Đọc “Văn Học Quốc Ngữ Thời Đầu & Miền Nam Lục Tỉnh”

Một tác phẩm của Nguyễn Vy Khanh
Ông Nguyễn Vy Khanh (ảnh: vanchuongviet.org)

Gần hai thập niên nay cái tên Nguyễn Vy Khanh đã rực sáng trên vòm trời văn học Việt Nam tại hải ngoại về lãnh vực biên khảo và phê bình văn học. Quyển sách mới nhứt của ông là “Văn Học Quốc Ngữ Thời Đầu & Miền Nam Lục Tỉnh” do nhà Nhân Ảnh Hoa Kỳ xuất bản năm 2021. Sách dầy 598 trang gồm 20 đề mục, không phân chia làm Chương, Phần mà chỉ tập hợp các bài viết đăng rải rác trên các tạp chí từ trước, cộng thêm một số nhận định mới về văn học của tác giả.

Nguyễn Vy Khanh sanh ngày 5-3-1951 tại Vĩnh Phước, Quảng Trạch, Quảng Bình. Cử nhân giáo khoa Triết Tây (1973), hoàn tất học trình Cao học Triết Tây (1975) Đại học Văn khoa Sài Gòn; đặc biệt tốt nghiệp thủ khoa ban Việt-Hán khóa 13 (1971-1974) Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau khi tị nạn chánh trị tại Canada, ông tốt nghiệp Cao học Thư viện và Khoa học Thông tin (Đại học Montréal, 1978), chuyên viên thư viện ở Quốc hội và chánh phủ Québec từ 1978 ở Québec city và Montréal. Hiện sống hưu ở Toronto, Canada. Về tác phẩm đã xuất bản của ông, độc giả có thể tham khảo ở các trang mạng Internet cũng như ở bìa bốn cuốn sách này.

Tác phẩm “Văn Học Quốc Ngữ Thời Đầu & Miền Nam Lục Tỉnh” là cuốn Biên khảo thứ 10 của Nguyễn Vy Khanh.

Đây là cuốn sách tôi vô cùng tâm đắc bởi tiểu sử của tác giả, bởi sự đồng điệu ở nội dung, chủ đề của tác phẩm. Nguyễn Vy Khanh chắc sanh ra trong một gia đình khá giả, được may mắn sống chung với cha mẹ ở thủ đô Sài Gòn để sôi kinh nấu sử, không nặng nợ áo cơm nên “đường vân trình” rộng bước thênh thang như đã dẫn trên. Phải là người thông minh xuất chúng, có ý chí cầu tiến, cộng thêm “số đỏ”, sinh viên Nguyễn Vy Khanh mới chiếm được mỗi năm một mảnh bằng danh giá.

Chưa hết, ra hải ngoại, sau khi tạm ổn cuộc sống, ông tốt nghiệp Cao học Thư viện và Khoa học Thông tin (1978) rồi trở thành chuyên viên thư viện từ năm 1978 cho đến khi về hưu. Ngoại trừ nhiều bài viết đăng rải rác đây đó, trong khoảng thời gian “nở rộ” về văn nghiệp (1997-2021), ông đã trình làng 10 cuốn sách biên khảo, dịch thuật và nhận định văn học có giá trị- trong đó có cuốn sách đồ sộ và nặng ký: “44 Năm Văn Học Việt-Nam Hải Ngoại” (7 tập, thực hiện chung với Khánh Trường và Luân Hoán; San Jose CA: Mở Nguồn, 2019).

Có thể nói trong ba yếu tố quyết định hoặc tác động đến sự thành bại của một đời người: Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa, Nguyễn Vy Khanh đã chiếm trọn. Và ở lãnh vực nào, ông cũng thành công. Nhiều người cho rằng, ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975, Nguyễn Vy Khanh là đệ tử ruột của GS Nguyễn Văn Trung. Điều này hoàn toàn đúng. Bởi lẽ ông đã tắm gội trong dòng suối ngọt ngào của tình nghĩa thầy-trò, tiếp nhận, thừa hưởng trọn vẹn “y bát” của GS Nguyễn Văn Trung, từ trong nước ra tới hải ngoại, như được đỡ đầu để soạn Luận án Cao học Triết Tây, được chuyển giao nhiều tài liệu quý hiếm mà nếu có tiền muôn bạc vạn cũng không thể nào sở hữu được.

Trong khoảng thời gian gần 20 năm công tác tại các Thư viện ở Montréal và Québec, với môi trường vô cùng thuận lợi, hằng ngày trong giờ làm việc, Nguyễn Vy Khanh đã hít thở không khí sách, làm bạn với sách nên nghiền ngẫm, nung nấu ý chí trở thành một nhà biên khảo phê bình văn học. Do vậy, độc giả sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi thấy ông đã trình làng một loạt 10 cuốn sách như đã kể.

Trừ Lời nói đầu, tập sách gồm 20 đề mục, mỗi đề mục là một mảnh vụn văn học được tác giả khéo lồng ghép một cách có dụng ý, tập trung vào trọng tâm của chủ đề. Có người cho rằng nhà phê bình là “kẻ đọc giùm” (Thiếu Sơn), cũng là kẻ “đồng sáng tạo” (GSTS Đỗ Lai Thúy) khi đã bắt mạch cái đồng điệu, cái xúc động tột cùng, như nhận xét của một nhà văn Pháp: “Văn chương trước hết là sự xúc động”.

Tôi mạo muội làm cả hai việc, khi thì đọc giùm, khi thì đồng sáng tạo bởi cái đồng điệu với tác giả. Đọc lướt qua quyển sách do tác giả đích thân mang đến nhà trao tận tay với lời đề tặng: “Quý tặng nhà Nam học Nguyễn Kiến Thiết. Montréal 30-7-2021” có cả chữ ký và dấu triện son đỏ để “thêm duyên”, tôi có cảm giác như lạc vào “Vườn Hoa Văn Học” với những kỳ hoa dị thảo, đủ loại sắc màu! Tôi phải mất cả tháng trời để ngắm nghía, tìm hiểu, thưởng thức những loài hoa chưa hoặc đã có tên có tuổi đan xen giữa hương đồng cỏ nội lẫn vương giả đài các. Cho phép tôi được nói lên một vài cảm nghĩ của mình được lần lượt thể hiện dưới đây sau khi khám phá nhiều bông hoa đầy hương sắc.

Trong Lời mở đầu, tác giả khiêm tốn cho rằng cuốn sách này “không phải là một công trình phê bình văn học hay văn học sử đúng nghĩa” mà chỉ là “ghi lại một số cảm tưởng về một số hiện tượng văn hóa, văn học, về một số tác giả và tác phẩm, về khuynh hướng của một thời cũng như nhận định, cổ võ những cố gắng làm mới văn học và dân tộc của một số tác giả, của một vài tập thể” (tr.9). Để hiểu phần nào nội dung của tác phẩm, ngoài Lời mở đầu, độc giả có thể lướt qua Mục lục và tham khảo các đề mục, chẳng hạn như:

-013 Văn-Học chữ quốc-ngữ thời đầu; -061 Miền Nam khai phóng; -107  Miền Nam đạo lý; -141 Văn-học yêu nước;-201 Tiếng Việt qua một số tác-phẩm chữ quốc-ngữ thời đầu; -225 Báo-chí từ thời bình minh văn-học chữ quốc-ngữ đến buổi qua phân 1954; -325 Về Nguyễn Đình Chiểu và lý-luận văn-học; -335 Trương Vĩnh Ký và các tác-phẩm văn xuôi tiền-phong; -381 Huình Tịnh Paulus Của; -407 Trương Minh Ký; -427 Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu-Chánh và Ảnh hưởng Âu-Tây trong thể-loại tiểu-thuyết thời đầu (…); -569 Đôi nét về Văn-học Công Giáo Việt-Nam, v.v…

Trong bài nhận định này, tôi chỉ chú trọng đến các đề mục mình lấy làm tâm đắc. Ngay Lời mở đầu, tác giả xác định Văn học miền Nam một phần được giới hạn ở tính “miền Nam lục-tỉnh” để từ đó đưa ra một số nhận định như sau (chúng tôi chép nguyên văn các chữ viết hoa, chữ nghiêng và các gạch nối- đôi khi chưa được thống nhứt):

-Văn-học chữ quốc-ngữ đã khởi đầu từ Miền Nam Lục-tỉnh (Nam kỳ, Cochinchine), từ 1869 với Gia Định Báo- là tờ báo chữ Quốc-ngữ đầu tiên ở Việt-Nam, từ ngày 15-4-1865.

-Nền văn-học chữ quốc-ngữ này xuất hành từ báo chí: các truyện kể, truyện ngắn, thơ, vè, bút ký, nghị luận đã xuất hiện trên các báo thời đầu này trước khi được xuất bản và được gọi là tác phẩm văn học:

Tác phẩm văn xuôi mang tính văn học đầu tiên được xuất bản là Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký năm 1866, 74 văn bản bằng chữ Quốc-ngữ, sau đó đến tác phẩm của Trương Minh Ký và Huình Tịnh Của;

Tiểu-thuyết chữ Quốc-ngữ đầu tiên được xuất bản là truyện Thầy Lazaro Phiền của tác giả tiên phong Nguyễn Trọng Quản vào năm 1887;

-Văn bản kịch nói đầu tiên được xuất bản là Tuồng Joseph của Trương Minh Ký, vào năm 1887;

-Thể loại tự truyện xuất phát với Chơn Cáo Tự Sự (1910) của Michel Tinh (tr.10).

Để tránh bị hiểu lầm là phân biệt vùng miền, kỳ thị địa phương, tác giả đã biện minh: “Văn-học là một phần quan trọng của văn-hóa và lịch sử một dân tộc và phê bình, nghiên cứu đặc tính địa lý được nhiều nhà phê bình văn học Âu Mỹ xem trọng”, “chúng tôi làm công việc văn-học sử, mục-đích phân tích và nhận định, chớ không nhắm kỳ thị địa phương hay đề cao, hạ giá tác-giả nào cả!” (tr.11).

Là dân Nam Kỳ Lục tỉnh chánh hiệu đã từng hít thở không khí văn chương miền Nam, tôi lấy làm tâm đắc bởi cái đồng điệu với tác giả qua biện minh vừa dẫn nhằm lấy “cái riêng”, cái đặc thù ở từng vùng miền để đóng góp vào “cái chung” – tức kho tàng văn hóa chung của dân tộc. Trong quyển Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam in năm 1972, tôi có viết: “Ca dao miền Nam cũng đã chen vai thích cánh với ông cha miền Trung, miền Bắc trong sứ mạng xây dựng tòa lâu đài văn hóa bình dân Việt Nam” (tr.279).

Và trong bài T Dạ Cổ Hoài Lang Đến Vọng C, tôi đã nhận định: “Tìm hiểu những nét độc đáo của âm nhạc miền Nam trong đó có bài Vọng Cổ là tìm hiểu tâm hồn, tánh cách của dân tộc ở một vùng đất mới để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc của cả nước Việt Nam thân yêu” (Thời Báo ngày 23/06/2006). Tôi đã say sưa đọc từng chữ, từng câu mấy trăm trang những đề tài mình thích thú, từng nghiên cứu và không quên ghi vội những cảm xúc nhứt thời. Tôi đoán chắc tuyển tập sách thứ 10 của nhà biên khảo họ Nguyễn với cái nhìn mới mẻ, khoa học, sử dụng nhiều nguồn tư liệu quý hiếm để “nói có sách, mách có chứng” sẽ làm hài lòng các độc giả khó tánh và mang nặng đầu óc địa phương.

Nguyễn Vy Khanh đã “nhứt quán” trong việc khẳng định “miền Nam đi trước”, mọi lãnh vực đều “khởi sự/khởi xướng ở miền Nam”: Từ báo chí, tác phẩm văn xuôi, tiểu thuyết rồi thơ, thơ mới, dịch thuật (đặc biệt truyện Tàu) đến văn nghệ kháng chiến, tự truyện, kịch nói (còn gọi thoại kịch- NKT),… nhứt nhứt đều bắt đầu tại Miền Nam Lục tỉnh bằng dẫn chứng xác đáng với tinh thần nghiêm cẩn khoa học. Xin dẫn vài thí dụ cụ thể:

*Nguyễn Vy Khanh: “Miền Nam đã có tờ Gia-Định Báo được xem là tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc-ngữ” (tr. 63). “Miền Nam đã tiếp nhận văn hóa Tây-phương sớm hơn miền ngoài”, “Nguyễn Hữu Hào viết truyện Song Tinh, là tác phẩm văn học dài hơi đầu tiên của miền đất mới và cũng là tiểu-thuyết văn vần đầu tiên của Việt-Nam” (tr.62). “Chính miền Nam là đất nẩy mầm, bắt gốc của báo chí, tiểu thuyết văn xuôi và cả phong trào Thơ Mới mà các sách văn học sử xuất bản từ gần thế kỷ nay thường bỏ qua hoặc đánh giá không đúng mức” (tr.62-63).

Phong trào Thơ Mới cũng đã xuất phát từ Sài-Gòn” (tr.64). “Kháng chiến chống Pháp khởi xướng ở miền Nam-bộ” (tr.54). “Miền Nam kháng chiến trước miền Bắc hơn một năm!” (tr.147). Tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên là truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản xuất bản năm 1887 “không được nhiều nhà văn học sử trước nay nhắc tới và sự đóng góp của tác giả Nguyễn Trọng Quản đã không được đánh giá công bằng” (tr. 69).

Ngoài ra, ông còn trích dẫn một số nhận định của một số nhà văn, nhà biên khảo khác trong tập sách này:

*Vũ Ngọc Phan trong bộ Nhà Văn Hiện Đại (1941- tr.37) đã nhìn nhận: “Người Nam kỳ là những người Việt-Nam đã dùng chữ Quốc-ngữ trước nhất” (tr.75).

*LM Thanh Lãng trong Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam, Quyển Hạ (1967- tr.32) đã xem Trương Vĩnh Ký là “ông tổ văn học mới”, “bậc chỉ đạo của thời này, là linh hồn của thế hệ 1862, ông thầy khai đường mở lối cho thế hệ đến sau tức thế hệ 1913” (tr.77).

*Nguyễn Văn Xuân trong tập Khi Những Lưu Dân Trở Lại (Thời Mới xuất bản, Sài Gòn 1969) đã nhận ra rằng “miền Nam vốn có một địa vị văn nghệ và có ảnh hưởng sâu rộng trong quảng đại quần chúng lan tràn đến cả miền Trung lẫn miền Bắc” (tr. 78-79). Ông nhận định từ năm 1862 đến 1932 thì miền Nam đã vọt lên vai trò tiền phong của cả hai miền: “Định lại giá trị văn học miền Nam, chính là trở về sự thật, chính là biết tỏ lòng yêu quý và lo lắng cho đời sống tinh thần của dân miền Nam trong hoàn cảnh hiện tại, đó là lực lượng chủ yếu của mọi thăng trầm” (tr.79).

*Phan Khôi trong “Chữ Quốc-ngữ ở Nam Kỳ với thế lực của phụ nữ”. Phụ-Nữ Tân-Văn, số 28, 7-11-1929, tr.8-10 đã khẳng định: “Tôi muốn nói xứ Nam Kỳ là thầy dạy chữ Quốc-ngữ cho cả và dân Annam cũng không phải là quá đáng” (tr.590).

*Nguyễn Kiến Thiết tôi xin mạo muội góp thêm một số nhận định để biểu đồng tình với tác giả:

-Trong bài “Từ Một Tấm Ảnh Cũ Nhớ Về Đông Hồ” đăng trên Đặc san Giáo chức Xuân Quý Tỵ 2013, khi đề cập đến Truyện Song Tinh, tôi có viết: “Truyện Song Tinh được xem là truyện thơ nôm đầu tiên của văn học viết Việt Nam đến nay còn lưu truyền văn bản (…) Đây là tập truyện ra đời trước cả Truyện Kiều khoảng 100 năm”.

-Trong Luận án Cao học Văn chương Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam in năm 1972, tr.159, tôi có trích Tô Ngọc – một tác giả miền Bắc đăng trên báo Chọn Lọc số 51: “Đi tiên phong trong phong trào dịch truyện Tàu phải nói tới mấy ông Nam kỳ- Sách của nhà Tín Đức Thư Xã”.

-Tôi cũng từng đề cập đến truyện Thầy Lazaro Phiền (xuất bản năm 1887) trong giáo trình giảng dạy Văn chương Việt Nam ở Đại học Cần Thơ và Đại học Hòa Hảo từ năm 1974. Tiếc rằng các bản thảo đã bị thất lạc trong chuyến vượt biển không thành công vào tháng 7/1987.

*Một vài góp ý:

Để đáp ứng lời mời gọi của tác giả: “Chúng tôi mong tiếp tục được quí độc giả chỉ giáo những sai lầm và thiếu sót…” (tr.11), tôi không dám “chỉ giáo” nên có vài góp ý:

Về Thơ và phong trào Nói thơ. Nguyễn Vy Khanh đã nhận xét về truyện Lục Vân Tiên: “Lục Vân Tiên đơn sơ gần gũi người đọc hơn là truyện Kiều phức tạp, bác học” và cho rằng “Truyện của Nguyễn Đình Chiểu được viết ra để đọc và có thể nói nặng phần trình diễn hơn là để ngâm nga, tra cứu một mình” (tr.82).

Ông có đề cập đến một số chữ dùng rất đắc như: “thơ”, “nói thơ Vân Tiên” (chú thích trang 333) mà không nhấn mạnh đến phong trào “nói thơ” rộng khắp Nam kỳ. Đặc biệt đối với  các tập thơ có nội dung phản kháng chế độ – như Thơ Sáu Trọng, Thơ Thầy Thông Chánh, khiến thực dân Pháp phải ra lịnh tịch thâu các cuốn thơ đã xuất bản, cấm lưu hành tàng trữ và cấm chỉ triệt để những ai nói thơ.

Tôi đã viết trong Luận án dẫn trên: “Thơ, đối với người bình dân miền Nam, là những bài văn vần, thể lục bát (…). Người bình dân miền Nam rất sành điệu nói thơ Vân Tiên” (tr.161). Trong Nam không ai nói “ngâm thơ Vân Tiên” mà chỉ nghe “nói thơ Vân Tiên”. Giai điệu Nói thơ cũng nằm trong hệ thống ngũ cung oán và ít nhiều chịu ảnh hưởng điệu hát bài chòi ở Bình Định. Trước năm 1975, một số nhà văn, nhà nghiên cứu văn học đã đề cập đến hai tập thơ bình dân này.

Chẳng hạn Phạm Long Điền viết “Hai Tập Thơ Bình Dân Đã Làm Rung Rinh Chế Độ Thực Dân Miền Nam Vào Đầu Thế Kỷ 20” (Bách Khoa, số ra ngày 30/7/1974); Nguyễn Văn Hầu với bài “Thơ Trong Phong Trào Nói Thơ Miền Nam Với Một Số Tác Phẩm Mang Tính Chất Đối Kháng” (Bách Khoa, phát hành ngày 19/10/1974). Ngoài ra, học giả Vương Hồng Sển và nhà văn Sơn Nam cũng có nói tới các tập thơ kể trên, nhưng “trích dẫn một cách chắt mót”.

Trong những chuyến đi “điền dã” sưu tầm văn hóa dân gian ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tôi có sưu tập vài trăm câu thơ Thầy Thông Chánh với các đoạn rời rạc, chắp vá. Giai phẩm Văn Học, số đặc biệt Chế Lan Viên ra ngày 20/8/1974, ông Nguyễn Hữu Hiệp (?) đã giới thiệu gần như trọn vẹn Thơ Thầy Thông Chánh (262 câu thơ lục bát). Sau 1975, Huỳnh Ngọc Trảng trong Vè Nam Bộ (nhà xuất bản TP HCM, 1988) có giới thiệu chưa đầy đủ tập Thơ Thầy Thông Chánh này.

Một nhà văn hóa bị bỏ quên. Về giai đoạn Văn Học Miền Nam 1954-1975 (tr.91-101), khi phân loại ba dòng văn học tại miền Nam, trong đó có một (dòng) thuần Nam, họ Nguyễn đã liệt kê 10 tác giả “từ Trương Vĩnh Ký qua Hồ Biểu Chánh… Thanh Việt Thanh” (tr.92). Hình như ông đã quên một nhà văn, nhà sưu khảo nổi tiếng thời bấy giờ. Đó là Nguyễn Bá Thế (1925-1996) bút hiệu Nhất Tâm, Thế Nguyên, Nam Xuân Thọ, người Cần Thơ, đã có gần 30 đầu sách do nhà Tân Việt và Nguồn Sáng xuất bản tại Sài Gòn.

Năm 1973, ông còn Chủ biên tạp chí Miền Tây Thăng Hoa được ba số thì đình bản bởi biến cố tháng 4/1975. Chưa hết, nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế còn là tác giả hai bộ sách giá trị: Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Trung Quốc. Đây là những công trình tâm huyết được ông bắt tay biên soạn từ lúc ông 30 tuổi (1955), mãi đến 20 năm sau mới hoàn thành (1975). Vì nhà nghèo không đủ phương tiện xuất bản, lại thêm quá tin người nên hai bộ sách quý của ông lần lượt bị thiên hạ “đoạt” gần hết.

Chỉ nói về bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam được nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành lần đầu tiên năm 1991 (1094 trang), sau đó tái bản hơn mười lần. Oái oăm thay tác giả lại là Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế (ông Thế đứng sau ông Thắng). Tôi quen nhà văn hóa Nguyễn Bá Thế từ trước năm 1975 lúc về giảng dạy ở Đại học Cần Thơ. Có lần tôi chở ông trên chiếc xe gắn máy đến viếng mộ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Bấy giờ ông đi đứng không vững và lãng tai nặng. Phải kề miệng sát lỗ tai và nói lớn tiếng ông mới nghe được.

Trải qua bao cuộc bể dâu, chúng tôi mới được dịp tái ngộ trong khoảng thời gian từ 1976 đến 1986 (có gián đoạn vài năm). Cứ vài ba tuần tôi đến gặp người bạn văn vong niên để mạn đàm thế sự, bàn luận văn chương. Bấy giờ ông hoàn toàn không còn khả năng nghe được nên chỉ trò chuyện qua bút đàm. Có lần ông đem bản thảo hai bộ sách ấy ra “khoe” với tôi và ước ao được xuất bản. Mỗi tập bản thảo dầy cả ngàn trang giấy học trò với nét chữ mực tím nhỏ nét nghiêng nghiêng đều đặn, có cả chữ Hán.

Lúc ấy tôi và gia đình đã “đăng ký” xuất cảnh nên không dư dả. Để gián tiếp giúp ông trong tinh thần Lá rách ít đùm lá rách nhiều, tôi trả chút đỉnh thù lao để học Luận đoán Tử vi và nài nỉ “thỉnh” một số sách. Sau nhiều lần từ chối, ông chỉ nhận một ít thù lao vì ông quá tốt bụng và vì cái tình văn nghệ. Tôi còn giữ thủ bút và chữ ký của ông qua Luận giải bốn lá số Tử vi của bốn đứa con trai tôi cũng như trên mấy quyển sách (ghi nguyên văn theo thứ tự): “Trao về Bạn Nguyễn Kiến Thiết kỷ niệm đời văn (ký tên) Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế 28/10/1980”.

Để đáp lại tấm tình tri ngộ, tôi có sáng tác tại chỗ bài thơ thất ngôn ghi trên tờ giấy nháp, nay đã thất lạc. Tôi cố moi trong trí nhớ còm cõi để soạn lại bài thơ đã “thất bổn” và đưa vào quyển Những Trang Văn Đời Tôi do nhà Văn Học Mới Hoa Kỳ xuất bản năm 2021 tựa đề Với Bạn Văn Tặng Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế (tr.127 ). Có dịp tôi sẽ viết tương đối đầy đủ về vấn đề này sau khi liên lạc được cháu Nguyễn Thị Băng Trinh – ái nữ cũng là người gìn giữ sự nghiệp văn học của nhà sưu khảo.

May mắn làm sao, tôi đã liên lạc được cháu Nguyễn Thị Băng Trinh qua một cựu môn sinh Đại học Cần Thơ. Chính Băng Trinh đã cho phép Nguyễn Văn Nở sao chụp trong Quyển sổ lưu niệm của nhà sưu khảo, bài thơ do Trúc Lan tôi sáng tác để dành tặng người bạn văn vong niên ngày 16/9/1976 nhân dịp đến thăm ông. Bài thơ lịch sử tình bạn ấy như sau:

Với Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế

Tôi đến nhà anh, trời đổ mưa

Xem qua tác phẩm*- sánh sao vừa!

Đời anh là cả đời văn nghiệp

Nên sính văn – mà cũng rất ưa thơ.

Mưa xuống thật nhiều, mưa thật lâu

Anh – tôi trao đổi thật tâm đầu 

Xưa, anh sáng tác không ngừng nghỉ

Nay, phải làm gì cho mai sau

“Tâm sự Thế Nguyên, ai có thấu

Nỗi lòng Nguyễn Bá Thế, biết ai hay?

Còn non, còn nước, còn người,

Còn tôi mến mộ đời đời Nhất Tâm”**.

Cần Thơ, chiều 16.9.76

Trúc Lan (N.K.T.)

Vì sợ lẫn lộn trong đống “tàng thư”, ông Nguyễn Bá Thế đã ghi tên họ tác giả: Nguyễn Kiến Thiết.

*Xem qua tác phẩm: xem qua bản thảo hai bộ sách : Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt NamTừ Điển Nhân Vật Lịch Sử Trung Quốc.

**Bốn câu thơ cuối này được đưa vào tập thơ Một Kiếp Tằm Tơ của Nhất Tâm, xuất bản năm 1996, tr.54. Tên tác giả là Nguyễn Kiến Thiết (thay vì Trúc Lan).

Một số nhà xuất bản và tạp chí văn học bị bỏ quên. Cũng trong giai đoạn văn học 1954-1975 này, nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh có nhắc tới một số nhà xuất bản và nhiều tạp chí thuộc dòng văn học “miền Nam cộng hòa”. Nhưng ông quên kể đến các nhà xuất bản như: Tân Việt (in nhiều đầu sách của Nguyễn Bá Thế, Nhất Tâm, Thế Nguyên, Nam Xuân Thọ); và Cánh Bằng (in hàng loạt sách “Xưa và Nay” của Huỳnh Minh- trong đó có nhiều đầu sách do Nguyễn Bá Thế soạn nhưng không được đứng tên tác giả).

Nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh mặc dầu biết rõ những người điều hành nhưng không hiểu sao quên kể đến tạp chí Nghiên Cứu Văn Học bộ cũ (1971) do nhà văn Thế Nguyên (nhóm Trình Bày) làm Thư ký Tòa soạn, và bộ mới (1971-1972) do Tổng Thơ ký Tòa soạn Nguyễn Kiến Thiết phụ trách. Cả hai bộ đều do LM Thanh Lãng Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.

*****

Văn Học Quốc Ngữ Thời Đầu & Miền Nam Lục Tỉnh là một tập sách có giá trị, sử dụng nhiều nguồn tư liệu quý, hiếm được soạn thảo công phu- đặc biệt vô số chú thích với tinh thần nghiêm cẩn khoa học “nói có sách, mách có chứng” của chuẩn… học giả Nguyễn Vy Khanh. Một quyển sách nên có trong Tủ Sách Gia Đình của những ai yêu quý sách- đặc biệt là các nhà nghiên cứu phê bình văn học, các nhà viết văn học sử.

Tôi lấy làm sung sướng có trong tay tập sách này. Tôi cũng vô cùng tâm đắc bởi sự đồng điệu với tác giả, mặc dầu họ Nguyễn không phải xuất thân từ Nam Kỳ Lục tỉnh nhưng đã nói lên nỗi đau đáu khôn nguôi của mình: “Cả một thế hệ văn học bị bỏ quên” (tr.89).

Tóm, xin mượn nhận định của nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh để kết thúc bài này: “Chúng tôi viết bài này đưa ra một số sự kiện bị bỏ quên cũng như những thiếu sót, bất công trong quá khứ với hy vọng công việc viết văn học sử Việt-Nam từ nay và về sau sẽ công bằng hơn, “của Cesar trả cho Cesar” và đối với công lao người đi trước, kẻ hậu sinh cần phải biết ơn, ghi nhận. Độc giả đọc bài này, xin vô tư, đừng thiên kiến, đừng kẻ thắng kẻ thua, đừng phe phái, bỏ chiếu trên chiếu dưới, hãy quên mình gốc Bắc hay Nam, hãy rời xa những “quan điểm Tống Nho”, “văn-hóa Bắc Hà” ,… sẽ không thấy chúng tôi lý luận vì mặc cảm hoặc kỳ thị địa phương” (tr.99).

Montréal (Canada)

_____________

Tác giả Nguyễn Kiến Thiết là cựu Giáo sư Văn chương Đại học Cần Thơ (trước năm 1975), Tiến sĩ Văn chương năm I Đại học Văn Khoa Sài Gòn (1974-1975), cựu Tổng Thơ ký Tòa soạn Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học 1971-1972 (Chủ nhiệm: GS Thanh Lãng). Giáo sư Nguyễn Kiến Thiết đã có ba cuốn sách xuất bản:

Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam. Luận án Cao học Văn chương Việt Nam, ĐH Văn Khoa Sài Gòn, 1972;

Nguyễn Đăng Gia Phả (đồng tác giả với Nguyễn Trọng Dũng), nhà xuất bản Thuận Hóa Huế, 2021;

Những Trang Văn Đời Tôi, nhà xuất bản Văn Học Mới Hoa Kỳ, 2021.

Và ông dự định xuất bản cuốn sách thứ tư, tựa đề Những Mảnh Vụn Văn Học do nhà Văn Học Mới Hoa Kỳ thực hiện, 2022.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: