Hình minh họa: bui-thanh-tam-unsplash

Em nhỏ hơn tôi đúng hai tuổi. Chúng tôi cùng chào đời vào Tháng Ba, cách nhau hai ngày. Hồi nhỏ, chúng tôi trông sàn sàn nhau. Mạ chúng tôi thường may sắm cho hai đứa cùng lúc, từa tựa nhau. Tôi được bộ đồ có hình trái lê, em được hình trái táo. Nhưng em cũng có những ý thích riêng của mình. Mạ dẫn hai đứa ra hàng giày dép. Tôi chọn đôi dép màu ngà, không nổi, không chìm. Em chọn đôi dép quai màu hồng tươi chói chang, nổi bật trên bàn chân ham chạy nhảy, da giang nắng, đen thùi lui. 

Suốt tuổi thơ, hai chị em có nhiều sinh hoạt chung, khắng khít bên nhau. Hai đứa bé con tưởng tượng mình là ca sĩ, vũ công, dùng kim băng, găm bốn góc của hai cái khăn tắm trên vai làm áo dài. Chúng tôi trình diễn hoạt cảnh có người con gái buông tóc thề, yểu điệu vuốt mái tóc… bum bê cụt ngủn. Hát múa chán chê, chúng tôi chuyển qua nấu nướng. Bộ nồi niêu chén bát đồ chơi bằng nhôm bé tí là gia sản quý báu của hai chị em.

Cây trứng cá trong vườn cung cấp đầy đủ “thực phẩm” cho bếp núc chị em tôi. Trái trứng cá non xanh là bầu, trái chín đỏ là cà chua, lá cây là thịt bò. Chúng tôi òn ỉ xin Mạ chút cơm nguội bỏ vào nồi, bắt lên bếp nhôm, hai chị em phì phò đun củi lửa tưởng tượng nấu cơm. Chúng tôi đơm cơm vào chén, làm điệu bộ chan canh bầu và gắp thịt bò xào cà chua. Hai chị em sung sướng lùa mấy hột cơm khô queo vào miệng. Ôi, bữa ăn trẻ thơ sao ngon lạ lùng. 

Hình minh họa: annie-spratt-unsplash

Ăn xong, hai chị em mở trường dạy học. Đám học trò là những con thú bằng nhựa. Cô giáo say sưa giảng bài, lũ học trò thú nhựa nằm ngồi ngổn ngang. Tôi làm cô giáo thị uy la rầy, em tôi lồng tiếng cho con khỉ nhựa học trò vội vàng dạ thưa, làm học trò ngoan ngoãn. Hết giờ dạy học, hai chị em ra vườn trồng trọt. Thời tiểu học, chúng tôi không để ý những hoa lá “sang trọng” như hoa ngọc lan, trà mi…

Chúng tôi chăm bẳm cây hoa “bình dân” mồng gà màu đỏ thẫm. Bởi, cây hoa mồng gà cho chúng tôi cơ hội phát triển “tài năng”. Chúng tôi lấy hoa đã già, lảy hạt nhỏ đen bóng, li ti như hạt é, cẩn thận gieo hạt đó đây trong vài ngóc ngách của vườn. Bận rộn chơi ô quan, đánh đũa cách mấy, hai chị em cũng không xao nhãng vườn tược. Khi thấy những cây mồng gà con mọc nhu nhú, hai chị em vui mừng, ngắm nghía công sức của mình. Sau này, chúng tôi biết, cây mồng gà rất dễ trồng, hạt rơi, cây tự động mọc lên, chẳng cần đến sự tiếp sức của chúng tôi.  

Những trò chơi chạy nhảy, em thường có “kỹ năng” cao hơn tôi. Lúc chơi u mọi, tôi bị phe kia bắt, em u u hơi thiệt dài, mạnh dạn xông vào cứu tôi. Chân cẳng thoăn thoắt, em nhảy cao, nhảy xa rất ngoạn mục khi chơi đi chợ, về chợ, nhảy cò cò, nhảy dây… Tôi vào mẫu giáo, bắt đầu học vần.

Rồi vào tiểu học, bắt đầu tập đọc. Tuy sau hai tuổi, em vẫn đồng hành với tôi. Nghe tôi học bài, em chăm chú nhìn tôi, bắt chước đọc theo. Tôi đọc đến đâu, em đọc theo đến đó, mặc dù em chẳng biết mặt chữ. Lên trung học, chúng tôi chơi chung bạn bè của nhau. Tôi theo em và các bạn cùng lớp em đạp xe ra biển Phú Thọ. Em theo tôi và bạn bè cùng lớp tôi đi cắm trại ở Lái Thiêu. 

Năm 1975, Ba bị đi cải tạo, nhà cửa bị tịch thu, gia đình tứ tán. Mạ thu xếp cho chúng tôi từ từ vào Sài Gòn với hai chị lớn. Mạ cân nhắc cho tôi vào Sài Gòn trước, vì tôi sắp sửa xong trung học. Em là út gái, ở lại Quảng Ngãi với Mạ, phụ giúp Mạ buôn bán hàng cơm ở bến xe và bới xách thăm nuôi Ba trong trại cải tạo. 

Hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn. Tết năm 1977, ở Quảng Ngãi chỉ còn Mạ với em. Anh kế của tôi đi làm xa, tận mãi trên núi Trà Bồng. Mạ mở hàng cơm suốt năm để có thu nhập đều đặn thăm nuôi Ba và chu cấp cho bầy con ở Sài Gòn. Mạ nghỉ bán chỉ mỗi ngày Mồng Một tết. Sang Mồng Hai, chưa có khách ăn cơm, Mạ bán chè. Nghe tin Mệ nội mất ở Huế, Mạ tức tốc đón xe về quê cho kịp làm đám tang. Tiền bạc eo hẹp.

Đầu năm Mạ ngại, không dám hỏi mượn tiền ai. Mạ chỉ gởi gắm em với gia đình hàng xóm. Mạ nấu sẵn 30 chén chè nếp đậu phụng có gừng, dặn em bày bán, để có tiền tiêu trong mấy ngày Mạ vắng nhà. Ở với Mạ thêm một năm, em bị chính quyền địa phương làm khó dễ, việc học hành muôn vàn trắc trở, có nguy cơ thất học. Em đành phải xa Mạ, xa Quảng Ngãi, vô Sài Gòn ở với các chị em. 

Hình minh họa: daiga-ellaby-unsplash

Qua Đức, hai chị em trở lại trường trung học để lấy tú tài. Chúng tôi xin nhà trường cho ở chung phòng trong ký túc xá. Hai chị em học khác lớp, nhưng vẫn luôn bên nhau trong nhiều sinh hoạt. Chơi vũ cầu trong sân sau của trường. Rủ nhau đi xem phim xưa ở rạp xi nê của làng. Tham gia những buổi disco dã chiến của học trò trong ký túc xá…  

Ngày tháng trôi qua, tôi lập gia đình. Vài năm sau, em cũng ra riêng. Chúng tôi vừa đi học, vừa gầy dựng gia đình nhỏ của mình. Ngoại trừ người anh cả du học từ năm 1971, vợ chồng em là người đầu tiên trong họ hàng mua nhà ở Đức. Như có sự sắp đặt của Ơn Trên, Ba Mạ và hai thằng em út dọn vào ở chung với gia đình em, trong ngôi nhà mới mua.

Ông bà Ngoại đã có được những năm tháng hạnh phúc, vui vầy bên bầy cháu ngoại. Nhà của vợ chồng em là nơi hội ngộ của đại gia đình. Thời gian Mạ lâm bệnh, thường xuyên ra vào bệnh viện và cần chăm sóc đặc biệt, em đã xin bớt giờ làm việc. Mỗi tuần em làm việc bốn ngày, dành một ngày trống để có thể đưa Mạ lui tới bác sĩ.

Chồng em ghé vai gánh việc lo cho ba đứa con, để em yên tâm chăm sóc Mạ. Bầy con mười đứa của Ba Mạ ở rải rác từ cực Bắc xuống cực Nam nước Đức. Chúng tôi thay phiên nhau vào những cuối tuần, ngày lễ, hoặc lấy ngày phép thường niên để về lo cho Mạ. Nhưng em vẫn là người gần Mạ nhiều nhất. Đã bao lần, nửa đêm, nửa hôm, em ngồi trong xe cấp cứu theo Mạ vào bệnh viện.  

Hai chị em có cuộc sống riêng của gia đình nhỏ, với chồng, với con. Nhưng chúng tôi vẫn có những lúc “sống chung”. Biết sở thích của nhau, thấy hoa lan đẹp, tôi mua hai chậu, cho em, cho tôi. Em đi coi triển lãm hàng mỹ nghệ, thể nào cũng tìm món quà đặc biệt cho tôi.

Hơn nửa thế kỷ trước, hai chị em tôi, hai mái đầu xanh ríu rít bên nhau trong niềm vui trẻ thơ. Ngày nay, tóc trên đầu của cả hai, muối đã lấn tiêu, chúng tôi vẫn có những dịp rù rì kể chuyện nọ, chuyện kia. Hơn hai chục năm, vì công việc, tôi ở cách xa em gần 500 cây số. Bây giờ, duyên lành đưa đến, tôi dọn nhà, hai chị em ở gần nhau. Thả bộ mười phút, chúng tôi gặp nhau, để ngồi tán gẫu hàng tiếng đồng hồ, để trao đổi chậu hoa xinh xinh, để trình làng món ăn mới học…

Mới đây, có dịp bốn chị em gái đi chơi chung. Chúng tôi chụp hình cho nhau. Em kể, em khoe tấm hình của tôi với các bạn. Trong hình, tôi đội mũ lát, ngồi nghiêng nghiêng, không rõ mặt. Các bạn em khen xinh, em cười cười: “Không phải tao đâu. Đó là hình chị tao mà.” Tôi mỉm cười, chợt nhớ chuyện ngày xưa của em. Lúc xong tiểu học lên trung học, học trò có lệ tặng ảnh, gọi là để làm kỷ niệm những ngày xa nhau... Hồi ấy, em đã lấy hình tôi tặng cho bạn em. Đó, mấy chục năm sau, em vẫn là nhỏ em ngồ ngộ, đáng yêu ghê chưa.    

 Mừng sinh nhật em. Cám ơn Ba Mạ, ngày này mấy chục năm trước đã mang em vào đời. Cám ơn em luôn tô những màu sắc hài hòa lên bức tranh gia đình. Chúc em được những ngày tháng trước mặt rộn ràng niềm vui, tiếng cười. Em tận hưởng cuộc sống an lành trong ngập tràn yêu thương của gia đình nhỏ, của gia đình lớn, của bạn bè, của nhân gian… nhé em tôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: