Những Đứa Trẻ Không Cần Người Lớn Dắt Đi

Trong ấn bản Kid of the Year 2020, ngoài câu chuyện thú vị về khoa học gia nhí Gitanjali Rao 15 tuổi, TIME cũng thuật thêm một số gương mặt nhí độc đáo với không chỉ tài năng đặc biệt mà còn có tấm lòng nhân ái tuyệt vời…

Tyler Gordon, 14 tuổi, San Jose, California

Học sinh năm nhất trung học Tyler Gordon đối mặt nhiều thách thức hơn một số người trải qua trong đời. Em phải dùng xe lăn gần hai năm sau khi bị gãy xương chân và hông vì thiếu vitamin D. Em bị điếc bẩm sinh và phải trải qua cuộc phẫu thuật năm 5 tuổi nhằm giúp hồi phục một phần thính giác. Dù vậy, em vẫn nói lắp. Ở trường tiểu học, em bị bắt nạt nhiều đến mức hầu như không dám nói chuyện với ai. “Cháu trốn chạy bằng cách im lặng; cháu chỉ gật đầu hoặc trỏ tay. Cháu rất sợ” – Nicole Kindle, mẹ của Gordon, kể.

Thế rồi năm 10 tuổi, Gordon tìm thấy tiếng nói nghệ thuật. Sau khi xem mẹ vẽ, em quyết định thử và giành giải nhất cuộc thi nghệ thuật của trường với bức chân dung vẽ hiệu trưởng. Trong bốn năm kể từ đó, em đã vẽ hơn 500 bức về những biểu tượng người da đen, những người đã truyền cảm hứng cho mình; gần đây nhất là Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris, người đã gọi cho em ngay trước Lễ Tạ ơn để nói rằng em “thật tuyệt vời” và “tài năng”. Gordon nói: “Đôi khi cháu không thể nói và không thể diễn tả bằng lời, vì vậy cháu nói bằng nghệ thuật”. Vẽ tranh giúp em vượt qua sự bắt nạt, điều mà đến tận giờ em vẫn trải qua. Đầu năm nay, em đã mất một chiếc răng cửa trong một sự cố liên quan bắt nạt. “Nghệ thuật giúp cháu đưa tâm trí đến một nơi khác. Cháu không muốn tiếp tục nghĩ về những khoảnh khắc tương tự trong suốt phần đời còn lại của mình”.

Bước đột phá lớn của em đến vào năm 2018, khi bức chân dung ngôi sao bóng rổ NBA Kevin Durant lan truyền và lọt vào mắt xanh của mẹ cầu thủ. Bà mua nó với giá 300 USD. Thế là nhiều người nổi tiếng kêu gọi ủng hộ. Trong số ngôi sao mà em vẽ và gặp gỡ có Janet Jackson, Kevin Hart, Jennifer Lopez và Alex Rodriguez. Năm 2019, một bức chân dung nhóm Central Park Five đã thu về hơn 100.000 USD trong cuộc đấu giá và em giành được Giải thưởng Thần đồng Toàn cầu (Global Child Prodigy Award) năm 2020.

Hè vừa qua, sau cái chết George Floyd, Gordon đã sử dụng tranh để nâng cao nhận thức về những nạn nhân từ sự bạo hành cảnh sát, trong đó có nạn nhân Elijah McClain, 23 tuổi, người cũng có nhu cầu đặc biệt về nghệ thuật (Elijah McClain bị cảnh sát chẹn cổ chết vào tháng 8-2019). Các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông và tham gia diễn thuyết cuối cùng đã giúp Gordon chống lại nỗi sợ nói trước đám đông. Em tổ chức các lớp học vẽ trên mạng vào thứ Tư hàng tuần trên Instagram, nơi em tự hào có gần 50.000 người theo dõi. Bà Kindle nói: “Từ khi cháu bắt đầu vẽ, tôi không thể bắt cháu ít nói lại. Nó chẳng còn sợ nói lắp nữa”. Giờ đây, bằng cách tạo nên và khởi động nền tảng trực tuyến riêng cho các video hướng dẫn có tên “TongueTye’d”, em hy vọng mình có thể chỉ cho những đứa trẻ khác cách vượt qua thử thách với nghệ thuật.

Jordan Reeves, 14 tuổi, Columbia, Missouri

Với Jordan Reeves, sự khác biệt về một cơ thể không hoàn chỉnh đã giúp em hình dung ra một thế giới dễ tiếp cận hơn. Nhà thiết kế kiêm nhà hoạt động 14 tuổi này được sinh ra với cánh tay trái ngừng phát triển bên dưới khuỷu, một khiếm khuyết ngoại hình đã giúp khơi dậy niềm đam mê thiết kế. Bốn năm qua, Reeves đã tạo ra một bộ phận giả in 3-D dành cho trẻ em có thể phát sáng lấp lánh và phân hủy tự nhiên. Em còn tư vấn cho các công ty như Mattel để tạo ra đồ chơi gắn chi; và thậm chí đồng tác giả một cuốn hồi ký về những gì mình rút ra được khi lớn lên với một cơ thể khuyết tật. Reeves tin rằng thiết kế đẹp là con đường mang lại sức mạnh cho những người khuyết tật. Đó là lý do tại sao em và mẹ đồng sáng lập Born Just Right, tổ chức phi lợi nhuận tôn vinh những đứa trẻ sinh ra với sự khác biệt về thể chất; với mục đích cung cấp nguồn tài nguyên về thiết kế lẫn nguồn STEM (Science, technology, engineering, and mathematics) để chúng có thể tự nghĩ ra các giải pháp.

Em nói: “Rất nhiều trẻ khuyết tật có quan điểm khác về thế giới, vì thế giới không thực sự dành cho chúng cháu. “Chúng cháu có tư duy thiết kế tuyệt vời bởi chúng cháu lớn lên trong một thế giới mà tự thân chúng cháu phải biết giải quyết vấn đề. Đó là một điều khá thú vị”. Một trong những rào cản lớn nhất mà những đứa trẻ đối mặt là sự tự tin để sáng tạo. “Điều quan trọng là phải tin vào bản thân” – em nói. Em tìm thấy sự tự tin với sự giúp đỡ của mẹ, và bằng cách nhìn thấy kết quả tích cực một số việc ban đầu của mình. “[Khi cháu bắt đầu] cháu mới 10 tuổi và cháu đã có thể tạo ra ảnh hưởng. Điều đó thật tuyệt” – em nói. “Hãy làm đi, đừng nghi ngờ bản thân, đừng nghĩ những gì người khác nghĩ – bạn có thể tạo ra thay đổi bất kể lớn hay nhỏ”.

Dù năm 2020 mang đến những thách thức mới, điều đó không khiến Reeves chậm lại. Em đang tổ chức các hội thảo thiết kế kỹ thuật số cho Born Just Right, xuất hiện tại hội nghị United State of Women để vận động cho bình đẳng giới và là người trẻ nhất trong số 30 nhà lãnh đạo toàn cầu được công nhận vào mùa hè này tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày ra đời Đạo luật về người khuyết tật của người Mỹ (Americans with Disabilities Act). Em cũng đồng sáng lập Steam Squad, một tổ chức trực tuyến thu hút trẻ em tham gia vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và nghệ thuật. Tiếp theo: làm việc với Microsoft để thiết kế cây guitar mà bất kỳ ai gặp khó khăn về khả năng vận động đều có thể chơi được. Em nói mình đã được truyền cảm hứng bởi sự bền bỉ của thế hệ mình. “Thật buồn khi biết rằng cháu là một phần của một nhóm người đang nỗ lực hướng tới tương lai (trong khi nhiều người khác vẫn thờ ơ)” – Reeves nói. “Thế giới cần nhiều việc phải làm và điều quan trọng là bạn phải có mặt ở đó để làm nhiều nhất có thể”.

Bellen Woodard, 10 tuổi, Leesburg, Virginia

Bellen Woodard mới 10 tuổi nhưng em đang thực hiện sứ mệnh hòa nhập. Em đã tạo ra dòng bút chì màu riêng với tông màu phản ánh phổ màu da với một mức độ rộng mà em nhìn thấy trên thế giới, để có thể khẳng định mình xứng đáng được nhận danh hiệu nhà hoạt động xã hội bằng bút chì màu đầu tiên trên thế giới. Ý tưởng nảy ra khi một bạn học của Woodard hỏi em về một cây bút chì màu có “màu da”. Woodard, học sinh da đen duy nhất trong lớp, kể rằng em biết người bạn cùng lớp muốn nói đến cây bút chì màu hồng đào. Khi nghe em nói về việc này, bà Tosha Woodard, mẹ em, đề nghị lần sau em nên đưa cho bạn cây bút chì màu nâu. Woodard nói: “Nhưng con không muốn điều đó. “Lần sau con sẽ hỏi các bạn ấy thật sự muốn màu gì vì có thể có nhiều màu khác nhau”. Sau đó, em bắt tay làm bộ 12 bút chì màu “màu da”.

Dù nghiên cứu cho thấy trẻ có thể bắt đầu hiểu và tin các định kiến ​​về sắc tộc từ năm 4 tuổi nhưng một nghiên cứu vào tháng 8-2020 của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Skidmore và Đại học Boston cho thấy rằng cha mẹ thường trì hoãn nói chuyện về chủng tộc với con cái vì họ đánh giá thấp khả năng hiểu khái niệm của trẻ. Bà Tosha cho biết bút chì màu của con gái mình chứng tỏ nó là một công cụ tuyệt vời phù hợp với lứa tuổi để truyền bá thông điệp hòa nhập. Mùa xuân năm 2019, Woodard ra mắt More Than Peach, tổ chức phi lợi nhuận giúp quyên góp bút chì màu và sách vẽ đa văn hóa trị giá hơn 40.000 USD cho học sinh trên toàn quốc. Gói bút chì màu của em đã được thêm vào bộ sưu tập vĩnh viễn tại Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa Virginia.

Woodard nói rằng em rất ngạc nhiên vì tốc độ lan truyền cực nhanh thông điệp của mình. Em chỉ đơn giản nói chuyện với giáo viên về những chiếc bút màu, sau đó câu chuyện được các bạn còn lại trong trường đón nhận; và giờ đây em nhận được các cuộc gọi mời diễn thuyết – và phân phát bút màu – tại các trường học trên toàn quốc. Tháng 3, em nhận được sự công nhận đặc biệt từ cơ quan lập pháp bang Virginia. Bút chì màu của Woodard được đặt tên cho những thứ được tìm thấy trong tự nhiên, chẳng hạn “Sahara”, “San hô”, “Koko” và “Serengeti”; và mỗi loại được dán nhãn “màu da”. “Cháu muốn bút màu mang một mục đích nhất định nào đó” – em nói – “Màu hồng đào là màu da… nhưng nó có phải là màu duy nhất không? Không, không phải vậy. Các sắc thái khác nhau của đào và nâu có thể phù hợp với tất cả mọi người, bao gồm cả cháu, bạn bè và bạn học. Mọi người”.

Ian McKenna, 16 tuổi, Austin, Texas

Khi đang học lớp ba, Ian McKenna nhận ra rằng gần một phần tư trẻ ở trường Austin của mình không có đủ thức ăn ở nhà. Em muốn giúp nhưng các tổ chức tình nguyện địa phương từ chối và nói rằng em còn quá nhỏ. Vì vậy, em quyết định tìm ra giải pháp riêng. Trong nhiều năm, khi cùng làm vườn với mẹ, em nhận thấy người ta thường phát rau thừa cho hàng xóm. Tại sao không biến chúng thành súp? “Sau đó, cháu nghĩ cháu làm vườn giỏi” – McKenna, hiện 16 tuổi, kể: “Có lẽ cháu có thể thử bắt đầu một khu vườn chỉ nhằm giúp nuôi sống những người đang cần giúp đỡ”. Tốt hơn, em nghĩ, tại sao không làm một khu vườn ở trường để những đứa trẻ khó khăn có thể mang thức ăn về nhà?

McKenna thuyết phục trường mình dành không gian cho một khu vườn, sau đó em xin cộng đồng quyên góp hạt giống và thiết bị. Học sinh thì đóng góp thời gian. Trong vòng vài tháng, khu vườn của McKenna đã trồng rau diếp, rau bina, cà chua, dưa chuột và bí cho học sinh và gia đình của họ. Bây giờ, bảy năm sau, dự án McKenna’s Giving Garden đã mở rộng ra năm trường, chưa kể khu vườn ở sân sau nhà của em. Em đã cung cấp hơn 9 tấn sản phẩm hữu cơ (đủ cho 25.000 bữa ăn) cho các gia đình và cửa hàng thực phẩm ở Austin. Khi làm vườn, McKenna luôn mặc chiếc áo thun với màu sắc khác nhau, có logo: HÃY LÀ MỘT NGƯỜI TỐT. Với em, điều đó có nghĩa giúp đỡ bằng mọi cách bạn có thể, bất kể tuổi tác. Em nói, ngay cả nụ cười cũng có thể tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống ai đó. “Nó cho họ biết rằng họ quan trọng. Nó có thể thay đổi một ngày của họ”.

Khi COVID-19 tấn công Mỹ, McKenna nỗ lực gấp đôi, nấu tới 100 suất ăn từ nhà mình để phân phát cho người đói vào cuối tuần, nhằm giúp họ phần nào bớt lo lắng. Khi giãn cách xã hội khiến tình nguyện viên không thể làm việc trên các mảnh vườn cộng đồng, em bắt đầu hướng dẫn trực tuyến và lập đường dây nóng về làm vườn để các gia đình có thể trồng tại nhà. Khi em nhận thấy một số người không biết cách chuẩn bị những loại rau củ hơi khác thường so với loại trong vườn mình, chẳng hạn loại dưa sáp khổng lồ nặng gần 50 kg, em hướng dẫn các lớp học nấu ăn trên mạng (loại dưa này hương vị như bí ngòi). Và dù làm vườn luôn là điều em quan tâm, McKenna cho biết em luôn tìm kiếm những cách mới để giúp những người đói. “Đói không bao giờ hết cả” – em nói – “Vì vậy, cháu sẽ không dừng cho đến khi nó ngưng”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: