gà ta đi bộ, gà tam hoàng, gà quý phi, gà công nghiệp… Bây giờ còn có thêm gà dân tộc “gà đen” tức là  giống gà của người H’mông ở Tây Bắc, chưa kể món đặc sản “gà ác tiềm thuốc Bắc” nữa. Có vẻ như không ăn nhập gì khi viết về Bình Giã mà lại đi nói toàn về gà. Sở dĩ phải nói vòng vo như vậy bởi với người viết thì gà Bình Giã là số một, là đệ nhất trong các loại gà thịt. Nên người viết muốn mượn hình ảnh con gà làm cầu nối nói đến Bình Giã.

Về mặt địa lý, Sài Gòn cách Bình Giã khoảng 120km. Qua cầu Sài Gòn chạy dọc theo xa lộ 1A tới ngã ba Vũng Tàu, rẽ phải quốc lộ 51 là đi Vũng Tàu. Bạn cứ đi thẳng một lèo đến ngã ba Bà Rịa, rẽ trái là đi Bình Giã. Ngay tại cổng chào Bà Rịa có quán “5 Cua”, bạn có thể ghé vào xơi tại chỗ vài con vì cua ở đây rất to, chắc thịt mà giá cả lại phải chăng.

Ở Bình Giã có rất nhiều món ăn nhưng gà ta là ngon nhất. Có thể do nhiều yếu tố tạo nên: thổ nhưỡng, thức ăn nuôi gà hoặc giống gà… nhưng rõ ràng là thịt gà ở đây không giống như gà ở chỗ khác: thịt trắng mềm, thơm và đặc biệt là lớp da vàng ươm vừa dai vừa dòn sần sật. Có lẽ vì thế mà các quán ở Sài Gòn hiện giờ đua nhau bán gà Bình Giã, ở đâu cũng thấy quảng cáo gà Bình Giã, Ngãi Giao, dù không biết đâu thật đâu giả. Nhưng cứ tin thôi, và tôi mỗi khi có dịp đi ăn thì vẫn chọn một quán gà Bình Giã mà ghé vào.

Minh họa: Jeremy Bishop/Unsplash

Một chiều tan tầm, sau giờ làm trên đường về, bất chợt cơn mưa đổ xuống. Sẵn đói bụng, tôi vội tấp vào một quán ăn ven đường. Trong phút chốc, một đĩa gỏi gà xé phay có rắc lên một ít lá chanh, bày ra trước mặt. Tôi ngồi ăn mà nghĩ miên man.

Bình Giã quê tôi, dải đất miền biển Long Hải êm ả, hiền hòa. Con người ở đây sống với ý chí, nghị lực phi thường. Cuộc sống của họ là biển. Biển cho họ cuộc sống, cho họ tất cả, biển như một người mẹ hiền ấp ủ và nuôi dưỡng đàn con. Song đôi lúc người mẹ hiền này cũng nổi cơn thịnh nộ trút lên đầu những đứa con tội nghiệp sự trừng phạt giận dữ…

Bình Giã là vùng đất thân yêu mà gia đình tôi gắn bó suốt nhiều chục năm. Vùng đất này còn để lại trong tôi những ký ức không thể quên của tuổi thơ nghịch ngợm cùng lũ trẻ trong xóm. Khi trường thành, tôi có dịp đi qua nhiều vùng đất như Bình Thuận, Phan Rang, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Huế… Ấy vậy mà tôi vẫn không thể nguôi ngoai nỗi nhớ quê, với Bình Giã, Minh Đạm, Ngãi Giao – những cái tên thân thuộc cứ lần lượt vang lên trong lòng. Những cái tên hiện ra cùng hình ảnh người dân quê tôi thân thiện, hiền hòa…

Và tôi nhớ đến cô gái năm xưa mà chúng tôi từng có nhiều năm quen biết. Chúng tôi biết nhau trong một dịp nhà trường tổ chức buổi họp mặt các thế hệ học sinh nhân ngày Nhà giáo 20 Tháng Mười Một. Tôi học trên cô ấy nhiều lớp, khi tôi học xong cấp Ba ra trường rồi đi làm thì cô mới bước vào cấp Hai. Đó là lần đầu tiên tôi trở lại trường cũ sau nhiều năm xa cách. Ngôi trường năm xưa đã xây mới hoàn toàn thành ba tầng khang trang với lớp sơn màu xanh ngọc tạo cảm giác nhẹ nhàng. Kiểu kiến trúc mới hình vuông khép kín cho phép các tầng, các hành lang liên thông với nhau. Ngoài các phòng học thì còn có đầy đủ các phòng chức năng: phòng thí nghiệm, phòng vi tính, phòng thực hành sinh vật, phòng multimedia…

Trong buỗi lễ họp mặt lần đó, ban tổ chức xếp dọc lối vào sảnh trong sân trường hai hàng cựu nữ sinh với đồng phục áo dài đủ màu sắc tay cầm hoa vẫy chào quan khách cùng các cựu học sinh. Cùng mấy người bạn đi vào sảnh, tôi bỗng chú ý một cô gái xinh xắn dáng nhỏ nhắn, da hơi ngăm, đang tươi cười vẫy bó hoa trên tay. Chỉ một thoáng qua rồi chúng tôi đi vào trong sân. Đến lúc vào trong hội trường thì lại gặp cô ấy phụ trách tiếp tân, thế là tôi lại có dịp “đụng độ”. Lúc này tôi mới có dịp lân la làm quen và biết được B.Q vừa mới ra trường và đang học nghề may.

Trong lúc nói chuyện tôi mới có thời gian ngắm kỹ hơn, Q có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to đen láy với đôi mi cong, sống mũi thẳng, làn da bánh mật với hai gò má ửng hồng và hai bàn tay cứ đan chặt vào nhau, cử chỉ ngại ngùng. Nghe nói trước kia cô lọt vào “top ten” hoa khôi của lớp và của trường, có nhiều chàng trai theo đuổi nhưng chưa ai lọt vào vòng trong. Bất giác tôi chợt nghĩ nếu trong số đó có tôi thì chắc tôi cũng rớt từ vòng gởi xe rồi.

Buổi họp mặt kéo dài khoảng hai tiếng và kết thúc bằng những tiết mục văn nghệ. Lại một lần nữa cô gái xuất hiện với ca khúc Vùng lá me bay. Với chất giọng trầm ấm da diết khiến cả hội trường lắng đọng, tôi nghe mà liên tưởng như mình đang đi giữa hai hàng cây với tiếng lá me xào xạc. Sau này tôi được biết sở dĩ cô ấy chọn bài này vì ngôi trường nằm trên đường rợp bóng me và quan trọng hơn là vì… Q rất thích ăn me.

Thế rồi sau hôm đó chúng tôi liên lạc và xem nhau như anh em. Tôi với Q có chung sở thích là cà phê, mỗi khi có dịp đi cà phê là tôi đều mua thêm một ly rồi ghé qua nhà đưa cho Q. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau, đi uống cà phê hoặc đi ăn chút gì. Tình cảm của chúng tôi chỉ vậy thôi mà hình bóng đó đã khắc ghi trong tim tôi cho đến tận bây giờ.

Sau này vì hoàn cảnh mà gia đình tôi đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống và cũng từ đó liên lạc giữa chúng tôi cũng thưa dần, rồi nhạt nhòa theo năm tháng. Bẵng đi một thời gian dài, qua một người quen, tôi được biết cô ấy kết hôn với một Việt kiều và định cư ở Mỹ.

Thiết nghĩ trong mỗi chúng ta đều có một quê hương, một nơi chốn và một ai đó để trộm nhớ thầm thương. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết “Khi ta đến đất là nơi ta ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Thật vậy dù đã xa quê, xa người thân, xa bạn bè và xa cả những kỷ niệm, nhưng mỗi khi nhắc đến thì lòng tôi luôn trào dâng những cảm xúc khó tả. Chắc chắn ngày nào đó không xa, tôi sẽ về thăm Bình Giã để tận mắt nhìn thấy quê hương, để được ngâm mình trong làn nước biển trong xanh ấm áp, để được trò chuyện với những người dân hiền hòa, chất phác…

Bỗng văng vẳng bên tai tôi câu hát: “Quê hương ơi Việt Nam nước tôi, tôi mong ngày về từng phút từng giây. Quê hương tôi nằm cạnh biển khơi, cho tôi tiếng khóc từ khi ra đời”…

Utah – Một buổi chiều

21 Tháng Bảy 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: