‘Em và Trịnh’: Tác phẩm hư cấu thất bại

Danh ca Thanh Thuý: 'Trong đời đi hát đến nay, tôi chưa bao giờ mặc sườn xám'

Tờ New York Times năm 1983 đã có cả một bài phê bình đánh giá về phim The Thorn Birds, phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Colleen McCullough. Tuy tác giả John J. O’Connor (cố gắng) rất trung lập, nói rằng “phim điện ảnh và truyền hình có xu hướng đơn giản hóa để làm cho mọi thứ dễ tiếp cận hơn” nhưng qua cách phân tích tác giả không giấu quan điểm là phim chưa làm bật lên được hồn của tiểu thuyết dù đạo diễn không hề hư cấu nguyên bản.

Lấy The Thorn Birds để dẫn nhập vì tôi muốn đưa một quan điểm riêng ngay từ đầu: Em và Trịnh là một cuốn phim hư cấu và thất bại hoàn toàn về mặt giá trị nghệ thuật lẫn giải trí.

Sài Gòn …/…/198…

Trưa hè của những năm 1980, trong căn gác mái tôn, sàn ván gỗ, tiếng hát Khánh Ly nằng nặng, khàn đục phát ra từ chiếc radio màu đỏ hai băng cassette. Tôi nhớ rõ, chỉ cần mở hai cánh cửa sổ đã tróc sơn, bạc màu là cái nóng hừng hực bên ngoài lùa vào. Nhưng nếu không mở cửa, thì căn gác lại mát rượi bên trong. Tôi nằm dài trên ván gỗ, vừa đọc tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh, vừa nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh. Không phải tôi, mà là má tôi mở băng cassette. Một đứa học sinh cấp II dưới mái trường “Xã hội chủ nghĩa” như tôi lúc đó đã biết thả hồn theo lời ca “màu nắng hay là màu mắt em”, hoặc tương tư một hồn phố cổ trong “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”, hoặc nghe các Ca khúc Da vàng để hình dung lần nằm xuống của ông ngoại sau khi ông “đã bay cao trong vòm trời đầy”, để hình dung về một phong trào đấu tranh sinh viên học sinh mà tôi chỉ được nghe kể lại.

Lứa bạn bè chúng tôi thời đó chép tặng cho nhau những lời văn ướt át kể về “người con gái đi qua hàng cây long não.” Những buổi tan học chúng tôi đạp xe song song, chạy qua những con đường rợp bóng cây, trời mưa cũng mặc kệ, cứ để “Ướt mi” cho biết như thế nào. Những giờ chơi ngồi túm tụm trên ghế đá, nhìn xác phượng để rồi khe khẽ “đường phượng bay mù không lối vào.”

Chúng tôi lớn lên với những bản tình ca và ca khúc phản chiến đó, hoàn toàn không (chưa) có cơ hội để biết, hiểu về những gì phía sau cánh cửa âm nhạc “bốn mùa như gió bốn mùa như mây” ấy. Cái tên Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, đối với chúng tôi, như một tính từ để diễn đạt một thời học trò hoa mộng.

Thời gian trôi. Chúng tôi lớn lên mỗi đứa một phương. Lần đầu gặp lại sau nhiều năm là đêm nhạc tưởng nhớ ngày mất của nhạc sĩ tổ chức ở Hội Ngộ Quán (Bình Quới) năm 2008. Đêm đó trăng to tròn. Khán giả ngồi quanh sân khấu gỗ ngoài trời, có người mang theo ghế nhựa, quạt tay. Những ca khúc trong đêm đó được đệm bằng tiếng guitar thùng không phá cách, hoà âm không “điêu luyện” xập xình, tiếng hát cũng không uốn nắn, phô diễn như bây giờ, nhưng ru hồn người nghe. Lúc đó, chúng tôi đã đủ lớn để biết chắc chắn như thế. Nhà thơ Đỗ Trung Quân làm người điều hợp, từ tốn, tuyệt đối không “xin một tràng pháo tay” nào từ khán giả.

Đó là nhạc Trịnh Công Sơn mà chúng tôi đã biết. Chất mộc mạc, đơn giản của ca từ “ngôn trung hữu hoạ” cùng với giọng hát khàn đục muôn thuở của Khánh Ly đã chạm đến góc khuất của biết bao thế hệ, trong đó có thế hệ của chúng tôi.

Hoa Kỳ, 21 Tháng Sáu, 2022

Tôi không (chưa) có cơ hội xem ‘Em và Trịnh.’ Nếu có, tôi cũng không đi. Trước tiên, tôi muốn giữ mãi cho mình một dòng chảy thật êm đềm, một thời mộng mơ của đám bạn chỉ nhìn thấy cơn mưa rào rớt ngang cũng thổn thức, một Sài Gòn đầy ắp kỷ niệm của thời áo trắng. Thực tế, trailer của phim đã sai ngay từ những giây đầu tiên. Ngay phần mở đầu, đã sai sự thật.

“Ông Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đưa cô về đến đầu ngõ” – nữ ca sĩ hát ca khúc “Ướt mi” thật ngoài đời nói như thế. Bà nhẹ nhàng nhưng không giấu được sự thất vọng: “Đó là thời gian mẹ cô mới mất. Cô để tang mẹ, đi hát chỉ mặc toàn áo dài trắng và đen. Cả đời, cho đến nay chưa bao giờ mặc áo sườn xám và búi tóc như thế.” Tôi biết thêm, bà rất “kỵ” hình ảnh một nam, một nữ đi về trong ngỏ hẽm mờ ảo như thế.

“Đó không phải là cô. Trước khi làm phim họ có nhờ một nhạc sĩ bên này hỏi về trang phục của cô lúc đó. Cô nói hết. Vậy mà cuối cùng họ làm phim như thế. Cô không hiểu được. Đó là một cô gái sành sõi nào đó chứ không phải ca sĩ Thanh Thuý.”

Những ca khúc để đời của Trịnh Công Sơn trong trailer không gợi lại cho (chúng) tôi cái thời hoa mộng cũ, cũng không làm sống lại được sự thổn thức mà tôi từng có khi nghe Cát Bụi từ cuộn băng cassette trong căn gác gỗ vào buổi trưa năm nào. Tiếng nói rặt Huế, dáng vẻ gầy gò với gọng kính “theo kiểu” Trịnh Công Sơn không làm cho tôi nhìn thấy được ông nhạc sĩ tôi đã được một lần khoanh tay cúi chào trong quán cà phê Văn ở Sài Gòn thập niên 1980.

Danh ca Thanh Thuý: ‘Trong đời đi hát đến nay, cô chưa bao giờ mặc sườn xám. Đó không phải là cô. Trước khi làm phim họ có nhờ một nhạc sĩ bên này hỏi về trang phục của cô lúc đó. Cô nói hết. Vậy mà cuối cùng họ làm phim như thế. Cô không hiểu được. Đó là một cô gái sành sõi nào đó chứ không phải ca sĩ Thanh Thuý.”

Cô Mai có đôi mắt kẻ chì tô đậm cùng mái tóc dài đó không làm cho tôi liên tưởng đến “nữ hoàng chân đất” tôi từng nhìn thấy trong các bìa nhạc cũ của má tôi, càng không phải cốt cách của người tôi được gặp trong lòng thủ phủ của người Việt tỵ nạn. Những đoạn đàn hát của Trịnh và Khánh Ly trong trailer không làm cho (chúng) tôi nhìn thấy dư âm một thời của họ mà tôi được biết qua lời kể của những người trong cuộc.

Từ cuộc gặp gỡ tình cờ ở phòng trà Night Club vào một đêm mưa dầm ở Đà Lạt năm 1964 cho đến cuộc tao ngộ vào buổi chiều năm 1967, trong một quán café đơn sơ với nền gạch cũ, được dựng lên ở phía sau trường đại học Văn khoa Sài Gòn, tên gọi quán Văn, giọng hát khàn đục ‘ma mị” cất lên những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Bên dưới, đầy kín những sinh viên ngồi bệt trên nền đất, ngây ngất hoà cùng những tình khúc Trịnh và ca khúc Da Vàng.

Phân cảnh Trịnh Công Sơn cầm tay Dao Ánh chạy băng băng giữa phố phường làm cho tôi nghĩ đó là một ‘hot boy’ trong clip ca nhạc hơn là nhạc sĩ của “Ướt mi”. Đôi mắt mê dại, bần thần của “Trịnh” trong phim nhìn Dao Ánh, xin được gửi thư cho nàng khi về B’lao làm cho tôi nghĩ đó là một anh chàng si tình đang ngửa tay xin trái tim của người đẹp. Đôi mắt “chết vì gái” đó không thể nào thốt lên được lời nguyện nhẹ nhàng “ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau.”

Chỉ bấy nhiêu thôi, 2 phút 32 giây của đoạn trailer cũng sẽ làm cho tôi đóng cánh cửa “xem thử cho biết” nếu có cơ hội. Chẳng trách một trong các nhân vật “Em” của phim đã thẳng thắn nói “Quí vị cứ đi xem nếu… dư tiền” trong lần trả lời phỏng vấn báo chí vừa qua. Vì sao? Vì “Hư cấu ai cũng được, nhưng tại sao lại có tôi thì tôi cũng không hiểu, vì tôi còn đang sống sờ sờ đây” – Khánh Ly đã nói như thế. “Tôi đã có một Trịnh Công Sơn thật ngoài đời, vậy cần gì phải xem thêm một hình tượng hư cấu.”

Thời gian qua, diễn đàn mạng xã hội, báo chí nói rất nhiều về ‘Em và Trịnh’. Càng gây tranh cãi, phim càng hút người xem – những người tò mò muốn biết “người ta nói thế đúng hay sai” hoặc “Em của Trịnh Công Sơn như thế nào”? “Nữ hoàng chân đất” là người lên tiếng mạnh mẽ nhất. Bà không ngần ngại nói với báo chí những quan điểm bất bình của mình, thấy “uổng cái công của những người bỏ tiền ra làm phim.” (Nguyễn Mạnh Hà)

Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Có người nói rằng, thiên hạ đi xem ‘Em và Trịnh’ vốn muốn xem đạo diễn đã “biết” và tả các cuộc tình của Trịnh Công Sơn như thế nào? Nhưng họ đã lầm. Nói đúng hơn, khán giả bị lừa gạt. Vì tất cả người tình của Trịnh Công Sơn đã được chính ông giới thiệu qua âm nhạc và ca từ của âm nhạc. Người tình của ông, ai cũng có “dáng vai gầy guộc nhỏ,” có những “ngón tay gầy nên mãi ru trên ngàn năm”, có “bàn tay xanh xao đón ưu phiền”, có ngón dài chạm đoá hoa hồng vừa tàn hôn lên môi…

Ca sĩ Bảo Yến từng nói về Trịnh Công Sơn thế này:

“Điều đầu tiên tôi muốn nói là anh có rất nhiều người tình. Ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Buôn Mê Thuột… nơi nào anh cũng có. Nhưng “người tình” của anh nên được đặt trong ngoặc kép vì nó không giống như khái niệm người tình của mọi người. Đối với anh, “người tình” chỉ là một nàng thơ để anh có thêm nhiều ý tứ trong sáng tác. Trong cuộc đời anh, những cái bắt tay đã là ít thì những cái áp má lại càng hiếm hoi. Mà với anh thì chỉ đến như thế đã là thân mật lắm thì làm sao có được kiểu người tình theo cách nghĩ của mọi người được. Từ cô Diễm với cái cổ cao được đưa vào bài “Diễm xưa” đến những người phụ nữ sau này, tôi chắc chắn rằng với họ anh chỉ có một tình yêu hoàn toàn trong sáng.”

Những người có nhiệm vụ ‘PR’ cho ‘Em và Trịnh’ đã quên (cố tình hay không biết hay không nhận được sự đồng ý?) hai nhân vật chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong trái tim đa sầu đa cảm của nhạc sĩ. Quan trọng đến mức ông đã từng tâm sự với một người bạn nhạc sĩ vào năm 1991 khi người này về nước thăm ông: ‘Toa biết mình đang yêu một cô gái.” Cả hai nhân vật này đều giữ im lặng tuyệt đối từ khi ‘Em và Trịnh’ được công bố. Khi một người nhìn thấy sự việc đang diễn ra là sai đến mức lố bịch, thì thông thường họ sẽ phản ứng bằng sự im lặng.

Những người làm ‘Em và Trịnh’ đã quá tự tin để dựng lại một nhân vật của công chúng, hơn nữa là một nhân vật “gây tranh cãi.” Không chối cãi nghệ thuật là sáng tạo, là phải “out of the box”, nhưng đó không thể nào là sự sáng tạo dựa theo “trí tưởng tượng về một con người có thật”. Thảm hại hơn, có cả trí tưởng tượng về những người còn sống.

Những người làm ‘Em và Trịnh’ đã quá chủ quan để gom góp tình tiết trong hai cột mốc họ “cho là” quan trọng nhất trong cuộc đời của Trịnh Công Sơn. Nhưng, họ KHÔNG BIẾT một chi tiết đã dẫn đến khoảng đời “nát rượu” sau này của ông, một cột mốc thời gian quyết định tất cả những cay đắng, tủi nhục ông phải chịu cho đến ngày làm cát bụi – đó là một tháng trước ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Phim càng gây tranh cãi thì người ta càng lũ lượt đi xem. Đó là thành công lớn nhất và duy nhất của ‘Em và Trịnh.’ Đổi lại, là một thất bại không hề nhỏ về giá trị của một ekip làm phim – những người (có thể) đã nghe nhạc Trịnh Công Sơn và CHƯA từng một lần diện kiến Trịnh Công Sơn cũng như các “Em” của ông.

‘Em và Trịnh’ – một cuốn phim hư cấu thất bại!

____

ĐỌC THÊM

Làm phim về Trịnh Công Sơn – yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: